Luật Đấu thầu
Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, có hiệu lực từ ngày 01/7/2014 là văn bản pháp luật hiện hành quy định về quản lý nhà nước về đấu thầu; trách nhiệm của các bên có liên quan và các hoạt động đấu thầu theo quy định (“Luật Đấu thầu”).
Đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu
Về nguyên tắc có hai nhóm đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu, bao gồm nhóm đối tượng bắt buộc và nhóm đối tượng lựa chọn.
Theo Khoản 1 Điều 2 Luật Đấu thầu, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đấu thầu quy định tại Điều 1 là các đối tượng bắt buộc áp dụng Luật Đấu thầu, bao gồm:
“1. Lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp đối với:
a) Dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn nhà nước của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập;
b) Dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước;
c) Dự án đầu tư phát triển không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án;
d) Mua sắm sử dụng vốn nhà nước nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập;
đ) Mua sắm sử dụng vốn nhà nước nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công;
e) Mua hàng dự trữ quốc gia sử dụng vốn nhà nước;
g) Mua thuốc, vật tư y tế sử dụng vốn nhà nước; nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở y tế công lập;
2. Lựa chọn nhà thầu thực hiện cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa trên lãnh thổ Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam mà dự án đó sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án;
3. Lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), dự án đầu tư có sử dụng đất;
4. Lựa chọn nhà thầu trong lĩnh vực dầu khí, trừ việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí liên quan trực tiếp đến hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí theo quy định của pháp luật về dầu khí.”
Tổ chức, cá nhân có hoạt động đấu thầu không thuộc các trường hợp nêu trên thì được chọn áp dụng quy định của Luật Đấu thầu. Trường hợp chọn áp dụng thì tổ chức, cá nhân phải tuân thủ các quy định có liên quan của Luật Đấu thầu, bảo đảm công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư
Luật Đấu thầu quy định tám hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo quy định tại Mục 1 Chương 2, bao gồm:
1. Đấu thầu rộng rãi.
2. Đấu thầu hạn chế.
3. Chỉ định thầu.
4. Chào hàng cạnh tranh.
5. Mua sắm trực tiếp.
6. Tự thực hiện.
7. Lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.
8. Tham gia thực hiện của cộng đồng.
Luật Đấu thầu quy định các trường hợp được áp dụng đối với từng hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Phương thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư
Phương thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư được quy định tại Mục 2 Chương 2 Luật Đấu thầu, bao gồm:
1. Phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, áp dụng trong các trường hợp:
a) Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn; gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có quy mô nhỏ;
b) Chào hàng cạnh tranh đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp;
c) Chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp;
d) Mua sắm trực tiếp đối với gói thầu mua sắm hàng hóa;
đ) Chỉ định thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư.
2. Phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, áp dụng trong các trường hợp:
a) Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp;
b) Đấu thầu rộng rãi đối với lựa chọn nhà đầu tư.
3. Phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ được áp dụng trong trường hợp đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có quy mô lớn, phức tạp.
4. Phương thức hai giai đoạn hai túi hồ sơ được áp dụng trong trường hợp đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có kỹ thuật, công nghệ mới, phức tạp, có tính đặc thù.
Ngoài những vấn đề nêu trên, Luật Đấu thầu còn quy định các vấn đề liên quan đến quy trình đấu thầu, phương thức đánh giá hồ sơ dự thầu, quyền và trách nhiệm của các bên trong quan hệ đấu thầu,....
Không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm?
Gửi một câu hỏi miễn phí trên diễn đàn công cộng của chúng tôi. Đặt một câu hỏi
Đặt câu hỏi- hoặc -
Tìm kiếm luật sư bằng cách đánh giá và xếp hạng..
Tìm kiếm luật sư