Chiếm đoạt tài sản bị truy tố những tội danh nào?
Bài viết được tư vấn chuyên môn & chia sẻ kinh nghiệm thực tế bởi Luật sư Nguyễn Hồng Quân.
LUẬT SƯ NGUYỄN HỒNG QUÂN LÀ LUẬT SƯ CHUYÊN GIẢI QUYẾT ÁN HÌNH SỰ, NHÀ ĐẤT. Với phương châm làm việc "chọn việc Đúng - Đáng - Đàng hoàng- Đặt Lợi Ích Khách Hàng Lên Hàng Đầu" kết hợp với bề dày kinh nghiệm trong việc tư vấn, tranh tụng, hỗ trợ pháp lý cho các khách hàng trong các vụ án hình sự, kinh tế lớn.
1. Chiếm đoạt tài sản là gì? Người thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản thì phạm tội gì?
Chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi cố ý chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản đang thuộc quản lý của người khác vào phạm vi sở hữu của mình. Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (“BLHS”) có quy định một số loại tội phạm mà một trong những dấu hiệu cấu thành nên tội phạm là hành vi chiếm đoạt tài sản. Theo đó, tùy từng tội phạm cụ thể mà Bộ luật quy định căn cứ theo tính chất, dấu hiệu của hành vi mà người phạm tội thực hiện để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với loại tội phạm đó.
Hành vi chiếm đoạt tài sản là một trong những dấu hiệu cấu thành nên các tội bao gồm: tội cướp tài sản (Điều 168), tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169), tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170), tội cướp giật tài sản (Điều 171), tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172), tội trộm cắp tài sản (Điều 173), tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174) và tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản (Điều 175).
2. Chiếm đoạt tài sản cấu thành Tội cướp tài sản
Một người thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội cướp tài sản khi người đó “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được” (Khoản 1 Điều 168 BLHS). Theo đó, việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc hành vi khác khiến cho người bị tấn công không thể chống cự lại được là dấu hiệu để xác định tội cướp tài sản. Đối với tội này, người thực hiện hành vi phạm tội khi có hành vi chứa đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản mà không căn cứ việc đã chiếm đoạt được tài sản đó hay chưa hay giá trị tài sản bị cướp là bao nhiêu.
3. Chiếm đoạt tài sản cấu thành Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
Khoản 1 Điều 169 BLHS quy định: “Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.” Theo quy định này, một người với mong muốn chiếm đoạt tài sản đã thực hiện hành vi bắt cóc người khác để làm con tin thì có dấu hiệu cấu thành nên tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Bắt cóc là hành vi bắt người trái pháp luật, thông thường được thực hiện một cách lén lút để yêu cầu người thân của họ phải nộp một số tiền. Hành vi bắt người trái pháp luật được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như: dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc bằng những thủ đoạn khác như cho uống thuốc ngủ, lừa dối... để bắt được người làm con tin. Đối với tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi bắt cóc người làm con tin là đặc trưng cơ bản để xác định tội danh này.
4. Chiếm đoạt tài sản cấu thành Tội cưỡng đoạt tài sản
Tội cưỡng đoạt được quy định tại Khoản 1 Điều 170 BLHS như sau: “Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.” Theo đó, đặc trưng cơ bản của tội này là người phạm tội thực hiện hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần của người khác khiến họ sợ hãi và phải giao tài sản cho người phạm tội. Điểm khác biệt của tội này với tội cướp tài sản là người thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản mới chỉ thực hiện các cử chỉ, hành động hoặc bằng lời nói khiến cho người bị hại lo sợ, và việc dùng vũ lực cũng không xảy ra ngay tức khắc.
5. Chiếm đoạt tài sản cấu thành Tội cướp giật tài sản
Khoản 1 Điều 171 BLHS quy định: “Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.” Đối với tội cướp giật tài sản, đặc điểm nổi bật của tội này là người phạm tội lợi dụng sơ hở của người quản lý tài sản để giật lấy tài sản một cách nhanh chóng mà người quản lý khó có thể giữ được hoặc giằng lại được. Tính chất công khai của hành vi thể hiện ở chỗ người phạm tội không giấu diếm hành vi phạm tội của mình. Ngay sau khi bị mất tài sản người bị hại biết ngay người giật tài sản của mình. Yếu tố bất ngờ trong tội cướp giật tài sản là một dấu hiệu đặc trưng của tội phạm, và đây cũng là dấu hiệu để phân biệt với tội cướp tài sản.
6. Chiếm đoạt tài sản cấu thành Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản
Khoản 1 Điều 172 BLHS quy định:
“1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.”
Từ quy định trên có thể thấy đặc điểm nổi bật của tội này là người phạm tội ngang nhiên lấy tài sản của người khác một cách công khai, với thủ đoạn lợi dụng sơ hở của người đó hoặc lợi dụng vào các hoàn cảnh khách quan khác như thiên tai, hỏa hoạn,... Do đặc điểm riêng của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản nên người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt”, nhưng chiếm đoạt bằng hình thức công khai, với thủ đoạn lợi dụng sơ hở của người quản lý tài sản hoặc lợi dụng vào hoàn cảnh khách quan khác như: thiên tai, hoả hoạn, chiến tranh... Người quản lý/chủ sở hữu tài sản khi bị chiếm đoạt tài sản thì không thể làm gì để ngăn cản hành vi đó hoặc nếu có thì biện pháp ngăn cản đó cũng không đem lại hiệu quả, tài sản vẫn bị người phạm tội lấy đi một cách công khai.
7. Chiếm đoạt tài sản cấu thành Tội trộm cắp tài sản
Tội trộm cắp theo quy định tại Khoản 1 Điều 173 BLHS như sau:
“1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.”
Đặc điểm nổi bật của tội trộm cắp tài sản là người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản một cách lén lút mà chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản không biết mình bị mất tài sản tại thời điểm tài sản bị lấy đi. Tính chất lén lút (bí mật) của hành vi trộm cắp tài sản thể hiện ở chỗ người phạm tội giấu diếm hành vi phạm tội của mình. Vì vậy, khi một người thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và hành vi đó được thực hiện một cách lén lút thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội trộm cắp tài sản.
8. Chiếm đoạt tài sản cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Một người bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Khoản 1 Điều 174 BLHS thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, dấu hiệu nhận biết đối với hành vi chiếm đoạt tài sản của tội này là thủ đoạn gian dối. Thủ đoạn gian dối ở đây có thể được thể hiện bằng nhiều hành vi và cách thức khác nhau nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản đối với tài sản bị chiếm đoạt. Gian dối là đặc trưng cơ bản của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng không phải là dấu hiệu duy nhất của tội phạm, mà ngoài thủ đoạn gian dối. Người phạm tội khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản phải bằng thủ đoạn gian dối thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
9. Chiếm đoạt tài sản cấu thành Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Khoản 1 Điều 175 quy định:
“Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác [...] thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.”
Theo quy định trên, hành vi chiếm đoạt tài sản bị truy cứu về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản khi có các đặc điểm sau:
- Việc chuyển giao tài sản từ người bị hại sang người phạm tội xuất phát từ một giao dịch (hợp đồng) hợp pháp như vay, mượn, thuê tài sản.
- Sau khi đã nhận được tài sản, người phạm tội mới dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đó. Thủ đoạn gian dối của tội này cũng tương tự như với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điểm khác biệt giữa tội này với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là việc người phạm tội thực hiện hành vi gian dối để chiếm đoạt sau khi được chuyển giao tài sản.
- Trường hợp người phạm tội không dùng thủ đoạn gian dối nhưng lại bỏ trốn mà sau khi đã nhận tài sản một cách hợp pháp với mục đích không thanh toán, không trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản thì cũng là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
- Trường hợp người phạm tội không có hành vi gian dối, không bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản nhưng lại dùng tài sản nhận từ chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản một cách hợp pháp vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản thì cũng bị coi là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Trên đây là quy định của pháp luật hình sự liên quan tới hành vi chiếm đoạt tài sản. Theo đó căn cứ vào tính chất của từng hành vi thực hiện mà người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội cụ thể.
Bạn vẫn còn thắc mắc? Hơn 400 Luật sư chuyên về Hình sự trên iLAW sẵn sàng hỗ trợ bạn. Hãy chọn ngay một Luật sư gần bạn, và liên hệ với Luật sư đó để được tư vấn miễn phí.
THÔNG TIN LIÊN QUAN:
Chiếm đoạt tài sản bao nhiêu thì bị truy tố
Lĩnh vực Bào chữa
Không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm?
Gửi một câu hỏi miễn phí trên diễn đàn công cộng của chúng tôi. Đặt một câu hỏi
Đặt câu hỏi- hoặc -
Tìm kiếm luật sư bằng cách đánh giá và xếp hạng..
Tìm kiếm luật sư