Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng bị xử phạt như thế nào?
Bài viết được tư vấn chuyên môn & chia sẻ kinh nghiệm thực tế bởi Luật sư Nguyễn Hồng Quân.
LUẬT SƯ NGUYỄN HỒNG QUÂN LÀ LUẬT SƯ CHUYÊN GIẢI QUYẾT ÁN HÌNH SỰ, NHÀ ĐẤT. Với phương châm làm việc "chọn việc Đúng - Đáng - Đàng hoàng- Đặt Lợi Ích Khách Hàng Lên Hàng Đầu" kết hợp với bề dày kinh nghiệm trong việc tư vấn, tranh tụng, hỗ trợ pháp lý cho các khách hàng trong các vụ án hình sự, kinh tế lớn.
>> Tư vấn miễn phí với Luật sư Nguyễn Hồng Quân.
Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao của người có chức vụ, quyền hạn và gây ra hậu quả nghiêm trọng cho lợi ích nhà nước, tập thể, công dân. Hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 (Bộ luật Hình sự) như sau:
“Điều 360. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm như sau:
1. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự là các cá nhân có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt đến độ tuổi luật định:
“Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”
Như vậy, đối với tội này, cá nhân từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi vi phạm. Tuy nhiên, không phải bất kỳ cá nhân nào đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 12 đều có thể là chủ thể của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Theo quy định tại Bộ luật Hình sự, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thuộc phần các tội phạm về chức vụ. Do đó, chủ thể của tội này là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức mới có thể là chủ thể của tội phạm này. Đây là yếu tố đầu tiên cần phải xác định khi định tội đối với hành vi phạm tội. Tuy nhiên, mặc dù chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, nhưng trong vụ án có đồng phạm, chủ thể đặc biệt chỉ yêu cầu đối với người thực hành, những người đồng phạm khác không bắt buộc phải là người có chức vụ, quyền hạn.
2. Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức. Hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào chế độ; gây thất thoát, lãng phí nghiêm trọng đến tài sản của cơ quan, tổ chức.
3. Mặt khách quan của tội phạm
a. Hành vi khách quan
Có thể nói đối với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, người phạm tội chỉ có hành vi khách quan duy nhất là thiếu trách nhiệm. Theo đó tùy thuộc vào công việc, nhiệm vụ được giao, hoàn cảnh cụ thể mà hành vi thiếu trách nhiệm sẽ có những biểu hiện khác nhau như vi phạm các nguyên tắc bắt buộc, không thực hiện đầy đủ quy trình,...
Thiếu trách nhiệm theo quy định tại Điều 360 được hiểu là không làm hoặc làm không hết trách nhiệm được giao dẫn đến gây ra hậu quả mà nhẽ ra nếu làm tròn trách nhiệm đối với công việc đó thì không thể gây ra hậu quả.
b. Hậu quả
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm đối với tội này. Theo đó người phạm tội vì thiếu trách nhiệm mà gây ra hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả nghiêm trọng do hành vi thiếu trách nhiệm gây ra là những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm của con người; những thiệt hại về tài sản, uy tín của cơ quan, tổ chức và những thiệt hại phi vật chất khác. Tuy nhiên, đối với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, trách nhiệm của người phạm tội là trách nhiệm gián tiếp đối với hậu quả xảy ra, nghĩa là hành vi thiếu trách nhiệm không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Bộ luật Hình sự hiện nay chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi thiếu trách nhiệm gây ra, tham khảo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP thì có thể coi hậu quả nghiêm trọng bao gồm:
- Làm chết một người;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31 % đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;
- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
Đối với các trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 2, Khoản 3 Điều 360.
Tuy nhiên, Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP để hướng dẫn một số quy định tại Bộ luật Hình sự 1999 đã hết hiệu lực, do đó, Thông tư này hiện nay chỉ còn giá trị tham khảo.
4. Mặt chủ quan của tội phạm
Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được thực hiện do vô ý. Vô ý theo quy định tại Điều 11 Bộ luật Hình sự bao gồm:
- Vô ý vì quá tự tin: Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
- Vô ý do cẩu thả: Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Người phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đều có thể phạm tội trong cả hai trường hợp vô ý trên tùy thuộc vào tính chất công việc, chức vụ, quyền hạn của họ. Tuy nhiên, khi xác định lỗi không bắt buộc phải xác định người đó phạm tội do vô ý vì quá tự tin hay vô ý do cẩu thả.
Đối với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thì động cơ phạm tội không phải là yếu tố bắt buộc của cấu thành tội phạm. Khi xác định trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nếu xác định động cơ phạm tội thì việc xác định này cũng chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt chứ không có ý nghĩa định tội.
Lĩnh vực Bào chữa
Không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm?
Gửi một câu hỏi miễn phí trên diễn đàn công cộng của chúng tôi. Đặt một câu hỏi
Đặt câu hỏi- hoặc -
Tìm kiếm luật sư bằng cách đánh giá và xếp hạng..
Tìm kiếm luật sư