Thủ tục thừa kế không có di chúc
Theo quy định của pháp luật, khi người chết không có di chúc, di sản của họ sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên, do không có di chúc nên đôi khi người thừa kế gặp khó khăn trong việc thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản được thừa kế, đặc biệt là đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu. Vậy, thủ tục thừa kế không có di chúc được thực hiện như thế nào?
Dựa trên các quy định của pháp luật hiện hành, chia thừa kế theo pháp luật được thực hiện qua các bước sau:
Bước 1: Xác định di sản người chết để lại.
Bước 2: Xác định số lượng người được hưởng di sản theo các hàng thừa kế
Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định những người thừa kế theo pháp luật được xác định theo thứ tự sau đây:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Bước 3: Chia thừa kế
Việc chia thừa kế được thực hiện theo nguyên tắc: những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Tuy nhiên, cần lưu ý đến trường hợp thừa kế thế vị được quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Về mặt nguyên tắc, việc chia thừa kế trong trường hợp này sẽ được thực hiện theo quy định tại Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, những người được hưởng di sản có thể thỏa thuận với nhau về phần di sản mình được nhận, hay nói cách khác là một người có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác, hoặc từ chối nhận di sản thừa kế.
Về hình thức, căn cứ tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 58 Luật công chứng 2014, việc chia thừa kế theo pháp luật phải được lập thành văn bản thỏa thuận phân chia di sản và phải được công chứng. Hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.
Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã công chứng là một giấy tờ có giá trị pháp lý chứng nhận người thừa kế có quyền sở hữu đối với phần di sản được thừa kế. Lưu ý đối với các tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, người được hưởng di sản phải thực hiện các thủ tục chuyển giao quyền sở hữu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được công nhận là chủ sở hữu mới của tài sản và có quyền sử dụng, chiếm hữu, định đoạt tài sản đó.
TIN LIÊN QUAN:
Thời điểm mở thừa kế theo di chúc
Luật thừa kế đất đai không có di chúc
Lĩnh vực Di chúc
Không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm?
Gửi một câu hỏi miễn phí trên diễn đàn công cộng của chúng tôi. Đặt một câu hỏi
Đặt câu hỏi- hoặc -
Tìm kiếm luật sư bằng cách đánh giá và xếp hạng..
Tìm kiếm luật sư