Hợp đồng gia công
Trong quá trình sản xuất, để tạo ra một sản phẩm có thể phải trải qua rất nhiều các công đoạn phức tạp với các yêu cầu về máy móc, trang thiết bị, nhân lực đa dạng mà một doanh nghiệp không thể hoặc không cần thiết đáp ứng đầy đủ. Khi đó, các doanh nghiệp này có thể lựa chọn phương án giao kết hợp đồng gia công với một doanh nghiệp khác, điều này giúp các doanh nghiệp có thể cùng phát triển hoạt động và giảm thiểu các chi phí đầu tư trong trường hợp không có nhu cầu sử dụng thường xuyên các máy móc, trang thiết bị đó.
Gia công là gì?
Theo Điều 178 Luật thương mại 2005, gia công trong thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận gia công sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của bên đặt gia công để hưởng thù lao.
Đặc điểm của hợp đồng gia công hàng hóa
Hợp đồng gia công hàng hóa có đầy đủ những đặc điểm chung của hợp đồng gia công được quy định tại Bộ luật dân sự 2015:
- Hợp đồng gia công là hợp đồng song vụ: Các chủ thể trong hợp đồng gia công đều có quyền và nghĩa vụ nhất định, trong đó, quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại. Bên nhận gia công có quyền yêu cầu bên đặt gia công giao nguyên vật liệu đúng chất lượng, số lượng, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận. Bên đặt gia công có quyền nhận sản phẩm gia công theo đúng số lượng, chất lượng, phương thức, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận và trả tiền công cho bên nhận gia công.
- Hợp đồng gia công có kết quả được vật thể hóa. Vật sau khi gia công được xác định trước theo mẫu, theo tiêu chuẩn do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định trước.
Ngoài ra, hợp đồng gia công hàng hóa có những đặc điểm riêng biệt sau:
- Đối tượng của hợp đồng gia công là hàng hóa. Tất cả các loại hàng hóa đều có thể được gia công, trừ hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh. Trường hợp gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài để tiêu thụ ở nước ngoài thì hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu vẫn có thể được gia công nếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
- Hình thức của hợp đồng gia công: Hợp đồng gia công phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
Nội dung của hợp đồng gia công có thể bao gồm
- Tên hàng, số lượng, giá cả gia công, lịch xuất hàng;
- Chất lượng, quy cách và xuất xứ;
- Nguyên liệu, vật liệu;
- Phương thức và thời hạn thanh toán;
- Phương thức giao nhận hàng thành phẩm;
- Quyền và nghĩa vụ của các bên;
- Hiệu lực và chấm dứt hợp đồng.
Các loại hợp đồng gia công hàng hóa
Hợp đồng gia công hàng hóa trong nước
Hợp đồng gia công hàng hóa có yếu tố nước ngoài. Đối với loại hợp đồng này, hợp đồng gia công hàng hóa phải tối thiểu bao gồm các điều khoản sau: (Theo Điều 39 Nghị định 69/2018/NĐ-CP)
- Tên, địa chỉ của các bên ký hợp đồng và bên gia công trực tiếp;
- Tên, số lượng sản phẩm gia công;
- Giá gia công;
- Thời hạn thanh toán và phương thức thanh toán;
- Danh mục, số lượng, trị giá nguyên liệu, phụ liệu, vật tư nhập khẩu và nguyên liệu, phụ liệu, vật tư sản xuất trong nước (nếu có) để gia công; định mức sử dụng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư; định mức vật tư tiêu hao và tỷ lệ hao hụt nguyên liệu trong gia công;
- Định mức sử dụng, tiêu hao và tỷ lệ hao hụt nguyên liệu, phụ liệu, vật tư do các bên thỏa thuận trong hợp đồng gia công, có tính đến các định mức, tỷ lệ hao hụt được hình thành trong các ngành sản xuất, gia công có liên quan của Việt Nam tại thời điểm ký hợp đồng.
- Danh mục và trị giá máy móc, thiết bị cho thuê, cho mượn hoặc tặng cho để phục vụ gia công (nếu có);
- Biện pháp xử lý phế liệu, phế thải, phế phẩm và nguyên tắc xử lý máy móc, thiết bị thuê, mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa sau khi kết thúc hợp đồng gia công;
- Địa Điểm và thời gian giao hàng;
- Nhãn hiệu hàng hóa và tên gọi xuất xứ hàng hóa;
- Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.
Vậy làm thế nào để viết một hợp đồng gia công hàng hóa đúng quy định
Trước khi viết hợp đồng gia công hàng hóa, yếu tố đầu tiên cần xác định là chủ thể của hợp đồng là ai, có yếu tố nước ngoài hay không? Từ đó, xác định các nội dung cơ bản của hợp đồng. Khi viết các điều khoản trong hợp đồng, cần tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành như đã phân tích ở trên. Vì hợp đồng này chủ yếu do luật thương mại điều chỉnh nên mức phạt vi phạm tối đa là 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Lưu ý, đối với hợp đồng gia công hàng hóa có yếu tố nước ngoài, trước khi thực hiện hợp đồng gia công, tổ chức, cá nhân phải thông báo hợp đồng gia công với cơ quan Hải quan. Khi kết thúc hợp đồng gia công hoặc hợp đồng gia công hết hiệu lực, các bên ký kết hợp đồng gia công phải thanh lý hợp đồng và thực hiện báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, sản phẩm xuất khẩu định kỳ với cơ quan Hải quan.
Hợp đồng gia công hàng hóa chịu sự điều chỉnh chủ yếu của những quy định pháp lý nào?
- Bộ luật lao động 2015;
- Luật thương mại 2005;
- Luật quản lý ngoại thương;
- Nghị định số 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/05/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý ngoại thương.
Bạn vẫn còn thắc mắc, hay đang gặp rắc rối về Hợp đồng? 600 Luật sư chuyên về Hợp đồng kinh doanh trên iLAW đang sẵn sàng hỗ trợ bạn. Hãy chọn một Luật sư gần bạn và liên hệ với Luật sư ấy để được tư vấn miễn phí.
THÔNG TIN LIÊN QUAN:
Dịch vụ pháp lý trọn gói: THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP
Không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm?
Gửi một câu hỏi miễn phí trên diễn đàn công cộng của chúng tôi. Đặt một câu hỏi
Đặt câu hỏi- hoặc -
Tìm kiếm luật sư bằng cách đánh giá và xếp hạng..
Tìm kiếm luật sư