Phòng vệ chính đáng có bị xem là tội phạm không?
Bài viết được tư vấn chuyên môn & chia sẻ kinh nghiệm thực tế bởi Luật sư Nguyễn Hồng Quân.
LUẬT SƯ NGUYỄN HỒNG QUÂN LÀ LUẬT SƯ CHUYÊN GIẢI QUYẾT ÁN HÌNH SỰ, NHÀ ĐẤT. Với phương châm làm việc "chọn việc Đúng - Đáng - Đàng hoàng- Đặt Lợi Ích Khách Hàng Lên Hàng Đầu" kết hợp với bề dày kinh nghiệm trong việc tư vấn, tranh tụng, hỗ trợ pháp lý cho các khách hàng trong các vụ án hình sự, kinh tế lớn.
>> Tư vấn miễn phí với Luật sư Nguyễn Hồng Quân.
1. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm
Phòng vệ chính đáng theo quy định tại Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 (Bộ luật Hình sự) “là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.”
2. Thế nào được xem là phòng vệ chính đáng?
Theo đó, để một hành vi được xem là phòng vệ chính đáng thì cần phải xem xét đến các yếu tố sau:
Thứ nhất, về hành vi của người phòng vệ: hành vi đó phải nhằm bảo vệ các quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức. Người thực hiện hành vi phòng vệ phải nhằm mục đích chống trả lại hành vi xâm phạm của nạn nhân, và thiệt hại do người phòng vệ gây ra chỉ có thể là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho chính người có hành vi xâm phạm. Bên cạnh đó, hành vi xâm phạm của nạn nhân phải là hành vi vi phạm pháp luật và có tính chất nguy hiểm đáng kể cho xã hội. Nếu trường hợp hành vi xâm phạm đó được pháp luật cho phép thì người bị xâm phạm nếu có hành vi đáp trả lại thì hành vi đó không được coi là phòng vệ.
Thứ hai, các lợi ích đó phải còn đang bị xâm hại. Điều này có nghĩa là hành vi xâm phạm đang được thực hiện và chưa kết thúc. Ví dụ, A thấy B có một tài sản có giá trị lớn nên nảy sinh ý định chiếm đoạt. A đã chuẩn bị dao với mục đích rượt đuổi để B bỏ lại tài sản. Trong trường hợp này, nếu A mới chỉ đang trong quá trình đi tìm kiếm con dao thì hành vi xâm phạm được xem là chưa được thực hiện. Do đó, nếu như B có hành vi chống trả lại tại thời điểm này thì sẽ không được xem là phòng vệ chính đáng.
Thứ ba, hành vi chống trả phải là cần thiết. Cần thiết có thể được hiểu là tính không thể không chống trả, không thể bỏ qua trước một hành vi trái pháp luật. Một hành vi chống trả được xem là cần thiết thì sẽ không xét đến hậu quả mà hành vi đó gây ra, kể cả trong trường hợp thiệt hại gây ra cho người có hành vi xâm phạm có lớn hơn thiệt hại mà người có hành vi xâm phạm gây ra cho người phòng vệ. Tính cần thiết có thể được xác định căn cứ theo tính chất, mức độ nguy hiểm của phương pháp, phương tiện công cụ của người thực hiện hành vi xâm phạm, khả năng phòng vệ của người bị tấn công trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể,...
Ngoài ra, Nghị quyết số 02-HĐTP-TANDTC/QĐ ngày 05/01/1986 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác được coi là phòng vệ chính đáng khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Hành vi xâm hại những lợi ích cần phải bảo vệ là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm cho xã hội.
b) Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ.
c) Phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công, mà còn có thể tích cực chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại.
d) Hành vi phòng vệ phải tương xứng với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại.
Tuy nhiên, Nghị quyết này đã hết hiệu lực kể từ ngày 01/07/2016, do đó chỉ có tính chất tham khảo khi xác định hành vi phòng vệ chính đáng của người bị xâm phạm.
Thực tế, việc xác định một hành vi được xem là phòng vệ chính đáng ngoài các nội dung trên còn phải căn cứ vào nhiều yếu tố khác như tính chất của hành vi trái pháp luật mà người xâm phạm thực hiện, tính chất và mức độ của hành vi chống trả,... để xác định trách nhiệm của người thực hiện hành vi chống trả gây ra.
Lĩnh vực Hình Sự
Không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm?
Gửi một câu hỏi miễn phí trên diễn đàn công cộng của chúng tôi. Đặt một câu hỏi
Đặt câu hỏi- hoặc -
Tìm kiếm luật sư bằng cách đánh giá và xếp hạng..
Tìm kiếm luật sư