Thủ tục thành lập công ty cổ phần
Công ty cổ phần là một trong các loại hình doanh nghiệp phổ biến nhất hiện nay. Thủ tục thành lập công ty cổ phần được quy định rõ ràng, cụ thể theo Luật Doanh nghiệp 2014 và Nghị định 78/2015/NĐ-CP hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.
Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp
Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp hoặc người đại diện theo ủy quyền nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký thành lập công ty cổ phần tại Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc lựa chọn sử dụng chữ ký số công cộng hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử. Trình tự, thủ tục được thực hiện theo Chương V Nghị định 78/2015/NĐ-CP.
Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định tại Điều 23 Luật Doanh nghiệp 2014 và Điều 22 Nghị định 78/2015/NĐ-CP bao gồm các giấy tờ sau:
1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
2. Điều lệ công ty.
3. Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần. Danh sách người đại diện theo ủy quyền đối với cổ đông nước ngoài là tổ chức.
4. Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau đây:
a) Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực trường hợp người thành lập là cá nhân
b) Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận
đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác trường hợp người thành lập là tổ chức; Thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của người đại diện theo uỷ quyền và văn bản ủy quyền tương ứng
c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
5. Ngoài ra, trường hợp người thực hiện thủ tục là người đại diện theo ủy quyền thì cần nộp thêm giấy ủy quyền của người này.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp
Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được tiếp nhận để nhập thông tin vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi:
a) Có đủ giấy tờ theo quy định;
b) Tên doanh nghiệp đã được điền vào Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Giấy đề nghị đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp;
c) Có địa chỉ liên lạc của người nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp;
d) Đã nộp phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ.
Sau khi trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh nhập đầy đủ, chính xác thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và tải các văn bản trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp sau khi được số hóa vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Bước 3: Cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ hoặc tên doanh nghiệp yêu cầu đăng ký không đúng theo quy định, Phòng Đăng ký kinh doanh phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ. Phòng Đăng ký kinh doanh ghi toàn bộ yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với mỗi một bộ hồ sơ do doanh nghiệp nộp trong một Thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Bước 4: Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 33 Luật Doanh nghiệp 2014: “Doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục và phải trả phí theo quy định”. Theo đó, việc đề nghị công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp được thực hiện tại thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Thông tin công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Thời hạn thông báo công khai các thông tin về doanh nghiệp là 30 ngày, kể từ ngày được công khai.
Bước 5: Khắc dấu doanh nghiệp
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp tiến hành khắc dấu. Số lượng, hình thức, nội dung mẫu con dấu được hướng dẫn bởi Điều 12 Nghị định 96/2015/NĐ-CP.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở để đăng tải thông báo về mẫu con dấu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo Điều 34 Nghị định 78/2015/NĐ-CP. Trường hợp thực hiện thủ tục thông báo mẫu dấu qua mạng điện tử, doanh nghiệp không phải nộp hồ sơ thông báo mẫu dấu bằng bản giấy đến Phòng Đăng ký kinh doanh.
Theo Khoản 3 Điều 29 Nghị định 78/2015/NĐ-CP: “Doanh nghiệp có quyền hoạt động kinh doanh kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”.
Như vậy, thủ tục thành lập công ty cổ phần hiện nay tương đối đơn giản, nhanh chóng, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động kinh doanh một cách thuận lợi.
Bạn vẫn còn thắc mắc, hay đang gặp rắc rối về giấy phép? Hơn 600 Luật sư chuyên về giấy phép, kinh doanh và doanh nghiệp trên iLAW đang sẵn sàng hỗ trợ bạn. Hãy chọn ngay một Luật sư gần bạn và liên hệ với Luật sư đó để được tư vấn miễn phí.
TIN LIÊN QUAN
Dịch vụ pháp lý trọn gói: THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP
Lĩnh vực Thành lập doanh nghiệp
Không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm?
Gửi một câu hỏi miễn phí trên diễn đàn công cộng của chúng tôi. Đặt một câu hỏi
Đặt câu hỏi- hoặc -
Tìm kiếm luật sư bằng cách đánh giá và xếp hạng..
Tìm kiếm luật sư