TỘI ĐE DOẠ TÍNH MẠNG NGƯỜI KHÁC BỊ XỬ PHẠT BAO NHIÊU NĂM TÙ?
Tội đe doạ tính mạng người khác theo quy định của Bộ luật Hình sự được phân tích và chia sẻ thực tiễn xét xử qua bài viết sau của Luật sư Nguyễn Hồng Quân.
Đe dọa tính mạng người khác là hành vi của một người bằng lời nói, hành động hoặc những thủ đoạn khác làm cho người khác lo sợ rằng mình có khả năng bị giết. Việc đe dọa được thực hiện nhằm khống chế ý chí của người bị đe dọa. Theo quy định tại Bộ luật Hình sự hiện hành, hành vi đe doa tính mạng người khác là hành vi khách quan được quy định tại Điều 133 về tội đe dọa giết người:
“Điều 133. Tội đe dọa giết người
1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
d) Đối với người dưới 16 tuổi;
đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.”
Theo quy định trên, các dấu hiệu pháp lý cấu thành tội phạm của tội này như sau:
1. Chủ thể của tội đe doạ giết người
Chủ thể của tội đe dọa giết người theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 (Bộ luật Hình sự) là các cá nhân có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt đến độ tuổi luật định:
“Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”
Như vậy theo quy định trên, đối với tội đe dọa giết người, cá nhân từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi vi phạm.
>> Thông tin hữu ích:
- Top 10 Luật sư Hình sự nổi tiếng và uy tín tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Top 10 Luật sư Hình sự nổi tiếng và uy tín tại Hà Nội.
2. Khách thể của tội đe doạ giết người
Khách thể của tội đe dọa giết người là tính mạng, quyền sống của con người. Mặc dù người phạm tội không có mục đích giết người khi thực hiện hành vi đe dọa, nhưng việc làm cho người bị đe dọa lo sợ và tin rằng mình sẽ bị giết cũng được xem là xâm phạm đến quyền sống của người đó.
3. Mặt khách quan của tội đe doạ giết người
Hành vi khách quan của tội đe dọa giết người là hành vi làm cho người bị đe dọa lo sợ bằng các cách thức, phương tiện, thủ đoạn khác nhau như lời nói, hành động, ánh mắt,... Mục đích của người phạm tội khi thực hiện hành vi đe dọa là làm cho người bị đe dọa tin và lo sợ rằng mình có thể bị giết chứ không phải để thực hiện việc giết người.
Hành vi đe dọa của người phạm tội phải làm cho người bị đe dọa tin rằng hành vi đe dọa đó sẽ được thực hiện nếu như người bị đe dọa không làm theo ý của người phạm tội. Đây là dấu hiệu đặc trưng của loại tội này. Chính vì mục đích làm cho người bị đe dọa tin rằng người phạm tội sẽ thực hiện hành vi giết người nên người phạm tội sẽ cố tình để cho người bị đe dọa nhìn thấy hoặc người khác nhìn thấy mà người phạm tội biết rằng người này sẽ nói lại cho người bị đe dọa biết việc mình đang thực hiện một số hành vi để chuẩn bị cho việc giết người như tìm công cụ, phương tiện để giết người.
Nếu người phạm tội có hành vi đe doạ, nhưng hành vi đó chỉ là phương pháp để thực hiện một tội phạm khác, nhằm mục đích khác thì không phải là phạm tội đe doạ giết người. Đối với tội này, người bị đe doạ có thể lo sợ mình bị giết và cũng có thể lo sợ người thân của mình bị giết miễn là họ tin rằng hành vi đe doạ của người thực hiện hành vi phạm tội sẽ được thực hiện thì vẫn truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó chỉ cần một người thực hiện hành vi phạm tội và hành vi đó thỏa mãn cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chứ không bắt buộc phải có hậu quả xảy ra.
>> Đặt câu hỏi MIỄN PHÍ với 5.000+ Luật sư toàn quốc.
4. Mặt chủ quan của tội đe doạ giết người
Tội đe dọa giết người được thực hiện do cố ý, tức là người thực hiện hành vi phạm tội biết hành vi đe dọa giết người là vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện, đồng thời mong muốn người bị đe dọa sẽ lo sợ và tin rằng mình có thể sẽ bị giết. Do đó tội này được thực hiện do cố ý trực tiếp.
Nếu cần tư vấn về pháp luật về Hình sự, bạn có thể liên hệ Luật sư Nguyễn Hồng Quân theo thông tin sau:
- Văn phòng 1: Số 168 đường Láng, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa; Hà Nội.
- Văn phòng 2: Số 102 Nguỵ Như Kon Tum, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
- Điện thoại: 0989 815 198 (Luật sư Quân)
- Email: ls.trungquan@gmail.com
HỎI: BỊ ÔNG ANH RỂ ĐE DOẠ TÍNH MẠNG THÌ PHẢI LÀM SAO?
Xin chào luật sư. Tôi đang mang bầu 5 tháng, hôm 14/9/2018 tôi có sảy ra cãi nhau với ông anh rể (chị gái tôi đã đâm đơn ly hôn anh rể tôi từ hồi tháng đầu tháng 8, do bị ông đấy đánh). Trong khi cãi nhau ông đấy có đe dọa tôi và hôm nay lúc 7h30 sáng ngày 17/9/2018 tôi thấy ông anh rể tôi có đi qua công ty tôi và theo lịch trình thì ông đấy chưa bao giờ đi qua công ty tôi. Theo tôi nghĩ ông ta đang thăm dò lịch trình đi lại của tôi để hành động. Thưa luật sư với trường hợp này tôi nên làm thế nào ạ?Rất mong luật sư tư vấn và giúp đỡ vì nếu tôi có 1 mình thì không sao nhưng tôi đang mang thai nên rất lo sợ. |
1. Luật sư ĐOÀN VĂN NÊN tư vấn trường hợp bị anh rể đe doạ tính mạng:
Chào bạn, chúng tôi xin phép đưa ra tư vấn dựa trên những dữ liệu bạn đã cung cấp như sau:
Ngày 14/09/2018, bạn và anh rể đã xảy ra mâu thuẫn, dẫn tới việc anh rể của bạn có những lời lẽ đe dọa đến tính mạng của bạn. Những lời lẽ đó có bị coi là đe dọa giết người hay không khi nội dung thể hiện việc sẽ tước đoạt tính mạng của bạn. Nội dung có thể không đề cập đến cách thức sẽ giết người như thế nào hoặc được mô tả cụ thể như sẽ đốt nhà, gây tai nạn giao thông, bắn, đâm… song làm bạn bị đe dọa lo sợ rằng việc này sẽ được thực hiện.
Theo đó, việc dùng lời lẽ mang tính đe dọa giết người kết hợp cùng các hành động khác nhằm làm nạn nhân biết việc này có thể xảy thì người nhắn tin sẽ bị khép vào tội Đe dọa giết người, theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 2015. Nếu có hành vi đe dọa giết người nhưng người bị đe dọa chưa thực sự lo lắng hậu quả sẽ xảy ra thì không cấu thành tội phạm này.
Nếu dùng lời lẽ không mang tính đe dọa giết người mà chỉ là những lời đe dọa thông thường nhằm ép buộc người khác phải thực hiện các yêu sách thì hành vi này không phạm tội hình sự nhưng bị xử phạt hành chính. Điều này được quy định tại Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về quy phạm trật tự công cộng như sau:
"1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;\"
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn cần làm đơn tố cáo hành vi vi phạm của kẻ đe dọa tới cơ quan điều tra công an quận, huyện.
Trong trường hợp có đủ cơ sở xử lý về hình sự, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với người vi phạm. Nếu vi phạm có dấu hiệu phạm tội hình sự nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan công an ra quyết định xử phạt hành chính đồng thời áp dụng một số biện pháp khác theo quy định của pháp luật buộc người vi phạm chấm dứt hành vi.
Tuy nhiên ,để có chứng cứ nộp kèm theo đơn tố cáo, bạn cần cung cấp cho cơ quan điều tra các chứng cứ cho rằng anh rể bạn làm khủng bố tinh thần bạn , các biên bản làm việc của công an xã, phường về việc kẻ đe dọa. Ngoài ra, bạn có thể cung cấp cho cơ quan điều tra lời khai của các nhân chứng để cơ quan điều tra có thêm thông tin khi giải quyết vụ việc.
2. Luật sư NGUYỄN THANH NGỌC tư vấn trường hợp bị anh rể đe doạ tính mạng:
Chào bạn Nguyễn Thị Thu Hương
Về nội dung câu hỏi của bạn, tôi xin trả lời như sau :
Bạn cho rằng anh rể của bạn có hành vi đe dọa tính mạng của bạn , và còn có hành vi theo dõi đến chổ làm của bạn. Sự việc này không có đủ căn cứ để chứng minh cho anh rể của bạn có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của bạn.Để bạn yên tâm có tinh thần tốt trong thời gian mang thai, thì bạn nên đến công an phường hoặcxã nơi ở của bạn và nơi ở của anh rể bạn trình báo sự việc kèm theo nội dung yêu cầu.
Về hành vi anh rể của bạn có hành vi đe dọa bạn.Để công an có hình thức xử lý phù hợp
Thân chào.
3. Luật sư TRẦN ĐÌNH DŨNG tư vấn trường hợp bị anh rể đe doạ tính mạng:
Bạn Nguyễn Thị Thu Hương mến!
Như trên bạn trình bày, anh rể bạn chỉ ghé ngang công ty nơi bạn làm việc. Như vậy thì anh rể bạn chưa có hành vi gì vi phạm pháp luật cả. Nên các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng không có căn cứ để can thiệp.
Tuy nhiên do có mâu thuẫn gia đình cãi vã nhau và bản thân đang mang bầu nên bạn có cảm giác lo sợ.
Bạn có thể viết \"Đơn trình báo\" gửi công an phường (xã, thị trấn) nơi bạn làm việc. Trường hợp này cơ quan công an chỉ ghi nhận sự việc bạn nghi ngờ mà thôi. Sau đó nếu anh rể bạn có hành vi có dấu hiệu đe dọa bạn (như chặn đường bạn, tới công ty bạn có lời lẽ đe dọa...) thì CA mới can thiệp bằng cách mời về trụ sợ để làm rõ và xử lý tùy vào mức độ hành vi.
Nội dung đơn bạn cần phải trình bày hết các mâu thuẫn và sự nghi ngờ, lo sợ của bạn.
Bạn nên đến bác sĩ để được hướng dẫn trấn an thêm về sức khỏe vì cảm giác lo sợ sẽ không tốt cho thai nhi.
Chúc bạn khỏe và an lành!
Bạn vẫn còn thắc mắc? Hơn 400 Luật sư chuyên về Hình sự trên iLAW đang sẵn sàng hỗ trợ bạn. Hãy chọn ngay một Luật sư gần bạn, và liên hệ với Luật sư đó để được tư vấn miễn phí.
THÔNG TIN LIÊN QUAN:
Lĩnh vực Bào chữa
Không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm?
Gửi một câu hỏi miễn phí trên diễn đàn công cộng của chúng tôi. Đặt một câu hỏi
Đặt câu hỏi- hoặc -
Tìm kiếm luật sư bằng cách đánh giá và xếp hạng..
Tìm kiếm luật sư