Cấp chứng minh nhân dân
Điều kiện và trình tự thủ tục cấp chứng minh nhân dân lần đầu được pháp luật quy định như thế nào?
1. Điều kiện
Điều kiện để được cấp chứng minh nhân dân (CMND) được quy định như sau:
Tại Điều 3 Nghị định 05/1999/NĐ-CP và Mục I.1 Thông tư 04/1999/TT-BCA quy định về đối tượng được cấp Chứng minh nhân dân:
“a- Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, cơ sở để tính tuổi theo ngày, tháng, năm sinh ghi trong hộ khẩu hoặc giấy khai sinh;
b- Công dân Việt Nam đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam được hiểu là công dân đó đang sinh sống, làm việc, học tập... tại một địa chỉ xác định trên lãnh thổ Việt Nam;”
Theo Điều 4 Nghị định 05/1999/NĐ-CP và Mục I.2 Thông tư 04/1999/TT-BCA, các đối tượng tạm thời chưa được cấp chứng minh nhân dân bao gồm:
“a- Đang chấp hành lệnh tạm giam tại trại giam, nhà tạm giữ.
b- Đang thi hành án phạt tù tại trại giam, phân trại quản lý phạm nhân thuộc trại tạm giam;
c- Đang chấp hành quyết định đưa vào các trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;
d- Những người đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác không có khả năng điều khiển được năng lực hành vi của bản thân họ bao gồm người bị bệnh đang điều trị tập trung tại các bệnh viện tâm thần, cơ sở y tế khác. Những người tuy không điều trị tập trung nhưng có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền chứng nhận họ bị bệnh không điều khiển được năng lực hành vi thì cũng tạm thời chưa được cấp CMND.
Các trường hợp trên sau khi chấp hành xong các quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác, được thay đổi biện pháp ngăn chặn, được trả tự do hoặc khỏi bệnh tâm thần công dân đem các giấy tờ có liên quan đến Công an cấp huyện làm các thủ tục cấp CMND”.
Như vậy, khi công dân thuộc đối tượng được cấp CMND và không thuộc diện các đối tượng tạm thời chưa được cấp CMND tại thời điểm công dân làm thủ tục cấp Chứng minh nhân dân, sau khi thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật, công dân được cấp chứng minh nhân dân.
2. Hồ sơ
Hồ sơ cấp chứng minh nhân dân bao gồm:
- Sổ hộ khẩu;
- Ảnh chân dung;
- Đơn đề nghị cấp Chứng minh nhân dân (được phát khi đến làm thủ tục);
- Tờ khai Chứng minh nhân dân (được phát khi đến làm thủ tục).
- Chỉ bản (bản in dấu vân tay).
3. Thủ tục
Thủ tục cấp chứng minh nhân dân được quy định tại Điều 6 Nghị định 05/1999/NĐ-CP, Mục II.1 Thông tư số 04/1999/TT-BCA, bao gồm:
Bước 1: Xuất trình hộ khẩu thường trú (Sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể). Ở những địa phương chưa cấp hai loại sổ hộ khẩu trên Công an nơi làm thủ tục cấp CMND căn cứ vào sổ đăng ký hộ khẩu hoặc chứng nhận đăng ký hộ khẩu thường trú của Công an xã, phường, thị trấn;
Bước 2: Chụp ảnh: ảnh do cơ quan công an chụp hoặc thu qua camera để in trên CMND và tờ khai. Ảnh màu, kích thước là 3x4 cm, đầu để trần, chụp chính diện, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính, trang phục tác phong nghiêm túc, lịch sự.
Bước 3: Kê khai Đơn đề nghị cấp Chứng minh nhân dân và tờ khai Chứng minh nhân dân(theo mẫu);
Bước 4: In vân tay 10 ngón vào chỉ bản, tờ khai (theo mẫu) hoặc cơ quan Công an thu vân tay 10 ngón qua máy lấy vân tay tự động để in vào chỉ bản và CMND;
Bước 5: Nhận giấy hẹn trả CMND
Lưu ý: Lệ phí cấp CMND lần đầu (không bao gồm tiền ảnh của người được cấp Chứng minh nhân dân) được quy định theo Điểm b Khoản 2 Điều 3 Thông tư 02/2014/BTC của Bộ tài chính:
“Miễn lệ phí cấp chứng minh nhân dân khi đăng ký lần đầu, cấp mới, thay mới theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
4. Nơi làm thủ tục cấp CMND
Tại Mục II.5 Thông tư 04/1999/TT-BCA quy định về nơi làm thủ tục cấp CMND như sau:
“a. Công dân thuộc diện được cấp CMND hiện đăng ký hộ khẩu thường trú thuộc địa phương nào do công an cấp huyện nơi đó làm thủ tục cấp CMND.”
Theo đó, nơi làm thủ tục cấp CMND là trụ sở công an cấp huyện nơi công dân hiện đăng kí hộ khẩu thường trú. Ngoài ra, trong trường hợp phân cấp thẩm quyền, thủ tục cấp CMND có thể được thực hiện tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, công an Tỉnh nơi công dân hiện đăng kí hộ khẩu thường trú.
5. Thời hạn giải quyết
Theo Khoản 1 Điều 1 Nghị định 106/2013/NĐ-CP, thời hạn giải quyết thủ tục cấp CMND được quy định:
“Kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ và làm xong thủ tục, cơ quan Công an phải làm xong Chứng minh nhân dân cho công dân trong thời gian sớm nhất, thời gian giải quyết việc cấp Chứng minh nhân dân tại thành phố, thị xã là không quá 07 ngày làm việc đối với trường hợp cấp mới, cấp đổi, 15 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại; tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo, thời gian giải quyết việc cấp Chứng minh nhân dân đối với tất cả các trường hợp là không quá 20 ngày làm việc; các khu vực còn lại thời gian giải quyết việc cấp Chứng minh nhân dân là không quá 15 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp”.
Tuy nhiên, theo Luật căn cước công dân 2014, Thông tư 51/2015/TT-BCA, chậm nhất đến ngày 01/01/2020, cả nước sẽ thực hiện thống nhất theo mẫu Căn cước công dân, nói cách khác, từ ngày 01/01/2020, CMND vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định song cơ quan có thẩm quyền sẽ dừng cấp CMND. Do đó, những yêu cầu của công dân liên quan đến thủ tục cấp, đổi, cấp lại CMND sẽ không được giải quyết sau thời hạn trên.
Bạn vẫn còn thắc mắc, hay đang gặp rắc rối? Hơn 400 Luật sư chuyên về Dân sự trên iLAW đang sẵn sàng hỗ trợ bạn. Hãy chọn ngay một Luật sư gần bạn và liên hệ với Luật sư đó để được tư vấn miễn phí.
Lĩnh vực Hành Chính
Không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm?
Gửi một câu hỏi miễn phí trên diễn đàn công cộng của chúng tôi. Đặt một câu hỏi
Đặt câu hỏi- hoặc -
Tìm kiếm luật sư bằng cách đánh giá và xếp hạng..
Tìm kiếm luật sư