Vận dụng luật phá sản để thu hồi nợ - Luật sư Phạm Thị Thoa
Hiện nay, chúng ta nghe nhắc tới nhiều cụm từ “chiếm dụng vốn” và một số người còn lấy đó làm hãnh diện, xem đó là việc làm thông minh khi chiếm dụng được vốn của doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, họ phải hiểu rằng “chiếm dụng vốn đúng pháp luật” và “chiếm dụng vốn trái pháp luật” là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.
Nếu một doanh nghiệp đàm phán được với nhà cung cấp trả chậm 45 ngày từ ngày giao hàng, ở góc độ kinh tế doanh nghiệp đang được sử dụng tiền vốn miễn phí của nhà cung cấp trong 45 ngày, ở góc độ pháp lý việc làm này là hợp pháp.
Tuy nhiên, đến hết 45 ngày nêu trên doanh nghiệp vẫn không thực hiện nghĩa vụ thanh toán và giữ khoản tiền này tới nhiều tháng nữa tức là họ đang thực hiện hành vi vi phạm hợp đồng và phải chịu chế tài vi phạm hợp đồng (nếu có). Đây được xem là hành vi chiếm dụng vốn trái phép.
Với việc “chiếm dụng vốn” bằng hành vi vi phạm thỏa thuận, chủ nợ có nhiều lựa chọn để thu hồi khoản nợ này như thương lượng, hòa giải hay khởi kiện tại tòa án, trọng tài thương mại... Từ khi có Luật phá sản và đặc biệt là Luật phá sản 2014 có hiệu lực, chủ nợ có thêm một phương án nữa để lựa chọn khi tiến hành thu hồi công nợ.
Luật phá sản cho chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn ba tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán(1).
Khi doanh nghiệp bị tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản đồng nghĩa doanh nghiệp mất khả năng thanh toán mà cụ thể doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn ba tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán(2).
Theo đó, một khoản nợ không kể là ít hay nhiều, giá trị bao nhiêu, chỉ cần khoản nợ đó đã đến hạn và đã quá thời hạn ba tháng từ ngày đến hạn mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán thì được xem là mất khả năng thanh toán và sẽ bị tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản khi có yêu cầu từ chủ nợ.
Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày tòa án nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có quyền đề nghị bằng văn bản gửi tòa án để các bên thương lượng việc rút đơn. Tòa án ấn định thời gian thương lượng nhưng không quá 20 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ.
Như vậy, trước khi thụ lý đơn, tòa án cho chủ nợ và con nợ được ngồi đàm phán, thương lượng với nhau. Với một con nợ vẫn còn khả năng thanh toán mà bị nộp đơn đề nghị phá sản, việc này sẽ gây ra một áp lực tâm lý nhất định với con nợ. Con nợ sẽ phải hiểu nếu thương lượng không thành thì những hệ quả của quyết định mở thủ tục phá sản sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền tự quyết của chủ doanh nghiệp(3).
Cụ thể, sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh, nhưng phải chịu sự giám sát của thẩm phán và quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản(4). Doanh nghiệp không được quyền trả nợ không có bảo đảm(5), bị giám sát các hoạt động liên quan đến việc vay, cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, mua bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản; bán, chuyển đổi cổ phần; chuyển quyền sở hữu tài sản(6), bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo toàn tài sản của doanh nghiệp(7).
Ngoài các vấn đề nêu trên, khi quyết định mở thủ tục phá sản được ban hành, toàn bộ các chủ nợ của doanh nghiệp sẽ cùng lúc kéo tới để yêu cầu quyền lợi của mình. Điều này sẽ gây áp lực cực lớn cho việc trả nợ của con nợ, thay vì một chủ nợ yêu cầu thanh toán thì nay sẽ là toàn bộ các chủ nợ trong đó có cả người lao động, nghĩa vụ thuế...
Bởi vậy, nếu chủ nợ có thể vận dụng một cách linh hoạt và uyển chuyển các quy định của Luật phá sản, chủ nợ sẽ đưa con nợ tới tình huống hoặc lựa chọn trả nợ cho mình hoặc phải đối phó với rất nhiều các chủ nợ khác và toàn bộ hoạt động kinh doanh bị kiểm soát, phong tỏa.
Như vậy, đối với doanh nghiệp có khả năng thanh toán nhưng cố tình “chiếm dụng vốn trái luật” thì Luật phá sản là một công cụ để thương lượng đối với chủ nợ có khoản nợ rõ ràng, thời điểm đến hạn thanh toán rõ ràng mà hiện nay chứng cứ được tòa án công nhận giá trị cao nhất là văn bản xác nhận công nợ, cam kết trả nợ hoặc văn bản tương tự.
Trong trường hợp doanh nghiệp thực sự mất khả năng thanh toán thì Luật phá sản sẽ giúp chủ nợ bảo toàn tài sản của doanh nghiệp để chủ nợ có thể thu hồi được một phần tài sản nào đó, tránh trường hợp doanh nghiệp tiến hành tẩu tán tài sản.
(*) Công ty Luật Apolat Legal
(1)Luật phá sản 2014, Điều 5, Khoản 1
(2)Luật phá sản 2014, Điều 4, Khoản 1
(3) Luật phá sản 2014, Điều 37, Khoản 1
(4)Luật phá sản 2014, Điều 47, Khoản 1
(5)Luật phá sản, Điều 48, Khoản 1, Điểm b
(6)Luật phá sản, Điều 49, Khoản 1, Điểm a
(7)Luật phá sản, Điều 70, Khoản 1
Không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm?
Gửi một câu hỏi miễn phí trên diễn đàn công cộng của chúng tôi. Đặt một câu hỏi
Đặt câu hỏi- hoặc -
Tìm kiếm luật sư bằng cách đánh giá và xếp hạng..
Tìm kiếm luật sư