Mẫu Hợp đồng nhượng quyền thương mại
Mẫu Hợp đồng nhượng quyền thương mại được tư vấn chuyên môn bởi Luật sư Nguyễn Duy Binh.
Luật sư Nguyễn Duy Binh là Luật sư thuộc đoàn Luật sư Tp. HCM, Luật sư là Thành viên sáng lập - Giám đốc của Nguyễn Lê Trần & Partners. Luật sư Binh có hơn 10 năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực Tư vấn doanh nghiệp, Tư vấn đầu tư, Tư vấn và thực hiện thủ tục mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, Tư vấn tái cơ cấu Doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, Tư vấn giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt đồng đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp về thương mại, tư vấn giải quyết tranh chấp về dân sự, bất động sản,..
1. Hợp đồng nhượng quyền thương mại là gì?
Hợp đồng nhượng quyền thương mại được hiểu là hợp đồng mà theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh
2. Hình thức của hợp đồng nhượng quyền thương mại
Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
3. Chủ thể của hợp đồng nhượng quyền thương mại
- Bên nhượng quyền là thương nhân cấp quyền thương mại, bao gồm cả Bên nhượng quyền thứ cấp trong mối quan hệ với Bên nhận quyền thứ cấp.
- Bên nhận quyền là thương nhân được nhận quyền thương mại, bao gồm cả Bên nhận quyền thứ cấp trong mối quan hệ với Bên nhượng quyền thứ cấp.
- Bên nhượng quyền thứ cấp là thương nhân có quyền cấp lại quyền thương mại mà mình đã nhận từ Bên nhượng quyền ban đầu cho Bên nhận quyền thứ cấp.
- Bên nhận quyền thứ cấp là thương nhân nhận lại quyền thương mại từ Bên nhượng quyền thứ cấp.
- Bên nhận quyền sơ cấp là thương nhân nhận quyền thương mại từ Bên nhượng quyền ban đầu.
4. Nội dung của hợp đồng nhượng quyền thương mại
Hợp đồng mua bán hàng hóa có thể gồm các nội dung chính sau:
- Nội dung của quyền thương mại.
- Quyền thương mại bao gồm một, một số hoặc toàn bộ các quyền sau đây: (1) Quyền được Bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu Bên nhận quyền tự mình tiến hành công việc kinh doanh cung cấp hàng hoá hoặc dịch vụ theo một hệ thống do Bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của Bên nhượng quyền; (2) Quyền được Bên nhượng quyền cấp cho Bên nhận quyền sơ cấp quyền thương mại chung; (3) Quyền được Bên nhượng quyền thứ cấp cấp lại cho Bên nhận quyền thứ cấp theo hợp đồng nhượng quyền thương mại chung; (4) Quyền được Bên nhượng quyền cấp cho Bên nhận quyền quyền thương mại theo hợp đồng phát triển quyền thương mại.
- Quyền, nghĩa vụ của Bên nhượng quyền.
- Quyền, nghĩa vụ của Bên nhận quyền.
- Giá cả, phí nhượng quyền định kỳ và phương thức thanh toán.
- Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.
- Gia hạn, chấm dứt hợp đồng và giải quyết tranh chấp
Các bên có thể thỏa thuận và bổ sung thêm một số nội dung khác của hợp đồng không trái với quy định của pháp luật. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì các bên sẽ áp dụng những quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện hợp đồng.
5. Sự khác nhau giữa nhượng quyền thương mại và đại lý?
Có nhiều người dễ nhầm lẫn giữa nhượng quyền thương mại và đại lý. Đều là những hình thức thương mại do Luật thương mại điều chỉnh, nhưng nhượng quyền thương mại và đại lý có những sự khác biệt rõ ràng.
Thứ nhất, về tính chất: Đại lý thương mại là một hình thức trung gian thương mại, nhượng quyền thương mại là một trong số những hoạt động thương mại cụ thể khác được quy định trong Luật thương mại 2005.
Thứ hai, về chủ thể chịu trách nhiệm: Đối với đại lý thương mại, bên giao đại lý là chủ sở hữu của hàng hóa hoặc tiền giao cho bên đại lý, quyền sở hữu hàng hóa không được chuyển giao cho bên đại lý, vì vậy bên giao địa lý phải chịu trách nhiệm về hàng hóa, dịch vụ với khách hàng. Còn trong trường hợp nhượng quyền, mặc dù bên nhận quyền phải chấp nhận sự hướng dẫn và kiểm tra, giám sát của bên nhượng quyền nhưng bên nhượng quyền và bên nhận quyền vẫn là hai chủ thể kinh doanh độc lập, vì vậy, bên nhận quyền phải chịu trách nhiệm về mọi rủi ro liên quan đến hàng hóa cũng như chịu trách nhiệm với khách hàng về chất lượng của sản phẩm.
Thứ ba, về nghĩa vụ về tài chính của các bên: Nếu bên đại lý được nhận thù lao khi làm đại lý thông qua một trong các hình thức như hưởng hoa hồng, hưởng chênh lệch giá, hoặc một khoản tiền cụ thể được quy định trong hợp đồng làm đại lý, thì bên nhận quyền phải trả phí nhượng quyền (theo quy định tại Hợp đồng Nhượng quyền thương mại) cho bên nhượng quyền thương mại.
6. Làm như thế nào để viết được một hợp đồng nhượng quyền thương mại đúng quy định của pháp luật?
Để viết hợp đồng nhượng quyền thương mại cần xác định cụ thể các nội dung trong hợp đồng như đã trình bày ở trên và các điều khoản giao kết trong hợp đồng cần tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Mục đích của nhượng quyền thương mại là vừa tăng thêm lợi nhuận cho doanh nghiệp, vừa phát triển thương hiệu trên nhiều phạm vi địa lý. Tuy nhiên, nếu bên nhận quyền không thực hiện đúng và đầy đủ các tiêu chuẩn và cách thức hoạt động của bên nhượng quyền sẽ gây ảnh hưởng xấu đến thương hiệu đã được xây dựng. Do đó, khi giao kết hợp đồng, các bên nên thỏa thuận chi tiết về quyền và nghĩa vụ của mình trong thời gian thực hiện hợp đồng. Lưu ý, mức phạt vi phạm hợp đồng đối với hợp đồng nhượng quyền thương mại nói riêng, hợp đồng thương mại nói chung không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm.
7. Hợp đồng nhượng quyền thương mại chịu sự điều chỉnh chủ yếu của những quy định pháp lý nào?
- Bộ luật dân sự 2015;
- Luật thương mại 2005;
- Nghị định 35/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 31/03/2006 quy định chi tiết luật thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại;
- Nghị định 120/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16/12/2011 sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại một số nghị định của Chính phủ quy định chi tiết luật thương mại.
Nếu cần tư vấn về Hợp đồng nhượng quyền thương mại hoặc các loại Hợp đồng kinh doanh thương mại khác, bạn có thể liên hệ Luật sư Nguyễn Duy Binh tại:
Công ty Luật TNHH Nguyễn Lê Trần & Partners
Địa chỉ: 14-16 đường Tôn Đản, Phường 13, Quận 4, Tp.HCM;
Điện thoại: 0938 343 384;
Email: duybinhlawyer@yahoo.com.
MẪU HỢP ĐỒNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI
Số:_____________
Hợp
Đồng này được lập và ký ngày …tháng…năm…..giữa:
Bên Nhượng Quyền: [Tên đăng ký]
Trụ
sở chính: […]
GCNĐKKD
số: […] Được
cấp bởi: […]
Điện
thoại: […] Fax:
[…]
Đại
diện bởi: […] Chức
vụ: […]
Sau đây được gọi là “Bên A”.
Bên Nhận Quyền: [Tên đăng ký]
Trụ sở chính: […]
GCNĐKKD số: […] Được
cấp bởi: […]
Điện thoại: […] Fax:
[…]
Đại diện bởi: […] Chức
vụ: […]
Sau đây được gọi là “Bên B”.
Bên A và Bên B (sau đây gọi riêng là “Bên” và gọi chung
là “Các bên”) đồng ý ký kết Hợp đồng Nhượng quyền thương mại (“Hợp đồng”) với
những điều khoản như sau:
Điều 1. Cơ sở của Hợp đồng
1.1
Bên A đã thiết lập và vận hành hệ
thống kinh doanh […] sử dụng nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại, khẩu hiệu kinh
doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo, bí mật thương mại, cũng như phương
thức kinh doanh độc quyền trong […] năm (ít nhất 01 năm) và đã
đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với cơ quan có thẩm quyền theo quy
định của Pháp luật Việt Nam.
1.2
Nay Bên A mong muốn cấp quyền thương
mại cho Bên B điều hành Cửa hàng nhượng quyền thương mại tại địa điểm […] theo
các điều khoản và điều kiện được nêu trong Hợp đồng này.
Điều 2.
Nội dung nhượng
quyền
2.1
Bên
A bằng hợp đồng này cho phép và yêu cầu Bên B tự mình tiến hành công việc kinh
doanh (cung cấp hàng hoá hoặc dịch vụ) theo phương thức của hệ thống nhượng
quyền […] gắn liền với thương hiệu của Bên A.
2.2
Bên
B có quyền được sử dụng một tập hợp các quyền gắn liền với thương hiệu […] của
Bên A như quyền đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại, khẩu
hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo, bí mật thương mại, … đã được
cấp phép của Bên A để thực hiện hoạt động kinh doanh và đồng ý rằng các quyền
trên có thể bị thay đổi, cải thiện và phát triển thêm bởi Bên A trong tương lai.
2.3
Bên
B cam kết thực hiện một cách trung thực, siêng năng các nghĩa vụ của mình theo
Hợp đồng này và nỗ lực cùng với Bên A để xây dựng và phát triển hệ thống […]
2.4
Bên
B phải cung cấp các sản phẩm hoặc dịch vụ như Bên A chỉ định đồng thời bị hạn
chế sản xuất, cung cấp bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ nào không được Bên A chấp
thuận trong phạm vi của Hợp đồng này.
2.5
Bên
B phải mua các sản phẩm được sản xuất hoặc phân phối bởi Bên A hoặc Bên thứ ba
do Bên A chỉ định đối với các nguyên liệu, sản phẩm chính yếu phục vụ cho hoạt
động kinh doanh của Bên B. Đối với các nguyên liệu, sản phẩm phụ, không chính
yếu, Bên B được phép mua từ Bên khác nhưng phải được sự phê duyệt của Bên A.
2.6
Trong
khi thực hiện hợp đồng này, Bên B chịu sự kiểm soát của Bên A trong quá trình
hoạt động kinh doanh.
Điều 3. Phí nhượng quyền và thanh toán
3.1
Phí
nhượng quyền ban đầu: Bên B thanh toán cho Bên A là […]. Phí nhượng quyền được
thanh toán cho 100% cho Bên A ngay khi ký kết hợp đồng này.
3.2
Phí
duy trì nhượng quyền/phí bản quyền: Hàng tháng Bên B phải thanh toán cho Bên A
phí duy trì nhượng quyền với mức tương đương […] % doanh thu hoặc lợi nhuận
ròng hàng tháng của Bên B (tùy thuộc thỏa
thuận giữa hai bên).
[Ngoài ra các bên có thể thỏa thuận
các loại phí khác như phí quảng cáo, tiếp thị, phí đào tạo, phí tồn kho ban
đầu…]
3.3
Việc
thanh toán sẽ được thực hiện bằng phương thức chuyển khoản vào tài khoản của Bên
A theo các thông tin dưới đây:
Chủ tài khoản :
[…]
Tài khoản số : […]
Tại Ngân hàng :
[…]
Địa chỉ Ngân hàng : […]
Điều 4.
Phạm vi nhượng
quyền thương mại
4.1
Bên
B được cấp quyền và nhượng quyền thương mại để sở hữu và vận hành một Cửa hàng
nhượng quyền thương mại tại địa điểm […] bằng việc mở một Cửa hàng và tiến hành
hoạt động kinh doanh theo phương thức đã thỏa thuận tại Điều 1 Hợp đồng này.
4.2
Bên
B chỉ được thay đổi địa điểm kinh doanh, nhượng quyền lại cho Bên thứ ba hoặc
phát triển thêm hệ thống cửa hàng khi và chỉ khi được sự đồng ý bằng văn bản
của Bên A. Nếu Bên B đã vận hành Cửa hàng nhượng quyền trên một năm và mong
muốn di dời Cửa hàng đến địa điểm khác thì Bên A phải gửi văn bản đề xuất cho
Bên A trong đó phải nêu rõ lý do yêu cầu di dời và địa điểm mới được đề xuất. Trong
thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đề xuất của Bên B về việc chuyển địa
điểm, Bên A phải có văn bản trả lời chấp thuận hoặc không chấp thuận với đề
xuất của Bên B. Nếu việc di dời địa điểm kinh doanh được chấp thuận, Bên B phải
trả thêm các loại phí cho Bên A liên quan đến việc hỗ trợ cho địa điểm mới.
4.3
Bên
A cam kết trong phạm vi bán kính […] chỉ duy nhất Cửa hàng của Bên B được hoạt
động. Bên A không được trực tiếp hoặc gián tiếp mở thêm bất kỳ Cửa hàng nào
khác cùng thương hiệu cạnh tranh trực tiếp với Bên B trừ khi được sự đồng ý
bằng văn bản của Bên B.
4.4
Bên
B được quyền khai thác những lợi ích hữu hình, vô hình trên nền tảng uy tín của
thương hiệu […] của Bên A để giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh đồng thời tiết
kiệm thời gian và công sức cho việc quảng bá cửa hàng.
Điều 5.
Các tiêu chí đối
với Cửa hàng nhượng quyền
Cửa hàng của Bên nhận quyền cần đảm
bảo những tiêu chí sau:
5.1
Địa
điểm: Địa điểm mà Bên B lựa chọn phải đảm bảo các yêu cầu sau:
5.1.1
Diện tích kinh doanh: […]
5.1.2
Các yếu tố thuận lợi cho kinh doanh:
khu dân cư đông đúc, gần chợ, trường học …
5.1.3
Các
yêu cầu khác xét thấy cần thiết […]
5.1.4 Thời hạn sử dụng mặt bằng: tối
thiểu […] năm.
5.1.5 Tuân thủ khoảng cách so với các cửa
hàng trong chuỗi cửa hàng nhượng quyền của Bên A.
5.2
Việc
thiết kế, thi công nội thất phải tuân theo sự tư vấn từ Bên A.
5.3
Yêu
cầu đối với nhân sự: […]
5.4
Yêu
cầu đối với tài chính: […]
5.5
Các
yêu cầu khác: […]
Điều 6.
Cam kết của Bên
Nhượng quyền
6.1
Đào
tạo, huấn luyện
6.1.1 Sau khi ký Hợp đồng nhượng quyền,
Bên B hoặc người được Bên B chỉ định chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý
Cửa hàng nhượng quyền được tham gia chương trình đào tạo, huấn luyện ban đầu do
Bên A tổ chức.
6.1.2 Chương trình đào tạo được diễn ra
trong thời gian […] ngày tại địa điểm […]. Bên B có quyền từ chối tham gia khóa
đào tạo, huấn luyện nếu Bên B đã có kinh nghiệm hoặc đã được đào tạo từ trước
và cam kết không khiếu nại, tranh chấp về sau.
6.1.3 Định kỳ, Bên A sẽ tổ chức các buổi
huấn luyện, hội thảo, các chương trình đào tạo khác phục vụ cho lợi ích của Bên
B.
6.2
Hỗ
trợ phát triển
6.2.1 Bên A cam kết cung cấp cho Bên B
danh sách các nhà cung cấp được phê duyệt và chỉ định trong quá trình kinh
doanh của Bên B và lên kế hoạch cũng như hỗ trợ quảng cáo phục vụ cho việc khai
trương Cửa hàng cũng như trong suốt thời gian thực hiện Hợp đồng.
6.2.2 Bên A cam kết tư vấn cho Bên B
trong việc thiết kế, thi công, xây dựng, bài trí Cửa hàng nhượng quyền và cử
đại diện hỗ trợ tại chỗ liên quan đến hoạt động của Bên B tại địa điểm nhượng
quyền.
6.3
Hướng
dẫn vận hành và kiểm soát chất lượng
6.3.1 Bên A cam kết cung cấp các tài liệu
hướng dẫn vận hành cho Bên B bao gồm hướng dẫn đặt hàng vật tư, nguyên vật
liệu, sản xuất, chế biến, bảo quản, pha chế, các kỹ thuật tiếp thị, cách thức
vận hành hoạt động tại Cửa hàng nhượng quyền.
6.3.2 Bên B cam kết tuân thủ đầy đủ,
nghiêm ngặt các hướng dẫn vận hành, các tiêu chuẩn, thông số kỹ thuật có trong
hướng dẫn vận hành của Bên A. Hướng dẫn vận hành là tài sản duy nhất thuộc sở
hữu của Bên A, Bên B chỉ được quyền sử dụng các hướng dẫn vận hành này trong
thời hạn của Hợp đồng này và tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản và điều kiện
của tài liệu hướng dẫn. Bên B không được phép sao chép hướng dẫn vận hành hoặc
tiết lộ hướng dẫn vận hành này cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào không phải là
nhân viên của mình - những người đã ký vào Thỏa thuận bảo mật. Bên B phải trả
lại toàn bộ tài liệu hướng dẫn cho Bên A khi Hợp đồng hết hạn hoặc chấm dứt.
6.3.3 Bên B tại mọi thời điểm trong thời
hạn của Hợp đồng này chỉ được sở hữu, kiểm soát và điều hành Cửa hàng nhượng
quyền theo thỏa thuận tại Hợp đồng này. Ngoài ra, Bên B không được điều hành
bất kỳ hoạt động kinh doanh nào khác từ hoặc thông qua địa điểm nhượng quyền.
Bên B (nếu là pháp nhân) chỉ được vận hành Cửa hàng nhượng quyền được điều
chỉnh bởi Hợp đồng này và không có hoạt động kinh doanh nào khác trừ trường hợp
được sự chấp thuận bằng văn bản của Bên A.
6.4
Quảng
cáo, tiếp thị
6.4.1 Bên A cam kết hỗ trợ các chương
trình quảng cáo chung cho toàn bộ hệ thống nhượng quyền hoặc hỗ trợ riêng đối
với Cửa hàng nhượng quyền của Bên B theo Hợp đồng này tùy thuộc vào chính sách
của Bên A trong từng giai đoạn.
6.4.2 Trong trường hợp Bên B tự mình tiến
hành hoạt động quảng cáo, tiếp thị thì phải thông báo cho Bên A và được sự chấp
thuận bằng văn bản của Bên A trước khi thực hiện đối với tất cả các chương
trình quảng cáo hoặc tiếp thị theo bất kỳ hình thức nào bao gồm nhưng không
giới hạn quảng cáo trên báo in, báo nói, phương tiện điện tử, băng rôn, bảng
quảng cáo, tờ rơi, phiếu giảm giá, đài truyền hình, internet… Bên A có quyền
chấp thuận hoặc không chấp thuận đối với bất kỳ chương trình quảng cáo, tiếp
thị nào được Bên B gửi cho Bên A nếu xét thấy chương trình đó không đem lại lợi
ích đối với Cửa hàng nhượng quyền của Bên B cũng như đối với toàn bộ hệ thống
nhượng quyền của Bên A.
Điều 7.
Trách nhiệm do vi
phạm Hợp Đồng
Nếu
một Bên vi phạm Hợp đồng này, Bên bị vi phạm sẽ gửi văn bản yêu cầu Bên vi phạm
khắc phục. Nếu Bên vi phạm không khắc phục hoặc không thể khắc phục vi phạm đó
trong thời theo yêu cầu của Bên bị vi phạm kể từ ngày nhận được thông báo của
Bên bị vi phạm, Bên vi phạm phải chịu phạt 8% giá trị phần nghĩa vụ Hợp Đồng bị
vi phạm và chịu trách nhiệm bồi thường cho Bên bị vi phạm những thiệt hại thực
tế, trực tiếp phát sinh do hành vi của Bên vi phạm.
Điều 8. Quyền sở hữu trí tuệ
8.1
Đối
với Bên A
8.1.1 Bên A bảo vệ, cam kết bồi thường và
đảm bảo cho Bên B trước bất kỳ khiếu nại nào từ bên thứ ba vì lý do các đối
tượng gắn với thương hiệu của Bên A trong phạm vi Hợp đồng này vi phạm bằng
sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền hoặc bất kỳ quyền sở hữu trí tuệ nào của bên thứ
ba đó.
8.1.2 Điều khoản này vẫn có hiệu lực kể
cả sau khi Hợp Đồng này hết hạn hoặc chấm dứt.
8.2
Đối
với Bên B
8.2.1 Quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương
hiệu […] thuộc quyền sở hữu/sử dụng hợp pháp của Bên A.
8.2.2 Bên B chỉ sử dụng các quyền sở hữu
trí liên quan đến thương hiệu […] cho mục đích thực hiện Hợp đồng này và trong
thời gian Hợp đồng này có hiệu lực. Bên B không được lạm dụng hoặc không tuân
thủ hướng dẫn của Bên A liên đến việc sử dụng các quyền sở hữu trí tuệ nói
trên. Bên B không sử dụng quyền sở hữu trí tuệ của Bên A một cách trái phép
hoặc tiết lộ cho bất kỳ người nào mà không được sự đồng ý của Bên A.
8.2.3 Điều khoản này vẫn có hiệu lực kể
cả sau khi Hợp Đồng này hết hạn hoặc chấm dứt.
Điều 9. Bảo mật
Mỗi Bên sẽ không tiết lộ bất cứ thông tin nào liên
quan đến Hợp Đồng này hoặc của Bên còn lại cho bất cứ bên thứ ba nào mà không
có sự đồng ý trước bằng văn bản của Bên còn lại, trừ trường hợp pháp luật có
quy định khác. Mỗi Bên cam kết có biện pháp phù hợp để đảm bảo rằng những nhân
viên có liên quan của mình cũng tuân thủ quy định này và sẽ chịu trách nhiệm
trong trường hợp có bất cứ hành vi nào vi phạm quy định này. Điều khoản này sẽ
vẫn có hiệu lực kể cả sau khi Hợp Đồng này hết hạn hoặc chấm dứt.
Điều 10.
Bất khả kháng
10.1 Bất khả kháng là những sự kiện
khách quan nằm ngoài sự kiểm soát của các bên bao gồm nhưng không giới hạn ở:
động đất, bão, lũ lụt, gió lốc, sóng thần, lở đất, hỏa hoạn, chiến tranh hay đe
dọa chiến tranh… hoặc các thảm họa khác không thể lường trước được; hoặc sự
thay đổi của luật pháp bởi chính quyền Việt Nam.
10.2 Khi một bên không thể thực hiện tất
cả hay một phần của nghĩa vụ Hợp đồng do sự kiện bất khả kháng gây ra một cách
trực tiếp, Bên này sẽ không được xem là vi phạm Hợp đồng nếu đáp ứng được tất
cả những điều kiện sau:
10.2.1 Bất khả kháng là nguyên nhân trực
tiếp của sự gián đoạn hoặc trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ; và
10.2.2 Bên bị gặp phải sự kiện bất khả
kháng đã nỗ lực để thực hiện nghĩa vụ của mình và giảm thiểu thiệt hại gây ra
cho Bên kia bởi sự kiện bất khả kháng; và
10.2.3 Tại thời điểm xảy ra sự kiện bất
khả kháng, bên gặp phải sự kiện bất khả kháng kháng phải thông báo ngay cho bên
kia cũng như cung cấp văn bản thông báo và giải thích về lý do gây ra sự gián
đoạn hoặc trì hoãn thực hiện nghĩa vụ.
Điều 11.
Quyền và nghĩa vụ
của Bên A
11.1 Quyền của Bên A:
11.1.1 Bên A có quyền sở hữu về với nhãn
hiệu hàng hoá, kiểu dáng của sản phẩm, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh,
biểu tượng kinh doanh, quảng cáo, bí mật thương mại và tất cả các tài sản vô
hình khác mang tính chất nhận diện thương hiệu […] của Bên A.
11.1.2 Được thanh toán đầy đủ và đúng thời
hạn phí nhượng quyền thương mại theo thỏa thuận tại Hợp đồng này.
11.1.3 Được kiểm tra định kỳ hoặc đột
xuất hoạt động của Bên B, đảm bảo sự thống nhất của hệ thống nhượng quyền
thương mại.
11.1.4 Được quyền yêu cầu Bên B báo cáo
các vấn đề trong quá trình kinh doanh nhằm kiểm tra, giám sát hoạt động kinh
doanh của Bên B.
11.1.5 Có quyền thay đổi tiêu chuẩn của
hệ thống vận hành khi xét thấy cần thiết cho hệ thống.
11.1.6 Yêu cầu bên B tuân thủ các quy
định về quản lý vận hành, đảm bảo chất lượng sản
phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách hàng.
11.1.7 Yêu cầu bên B đảm bảo trưng bày
cửa hàng theo đúng tiêu chuẩn của Bên A.
11.1.8 Có quyền đưa ra những quyết định
về mặt quản lý của cửa hàng sau khi đã trao đổi bằng văn bản với Bên B.
11.2 Nghĩa vụ của Bên A
11.2.1
Cung cấp đầy đủ tài liệu hướng dẫn vận hành cho Bên B.
11.2.2
Hướng dẫn Bên B mua sắm các trang thiết bị, thiết kế,
trưng bày, bài trí Cửa hàng theo tiêu chuẩn chung của hệ thống đảm bảo các yêu
cầu về nhận diện thương hiệu.
11.2.3
Đào tạo ban đầu và cung cấp trợ giúp kỹ thuật thường
xuyên cho bên B để điều hành hoạt động theo đúng hệ thống Bên A đã xây dựng.
11.2.4
Bên A cam kết đảm bảo:
-
Đào tạo nhân viên và cán bộ quản lý cho Bên B để đạt
trình độ theo tiêu chuẩn, chất lượng phục vụ theo tiêu chuẩn chung của Hệ
thống.
-
Đảm bảo bên B được mua nguyên liệu từ Bên A hoặc từ nhà
cung cấp của cả Hệ thống, đảm bảo giá mua không cao hơn giá ngoài thị trường.
-
Cung cấp cho Bên B công thức, bí mật kinh doanh để đảm
bảo chất lượng hàng hóa/dịch vụ đồng bộ trong toàn hệ thống.
-
Đảm bảo các nội dung nhượng quyền thương mại trong Hợp
đồng này phù hợp với quy định pháp luật.
-
Đảm bảo các yếu tố nhận diện thương hiệu được thống
nhất thiết kế theo phong cách của toàn bộ hệ thống. Trong trường hợp có điều
chỉnh thì phải được áp dụng kịp thời tại cửa hàng nhượng quyeenf của Bên B một
cách đồng nhất với các cửa hàng khác trong toàn bộ hệ thống.
11.2.5
Đối xử bình đẳng và tôn trọng với Bên B như các thương
nhân nhận nhượng quyền khác trong cùng Hệ thống của Bên A.
11.2.6
Nghiên cứu thị trường, thực hiện các hình thức quảng
cáo, xúc tiến thương mại.
Điều 12.
Quyền và nghĩa vụ
của Bên Nhận quyền
12.1
Quyền của Bên B
12.1.1
Được yêu cầu Bên A cung cấp đầy đủ các thông tin, tài
liệu, trợ giúp kỹ thuật có liên quan đến Hệ thống để có thể hoạt động.
12.1.2
Được hưởng những lợi ích hữu hình và vô hình do giá trị
và uy tín của
thương hiệu […] mang lại nhằm đảm bảo việc kinh doanh được thuận lợi ngay từ
bước đầu.
12.1.3
Được yêu cầu bên A đối xử bình đẳng như với các thương
nhân nhận quyền khác trong cùng hệ thống nhượng quyền thương mại của Bên A.
12.1.4
Có quyền tự quản lý tài chính, doanh thu của Cửa hàng
nhượng quyền.
12.1.5
Được hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn xây dựng, thiết kế, bài
trí Cửa hàng nhượng quyền theo đúng chuẩn mô hình của Bên A.
12.1.6
Được cung cấp
các loại hàng hóa, máy móc, trang thiết bị, vật dụng và nguyên liệu
đặc thù cho hoạt động kinh doanh.
12.1.7
Được hưởng lợi ích trực tiếp từ các chương trình quảng cáo,
khuyến mại chung từ hệ thống của Bên A.
12.1.8
Được hỗ trợ phí quảng cáo, tiếp thị.
12.2
Nghĩa vụ của Bên B
12.2.1
Trả
phí nhượng quyền và các khoản thanh toán khác theo hợp đồng nhượng quyền thương
mại này.
12.2.2
Tự
mình đầu tư các cơ sở vật chất, nguồn tài chính và nhân lực theo yêu cầu của
Bên A bao gồm:
-
Trực
tiếp đứng ra ký kết hợp đồng thuê mặt bằng/cửa hàng với bên cho thuê sau khi
được Bên A phê duyệt về địa điểm Cửa hàng nhượng quyền của Bên B.
-
Thanh
toán toàn bộ chi phí đầu tư cho Cửa hàng nhượng quyền, bao gồm cả thanh toán tiền lương cho nhân viên
làm việc tại cửa hàng của Bên B.
12.2.3
Chấp
nhận sự kiểm soát, giám sát và hướng dẫn của Bên A; tuân thủ các yêu cầu về
thiết kế, sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ theo yêu cầu của Bên A.
12.2.4
Giữ
bí mật về bí mật kinh doanh kể từ ngày ký hợp đồng và có trách nhiệm bảo mật
thông tin ngay cả sau khi hợp đồng nhượng quyền thương mại chấm dứt.
12.2.5
Chấm
dứt việc sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng
kinh doanh và các quyền sở hữu trí tuệ khác hoặc hệ thống của bên A khi Hợp
đồng chấm dứt.
12.2.6
Điều
hành hoạt động phù hợp với hệ thống nhượng quyền thương mại.
12.2.7
Không
được nhượng lại các quyền và nghĩa vụ liên quan được quy định trong hợp đồng
này cho bên thứ ba khác khi không có sự chấp thuận của Bên A bằng văn bản.
12.2.8
Minh
bạch trong công tác vận hành, báo cáo.
12.2.9
Tuân
thủ nghiêm chỉnh mọi sự thay đổi của Hệ thống sau khi nhận được thông báo thay
đổi của Bên A.
12.2.10 Thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy
định để Cửa hàng nhượng quyền được hoạt động kinh doanh theo quy định pháp luật.
12.2.11
Cam
kết kinh doanh lành mạnh theo đúng quy định của pháp luật. Chịu trách
nhiệm pháp lý đối với hiệu quả kinh doanh tại cửa hàng nhượng quyền.
12.2.12
Có
trách nhiệm cùng xây dựng và bảo vệ uy tín, hình ảnh thương hiệu […] trong thời
gian hiệu lực của Hợp đồng.
12.2.13
Luôn
giữ hình ảnh hệ thống […] đồng nhất theo yêu cầu của Bên A.
12.2.14
Không
kinh doanh hàng hóa/dịch vụ khác cạnh tranh với hàng hóa/dịch vụ của Bên A.
12.2.15
Không
trưng bày các biểu tượng, logo, hình ảnh mang tính quảng cáo của sản phẩm khác
cạnh tranh với hệ thống […] bên trong và bên ngoài cửa hàng.
12.2.16
Phối
hợp cùng Bên A và hệ thống […] trong việc tổ chức các hoạt động PR, quảng cáo,
tiếp thị, khuyến mại…
12.2.17
Tạo
thuận lợi cho Bên A kiểm tra Cửa hàng và báo cáo đầy đủ cho Bên A về thực trạng
kinh doanh của Cửa hàng.
Điều 13. Hiệu lực và chấm dứt Hợp
đồng
13.1 Hợp Đồng này có hiệu lực từ […] đến
[…].
13.2 Hợp Đồng này sẽ chấm dứt trước thời
hạn trong những trường hợp sau:
13.2.1 Nếu các bên đồng ý chấm dứt bằng
văn bản.
13.2.2 Nếu bất cứ vi phạm Hợp đồng nào
không được khắc phục trong thời hạn […] ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu khắc
phục từ Bên không vi phạm. Trong trường hợp này, Bên không vi phạm có quyền đơn
phương chấm dứt Hợp đồng bằng cách gửi văn bản thông báo cho Bên vi phạm.
13.2.3 Nếu sự kiện bất khả kháng kéo dài
quá […] ngày kể từ ngày phát sinh, Hợp Đồng này có thể được chấm dứt dựa trên
văn bản thông báo của một Bên cho Bên còn lại.
13.2.4 Bên nhượng quyền có quyền chấm dứt
Hợp đồng ngay lập tức khi xảy ra bất kỳ sự kiện nào dưới đây:
-
Nếu
Bên nhận quyền ngừng hoạt động nhượng quyền hoặc từ bỏ Cửa hàng nhượng quyền
trong thời hạn […] ngày liên tục hoặc bất kỳ hành động nào của Bên nhận quyền
cho thấy Bên này có ý định từ bỏ hoặc ngừng hoạt động nhượng quyền trừ khi hoạt
động nhượng quyền bị tạm ngưng, đình chỉ do sự kiện bất khả kháng.
-
Nếu
Bên nhận quyền mất khả năng thanh toán, bị phá sản, giải thể.
-
Bên
nhận quyền vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà theo ý kiến của Bên nhượng quyền
sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng và bất lợi cho hoạt động của Bên nhượng quyền.
-
Bên
nhận quyền vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thanh toán: không thanh toán hoặc
thanh toán chậm […] kể từ ngày đế nhận được thông báo yêu cầu khắc phục từ Bên
nhượng quyền.
-
Bên
nhận quyền lạm dụng hoặc không tuân thủ các hướng dẫn của Bên nhượng quyền liên
quan đến nhãn hiệu, tên
thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh và các quyền sở hữu trí
tuệ khác của Bên
nhượng quyền mà không khắc phục trong vòng […] ngày kể từ ngày nhận được thông
báo khắc phục từ Bên nhượng quyền.
-
Bên
nhận quyền vi phạm điều khoản bảo mật, vô ý hoặc cố ý tiết lộ trái phép các
thông tin liên quan trong phạm vi Hợp đồng này cho Bên thứ ba.
13.2.5 Bên nhận quyền được quyền chấm dứt
Hợp đồng ngay lập tức khi xảy ra bất kỳ sự kiện nào dưới đây:
-
Việc
kinh doanh của Bên nhận quyền không hiệu quả (không có lãi trong […] tháng liên
tiếp hoặc một thỏa thuận khác).
-
Nếu
Bên nhận quyền mất khả năng thanh toán, bị phá sản, giải thể.
Điều 14.
Giải quyết tranh
chấp
Trong
trường hợp có bất cứ mâu thuẫn nào phát sinh từ Hợp Đồng này, Các Bên sẽ ưu
tiên giải quyết vấn đề bằng thương lượng. Nếu không thể giải quyết được trong
vòng 30 ngày, vấn đề sẽ được giải quyết bởi Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt
Nam (VIAC) theo quy tắc tố tụng của Trung tâm này, địa điểm tiến hành giải quyết
bằng trọng tài là thành phố Hồ Chí Minh. Bên thua kiện phải thanh toán tất cả
các chi phí liên quan đến việc giải quyết tranh chấp cho Bên thắng kiện (bao gồm
cả chi phí luật sư).
Điều 15.
Điều khoản chung
15.1 Hợp Đồng này được điều chỉnh và
giải thích theo pháp luật Việt Nam.
15.2 Mọi sửa đổi hoặc bổ sung Hợp Đồng
đều phải được lập thành văn bản và ký duyệt bởi người có thẩm quyền của mỗi
Bên.
15.3 Mỗi Bên không được phép chuyển giao
bất cứ quyền, nghĩa vụ nào trong Hợp Đồng này cho bất cứ bên thứ ba nào mà
không được sự chấp thuận trước bằng văn bản của Bên còn lại.
15.4 Hợp Đồng này sẽ được lập thành […]
bản có giá trị như nhau, mỗi Bên giữ […] bản để thực hiện.
ĐẠI DIỆN BÊN A |
|
ĐẠI DIỆN BÊN B |
HỎI: QUYỀN ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG NHƯỢNG QUYỀN?
Công ty mình có ký 1 hợp đồng nhượng quyền với công ty A và công ty mình là bên nhận quyền, khi ký hợp đồng có yêu cầu nhưng bên công ty A không thực hiện nghĩa vụ đào tạo định kỳ với bên mình và bên mình cũng vẫn tiếp tục điều hành hoạt động của cơ sở nhượng quyền.
Bây giờ sau hơn 1 năm hoạt động, bên mình đang thua lỗ và gửi thông báo chấm dứt hợp đồng cho bên công ty A. công ty A cho rằng việc gửi thông báo chấm dứt hợp đồng chậm trễ 1 năm kể từ ngày vi phạm được hiểu là việc bên nhận quyền đã từ chối quyền đc đơn phương chấm dứt hợp đồng theo thoả thuận. Ngược lại nếu k có cơ sở để đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng bên mình vẫn gửi 1 thông báo chấm dứt hợp đồng trc khi hợp đồng hết hạn. Hành vi này cấu thành 1 vi phạm hợp đồng của bên nhận quyền Hợp đồng nhượng quyền thương mại k quy định về thời gian gửi thông báo chấm dứt hợp đồng (trong TH 1 bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng). Mặt khác hợp đồng nhượng quyền Thương mại cũng có điều khoản quy định: " việc 1 bên k thực hiện hoặc chậm trễ thực hiện bất kì quyền nào đc quy định trong hợp đồng k cấu thành việc từ chối thực hiện quyền. Trường hợp 1 bên từ chối thực hiện bất kì quyền nào đc quy định trong hợp đồng k ảnh hưởng đến vc thực hiện các quyền khác và vc từ chối thực hiện quyền có thể đc huỷ vì bất kì lý do nào và tại bất kì thời điểm nào bằng 1 thông báo, bằng văn bản gửi cho bên kia."
Theo bên mình dựa tren quy định này việc gửi thông báo chấm dứt hợp đồng chậm trễ k cấu thành viễc từ chối thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của bên nhận quyền. Bây giờ công ty mình nên giải quyết thê nào ạ?
1. Luật sư Nguyễn Sơn Trung tư vấn quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhượng quyền:
Chào bạn!
Việc thực hiện hợp đồng nhượng quyền thương mại vốn rất phức tạp vì liên quan đế nhiều quan hệ pháp luật: Như dân sự, doanh nghiệp , thương mại và sở hữu trí tuệ.
Bạn trình bày vấn đề khá chung chung và khó hiểu nên tôi khó mà có thể tư vấn chính xác cho bạn. Quan trọng nhất là tôi cần có nội dung cụ thể của bản hợp đồng mới mới có thể xem xét thấu đáo và chính xác vụ việc.
Bạn có thể liên hệ trực tiếp với tôi hoặc gửi bản hợp đồng qua email: trungns@daugiasaoviet.com hoặc sdt : 0904984407 để tôi có thể tư vấn cho bạn chính xác bạn nhé,
Luật sư Nguyễn Sơn Trung.
2. Luật sư Phạm Đức Huy tư vấn quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhượng quyền:
chào bạn!
Vấn đề của Công ty bạn chúng tôi cần xem hợp đồng, thỏa thuận giữa các bên mới có thể tư vấn cụ thể, chính xác được.
Bạn vui lòng liên hệ sđt 0977761893 để cung cấp thêm thông tin và được hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng!
Luật sư Phạm Đức Huy.
3. Luật sư Dương Hoài Vân tư vấn quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhượng quyền:
Chào bạn,
Lời đầu tiên, Công ty Luật TNHH Một thành viên Vân Hoàng Minh (V&HM Law Firm) xin gửi lời chào trân trọng và lời chúc sức khỏe. Chúng tôi chân thành trân trọng cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi cho chúng tôi.
Về vấn đề pháp lý mà bạn yêu cầu, tôi xin có một số chia sẻ như sau:
Thứ nhất, đối với vụ việc của bạn, do thông tin bạn cung cấp chưa rõ, chúng tôi cần bạn cung cấp hồ sơ liên quan đến các vấn đề nêu trên thì mới đưa ra hướng tư vấn rõ ràng cho bạn được.
Thứ hai, đây là vụ việc theo sự đánh giá của tôi là tương đối phức tạp và cần có sự trao đổi trực tiếp, cụ thể và rõ ràng để làm sáng tỏ những thắc mắc, đồng thời có thể đưa ra sự tư vấn nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp cho bạn. Do đó, bạn có thể mang đầy đủ hồ sơ có liên quan đến văn phòng của V&HM Law Firm tại: 422 (Tầng 3) Võ Văn Kiệt, Phường Cô Giang, Quận 1, TP.Hồ Chí Minh gặp trực tiếp Luật sư để được trao đổi, tư vấn cụ thể hơn.
Trân trọng./.
Luật sư Dương Hoài Vân.
TIN LIÊN QUAN:
Dịch vụ pháp lý trọn gói: THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP
Không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm?
Gửi một câu hỏi miễn phí trên diễn đàn công cộng của chúng tôi. Đặt một câu hỏi
Đặt câu hỏi- hoặc -
Tìm kiếm luật sư bằng cách đánh giá và xếp hạng..
Tìm kiếm luật sư