Vay tiền trên mạng
Vay tiền trên mạng hay còn gọi là vay tiền trực tuyến, vay tiền online là hình thức vay tiền của các chủ thể thông qua các website, apps.. để vay mượn một số lượng tiền nhất định. Từ nhu cầu thực tiễn, có thể nhận thấy rằng ngày càng có nhiều mô hình cho vay online, cho vay trực tuyến đang hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, pháp luật chưa có các quy định cụ thể để điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến vấn đề này.
Dựa trên bản chất của việc vay tiền trên mạng, cũng là một hành vi giao kết hợp đồng, có thể hiểu theo định nghĩa của Bộ Luật Dân Sự năm 2015, Điều 463 quy định như sau:
“Điều 463. Hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”
Như vậy, khi tham gia vào việc vay tiền trên mạng, chủ thể vay tiền được ràng buộc vào một quan hệ pháp luật với chủ thể cho vay, hai bên phải tuân thủ các nghĩa vụ và trách nhiệm được thỏa thuận trong hợp đồng vay. Cần lưu ý, chủ thể vay tiền nên cẩn thận với việc vay tiền trên mạng để phòng tránh những rủi ro không đáng có.
Những lưu ý cần thiết khi vay tiền trên mạng
Cục Cạnh Tranh và Bảo Vệ Người Tiêu DÙng đã có thông báo về việc khuyến cáo người tiêu dùng không vay tiền trên mạng của các tổ chức, cá nhân có các dấu hiệu dưới dây:
“ - Tổ chức, cá nhân cho vay không có thông tin giới thiệu làm rõ chức năng của đơn vị là công ty tài chính, ngân hàng có chức năng cho vay, hoặc là đơn vị có chức năng tư vấn, kết nối giữa người đi vay và người cho vay.
Không nêu rõ thông tin về tên công ty, địa chỉ, số điện thoại, hoặc có nhưng địa chỉ, thông tin liên hệ ở nước ngoài.
Không công khai các chính sách thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng; không niêm yết các điều kiện, điều khoản giao dịch chung; không công bố biểu phí hoặc làm rõ các chi phí phát sinh trong quá trình giao dịch.
Không gửi trước mẫu hợp đồng vay và các nội dung chi tiết liên quan đến hợp đồng vay để người tiêu dùng đọc trước khi xác nhận ký kết giao dịch và không cung cấp hợp đồng đã ký kết để người tiêu dùng lưu giữ sau khi đã hoàn thành giao dịch.’’
Ngoài ra, các chủ thể vay tiền cần tìm hiểu kỹ càng về đối tượng cung ứng dịch vụ cho vay để tránh các rủi ro xảy ra, đặc biệt là điều khoản về lãi suất vay. Các chủ thể vay tiền cần chú ý đến lãi suất mà các đối tượng cung cấp dịch vụ có đáp ứng đúng theo quy định của pháp luật hay chưa. Cụ thể, được quy định tại Điều 468 Bộ Luật Dân Sự 2015:
“Điều 468. Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.’’
Vay tiền trên mạng đang ngày càng phổ biến bởi sự nhanh gọn và tiện lợi trong thủ tục. Tuy nhiên, các cá nhân có nhu cầu cần cẩn trọng trong việc tiếp cận thông tin và lựa chọn đối tượng cung cấp dịch vụ để tránh các rủi ro.
THÔNG TIN LIÊN QUAN:
Lĩnh vực Tranh chấp dân sự
Không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm?
Gửi một câu hỏi miễn phí trên diễn đàn công cộng của chúng tôi. Đặt một câu hỏi
Đặt câu hỏi- hoặc -
Tìm kiếm luật sư bằng cách đánh giá và xếp hạng..
Tìm kiếm luật sư