Tội xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác bị xử phạt như thế nào?
Bài viết được tư vấn chuyên môn & chia sẻ kinh nghiệm thực tế bởi Luật sư Nguyễn Hồng Quân.
LUẬT SƯ NGUYỄN HỒNG QUÂN LÀ LUẬT SƯ CHUYÊN GIẢI QUYẾT ÁN HÌNH SỰ, NHÀ ĐẤT. Với phương châm làm việc "chọn việc Đúng - Đáng - Đàng hoàng- Đặt Lợi Ích Khách Hàng Lên Hàng Đầu" kết hợp với bề dày kinh nghiệm trong việc tư vấn, tranh tụng, hỗ trợ pháp lý cho các khách hàng trong các vụ án hình sự, kinh tế lớn.
>> Tư vấn miễn phí với Luật sư Nguyễn Hồng Quân.
Quyền của mỗi người đối với danh dự, nhân phẩm của mình được pháp luật bảo vệ và được thể hiện trong nhiều quy định pháp luật khác nhau, từ đạo luật cao nhất là hiến pháp cho đến các quy định pháp luật chuyên ngành. Nhằm bảo vệ một trong những quyền quan trọng nhất của công dân, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 (Bộ luật Hình sự) mặc dù không có quy định về tội xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, tuy nhiên hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác được quy định tại Điều 155 về tội làm nhục người khác:
“Điều 155. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Theo quy định trên, cấu thành tội phạm của tội này như sau:
1. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 là các cá nhân có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt đến độ tuổi luật định:
“Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”
Như vậy theo quy định trên, đối với tội làm nhục người khác, cá nhân từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi vi phạm.
2. Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội làm nhục người khác là danh dự, nhân phẩm của con người được pháp luật hình sự bảo vệ. Đối tượng tác động của tội này là nhân phẩm, danh dự của người khác.
3. Mặt khách quan của tội phạm
a) Hành vi khách quan
Hành vi khách quan của tội làm nhục người khác là hành vi được thể hiện bằng lời nói hoặc hành động (dùng chữ viết, đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, đưa lên mạng xã hội,...) nhằm xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự của người khác như lăng mạ, chửi rủa,... Người thực hiện hành vi làm nhục người khác với mong muốn cho người bị hại cảm thấy bị nhục nhã. Việc cảm thấy nhục nhã có thể bị tác động bởi nhiều cách thức khác nhau như bản thân người bị hại tự cảm thấy nhục hoặc vì sự đánh giá của xã hội.
Để làm nhục người khác, người phạm tội có thể có những hành vi vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực như: bắt trói, tra khảo, vật lộn, đấm đá hoặc dùng phương tiện nguy hiểm khống chế đe doạ buộc người bị hại phải làm theo ý muốn của mình, nhưng tất cả các hành vi, thủ đoạn đó chỉ nhằm mục đích là làm nhục chứ không nhằm mục đích khác. Nếu hành vi đó lại cấu thành một tội riêng thì tuỳ trường hợp cụ thể người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục và tội tương ứng với hành vi đã thực hiện. Đặc trưng của hành vi này là được thực hiện một cách công khai và trước nhiều người.
b) Hậu quả
Đối với tội làm nhục người khác, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc để cấu thành nên tội phạm. Tội phạm được coi là hoàn thành từ khi người phạm tội có lời nói hoặc hành động xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Tuy nhiên trong thực tế, việc xác định như thế nào là xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác lại là một vấn đề phức tạp, bởi lẽ nó phụ thuộc vào nhận thức và cảm nhận của mỗi người. Có thể đối với cùng một hành vi nhưng có người thấy bình thường, có người lại cảm thấy bị làm nhục. Do đó, nếu chỉ căn cứ vào ý thức, nhận thức của người phạm tội và người bị hại thì chưa đủ để xác định hành vi đó có phạm tội hay không mà còn cần kết hợp với một số yếu tố khác như trình độ nhận thức, phong tục tập quán, địa vị xã hội, dư luận xã hội,... Trong đó dư luận xã hội trong trường hợp này có ý nghĩa quan trọng để xác định trách nhiệm hình sự đối với hành vi của người đó.
4. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội khi thực hiện hành vi làm nhục người khác nhằm xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người bị hại. Tội làm nhục người khác được thực hiện do cố ý, nghĩa là người phạm tội ý thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện. Động cơ của người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội có thể là để trả thù chính người bị hại hoặc người thân của họ, để thỏa mãn thú vui,... Do đó, tội làm nhục người khác không có trường hợp do vô ý.
Bạn vẫn còn thắc mắc? Hơn 400 Luật sư chuyên về Hình sự trên iLAW đang sẵn sàng hỗ trợ bạn. Hãy chọn ngay một Luật sư gần bạn, và liên hệ với Luật sư đó để được tư vấn miễn phí.
THÔNG TIN LIÊN QUAN:
Lĩnh vực Bào chữa
Không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm?
Gửi một câu hỏi miễn phí trên diễn đàn công cộng của chúng tôi. Đặt một câu hỏi
Đặt câu hỏi- hoặc -
Tìm kiếm luật sư bằng cách đánh giá và xếp hạng..
Tìm kiếm luật sư