Ai được đăng ký kinh doanh cá thể?
Theo quy định hiện hành, để tiến hành hoạt động kinh doanh, các cá nhân có thể thành lập tổ chức kinh doanh, đầu tư, mua, chuyển nhượng phần vốn góp doanh nghiệp đang hoạt động,... Hiện nay, đối với việc thành lập tổ chức kinh doanh, cá nhân có thể lựa chọn các loại hình khác nhau như doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH một thành viên hoặc kết hợp với những cá nhân khác để thành lập doanh nghiệp với loại hình công ty cổ phần, TNHH hai thành viên trở lên,... Ngoài các loại hình trên, cá nhân còn có thể lựa chọn đăng ký hộ kinh doanh, một loại hình hoạt động kinh doanh khá phổ biến hiện nay. Vậy pháp luật quy định ai được đăng ký kinh doanh cá thể?
Trong các văn bản pháp luật hiện hành, thực thể kinh doanh cá thể được gọi là hộ kinh doanh. Theo đó, các cá nhân được đăng ký hộ kinh doanh được quy định tại Điều 67 Nghị định 75/2018/NĐ-CP, cụ thể được chia thành hai loại như sau:
Thứ nhất, công dân Việt Nam
Công dân Việt Nam được đăng ký hộ kinh doanh khi đạt đầy đủ hai điều kiện:
Độ tuổi: Đủ 18 tuổi
Có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, là những người có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của mình, không thuộc các trường hợp do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi; hoặc nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình hoặc do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi và có quyết định tuyên bố của tòa án.
Thứ hai, hộ gia đình
Hộ gia đình là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật và được xác định theo sổ hộ khẩu.
Căn cứ theo Điều 101 Bộ luật Dân sự 2015, hộ gia đình không có tư cách pháp nhân, cho nên về bản chất hộ gia đình tham gia hoạt động kinh doanh chính là việc các thành viên của hộ gia đình tham gia xác lập, thực hiện các giao dịch, hợp đồng, đồng thời khi phát sinh các khoản nợ, thua lỗ trong quá trình kinh doanh, các thành viên này phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với công nợ của hộ gia đình bằng toàn bộ tài sản của mình. Tuy nhiên, để thuận tiện hơn, các thành viên thường ủy quyền bằng văn bản cho một người đại diện giao kết hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Khi đó, nếu có sự thay đổi người đại diện thì hộ gia đình phải thông báo cho các chủ thể có liên quan biết.
Như vậy, hầu hết các cá nhân, hộ gia đình muốn lựa chọn kinh doanh theo hình thức hộ kinh doanh thì đều phải đăng ký, trừ một số trường hợp ngoại lệ như hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp chỉ phải đăng ký trong trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện.
Lưu ý:
- Pháp luật quy định cá nhân thành lập và tham gia góp vốn thành lập hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.
- Cá nhân, hộ gia đình chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc. Họ vẫn có quyền góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân.
Trên đây là một số quy định liên quan đến chủ thể kinh doanh cá thể. Chỉ khi đáp ứng các điều kiện trên, chủ thể mới có quyền đăng ký hộ kinh doanh.
Không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm?
Gửi một câu hỏi miễn phí trên diễn đàn công cộng của chúng tôi. Đặt một câu hỏi
Đặt câu hỏi- hoặc -
Tìm kiếm luật sư bằng cách đánh giá và xếp hạng..
Tìm kiếm luật sư