Vướng mắc thù lao, nhuận bút cho ca sĩ, nhạc sĩ: Giải quyết bằng cách nào? - Luật sư Phạm Thị Thoa
Một trong những vai trò của Luật Sở hữu trí tuệ là bảo vệ lợi ích cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và những người có quyền liên quan, buộc những người khai thác, sử dụng các tài sản trí tuệ phải chi trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả nhằm tạo động lực kinh tế, nguồn lực kinh tế cho tác giả sáng tạo ra các tài sản trí tuệ khác.
Hiện nay, một trong những tổ chức thực hiện tốt nhất việc này là YouTube. Họ đang có cơ chế chi trả tiền thù lao cho chủ sở hữu, các nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng của họ một cách hợp lý mà từ đó YouTube có một lượng nội dung video, clip khổng lồ. Trong khi đó, các mạng xã hội, các kênh chia sẻ nhạc, chia sẻ video của Việt Nam chưa làm được điều này. Chẳng hạn Công ty cổ phần VNG (Zing Mp3) bị ca sĩ Duy Mạnh khởi kiện tại Tòa án quận 10, TPHCM, hơn một năm nay mà chưa có kết quả (Dân trí 6-8-2019). Hay như một trong những vụ tranh chấp về quyền tác giả và quyền liên quan đang được nói đến nhiều hiện nay, đó là vụ việc giữa Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và Công ty cổ phần Sky Music (VnExpress 19-12-2018).
Những tranh chấp này đều liên quan tới vấn đề khai thác các bản ghi âm, ghi hình (video, clip ca nhạc). Theo quy định tại điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ, những đơn vị sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố (1)trong hoạt động kinh doanh của mình thì “không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thỏa thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng”.
Chúng ta chưa có quy định, chưa có án lệ về việc xác định nhuận bút, thù lao cho cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng. |
Vấn đề dẫn tới tranh chấp giữa các bên là xác định khoản tiền nhuận bút, thù lao này bao nhiêu. Trong hồ sơ ca sĩ Duy Mạnh công khai trên mạng xã hội Facebook, Duy Mạnh yêu cầu Zing Mp3 phải thanh toán cho anh 25 đồng/1 lượt nghe/xem, và với hơn 190 triệu lượt nghe/xem thì số tiền sẽ lên tới 4,8 tỉ đồng. Trong khi đó, Zing Mp3 chỉ đồng ý chi trả mức 1,3 đồng/1 lượt nghe/xem. Điều đó dẫn tới sự khác biệt rất lớn giữa số tiền thù lao mà ca sĩ yêu cầu thanh toán với số tiền đơn vị sử dụng, khai thác bản ghi âm, ghi hình đồng ý chi trả.
Theo quy định pháp luật hiện hành, “tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại” phải trả tiền nhuận bút, thù lao “theo thỏa thuận”. “Trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại tòa án theo quy định của pháp luật”.
Hiện nay, Chính phủ không có văn bản nào quy định về mức tiền nhuận bút, thù lao này. Những vụ việc khởi kiện tại tòa án nói trên cũng chỉ dừng lại ở giai đoạn thương lượng và rút đơn, chưa có vụ việc nào được công khai xét xử bằng một bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án. Như vậy, chúng ta chưa có quy định, chưa có án lệ về việc xác định nhuận bút, thù lao cho cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
Trước đây, VCPMC đã đưa ra một biểu mức phí của mình để thu tiền và bắt buộc các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê phải thanh toán theo mức này dẫn đến phản ứng và tranh cãi kịch liệt của các tổ chức này.
Còn Sky Music là một đơn vị trong lĩnh vực phân phối bản quyền âm nhạc bằng công nghệ. Họ nhận ủy quyền hoặc mua quyền từ các nhạc sĩ, ca sĩ, chủ sở hữu quyền tác giả, nhà sản xuất... để thu tiền nhuận bút, thù lao từ các đơn vị kinh doanh. Hình thức này tương tự như VCPMC đã làm. Tuy nhiên, Sky Music đã đưa ra được một cơ chế tính phí bằng công nghệ, phần mềm đo đếm lượt phát nhạc để thu phí từ hệ thống nhà hàng, quán cà phê, siêu thị, và báo cáo, chi trả tiền cho ca sĩ, nhạc sĩ. Điều này làm minh bạch hơn cách thức thu và chi tiền bản quyền.
Nhưng Sky Music lại gặp sự phản đối từ VCPMC vì với những cách thức tính tiền khác nhau, hai đơn vị này đưa ra hai mức thu phí sử dụng bản ghi và hai mức thù lao chi trả cho ca sĩ, nhạc sĩ khác nhau. Điều đó gây xung đột, mâu thuẫn, dẫn đến những hành động và phát ngôn rối loạn thông tin, làm hoang mang cho các tổ chức kinh doanh muốn chi trả tiền phí một cách hợp lý và hợp pháp, cũng như làm hoang mang cho các ca sĩ, nhạc sĩ về quyền khai thác tác phẩm âm nhạc của mình.
Nếu vụ kiện của Duy Mạnh và Zing Mp3 buộc phải đưa ra xét xử, lúc đó tòa án phải xem xét chứng cứ của các bên để xem mức yêu cầu 25 đồng/1 lượt nghe/xem của Duy Mạnh hay mức 1,3 đồng/1 lượt nghe/xem của Zing Mp3 đề xuất là phù hợp. Duy Mạnh đã giao dịch với bao nhiêu đơn vị sử dụng bản ghi âm, ghi hình của mình; họ đã thanh toán cho Duy Mạnh như thế nào, cơ sở nào để Duy Mạnh yêu cầu mức phí này. Trong trường hợp Duy Mạnh chứng minh yêu cầu của mình hoàn toàn đúng với giao dịch hiện tại của mình thì đến lượt Zing Mp3 phải chứng minh những điều tương tự. Nếu thực sự Duy Mạnh và Zing Mp3 đều giao dịch với đối tác của mình với mức phí nêu trên thì tòa án cần phải tham khảo giá thị trường của các tổ chức có mô hình kinh doanh tương tự Zing Mp3 để xác định.
Vậy giải pháp của vấn đề này hiện tại là gì? Có lẽ vẫn gói gọn ở cụm từ “theo thỏa thuận”. Không thỏa thuận được ở giai đoạn sử dụng thì phải tìm cách thỏa thuận ở giai đoạn tố tụng tại tòa án.
Công ty luật Apolat
(1) Khoản 9 điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ
Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ
Không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm?
Gửi một câu hỏi miễn phí trên diễn đàn công cộng của chúng tôi. Đặt một câu hỏi
Đặt câu hỏi- hoặc -
Tìm kiếm luật sư bằng cách đánh giá và xếp hạng..
Tìm kiếm luật sư