Lập di chúc với tài sản chung vợ chồng thế nào?
Căn cứ Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014,
tài sản chung vợ chồng gồm các loại tài sản sau đây:
“Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của
vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất,
kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp
khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40
của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung
và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà
vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp
vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua
giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của
vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia
đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp
không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài
sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”
Với tài sản chung, vợ chồng có các quyền định đoạt,
chiếm hữu cũng như sử dụng theo thoả thuận của hai vợ chồng. Nếu không có thoả
thuận thì tài sản chung vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo
đảm nhu cầu của gia đình cũng như thực hiện các nghĩa vụ chung của vợ, chồng.
Đồng thời, Điều 29 Luật Hôn nhân và Gia đình cũng
khẳng định, vợ chồng bình đẳng với nhau trong việc tạo lập, chiếm hữu, sở hữu,
định đoạt tài sản chung. Do đó, có thể thấy, với tài sản chung của vợ chồng, vợ
hoặc chồng không thể lập di chúc với toàn bộ khối tài sản chung này.
Như phân tích ở trên, với tài sản chung vợ chồng,
một trong hai người vợ chồng không thể tự ý định đoạt (trong đó có việc để lại
di chúc với toàn bộ khối tài sản chung vợ chồng) tài sản chung vợ chồng trong
đó có định đoạt trong di chúc.
Tuy nhiên, về quyền lập di chúc, Điều 609 và Điều
612 Bộ luật Dân sự có quy định, người để lại di chúc có quyền lập di chúc với
phần tài sản riêng của mình hoặc phần tài sản của mình trong tài sản chung với
người khác.
Do đó, mặc dù không thể tự định đoạt tài sản chung
vợ chồng nhưng nếu có tài sản chung vợ chồng, một trong hai người có thể để lại
di chúc với phần tài sản của mình trong khối tài sản chung vợ chồng. Theo đó,
vợ chồng có thể thực hiện theo các bước sau đây:
1- Thoả thuận hoặc phân chia tài sản chung vợ chồng
sau đó để lại di chúc về phần tài sản riêng của mình
Một người có thể lập di chúc để lại tài sản của
mình hoặc phần tài sản của mình trong khối tài sản chung với người khác. Do đó,
khi vợ hoặc chồng muốn để lại di chúc đối với tài sản chung thì cần phân rõ
phần tài sản riêng của mình là những gì trong khối tài sản chung.
Khi đó, để rõ ràng, cụ thể trong việc phân định tài
sản riêng trong khối tài sản chung vợ chồng, vợ, chồng có thể lập thoả thuận về
chế độ tài sản hoặc phân chia tài sản chung vợ chồng.
Sau khi thực hiện các thủ tục nêu trên, vợ hoặc
chồng hoàn toàn có quyền để lại di chúc với phần tài sản riêng của mình trong
khối tài sản chung vợ chồng.
2- Lập di chúc chung vợ chồng
Hiện nay, Bộ luật Dân sự năm 2015 không còn quy
định về di chúc chung vợ chồng như Bộ luật Dân sự năm 2005 (đã hết hiệu lực và
bị thay thế). Tuy nhiên, mặc dù không còn quy định nhưng hiện pháp luật cũng
không cấm lập di chúc chung vợ chồng.
Do đó, để định đoạt tài sản chung vợ chồng, hai vợ
chồng có thể lựa chọn lập di chúc chung. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, người thừa
kế chỉ được hưởng di sản theo di chúc nếu người lập di chúc chết.
Đồng nghĩa trong trường hợp lập di chúc chung vợ
chồng thì chỉ khi cả hai vợ chồng đều đã chết, di chúc đó mới có hiệu lực và
những người thừa kế theo di chúc mới thực hiện các thủ tục tiếp theo để hưởng
di sản.
Như vậy, việc lập di chúc chung vợ chồng sẽ có thủ tục, tính chất phức tạp hơn, điều kiện hưởng di chúc cũng khó khăn hơn và nếu xảy ra tranh chấp cũng khó áp dụng luật để giải quyết một cách rõ ràng.
Không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm?
Gửi một câu hỏi miễn phí trên diễn đàn công cộng của chúng tôi. Đặt một câu hỏi
Đặt câu hỏi- hoặc -
Tìm kiếm luật sư bằng cách đánh giá và xếp hạng..
Tìm kiếm luật sư