6 CÁCH GIÚP GIỮ BÌNH TĨNH KHI CÃI NHAU VỚI BỐ MẸ
Dù cho bố mẹ có hiểu bạn đến đâu, dù cho bạn luôn cố gắng nghe lời bố mẹ đến đâu thì chắc chắn cũng có những lúc hiểu lầm hoặc bạn không làm đúng những gì mà bố mẹ mong muốn. Và xung đột, cãi vã là hệ quả tất yếu. Những lúc như vậy phần lớn người trẻ lựa chọn đối đầu gay gắt, cãi nhau, to tiếng, quậy phá...và chẳng đạt được mục đích như mình mong muốn, hơn thế còn vô hình tạo khoảng cách thế hệ. Vậy khi cãi nhau với bố mẹ, người trẻ cần làm gì để giữ bình tĩnh và thỏa hiệp để đạt được thứ mình cần mà bố mẹ vẫn vui vẻ chấp nhận.
1, Im lặng
Im lặng không có nghĩa là trốn tránh hay chấp nhận thỏa hiệp với bố mẹ. Im lặng giúp chúng ta lấy lại bình tĩnh, suy nghĩ cẩn thận trước khi nói. Chưa kể những lúc ban đầu khi bố mẹ đang tức giận, bất kể điều gì chúng ta nói dù vô ý hay cố ý đều giống như “ thêm dầu vào lửa” khiến cho cuộc cãi vã này trở nên tệ hơn. Duy trì sự im lặng để báo hiệu cho người lớn rằng mình đang lắng nghe, đang tiếp thu và đang tôn trọng suy nghĩ của người đối diện.
2, Cho phép bản thân phớt lờ trong vài giây
Đôi khi cho phép mình tách ra khỏi hiện thực khắt khe cũng là cách tốt nhất để đảm bảo bạn không cá nhân hóa quá mức khi bị la mắng. Đây là yếu tố rất quan trọng bởi phụ huynh phải đối mặt với nhiều áp lực khác nhau trong cuộc sống nên dễ bực bội với những điều dù nhỏ nhặt nhất. Một mẹo nhỏ là bạn có thể đeo vòng trên tay và đem ra đếm những lúc này.
3, Hiểu cho bố mẹ
Những cãi vã thường xuất phát từ sự khác biệt trong suy nghĩ, tư tưởng và tâm sinh lý xã hội. Và sự không giống nhau này tồn tại là bởi bố mẹ và con cái được sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong hai thời kỳ kinh tế, xã hội nên quan niệm cũng khác nhau. Đây chính là khoảng cách thế hệ. Nhưng chỉ đơn giản là khoảng cách, không có đúng hay sai. Vậy nên khi bố mẹ hiểu lầm dẫn tới cãi vã không có nghĩa là sai mà bố mẹ chỉ đang áp dụng tư tưởng của thế hệ bố mẹ - tư tưởng giúp bố mẹ tồn tại và ổn định trong xã hội tới tận bây giờ, lên thế hệ con cái. Vậy nên hiểu cho bố mẹ cũng là yếu tố quan trọng để hiểu được cốt lõi suy nghĩ của người đi trước, từ đó có cái nhìn cảm thông hơn.
4, Chọn chuyện mà “cãi”
Có những người xung đột gay gắt với phụ huynh bởi sự khác biệt quá lớn trong tính cách mà chỉ cần nói chuyện với nhau vài câu là quay ra cãi vã. Với những trường hợp như vậy thì nên duy trì khoảng cách bởi “ Sự khoan dung dễ duy trì hơn khi ta giữ khoảng cách lành mạnh với những người quá khác mình.” Có thể chia những xung đột giữa bố mẹ và con cái ra làm 2 loại “ Đáng tranh luận” và “ Không đáng tranh luận”. Những chuyện “ Đáng tranh luận” như là liên quan tới sức khỏe khi bố cứ liên tục hút quá nhiều thuốc lá mà mỗi lần nhắc là gắt gỏng. Còn những chuyện “ Không đáng tranh luận” thì rất nhiều, xảy ra lặt vặt trong đời sống như để giày không đúng chỗ, mẹ la, thay vì cãi lại thì nên xin lỗi và đặt lại giày.
5, Tìm kiếm sự thỏa hiệp
Bạn có thể hỏi bố mẹ bạn có thể làm gì để cải thiện tình hình này. Nhưng nếu bạn đúng thì hãy giữ vững lập trường, đưa ra phương pháp giải quyết hợp lý và nhanh chóng. Nhiều bạn trẻ hiện nay khó bày tỏ quan điểm của mình bằng lời nói, vậy nên nếu cảm thấy không thể truyền đạt suy nghĩ bằng giao tiếp hãy thử viết một tin nhắn, status để chế độ chỉ mình bố mẹ thấy chẳng hạn. Điều này giúp cả 2 bên có đủ bình tĩnh để suy nghĩ những việc vừa xảy ra hơn.
6, Chia sẻ suy nghĩ của mình với bố mẹ
Khi cả hai đã nguội giận, bạn nên bắt đầu tìm tiếng nói chung bằng cách chia sẻ suy nghĩ của mình với bố mẹ. Hãy nói với bố mẹ lý do tại sao bạn lại làm điều đó, bạn đã lập kế hoạch gì để bố mẹ biết bạn có dự định gì. Bên cạnh đó, chia sẻ những cảm xúc và tổn thương của bạn khi nghe những lời nói của bố mẹ cũng là cách giúp bố mẹ thấu hiểu và lắng nghe bạn nhiều hơn.
Bất kể mối quan hệ giữa người với người trong xã hội đều không tránh khỏi những xung đột. Một nghịch lý là càng thân quen, càng ở gần nhau càng dễ xảy ra cãi vã. Nhưng cãi vã là để đấu tranh gay gắt hay để tốt hơn đều do chúng ta quyết định. Mối quan hệ giữa bố mẹ - con cái không phải là mối quan hệ bình thường mà có thể xung đột là cạch mặt nhau cả đời. Vậy nên hãy chọn cách cãi vã để tốt hơn. Và để làm được điều này, chúng ta cần phải bình tĩnh để đối diện với sự việc, suy nghĩ lạc quan và tha thứ cho nhau.
Kim Dung
Bài viết của tác giả dành riêng cho iLAW
THÔNG TIN LIÊN QUAN:
Danh bạ Luật sư Thừa kế - Di chúc
Lĩnh vực Thừa kế - Di chúc
Không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm?
Gửi một câu hỏi miễn phí trên diễn đàn công cộng của chúng tôi. Đặt một câu hỏi
Đặt câu hỏi- hoặc -
Tìm kiếm luật sư bằng cách đánh giá và xếp hạng..
Tìm kiếm luật sư