Quy định về thủ tục đổi chứng minh nhân dân
Thủ tục đổi chứng minh nhân dân hiện nay được quy định như thế nào?
1. Các trường hợp phải đổi Chứng minh nhân dân (CMND)
Theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 05/1999/NĐ-CP, Mục II.2.a Thông tư 04/1999/TT-BCA, những trường hợp dưới đây phải thực hiện thủ tục đổi CMND:
- Quá thời hạn sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp;
- CMND rách, nát, không rõ ảnh hoặc một trong các thông tin đã ghi trên CMND;
- Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh. Những thay đổi này phải có quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
- Những người đã được cấp giấy CMND nhưng chuyển nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trường hợp chuyển ĐKHKTT trong phạm vi tỉnh, thành phố mà công dân có yêu cầu thì được đổi lại CMND;
- Thay đổi đặc điểm nhận dạng là những trường hợp đã qua phẫu thuật thẩm mỹ chỉnh hình hoặc vì lý do khác đã làm thay đổi hình ảnh hoặc đặc điểm nhận dạng của họ.
Như vậy, nếu thuộc một trong các trường hợp trên, công dân phải thực hiện thủ tục đổi chứng minh nhân dân, trừ trường hợp công dân thuộc diện đối tượng tạm thời chưa được cấp CMND.
Theo Điều 4 Nghị định 05/1999/NĐ-CP và mục I.2 Thông tư 04/1999/TT-BCA, các đối tượng tạm thời chưa được cấp chứng minh nhân dân bao gồm:
a- Đang chấp hành lệnh tạm giam tại trại giam, nhà tạm giữ.
b- Đang thi hành án phạt tù tại trại giam, phân trại quản lý phạm nhân thuộc trại tạm giam;
c- Đang chấp hành quyết định đưa vào các trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;
d- Những người đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác không có khả năng điều khiển được năng lực hành vi của bản thân họ bao gồm người bị bệnh đang điều trị tập trung tại các bệnh viện tâm thần, cơ sở y tế khác. Những người tuy không điều trị tập trung nhưng có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền chứng nhận họ bị bệnh không điều khiển được năng lực hành vi thì cũng tạm thời chưa được cấp CMND”.
2. Hồ sơ
Hồ sơ thực hiện thủ tục đổi chứng minh nhân dân bao gồm:
- Sổ hộ khẩu (xuất trình);
- Ảnh chân dung;
- Đơn đề nghị cấp Chứng minh nhân dân;
- Tờ khai Chứng minh nhân dân;
- Chứng minh nhân dân cũ.
- Chỉ bản (bản in dấu vân tay)
3. Trình tự, thủ tục
Theo điểm b khoản 1 Điều 6 Nghị định 05/1999/NĐ-CP, Mục II.2.c Thông tư 04/1999/TT-BCA, trình tự thực hiện thủ tục đổi chứng minh nhân dân như sau:
Bước 1: Nộp đơn trình bày rõ lý do đổi CMND hoặc cấp lại, có xác nhận của Công an phường, xã, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, ảnh dán vào đơn và đóng dấu giáp lai;
Bước 2: Xuất trình hộ khẩu thường trú (Sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể). Ở những địa phương chưa cấp hai loại sổ hộ khẩu trên Công an nơi làm thủ tục cấp CMND căn cứ vào sổ đăng ký hộ khẩu, chứng nhận đăng ký hộ khẩu thường trú của Công an xã, phường, thị trấn;
Bước 3: Xuất trình Quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép thay đổi đối với những trường hợp thay đổi họ tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh. (nếu có)
Bước 4: Chụp ảnh (như trường hợp cấp mới);
Bước 5: Kê khai Đơn đề nghị cấp Chứng minh nhân dân và tờ khai Chứng minh nhân dân (theo mẫu);
Bước 6: Vân tay hai ngón trỏ có thể in vào tờ khai theo mẫu hoặc cơ quan Công an thu vân tay hai ngón qua máy lấy vân tay tự động để in vào tờ khai và CMND;
Bước 7: Nộp lệ phí
Theo khoản 2 Điều 3 Thông tư số 02/2014/TT-BTC, lệ phí của thủ tục đổi CMND được quy định là:
+ Không quá 9.000đồng/lần cấp.
+ Tại các xã, thị trấn miền núi, biên giới, hải đảo và các khu vực khác, mức thu áp dụng tối đa bằng 50% (năm mươi phần trăm) mức thu quy định đối với cấp chứng minh nhân dân tại các quận của thành phố trực thuộc Trung ương, hoặc phường nội thành của thành phố thuộc tỉnh.
+ Các trường hợp không phải nộp lệ phí: bố, mẹ, vợ (hoặc chồng) của liệt sĩ, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ; thương binh, con dưới 18 tuổi của thương binh; công dân thuộc xã, thị trấn vùng cao theo quy định của Ủy ban Dân tộc.
Bước 8: Nhận giấy hẹn trả CMND
4. Nơi thực hiện
Tại mục II.5 Thông tư 04/1999/TT-BCA quy định về nơi làm thủ tục cấp CMND như sau:
“a. Công dân thuộc diện được cấp CMND hiện đăng ký hộ khẩu thường trú thuộc địa phương nào do công an cấp huyện nơi đó làm thủ tục cấp CMND.” Ngoài ra, trong trường hợp phân cấp thẩm quyền, thủ tục cấp CMND"
có thể được thực hiện tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, công an Tỉnh nơi công dân hiện đăng kí hộ khẩu thường trú.
5. Thời hạn giải quyết
Theo khoản 1 Điều 1 Nghị định 106/2013/NĐ-CP, thời hạn giải quyết thủ tục cấp CMND được quy định:
“Kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ và làm xong thủ tục, cơ quan Công an phải làm xong Chứng minh nhân dân cho công dân trong thời gian sớm nhất, thời gian giải quyết việc cấp Chứng minh nhân dân tại thành phố, thị xã là không quá 07 ngày làm việc đối với trường hợp cấp mới, cấp đổi, 15 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại; tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo, thời gian giải quyết việc cấp Chứng minh nhân dân đối với tất cả các trường hợp là không quá 20 ngày làm việc; các khu vực còn lại thời gian giải quyết việc cấp Chứng minh nhân dân là không quá 15 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp”.
Hiện nay, theo Luật căn cước công dân 2014, Thông tư 51/2015/TT-BCA, chậm nhất đến ngày 01/01/2020, cả nước sẽ thực hiện thống nhất theo mẫu Căn cước công dân, nói cách khác, từ ngày 01/01/2020, CMND vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định song cơ quan có thẩm quyền sẽ dừng cấp CMND. Do đó, những yêu cầu của công dân liên quan đến thủ tục cấp, đổi, cấp lại CMND sẽ không được giải quyết sau thời hạn trên.
Bạn vẫn còn thắc mắc, hay đang gặp rắc rối? Hơn 400 Luật sư chuyên về Dân sự trên iLAW đang sẵn sàng hỗ trợ bạn. Hãy chọn ngay một Luật sư gần bạn và liên hệ với Luật sư đó để được tư vấn miễn phí.
TIN LIÊN QUAN:
Lĩnh vực Hành Chính
Không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm?
Gửi một câu hỏi miễn phí trên diễn đàn công cộng của chúng tôi. Đặt một câu hỏi
Đặt câu hỏi- hoặc -
Tìm kiếm luật sư bằng cách đánh giá và xếp hạng..
Tìm kiếm luật sư