Áp dụng chế tài do vi phạm hợp đồng
Áp dụng chế tài do vi phạm hợp đồng được tư vấn chuyên môn bởi Luật sư Phạm Hồng Mạnh.
Luật sư Phạm Hồng Mạnh là đồng sáng lập của Công ty TNHH Luật Apolat Legal. Luật sư Mạnh đã có hơn 10 năm kinh nghiệm công tác và tư vấn ở cả hai vai trò, là luật sư nội bộ cho các tập đoàn kinh tế lớn tại Việt Nam trong lĩnh vực ngân hàng và sản xuất thép, đồng thời cũng là luật sư thành viên của Công ty Luật Apolat Legal.
Attorney Pham Hong Manh is a co-founder of APOLAT LEGAL COMPANY LIMITED. Attorney Manh has over 10 years of experience working and consulting in both roles, the internal lawyer for big corporations in Vietnam economy in the banking sector and steel production, he is also a Senior Partner of Apolat Legal Law Firm.
Việc áp dụng chế tài do vi phạm hợp đồng sẽ giúp ngăn ngừa hành vi vi phạm, bảo vệ một cách tốt nhất lợi ích của các bên khi thực hiện hợp đồng.
Các chế tài được áp dụng do vi phạm hợp đồng:
- Buộc thực hiện đúng hợp đồng.
- Phạt vi phạm.
- Buộc bồi thường thiệt hại.
- Tạm ngừng thực hiện hợp đồng.
- Đình chỉ thực hiện hợp đồng.
- Huỷ bỏ hợp đồng.
Tùy từng trường hợp, mức độ vi phạm, sẽ áp dụng các chế tài phù hợp.
>> Đặt câu hỏi MIỄN PHÍ với chế tài do vi phạm hợp đồng với 5.000+ Luật sư toàn quốc.
1. Buộc thực hiện đúng hợp đồng là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh. Cụ thể:
- Trường hợp bên vi phạm giao thiếu hàng hoặc cung ứng dịch vụ không đúng hợp đồng thì phải giao đủ hàng hoặc cung ứng dịch vụ theo đúng thoả thuận trong hợp đồng. Trường hợp bên vi phạm giao hàng hoá, cung ứng dịch vụ kém chất lượng thì phải loại trừ khuyết tật của hàng hoá, thiếu sót của dịch vụ hoặc giao hàng khác thay thế, cung ứng dịch vụ theo đúng hợp đồng. Bên vi phạm không được dùng tiền hoặc hàng khác chủng loại, loại dịch vụ khác để thay thế nếu không được sự chấp thuận của bên bị vi phạm.
- Trong trường hợp bên vi phạm không thực hiện nghĩa vụ nêu trên thì bên bị vi phạm có quyền mua hàng, nhận cung ứng dịch vụ của người khác để thay thế theo đúng loại hàng hoá, dịch vụ ghi trong hợp đồng và bên vi phạm phải trả khoản tiền chênh lệch và các chi phí liên quan nếu có; có quyền tự sửa chữa khuyết tật của hàng hoá, thiếu sót của dịch vụ và bên vi phạm phải trả các chi phí thực tế hợp lý.
- Bên bị vi phạm phải nhận hàng, nhận dịch vụ và thanh toán tiền hàng, thù lao dịch vụ, nếu bên vi phạm đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ.
- Trường hợp bên vi phạm là bên mua thì bên bán có quyền yêu cầu bên mua trả tiền, nhận hàng hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác của bên mua được quy định trong hợp đồng và quy định pháp luật.
Lưu ý: Trường hợp buộc thực hiện đúng hợp đồng, bên bị vi phạm có thể gia hạn một thời gian hợp lý để bên vi phạm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.
>> Thông tin hữu ích: Top 10 Luật sư Doanh nghiệp nổi tiếng và uy tín tại Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Phạt vi phạm hợp đồng là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp được miễn trách nhiệm sau:
- Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;
- Xảy ra sự kiện bất khả kháng;
- Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;
- Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp kết quả giám định sai.
3. Buộc bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
- Những căn cứ phát sinh bồi thường thiệt hại:
- Có hành vi vi phạm hợp đồng;
- Có thiệt hại thực tế;
Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.
4. Tạm ngừng thực hiện hợp đồng là việc một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng;
- Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.
Hậu quả pháp lý của tạm ngừng thực hiện hợp đồng:
- Hợp đồng vẫn còn hiệu lực.
- Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
5. Đình chỉ thực hiện hợp đồng là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng;
- Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.
Hậu quả pháp lý của việc đình chỉ thực hiện hợp đồng:
- Hợp đồng chấm dứt từ thời điểm một bên nhận được thông báo đình chỉ. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ đối ứng.
- Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
6. Hủy bỏ hợp đồng bao gồm hủy bỏ toàn bộ và hủy bỏ một phần hợp đồng.
Hủy bỏ toàn bộ hợp đồng là việc bãi bỏ hoàn toàn việc thực hiện tất cả các nghĩa vụ hợp đồng đối với toàn bộ hợp đồng.
Hủy bỏ một phần hợp đồng là việc bãi bỏ thực hiện một phần nghĩa vụ hợp đồng, các phần còn lại trong hợp đồng vẫn còn hiệu lực.
Trừ các trường hợp được miễn trách nhiệm, hủy bỏ hợp đồng được áp dụng trong những trường hợp sau:
- Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng;
- Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.
Huỷ bỏ hợp đồng trong trường hợp giao hàng, cung ứng dịch vụ từng phần:
- Trường hợp có thoả thuận về giao hàng, cung ứng dịch vụ từng phần, nếu một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình trong việc giao hàng, cung ứng dịch vụ và việc này cấu thành một vi phạm cơ bản đối với lần giao hàng, cung ứng dịch vụ đó thì bên kia có quyền tuyên bố huỷ bỏ hợp đồng đối với lần giao hàng, cung ứng dịch vụ.
- Trường hợp một bên không thực hiện nghĩa vụ đối với một lần giao hàng, cung ứng dịch vụ là cơ sở để bên kia kết luận rằng vi phạm cơ bản sẽ xảy ra đối với những lần giao hàng, cung ứng dịch vụ sau đó thì bên bị vi phạm có quyền tuyên bố huỷ bỏ hợp đồng đối với những lần giao hàng, cung ứng dịch vụ sau đó, với điều kiện là bên đó phải thực hiện quyền này trong thời gian hợp lý.
- Trường hợp một bên đã tuyên bố huỷ bỏ hợp đồng đối với một lần giao hàng, cung ứng dịch vụ thì bên đó vẫn có quyền tuyên bố huỷ bỏ hợp đồng đối với những lần giao hàng, cung ứng dịch vụ đã thực hiện hoặc sẽ thực hiện sau đó nếu mối quan hệ qua lại giữa các lần giao hàng dẫn đến việc hàng hoá đã giao, dịch vụ đã cung ứng không thể được sử dụng theo đúng mục đích mà các bên đã dự kiến vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Hậu quả pháp lý của việc huỷ bỏ hợp đồng:
- Trừ trường hợp hủy bỏ hợp đồng giao hàng, cung ứng dịch vụ từng phần nêu trên, sau khi huỷ bỏ hợp đồng, hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đã thoả thuận trong hợp đồng, trừ thỏa thuận về các quyền và nghĩa vụ sau khi huỷ bỏ hợp đồng và về giải quyết tranh chấp.
- Các bên có quyền đòi lại lợi ích do việc đã thực hiện phần nghĩa vụ của mình theo hợp đồng; nếu các bên đều có nghĩa vụ hoàn trả thì nghĩa vụ của họ phải được thực hiện đồng thời; trường hợp không thể hoàn trả bằng chính lợi ích đã nhận thì bên có nghĩa vụ phải hoàn trả bằng tiền.
- Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Nếu cần tư vấn về áp dụng chế tài do vi phạm Hợp đồng, bạn có thể liên hệ Luật sư Phạm Hồng Mạnh tại:
Công ty TNHH Luật Apolat Legal
Địa chỉ: Tòa nhà IMM, 99-101 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 6, Quận 3, Tp.HCM
Điện thoại: 0933 632 693
Email: manh.pham@apolatlegal.com
HỎI: BÊN ĐỐI TÁC GIAO HÀNG THIẾU THEO HỢP ĐỒNG THÌ BỊ CHẾ TÀI NHƯ THẾ NÀO?
Xin chào Luật sư tư vấn. Tôi có 1 câu hỏi muốn nhờ Luật sư tư vấn ạ. Bên doanh nghiệp của tôi mua hàng của doanh nghiệp khác nhưng khi nhận hàng số lượng còn thiếu rất nhiều so với đơn đặt hàng. Tôi có gọi điện phản ánh thì họ cố tình lờ đi, không thừa nhận giao hàng thiếu và cố tình chiếm đoạt tiền bên tôi. Vì bên tôi đã chuyển tiền trước. Thậm chí họ còn thách thức chúng tôi. Doanh nghiệp này bên tôi đã lấy hàng trên 2 năm nay, mấy lần trước cũng đều giao thiếu nhưng chưa phát hiện ra, lần này phát hiện ra thì họ có thái độ thách thức. Xin hỏi Luật sư tôi phải làm sao khi họ cố tình như vậy? |
1. Luật sư TRƯƠNG TRỌNG THUẬN tư vấn về chế tài do vi phạm hợp đồng bán hàng:
Trường hợp của bạn cần xem xét nội dung trong hợp đồng của hai bên đã ký kết về việc mua bán hàng hóa đã có những thỏa thuận như thế nào thì Luật sư mới có thể tư vấn một cách chính xác nhất. Theo những thông tin bạn cung cấp Luật sư đưa ra ý kiến tư vấn như sau:
Tại Điều 41 Luật thương mại 2005 quy định về việc khắc phục trong trường hợp giao thiếu hàng:
“1. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu hợp đồng chỉ quy định thời hạn giao hàng và không xác định thời điểm giao hàng cụ thể mà bên bán giao hàng trước khi hết thời hạn giao hàng và giao thiếu hàng hoặc giao hàng không phù hợp với hợp đồng thì bên bán vẫn có thể giao phần hàng còn thiếu hoặc thay thế hàng hoá cho phù hợp với hợp đồng hoặc khắc phục sự không phù hợp của hàng hoá trong thời hạn còn lại.
2. Khi bên bán thực hiện việc khắc phục quy định tại khoản 1 Điều này mà gây bất lợi hoặc làm phát sinh chi phí bất hợp lý cho bên mua thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán khắc phục bất lợi hoặc chịu chi phí đó.”
Hai bên đã hợp tác với nhau trong thời gian khá dài, để thể hiện thiện chí và còn có thể hợp tác tiếp thì bạn nên thỏa thuận ấn định một khoản thời gian hợp lý để bên kia khắc phục việc giao thiếu hàng, nếu có phát sinh chi phí gì từ việc khắc phục đó thì bên kia sẽ chịu.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 297 Luật thương mại 2005 quy định về Buộc thực hiện đúng hợp đồng:
“Trường hợp bên vi phạm giao thiếu hàng hoặc cung ứng dịch vụ không đúng hợp đồng thì phải giao đủ hàng hoặc cung ứng dịch vụ theo đúng thoả thuận trong hợp đồng. Trường hợp bên vi phạm giao hàng hoá, cung ứng dịch vụ kém chất lượng thì phải loại trừ khuyết tật của hàng hoá, thiếu sót của dịch vụ hoặc giao hàng khác thay thế, cung ứng dịch vụ theo đúng hợp đồng. Bên vi phạm không được dùng tiền hoặc hàng khác chủng loại, loại dịch vụ khác để thay thế nếu không được sự chấp thuận của bên bị vi phạm.”
Và tại khoản 1 Điều 299 quy định: “Trừ trường hợp có thoả thuận khác, trong thời gian áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm nhưng không được áp dụng các chế tài khác”.
Như vậy, công ty bạn có thể đồng thời yêu cầu bên kia tiếp tục thực hiện đúng hợp đồng, yêu cầu bên kia trả một khoản tiền phạt không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận về điều khoản phạt vi phạm và đòi bồi thường thiệt hại (nếu có).
Nếu bên kia không chịu hợp tác thì căn cứ theo khoản 3 Điều 317 và Điều 319 Luật thương mại 2005 quy định, công ty bạn có thể khởi kiện ra Trọng tài (nếu có thỏa thuận trong hợp đồng) Tòa án yêu cầu giải quyết tranh chấp Hợp đồng mua bán hàng hóa. Thời hiệu khởi kiện là 2 năm kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.
Trân trọng,
2. Luật sư THÁI LÊ TÂN tư vấn về chế tài do vi phạm hợp đồng bán hàng:
Kính gửi Quý KH
Trường hợp của KH, nếu đối tác giao hàng thiếu, không thiện chí hợp tác và cố tình không giải quyết theo yêu cầu của KH, thì KH căn cứ trên hợp đồng mua bán hàng hóa/các văn bản thỏa thuận việc mua bán và các chứng từ ghi nhận số lượng,...trong quá trình giao nhận hàng hóa giữa hai bên, KH gửi văn bản đến bên đối tác thông báo vụ việc, đưa ra các chứng cứ vi phạm hợp đồng, các yêu cầu, thời hạn giải quyết,...nếu không thực hiện sẽ khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền nhờ giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trân trọng.
HỎI: CHO THUÊ MÁY PHÁT ĐIỆN NHƯ BÊN THUÊ VI PHẠM HỢP ĐỒNG KHÔNG CHỊU TRẢ MÁY THÌ PHẢI LÀM SAO?
Chào luật sư, bên cty e có cho cty kia thuê 01 máy phát điện, nhưng đến hạn bên cty e lên công trường đưa máy về thì công nhân ở đấy họ không cho lấy, mà số điện thoại của chủ cty đó lại tạm khóa, không liên lạc được, công nhân ở đấy bảo chủ cty đó đang nợ tiền lương của họ nên giờ không có chủ đó họ không cho lấy máy,giờ luật sư cho e hỏi phải làm thế nào ạ, có nên báo công an k ạ? cảm ơn Luật sư. |
Luật sư NGUYỄN THANH HẢI tư vấn bên thuê vi phạm hợp đồng không chịu trả máy phát điện:
Chào bạn,
Vấn đề bạn nêu luật sư trả lời như sau:
Thông thường việc thuê và cho thuê tài sản được thực hiện bằng văn bản, hợp đồng, có biên bản giao nhận, ... tóm lại các thủ tục được thực hiện một cách bài bản, vậy khi kết thúc hợp đồng các bên thuê và cho thuế cũng phải thực hiện các thủ tục này một cách bài bản theo các nội dung quy định tronh hợp đồng.
Bạn cần liên hệ với bên thuê để tiến hành các thủ tục thanh lý hợp đồng, khi nhận lại máy phát điện cần có cán bộ bên thuê đến bàn giao và có biên bản.
Bạn tự vào công trường lấy lại máy là không được rồi, chưa nói đến chuyện chủ đơn vị bên thuê nợ tiền lương thì bản thân người lao động tại chỗ họ cũng phải bảo vệ tài sản của công trường không cho phép bên ngoài tùy tiện vào di dời tài sản.
Trường hợp bạn liên lạc vào số máy của chủ DN bên thuê không được, bạn phối họp với công an khu vực địa phương mà bên thuê có văn phòng để cùng làm việc, các cuộc làm việc này cần có biên bản có ký nhận của các bên, nếu bên thuê không hợp tác thì bạn nên tính chuyện khởi kiện ra tòa và đồng thời báo với tòa có biện pháp phong tỏa tránh việc tẩu tán tài sản của bên thuê.
THÔNG TIN LIÊN QUAN
Lĩnh vực Dân Sự
Không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm?
Gửi một câu hỏi miễn phí trên diễn đàn công cộng của chúng tôi. Đặt một câu hỏi
Đặt câu hỏi- hoặc -
Tìm kiếm luật sư bằng cách đánh giá và xếp hạng..
Tìm kiếm luật sư