Các trường hợp không phải đi nghĩa vụ quân sự
Những trường hợp nào được miễn nghĩa vụ quân sự ?
Theo pháp luật hiện hành, có hai trường hợp được miễn nghĩa vụ quân sự:
Trường hợp 1: Thuộc đối tượng được miễn đăng kí nghĩa vụ quân sự
Điều 14 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định về đối tượng miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự:
“Điều 14. Đối tượng miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự
Người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính theo quy định của pháp luật.”
Trong đó:
Người khuyết tật được định nghĩa theo Khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật 2010 như sau:
“Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”.
Tại Khoản 4 Điều 4 Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC của Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Tòa án nhân dân tối cao - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ngày 15/05/2013 hướng dẫn thi hành các quy định về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân có quy định về người mắc bệnh hiểm nghèo như sau:
“Mắc bệnh hiểm nghèo là người đang bị mắc một trong các bệnh như: Ưng thư giai đoạn cuối, liệt, lao nặng kháng thuốc, xơ gan cổ chướng, suy tim độ III trở lên, suy thận độ IV trở lên, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS đang có nhiễm trùng cơ hội, không có khả năng tự phục vụ bản thân và có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao hoặc mắc một trong các bệnh khác được Hội đồng giám định y khoa, bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên kết luận là bệnh hiểm nghèo, nguy hiểm đến tính mạng”.
Tại mục III Phụ lục I Thông tư liên tịch số 36/2011/TTLT-BYT-BQP của Bộ Y tế - Bộ Quốc phòng ngày 17/10/2011 Hướng dẫn việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự quy định danh mục các bệnh miễn làm nghĩa vụ quân sự, gồm 22 bệnh theo danh mục dưới đây:
“1. Động kinh thỉnh thoảng lên cơn;
2. Tâm thần: Điên rồ, mất trí, cuồng dại (bệnh tâm thần có thể đã được điều trị nhiều lần không khỏi);
3. Phù thũng lâu ngày do bị các bệnh như: suy tim, viêm thận, thận hư, suy thận mạn tính…;
4. Chân voi (do giun chỉ) không lao động được;
5. Chân tay tàn tật, biến dạng, mất chức phận chi do mọi nguyên nhân;
6. Lao xương khớp, lao hạch đang tiến triển;
7. Phong các thể chưa ổn định (có loét, sùi, cụt ngón tay, ngón chân);
8. Câm hay ngọng líu lưỡi từ bé;
9. Điếc từ bé;
10. Mù hoặc chột mắt;
11. Run tay chân quanh năm, đi lại khó khăn, không lao động được (như bệnh Parkinson) hoặc chân tay có những động tác bất thường múa giật (Chorée), múa vờn (Athétose);
12. Liệt nửa người trái hoặc phải, liệt hai chi dưới;
13. Gầy còm, hốc hác, yếu đuối, cơ thể suy kiệt khó có thể hồi phục được do mắc các bệnh mạn tính như lao xơ hang, hen dai dẳng, có biến chứng tâm phế mạn hoặc khí phế thũng, xơ gan cổ trướng;
14. Cổ bị cố tật, ngoẹo rõ rệt từ nhiều năm;
15. Lùn quá khổ (chiều cao đứng dưới 140 cm);
16. Gù có bướu ở lưng do di chứng lao cột sống, chấn thương cũ làm cột sống tổn thương để lại di chứng;
17. Tật sụp mi mắt bẩm sinh;
18. Sứt môi kèm theo khe hở vòm miệng chưa vá;
19. Trĩ mũi (Ozène) có rối loạn phát âm;
20. Bệnh khớp có biến dạng teo cơ, cứng khớp;
21. Các bệnh lý ác tính;
22. Người nhiễm HIV.”
Ngoài ra, Điểm e Khoản 4 Điều 9 Thông tư liên tịch này cũng quy định trường hợp có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 6 trong 8 chỉ tiêu chỉ tiêu ghi trong phiếu sức khỏe nghĩa vụ quân sự là loại sức khỏe được miễn làm nghĩa vụ quân sự.
Trường hợp 2: Thuộc đối tượng được miễn gọi nhập ngũ:
Theo Khoản 2 Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, miễn gọi nhập ngũ được quy định như sau:
“2. Miễn gọi nhập ngũ đối với những công dân sau đây:
a) Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một;
b) Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ;
c) Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên;
d) Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân;
đ) Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên.
Như vậy, khi công dân thuộc một trong số các đối tượng trên thì không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự 2015.
THÔNG TIN LIÊN QUAN:
Đang đi học có phải đi nghĩa vụ quân sự không ?
Lĩnh vực Hành Chính
Không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm?
Gửi một câu hỏi miễn phí trên diễn đàn công cộng của chúng tôi. Đặt một câu hỏi
Đặt câu hỏi- hoặc -
Tìm kiếm luật sư bằng cách đánh giá và xếp hạng..
Tìm kiếm luật sư