Hợp đồng mua bán hàng hóa
Hợp đồng mua bán hàng hóa là gì?
Hợp đồng mua bán hàng hóa là thỏa thuận theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận khoản tiền thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và có quyền sở hữu hàng hoá theo quy định.
Nội dung của hợp đồng mua bán hàng hóa
Hợp đồng mua bán hàng hóa có thể gồm các nội dung chính sau:
- Đối tượng của hợp đồng: Đối tượng của hợp đồng là hàng hóa. Luật thương mại 2005 quy định bao gồm tất cả các động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai, và những vật gắn liền với đất đai. Khi xác định loại hàng hóa cụ thể trong hợp đồng mua bán, các bên cần thỏa thuận cụ thể một số nội dung bao gồm: tên hàng hóa, số lượng, chất lượng, các hồ sơ, tài liệu đi kèm hàng hóa (nếu có);
- Giá cả hàng hóa: bao gồm các thỏa thuận về giá bán hàng hóa (giá bán có thể chưa bao gồm VAT) và các chi phí khác (nếu có);
- Phương thức và thời hạn thanh toán;
- Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;
- Quyền, nghĩa vụ của các bên;
- Hiệu lực và chấm dứt hợp đồng.
Các bên có thể thỏa thuận và bổ sung thêm một số nội dung khác của hợp đồng không trái với quy định của pháp luật. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì các bên sẽ áp dụng những quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hóa
Hợp đồng mua bán hàng hóa có hiệu lực khi thỏa mãn đầy đủ các điều kiện sau:
Điều kiện về chủ thể: Các bên trong hợp đồng phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Nếu một bên là cá nhân thì cá nhân đó phải đủ tuổi giao kết hợp đồng, có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của mình. Nếu là tổ chức phải được thành lập theo đúng quy định của pháp luật.
Điều kiện về sự tự nguyện: Các bên trong hợp đồng hoàn toàn tự nguyện khi giao kết hợp đồng.
Điều kiện về mục đích và nội dung của hợp đồng: Các bên khi thỏa thuận hợp đồng đảm bảo không vi phạm điều cấm của luật, không trái với đạo đức xã hội.
Điều kiện về hình thức: Đối với hợp đồng mua bán hàng hóa thông thường, các bên có thể tự lựa chọn hình thức của hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật (lời nói/văn bản/hành vi cụ thể). Đối với những hợp đồng mua bán hàng hóa mà pháp luật yêu cầu hình thức của hợp đồng là văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương, phải công chứng hoặc đăng kí với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì các bên phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để đảm bảo hạn chế tối đa rủi ro và tranh chấp phát sinh, các bên nên lựa chọn hình thức văn bản để quy định rõ ràng trách nhiệm của mỗi bên.
Rủi ro có thể gặp trong giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa
Khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa có thể gặp những rủi ro sau đây:
Chủ thể ký kết hợp đồng không đúng thẩm quyền: Chủ thể có thể không phải là người đại diện theo pháp luật hoăc giá trị hợp đồng vượt quá thẩm quyền kí kết hoặc loại hợp đồng mua bán hàng hóa không thuộc thẩm quyền của người kí kết.
Hai bên không quy định cụ thể và chi tiết về đối tượng của hợp đồng, cách thức, thời hạn thực hiện hợp đồng dẫn đến không đạt được mục đích của bên mua.
Làm như thế nào để viết được một hợp đồng mua bán hàng hóa đúng quy định của pháp luật?
Để viết một hợp đồng mua bán hàng hóa, yếu tố đầu tiên cần xác định là đối tượng của hợp đồng và các quy định liên quan tới đối tượng hợp đồng. Cụ thể hàng hóa đó là gì? Tiêu chuẩn của hàng hóa là như thế nào? Hàng hóa đó có thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh/hạn chế kinh doanh/kinh doanh có điều kiện hay không? Nếu là hàng hóa hạn chế kinh doanh/kinh doanh có điều kiện, bên bán và bên mua đã đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật hay chưa? Về bản chất, việc xây dựng hợp đồng mua bán hàng hóa là căn cứ để đảm bảo bên bán và bên mua đạt được mục đích của mình, xác định quyền và ràng buộc nghĩa vụ của các bên trong quan hệ mua bán hàng hóa. Nếu hàng hóa và các bên không đủ điều kiện để mua bán hàng hóa thì việc xây dựng hợp đồng mua bán hàng hóa không có ý nghĩa.
Trong trường hợp các bên đủ điều kiện để thực hiện quan hệ mua bán hàng hóa, các bên cần thỏa thuận cụ thể quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng này là gì? Nếu một trong hai bên vi phạm hợp đồng thì xử lý như thế nào? Lưu ý, mức phạt vi phạm hợp đồng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa nói riêng, hợp đồng thương mại nói chung không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm. Sau khi xác định được các câu trả lời, hãy tập hợp những nội dung đó vào hợp đồng theo một trình tự logic và hợp lý.
Hợp đồng mua bán hàng hóa chịu sự điều chỉnh chủ yếu của những quy định pháp lý nào?
Bộ luật dân sự 2015;
Luật thương mại 2005.
Bạn vẫn còn thắc mắc, hay đang gặp rắc rối về Hợp đồng? 600 Luật sư chuyên về Hợp đồng, kinh doanh và Doanh nghiệp trên iLAW đang sẵn sàng hỗ trợ bạn. Hãy chọn một Luật sư gần bạn và liên hệ với Luật sư ấy để được tư vấn miễn phí.
TÊN LIÊN QUAN
Dịch vụ pháp lý trọn gói: THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP
Điều kiện thành lập doanh nghiệp
Thủ tục thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm?
Gửi một câu hỏi miễn phí trên diễn đàn công cộng của chúng tôi. Đặt một câu hỏi
Đặt câu hỏi- hoặc -
Tìm kiếm luật sư bằng cách đánh giá và xếp hạng..
Tìm kiếm luật sư