PHẢI LÀM THẾ NÀO, NẾU SẾP BẠN QUÁ “KHỦNG KHIẾP”?
Một nghiên cứu trên 3.122 nam nhân viên ở Thụy Điển cho thấy, những người làm việc với một người sếp tệ có nguy cơ mắc các bệnh về tim, đột quỵ cao hơn 60%. Trên thực tế, những xung đột trong công sở cũng là nguyên nhân của chứng căng thẳng mãn tính, trầm cảm, suy giảm miễn dịch… Nếu bạn rơi vào tình huống này thì phải làm thế nào?
Trong tình huống này, nhiều người cho rằng bạn có thể nghĩ đến lựa chọn thay đổi công việc. Tuy nhiên, nếu nghỉ việc không phải là một lựa chọn tức thì, bạn nên thực hiện theo một số lời khuyên sau đây để giảm thiểu kiểm soát tình hình và giảm ảnh hưởng cho chính mình.
Trao đổi khi có điều kiện thuận lợi
Đầu tiên, hãy thử nói chuyện với sếp để nhận biết những vấn đề đang xảy ra. Rất có thể sếp sẽ khó chịu và có phản ứng với phản hồi của bạn. Vì vậy, hãy thử đưa ra những yêu cầu cụ thể để nhận được những gì bạn cần, trình bày cụ thể và ngắn gọn những khi sếp của bạn bình tĩnh và có tâm trạng tốt. Đừng quên chuẩn bị và dự đoán các phản ứng có thể xảy ra khi có xung đột trong công sở.
Tìm kiếm những nguồn hỗ trợ bên ngoài
Bạn không đơn độc. Thậm chí bạn còn có một mạng lưới hỗ trợ tích cực khi vấn đề phát sinh. Do đó, hãy tận dụng mọi nguồn lực hỗ trợ để động viên tinh thần, cùng tìm cách tháo gỡ hay các chuyên gia tư vấn để có biện pháp hữu hiệu nhất.
Tập thể dục đều đặn và ngủ đủ giấc
Chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần là điều cần thiết, nhất là khi bạn quá căng thẳng vì vấn đề phát sinh với sếp. Nếu được, hãy tạm thời nghỉ ngơi vài ngày và tìm những hoạt động thú vị để mang lại niềm vui cho chính mình. Hãy nhớ rằng, bạn không thể kiểm soát cách cư xử của sếp, nhưng bạn có thể kiểm soát cách mình phản ứng với hành vi của họ.
Khám phá các vị trí khác trong công ty
Có thể có nhiều cách để thoát khỏi người quản lý mà không cần phải rời khỏi công ty khi có xung đột trong công sở. Đầu tiên hãy bắt đầu bằng việc xem xét các vị trí khác trong công ty mà bạn quan tâm, gặp gỡ đồng nghiệp và quản lý ở các phòng ban khác rồi đưa ra quyết định thay đổi khi thấy phù hợp.
Tham khảo ý kiến với bộ phận nhân sự
Hãy tìm hiểu về các trường hợp tương tự và cách xử lý của bộ phận nhân sự trước khi bạn tiếp cận. Hãy cho họ biết về những vấn đề bạn đang gặp phải với sếp và những việc bạn đã làm để cố gắng khắc phục tình hình. Họ có thể đã giúp đỡ những người khác trong hoàn cảnh tương tự và đưa ra các giải pháp mà bạn chưa nghĩ đến.
Biết khi nào cần phải ra đi
Tất nhiên, nghỉ việc là giải pháp cuối cùng trong trường hợp bạn đã nỗ lực nhưng không thay đổi được tình tình hình, bạn sợ đi làm mỗi ngày, bạn cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng, bạn thấy lòng tự trọng của mình suy giảm mạnh... Hãy cho phép mình thay đổi để vượt qua những trở ngại trong công việc. Tuy nhiên, bạn cần nhớ là phải ra đi một cách chuyên nghiệp như nộp đơn thôi việc và chờ đợi đúng ngày, hoàn thành những phần việc thuộc về mình.
Đặc biệt, bạn tuyệt đối không nên thể hiện sự bức xúc, nói xấu, dù có xung đột trong công sở hay bản thân cảm thấy vô cùng tức giận. Bởi lẽ, cách làm đó không khiến bạn tốt hơn, mà ngược lại còn có thể gây khó khăn khi tìm kiếm công việc mới.
Hân Thái
Bài viết của tác giả dành riêng cho iLAW
THÔNG TIN LIÊN QUAN:
Lĩnh vực Thành lập doanh nghiệp
Không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm?
Gửi một câu hỏi miễn phí trên diễn đàn công cộng của chúng tôi. Đặt một câu hỏi
Đặt câu hỏi- hoặc -
Tìm kiếm luật sư bằng cách đánh giá và xếp hạng..
Tìm kiếm luật sư