Chi phí thuê Luật sư bào chữa và lợi ích thuê luật sư bào chữa
Bài viết được tư vấn chuyên môn & chia sẻ kinh nghiệm thực tế bởi Luật sư Nguyễn Hồng Quân.
LUẬT SƯ NGUYỄN HỒNG QUÂN LÀ LUẬT SƯ CHUYÊN GIẢI QUYẾT ÁN HÌNH SỰ, NHÀ ĐẤT. Với phương châm làm việc "chọn việc Đúng - Đáng - Đàng hoàng- Đặt Lợi Ích Khách Hàng Lên Hàng Đầu" kết hợp với bề dày kinh nghiệm trong việc tư vấn, tranh tụng, hỗ trợ pháp lý cho các khách hàng trong các vụ án hình sự, kinh tế lớn.
Nếu luật sư tư vấn là người dẫn đường khi khách hàng không biết lối thì luật sư bào chữa chính là người cứu hộ khi khách hàng chẳng may lạc bước. Khi vướng vào một vụ án hình sự mà bản thân hay người thân là bên yếu thế, người mà ngay lập tức chúng ta cần liên hệ để được hỗ trợ chính là luật sư bào chữa.
1. Luật sư bào chữa là ai và tại sao chúng ta cần họ?
Xuất phát từ việc đảm bảo quyền bào chữa - một quyền hiến định (được ghi nhận tại các Điều 31, Điều 103 Hiến pháp 2013), một quyền đặc thù, một quyền cơ bản của công dân - chức danh luật sư bào chữa ra đời. Tuy quyền bào chữa có thể được tự thực hiện nhưng bất cứ việc gì được đảm nhận bởi người có trình độ chuyên nghiệp cũng sẽ đảm bảo kết quả tốt hơn.
Luật sư bào chữa là những người có kiến thức pháp luật và kinh nghiệm hoạt động tố tụng, giữ vai trò đại diện thân chủ tham gia tố tụng trong một vụ án hình sự để biện hộ, bảo vệ cho thân chủ nhằm chống lại sự cáo buộc có tội của bên buộc tội, truy tố hoặc tố cáo, giúp làm giảm trách nhiệm hình sự cho thân chủ, và cao hơn thế nữa, giúp cơ quan chức năng làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Theo khoản 1 Điều 72 BLTTHS, người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.
Luật sư bào chữa khác với luật sư tranh tụng ở chỗ luật sư tranh tụng được quyền tham gia vào quá trình tố tụng trong các vụ án lao động, thương mại, dân sự, và cả hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình trước bên có lợi ích đối lập và trước các cơ quan tố tụng có thẩm quyền. Trong khi đó, luật sư bào chữa chỉ xuất hiện trong vụ án hình sự. Nếu không có luật sư bào chữa, khả năng xảy ra oan, sai hay tình trạng bức cung, nhục hình trong vụ án hình sự là rất cao. Điều này không chỉ trực tiếp xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm… mà trong nhiều trường hợp, còn tước đoạt cả quyền được sống của con người.
Nếu ví công lý là cán cân thì để đạt được sự cân bằng hoàn hảo, chúng ta cần luật sư bào chữa đóng vai trò gỡ tội - ở thế đối trọng - với cơ quan công tố thực hiện chức năng buộc tội. Trong vụ án hình sự, bị cáo chính là bên yếu thế và để thực hiện đúng nguyên tắc xương sống của luật hình sự là “suy đoán vô tội”, sự có mặt của luật sư bào chữa là không thể thiếu. Bằng năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức, luật sư bào chữa sẽ khách quan mà đứng về phía người bị buộc tội để cố gắng đưa ra ánh sáng những tình tiết còn khuất lấp nhằm gỡ tội cho những người rất có thể là vô tội nhưng bị đưa vào thế yếu.
Luật sư bào chữa là một trong các đối tượng người bào chữa theo quy định tại khoản 2 Điều 72 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (BLTTHS), bên cạnh người đại diện hợp pháp của người bị buộc tội, bào chữa viên nhân dân và trợ giúp viên pháp lý. Ngoài ra, căn cứ khoản 5 Điều này, một người bào chữa có thể bào chữa cho nhiều người bị buộc tội trong cùng vụ án nếu quyền và lợi ích của họ không đối lập nhau. Nhiều người bào chữa có thể bào chữa cho một người bị buộc tội. Vậy, nếu có thể, người có nhu cầu hoàn toàn có thể thuê nhiều luật sư bào chữa cùng lúc để chắc chắn rằng quyền và lợi ích hợp pháp của họ được bảo đảm ở mức tối đa.
2. Ai là người có quyền nhờ luật sư bào chữa?
Căn cứ quy định tại điểm a khoản 2 điều 78 BLTTHS: Luật sư xuất trình Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy yêu cầu luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội khi đăng kí bào chữa. Vậy người có quyền nhờ luật sư bào chữa theo quy định này là: Người bị buộc tội, người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội.
Theo điểm b khoản 3 điều 27 Luật luật sư 2012, giấy yêu cầu luật sư của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc của người khác hoặc văn bản cử luật sư của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đó hành nghề hoặc văn bản phân công của Đoàn luật sư đối với luật sư hành nghề với tư cách cá nhân trong trường hợp tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc trong trường hợp thực hiện trợ giúp pháp lý.” Người có quyền yêu cầu luật sư bào chữa theo quy định này là: Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc người khác hoặc văn bản phân công của Đoàn luật sư.
Từ hai quy định trên, có thể tổng hợp lại để xác định các đối tượng là người bị buộc tội, người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc người khác hoặc văn bản phân công của Đoàn luật sư. Trong đó, quy định về “người khác” cần được làm rõ để tránh sự mơ hồ trong văn bản pháp luật.
3. Luật sư bào chữa làm những gì cho thân chủ của mình?
Bào chữa cho người bị buộc tội không chỉ là hoạt động nghề nghiệp mà còn là trách nhiệm xã hội của người luật sư trong việc thực thi và duy trì công lý. Luật sư bào chữa vì thế sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để hoàn thành một số công việc cơ bản sau nhằm bào chữa, bảo vệ một cách tốt nhất quyền lợi chính đáng của bị can, bị cáo và các đương sự khác trong vụ án hình sự:
1. Trước khi ra tố tụng có thể được cơ quan công quyền cho gặp thân chủ để tư vấn, hướng dẫn họ, chuẩn bị cho họ kiến thức pháp luật, điều kiện tâm lý để tham gia tố tụng.
2. Bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bị tố giác (tố cáo);
3. Bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho người bị tạm giữ, bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã;
4. Bào chữa cho bị can, bị cáo trong toàn bộ quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tại cơ quan tiến hành tố tụng các cấp;
5. Bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bị hại, nguyên đơn, bị đơn dân sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự;
6. Tư vấn, hỗ trợ thân chủ kháng cáo, đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của pháp luật.
7. ...
4. Luật sư bào chữa tham gia từ giai đoạn nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 58 BLTTHS: Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Luật sư khi tham gia tố tụng với tư cách là luật sư bào chữa cũng phải làm thủ tục đăng ký bào chữa theo quy định của pháp luật hình sự. Luật sư trước khi tham gia tố tụng, bào chữa cho bị can, bị cáo cần được cấp văn bản thông báo người bào chữa tham gia tố tụng.
Căn cứ Khoản 2, Khoản 3 Điều 78 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015, thủ tục đăng ký bào chữa của Luật sư được chia thành 3 trường hợp như sau:
- Trường hợp 1: Luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của người bị buộc tội hoặc đại diện người bị buộc tội: Luật sư xuất trình Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy yêu cầu luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội (Điểm a Khoản 2 Điều 78 Bộ luật hình sự);
- Trường hợp 2: Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý cần xuất trình văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực (Điểm d Khoản 2 Điều 78 BLTTHS 2015);
- Trường hợp 3: Luật sư được chỉ định bào chữa thì cần xuất trình Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử luật sư của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đó hành nghề hoặc văn bản phân công của Đoàn luật sư đối với luật sư hành nghề là cá nhân (Điểm a Khoản 3 Điều 78 BLTTHS 2015).
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ nêu trên, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra giấy tờ; nếu không thuộc trường hợp từ chối đăng ký bào chữa thì vào sổ đăng ký bào chữa, gửi văn bản thông báo người bào chữa cho luật sư đăng ký bào chữa, cơ sở giam giữ và lưu giấy tờ liên quan vào hồ sơ vụ án; nếu xét thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký bào chữa và phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
Theo Khoản 5 Điều 78 BLTTHS, thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng từ chối việc đăng ký bào chữa cho luật sư khi Luật sư bào chữa thuộc trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 72 BLTTHS 2015 hoặc Người bị buộc tội thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa từ chối người bào chữa.
Văn bản thông báo người bào chữa đối với luật sư có giá trị trong suốt quá trình tham gia tố tụng, cụ thể từ giai đoạn khởi tố, điều tra tại Cơ quan điều tra, truy tố tại Viện Kiểm sát đến xét xử tại các phiên Tòa.
Tuy nhiên, khi phát hiện Luật sư bào chữa thuộc trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 72 BLTTHS 2015 hoặc vi phạm pháp luật trong quá trình bào chữa, Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hủy bỏ việc đăng ký bào chữa và thông báo cho luật sư bào chữa, cơ sở giam giữ được biết.
Trên thực tế, khi Luật sư tham gia tố tụng, tham gia cùng bị can tại cơ quan điều tra, hay hồ sơ được chuyển sang giai đoạn truy tố tại Viện kiểm sát hoặc tham gia phiên xét xử tại phiên Tòa, Luật sư thường chuẩn bị Đơn yêu cầu luật sư của bị can, bị cáo hoặc của người thân bị can, bị cáo; Bản sao thẻ luật sư và bản sao chứng chỉ hành nghề luật sư cùng Đơn đăng ký người bào chữa tham gia tố tụng. Tùy thuộc vào một số cơ quan tố tụng, yêu cầu bản sao thẻ luật sư và bản sao chứng chỉ hành nghề luật sư có cần sao y hay không. Ví dụ, tại Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, thủ tục luật sư không cần phải sao y; còn tại Tòa án các tỉnh hoặc Tòa án cấp cao, thủ tục cần phải sao y, chứng thực mới được cấp văn bản thông báo người bào chữa tham gia tố tụng.
5. Chi phí thuê luật sư bào chữa là bao nhiêu?
Chi phí đóng một vai trò quan trọng trong việc lựa chọn luật sư bào chữa thích hợp, các căn cứ để xác định chi phí thuê luật sư bào chữa được trình bày ngắn gọn như sau:
5.1 Thứ nhất, phí thuê Luật sư bào chữa trong vụ án hình sự thường do thỏa thuận của các bên.
Mức độ thù lao dựa trên:
+ Nội dung, tính chất của dịch vụ pháp lý.
+ Thời gian và công sức của luật sư sử dụng để thực hiện dịch vụ pháp lý.
+ Kinh nghiệm và uy tín của luật sư cũng như văn phòng Luật
5.2 Thứ hai, khách hàng có thể thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý về việc tính chi phí luật sư theo các phương thức sau:
+ Theo giờ làm việc của luật sư.
+ Theo vụ, việc với mức thù lao trọn gói.
+ Theo vụ, việc với mức thù lao tính theo tỷ lệ phần trăm của giá ngạch vụ kiện hoặc giá trị hợp đồng, giá trị dự án.
5.3 Thứ ba, thù lao theo mức trần do Chính phủ quy định
về nguyên tắc mức thù lao được xác định trên cơ sở tự do thỏa thuận giữa luật sư với khách hàng, tuy nhiên riêng đối với vụ án hình sự mà luật sư tham gia tố tụng thì mức thù lao không được vượt quá mức trần thù lao do Chính phủ quy định. Cụ thể Nghị định 123/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 14/10/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư quy định mức thù lao luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự do khách hàng và văn phòng luật sư, công ty luật thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý dựa trên các căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 55 của Luật luật sư và được tính theo giờ hoặc tính trọn gói theo vụ việc, nhưng mức cao nhất cho 01 giờ làm việc của luật sư không được vượt quá 0,3 lần mức lương cơ sở do Chính phủ quy định.
Luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng được nhận thù lao và được thanh toán chi phí theo quy định tại Thông tư liên tịch 191/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 12/12/2014 hướng dẫn về thù lao và thanh toán chi phí cho luật sư trong trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.
Chi phí thuê luật sư bào chữa tất nhiên không bao gồm các chi phí đi lại, sinh hoạt, lưu trú của luật sư khi thực hiện công việc; chi phí liên hệ công tác; thuế và các khoản lệ phí khác…
Qua bài viết trên, iLaw hi vọng giúp bạn tìm thấy được thông tin hữu ích khi tra cứu hay có nhu cầu tìm hiểu về luật sư bào chữa trong vụ án hình sự. Hãy tiếp tục khám phá các bài viết khác của chúng tôi nếu bạn cần nhiều thông tin hơn nữa.
TIN LIÊN QUAN:
Lĩnh vực Cố ý gây thương tích
Không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm?
Gửi một câu hỏi miễn phí trên diễn đàn công cộng của chúng tôi. Đặt một câu hỏi
Đặt câu hỏi- hoặc -
Tìm kiếm luật sư bằng cách đánh giá và xếp hạng..
Tìm kiếm luật sư