Mẫu Hợp đồng bảo lãnh mới nhất do Luật sư chia sẻ
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Luật sư Phan Đức Tín. Luật sư Phan Đức Tín là người sáng lập Công ty Luật TNHH Đức Tín và Cộng sự. Luật sư Tín đã tham gia tư vấn, giải quyết thành công nhiều vụ việc chuyên về các lĩnh vực như: Hình sự, doanh nghiệp ,hôn nhân gia đình, dân sự...
>> Tư vấn miễn phí với Luật sư Phan Đức Tín.
1. Hợp đồng bảo lãnh là gì?
Hợp đồng bảo lãnh là hợp đồng mà bên bảo lãnh cam kết với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
>> Xem thêm: Top 10 Luật sư Doanh nghiệp nổi tiếng và uy tín tại Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Chủ thể của hợp đồng bảo lãnh
i. Bên bảo lãnh
Bên bảo lãnh có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Nếu là cá nhân, bên bảo lãnh có thể bao gồm nhiều cá nhân. Khi nhiều người cùng bảo lãnh một nghĩa vụ thì phải liên đới thực hiện việc bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định bảo lãnh theo các phần độc lập. Bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người bảo lãnh liên đới phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, trừ trường hợp các bên thỏa thuận mỗi người bảo lãnh chỉ phải thực hiện một phần nghĩa vụ. Khi một người trong số những người bảo lãnh liên đới đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh thì có quyền yêu cầu những người bảo lãnh còn lại phải thực hiện phần nghĩa vụ của họ đối với mình. Khi một trong số nhiều người cùng bảo lãnh liên đới được miễn việc thực hiện phần nghĩa vụ bảo lãnh của mình thì những người khác vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của họ.
ii. Bên nhận bảo lãnh
Bên nhận bảo lãnh có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Nếu là cá nhân, bên nhận bảo lãnh có thể bao gồm nhiều cá nhân. Bên nhận bảo lãnh chính là bên có quyền trong quan hệ nghĩa vụ với bên được bão lãnh. Nếu bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh thì bên được bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác. Khi một trong số những người nhận bảo lãnh liên đới miễn cho bên bảo lãnh không phải thực hiện phần nghĩa vụ đối với mình thì bên bảo lãnh vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ còn lại đối với những người nhận bảo lãnh liên đới còn lại.
iii. Bên được bảo lãnh
Bên được bảo lãnh có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Nếu là cá nhân, bên được bảo lãnh có thể bao gồm nhiều cá nhân. Bên được bảo lãnh là bên có nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ với bên được bão lãnh. Bên được bảo lãnh có nghĩa vụ hoàn trả đối với bên bảo lãnh.
>> Tham khảo: Mẫu Hợp đồng thế chấp tài sản.
3. Nội dung của hợp đồng bảo lãnh
Hợp đồng bảo lãnh phải được lập thành văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương và có thể gồm các nội dung sau:
- Nghĩa vụ được bảo đảm: Các bên có thể thỏa thuận bên bảo lãnh chỉ cam kết thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh hoặc bên bảo lãnh sử dụng tài sản của mình để bảo lãnh việc thực hiện toàn bộ nghĩa vụ của bên được bảo lãnh. Trong trường hợp bên bảo lãnh sử dụng tài sản của mình để bảo lãnh, các bên thỏa thuận thêm về các điều khoản liên quan đến tài sản bảo đảm. Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh.
- Quyền, nghĩa vụ của các bên;
- Hiệu lực và chấm dứt hợp đồng.
4. Một số lưu ý về hợp đồng bảo lãnh
i. Thứ nhất, hợp đồng bảo lãnh có các mối quan hệ nghĩa vụ như sau:
Một là, mối quan hệ giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh. Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ. Lưu ý, bên nhận bảo lãnh không được yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh khi nghĩa vụ chưa đến hạn. Bên bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp bên nhận bảo lãnh có thể bù trừ nghĩa vụ với bên được bảo lãnh
Hai là, mối quan hệ giữa bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh: Bên bảo lãnh được quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình nếu không có thỏa thuận khác. Bên bảo lãnh phải thông báo cho bên được bảo lãnh về việc đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh; nếu không thông báo mà bên được bảo lãnh tiếp tục thực hiện nghĩa vụ với bên nhận bảo lãnh thì bên bảo lãnh không có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Bên bảo lãnh có quyền yêu cầu bên nhận bảo lãnh hoàn trả những gì đã nhận từ bên bảo lãnh. Bên được bảo lãnh có nghĩa vụ hoàn trả đối với bên bảo lãnh.
ii. Giải quyết trong trường hợp bên bảo lãnh là doanh nghiệp bị phá sản hoặc cá nhân chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết:
Theo Điều 48 Nghị định 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/12/2006 quy định về biện pháp bảo đảm, trong trường hợp bên bảo lãnh là doanh nghiệp bị phá sản thì việc bảo lãnh được giải quyết như sau:
- Nếu nghĩa vụ bảo lãnh phát sinh thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Trường hợp bên bảo lãnh không thanh toán đầy đủ trong phạm vi bảo lãnh thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thanh toán phần còn thiếu;
- Nếu nghĩa vụ bảo lãnh chưa phát sinh thì bên được bảo lãnh phải thay thế biện pháp bảo đảm khác, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Trong trường hợp bên bảo lãnh là cá nhân chết hoặc bị Toà án tuyên bố là đã chết thì việc bảo lãnh được giải quyết như sau:
- Nếu việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh phải do chính bên bảo lãnh thực hiện theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật thì bảo lãnh chấm dứt;
- Nếu việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh không phải do chính bên bảo lãnh thực hiện thì bảo lãnh không chấm dứt. Người thừa kế của bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thay cho bên bảo lãnh, trừ trường hợp từ chối nhận di sản theo quy định của pháp luật. Người thừa kế đã thực hiện nghĩa vụ thay cho bên bảo lãnh thì có các quyền của bên bảo lãnh đối với bên được bảo lãnh.
5. Hợp đồng bảo lãnh chịu sự điều chỉnh chủ yếu của những quy định pháp lý nào?
Bộ luật dân sự 2015;
Nghị định 21/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Bạn vẫn còn thắc mắc, hay đang gặp rắc rối về hợp đồng hoặc vấn đề Dân sự? Hơn 400 Luật sư chuyên về hợp đồng và các vấn đề Dân sự trên iLAW đang sẵn sàng hỗ trợ bạn. Hãy chọn ngay một Luật sư gần bạn và liên hệ với Luật sư đó để được tư vấn miễn phí.
HỢP ĐỒNG BẢO LÃNH
Số:_____________
Hợp Đồng này được lập và ký ngày …tháng…năm…..giữa:
Bên Bảo Lãnh:
[Lựa chọn một trong các chủ thể bên dưới]
1. Đối với chủ thể là cá nhân:
Ông (Bà): […]
Sinh ngày: […]
CMND/CCCD số: […] cấp ngày […] tại […]
Hộ khẩu thường trú: […]
(Trường hợp có nhiều cá nhân thì điền thông tin đầy đủ của tất cả cá nhân đó)
2. Đối với chủ thể là tổ chức:
Tên tổ chức: […]
Trụ sở: […]
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số: […] cấp ngày […]
Số điện thoại: […] Số fax: […]
Người đại diện: […]
Chức vụ: […]
Theo giấy ủy quyền (trường hợp đại diện theo ủy quyền) số: […]
Sau đây được gọi là “Bên A”.
Bên Nhận Bảo Lãnh:
[Lựa chọn một trong các chủ thể bên dưới]
1. Đối với chủ thể là cá nhân:
Ông (Bà): […]
Sinh ngày: […]
CMND/CCCD số: […] cấp ngày […] tại […]
Hộ khẩu thường trú: […]
(Trường hợp có nhiều cá nhân thì điền thông tin đầy đủ của tất cả cá nhân đó)
2. Đối với chủ thể là tổ chức:
Tên tổ chức: […]
Trụ sở: […]
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số: […] cấp ngày […]
Số điện thoại: […] Số fax: […]
Người đại diện: […]
Chức vụ: […]
Theo giấy ủy quyền (trường hợp đại diện theo ủy quyền) số: […])
Sau đây được gọi là “Bên B”.
Bên Được Bảo Lãnh:
[Lựa chọn một trong các chủ thể bên dưới]
1. Đối với chủ thể là cá nhân:
Ông (Bà): […]
Sinh ngày: […]
CMND/CCCD số: […] cấp ngày […] tại […]
Hộ khẩu thường trú: […]
(Trường hợp có nhiều cá nhân thì điền thông tin đầy đủ của tất cả cá nhân đó)
2. Đối với chủ thể là tổ chức:
Tên tổ chức: […]
Trụ sở: […]
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số: […] cấp ngày […]
Số điện thoại: […] Số fax: […]
Người đại diện: […]
Chức vụ: […]
Theo giấy ủy quyền (trường hợp đại diện theo ủy quyền) số: […])
Sau đây được gọi là “Bên C”.
Bên A, Bên B và Bên C (sau đây gọi riêng là “Bên” và gọi chung là “Các Bên”) đồng ý ký kết Hợp đồng bảo lãnh (“Hợp Đồng”) với những điều khoản như sau:
Điều 1. Nghĩa vụ được bảo đảm
[Lựa chọn 1: Bên A chỉ cam kết thực hiện thay nghĩa vụ cho Bên C]
Bên A đồng ý sẽ thực hiện thay toàn bộ nghĩa vụ sau cho Bên C trong trường hợp hết thời hạn mà Bên C không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ của mình:
(i) […]
(ii) […]
[Lựa chọn 2: Bên A sử dụng tài sản của mình để bảo lãnh việc thực hiện toàn bộ nghĩa vụ của Bên C]
Bên A đồng ý sử dụng tài sản thuộc quyền sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ sau cho Bên C trong trường hợp hết thời hạn mà Bên C không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ của mình:
(i) […]
(ii) […]
Điều 2. Tài sản bảo đảm và giá trị tài sản bảo đảm
(Nếu Bên A chỉ cam kết thực hiện thay nghĩa vụ cho Bên C thì bỏ nội dung này)
2.1 Tài sản bảo đảm: Tài sản bảo đảm theo Hợp Đồng này bao gồm:
- Tên tài sản: […]
- Số lượng: […]
- Thông tin về tài sản: […]
- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản: […]
2.2. Giá trị tài sản: […] (Bằng chữ: […])
Giá trị của tài sản được xác định tại thời điểm ký Hợp Đồng. Giá trị này không được mặc nhiên áp dụng khi xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của Hợp Đồng này.
2.3. Hai Bên thống nhất tài sản bảo đảm sẽ do […] quản lý.
Điều 3. Thời gian, địa điểm, phương thức thực hiện Hợp Đồng
(Điều này áp dụng trong trường hợp có sự chuyển giao tài sản bảo đảm của chủ sở hữu tài sản cho Bên khác)
3.1 Thời gian giao tài sản bảo đảm: […]
3.2 Địa điểm giao nhận: […]
3.3 Phương thức giao nhận: […]
Điều 4. Đăng ký biện pháp bảo đảm
Trừ trường hợp các Bên có thỏa thuận khác, Bên A có trách nhiệm phối hợp với Bên B tiến hành đăng ký biện pháp bảo đảm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền bằng chi phí của Bên A nếu như tài sản bảo đảm phải được đăng ký theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Trách nhiệm do vi phạm Hợp Đồng
Nếu một Bên vi phạm Hợp đồng này, Bên bị vi phạm sẽ gửi văn bản yêu cầu Bên vi phạm khắc phục. Nếu Bên vi phạm không khắc phục hoặc không thể khắc phục vi phạm đó trong thời theo yêu cầu của Bên bị vi phạm kể từ ngày nhận được thông báo của Bên bị vi phạm, Bên vi phạm phải chịu phạt 8% giá trị phần nghĩa vụ Hợp Đồng bị vi phạm và chịu trách nhiệm bồi thường cho Bên bị vi phạm những thiệt hại thực tế, trực tiếp phát sinh do hành vi của Bên vi phạm.
Điều 6. Bảo mật
Mỗi Bên sẽ không tiết lộ bất cứ thông tin nào liên quan đến Hợp Đồng này hoặc của Bên còn lại cho bất cứ bên thứ ba nào mà không có sự đồng ý trước bằng văn bản của Bên còn lại, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Mỗi Bên cam kết có biện pháp phù hợp để đảm bảo rằng những người có liên quan của mình cũng tuân thủ quy định này và sẽ chịu trách nhiệm trong trường hợp có bất cứ hành vi nào vi phạm quy định này. Điều khoản này sẽ vẫn có hiệu lực kể cả sau khi Hợp Đồng này hết hạn hoặc chấm dứt.
Điều 7. Bất khả kháng
7.1. Bất khả kháng là những sự kiện khách quan nằm ngoài sự kiểm soát của các bên bao gồm nhưng không giới hạn ở: động đất, bão, lũ lụt, gió lốc, sóng thần, lở đất, hỏa hoạn, chiến tranh hay đe dọa chiến tranh… hoặc các thảm họa khác không thể lường trước được; hoặc sự thay đổi của luật pháp bởi chính quyền Việt Nam.
7.2. Khi một bên không thể thực hiện tất cả hay một phần của nghĩa vụ Hợp đồng do sự kiện bất khả kháng gây ra một cách trực tiếp, Bên này sẽ không được xem là vi phạm Hợp đồng nếu đáp ứng được tất cả những điều kiện sau:
7.2.1. Bất khả kháng là nguyên nhân trực tiếp của sự gián đoạn hoặc trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ; và
7.2.2. Bên bị gặp phải sự kiện bất khả kháng đã nỗ lực để thực hiện nghĩa vụ của mình và giảm thiểu thiệt hại gây ra cho Bên kia bởi sự kiện bất khả kháng; và
7.2.3. Tại thời điểm xảy ra sự kiện bất khả kháng, bên gặp phải sự kiện bất khả kháng kháng phải thông báo ngay cho bên kia cũng như cung cấp văn bản thông báo và giải thích về lý do gây ra sự gián đoạn hoặc trì hoãn thực hiện nghĩa vụ.
Điều 8. Quyền và nghĩa vụ của Các Bên
8.1. Quyền và nghĩa vụ của Bên A
8.1.1. Chuyển giao tài sản và/hoặc bản gốc các giấy tờ liên quan đến tài sản bảo đảm còn hiệu lực (nếu có) quy định tại Điều 2 Hợp Đồng cho Bên B theo thỏa thuận;
8.1.2. Đảm bảo có quyền sở hữu và/hoặc sử dụng hợp pháp đối với tài sản bảo đảm, không có tranh chấp hoặc bị kê biên để đảm bảo thi hành án và không có bất kỳ sự kiện nào ảnh hưởng đến tính hợp pháp và giá trị của tài sản bảo đảm. Trường hợp Bên A vi phạm quy định này, Bên A ngay lập tức thay thế bằng tài sản bảo đảm khác có giá trị tương đương hoặc biện pháp bảo đảm khác và bồi thường thiệt hại gây ra cho Bên B (nếu có);
8.1.3. Thông báo cho Bên B biết về quyền của Bên thứ ba đối với tài sản bảo đảm (nếu có). Trường hợp Bên A không thông báo thì Bên B có quyền hủy Hợp Đồng này và yêu cầu Bên A và Bên C bồi thường thiệt hại gây ra cho Bên B;
8.1.4. Yêu cầu Bên B bồi thường thiệt hại xảy ra đối với tài sản bảo đảm hoặc các giấy tờ liên quan tới tài sản bảo đảm;
8.1.5. Thanh toán các khoản chi phí liên quan đến việc đăng ký biện pháp bảo đảm, phí, lệ phí khác theo quy định;
8.1.6. Yêu cầu Bên C thực hiện nghĩa vụ với mình khi nghĩa vụ được bảo đảm chấm dứt, trừ trường hơp các Bên có thỏa thuận khác;
8.1.7. Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
8.2. Quyền và nghĩa vụ của Bên B
8.2.1. Nhận, bảo quản và quản lý hoặc yêu cầu Bên giữ tài sản bảo đảm bảo quản, quản lý tài sản bảo đảm và/hoặc các giấy tờ liên quan, đảm bảo giữ nguyên tình trạng trong suốt thời hạn bảo lãnh, trừ các khấu hao tự nhiên (nếu có);
8.2.2. Trả lại tài sản bảo đảm và/hoặc các giấy tờ liên quan (nếu có) cho Bên A sau khi Bên C hoàn thành nghĩa vụ được bảo đảm hoặc Bên A đã hoàn thành việc thực hiện thay nghĩa vụ cho Bên C;
8.2.3. Phối hợp với Bên A tiến hành các thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm (nếu có) theo quy định của pháp luật;
8.2.4. Thực hiện thủ tục xử lý tài sản bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật;
8.2.5. Yêu cầu Bên A áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo quản tài sản bảo đảm hoặc thay thế bằng tài sản bảo đảm khác có giá trị tương đương trong trường hợp tài sản bảo đảm có nguy cơ làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị;
8.2.6. Yêu cầu Bên A hoặc Bên giữ tài sản bảo đảm giao tài sản bảo đảm để xử lý khi Bên A không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ;
8.2.7. Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
8.3. Quyền và nghĩa vụ của Bên C
8.3.1. Thực hiện các nghĩa vụ với Bên B được thỏa thuận tại Hợp Đồng;
8.3.2. Thực hiện các nghĩa vụ đối với Bên A trong phạm vi được bảo lãnh sau khi Bên A hoàn thành nghĩa vụ bảo lãnh, trừ trường hợp các Bên có thỏa thuận khác;
8.3.3. Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Xử lý tài sản bảo lãnh
Trong trường hợp hết thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà Bên C không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thì Bên B có quyền yêu Bên A thực hiện thay nghĩa vụ. Nếu Bên A không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ được bảo đảm thì Bên B có quyền yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật bằng một trong các phương thức sau:
(i) Bán đấu giá tài sản bảo đảm;
(ii) Bên B nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm;
(iii) Phương thức khác theo thỏa thuận của các Bên.
Điều 10. Hiệu lực và chấm dứt Hợp đồng
10.1 Hợp Đồng này có hiệu lực từ […] đến […] hoặc kể từ thời điểm đăng ký biện pháp bảo đảm.
10.2 Hợp Đồng này sẽ chấm dứt trước thời hạn trong những trường hợp sau:
10.2.1. Nếu các bên đồng ý chấm dứt bằng văn bản.
10.2.2. Nếu bất cứ vi phạm Hợp đồng nào không được khắc phục trong thời hạn […] ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu khắc phục từ Bên không vi phạm. Trong trường hợp này, Bên không vi phạm có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng bằng cách gửi văn bản thông báo cho Bên vi phạm.
10.2.3. Nếu sự kiện bất khả kháng kéo dài quá […] ngày kể từ ngày phát sinh, Hợp Đồng này có thể được chấm dứt dựa trên văn bản thông báo của một Bên cho Bên còn lại.
Điều 11. Giải quyết tranh chấp
Trong trường hợp có bất cứ mâu thuẫn nào phát sinh từ Hợp Đồng này, Các Bên sẽ ưu tiên giải quyết vấn đề bằng thương lượng. Nếu không thể giải quyết được trong vòng 30 ngày, vấn đề sẽ được giải quyết bởi Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Bên thua kiện phải thanh toán tất cả các chi phí liên quan đến việc giải quyết tranh chấp cho Bên thắng kiện (bao gồm cả chi phí luật sư).
Điều 12. Điều khoản chung
12.1 Hợp Đồng này được điều chỉnh và giải thích theo pháp luật Việt Nam.
12.2 Mọi sửa đổi hoặc bổ sung Hợp Đồng đều phải được lập thành văn bản và ký duyệt bởi người có thẩm quyền của mỗi Bên.
12.3 Mỗi Bên không được phép chuyển giao bất cứ quyền, nghĩa vụ nào trong Hợp Đồng này cho bất cứ bên thứ ba nào mà không được sự chấp thuận trước bằng văn bản của Bên còn lại.
12.4 Hợp Đồng này sẽ được lập thành […] bản có giá trị như nhau, mỗi Bên giữ […] bản để thực hiện.
ĐẠI DIỆN BÊN A | ĐẠI DIỆN BÊN B |
Lĩnh vực Vay tiền cá nhân
Không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm?
Gửi một câu hỏi miễn phí trên diễn đàn công cộng của chúng tôi. Đặt một câu hỏi
Đặt câu hỏi- hoặc -
Tìm kiếm luật sư bằng cách đánh giá và xếp hạng..
Tìm kiếm luật sư