NHẮN TIN ĐE DỌA NGƯỜI KHÁC THÌ PHẠM TỘI GÌ?
Nhắn tin đe doạ người khác bị xử lý thế nào sẽ được Luật sư Nguyễn Hồng Quân tư vấn sau đây.
Nhắn tin đe dọa người khác là hành vi sử dụng các phương tiện truyền đạt thông tin như điện thoại, máy tính để gửi những tin nhắn có tính chất đe dọa tới người khác. Một người khi thực hiện hành vi này sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý như trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp người thực hiện hành vi nhắn tin đe dọa đều phải chịu trách nhiệm hình sự. Việc nhắn tin đe dọa người khác, theo đó, được chia thành 02 trường hợp như sau:
Trường hợp 1: Nhắn tin đe dọa mà nội dung đe dọa là sẽ giết nạn nhân hoặc người thân của nạn nhân
Trong trường hợp này người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội đe dọa giết người theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 (Bộ luật Hình sự) khi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm như sau:
1. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội đe dọa giết người theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 (Bộ luật Hình sự) là các cá nhân có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt đến độ tuổi luật định:
“Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”
Như vậy theo quy định trên, đối với tội đe dọa giết người, cá nhân từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi vi phạm.
>> Đặt câu hỏi MIỄN PHÍ về tội đe doạ giết người với 400+ Luật sư hình sự toàn quốc.
2. Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội đe dọa giết người là tính mạng, quyền sống của con người. Mặc dù người phạm tội không có mục đích giết người khi thực hiện hành vi đe dọa, nhưng việc làm cho người bị đe dọa lo sợ và tin rằng mình sẽ bị giết cũng được xem là xâm phạm đến quyền sống của người đó.
>> Xem thêm: Top 10 Luật sư Hình sự nổi tiếng và uy tín tại Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Mặt khách quan của tội phạm
Hành vi khách quan của tội đe dọa giết người là hành vi làm cho người bị đe dọa lo sợ bằng các cách thức, phương tiện, thủ đoạn khác nhau như lời nói, hành động, ánh mắt,... Mục đích của người phạm tội khi thực hiện hành vi đe dọa là làm cho người bị đe dọa tin và lo sợ rằng mình có thể bị giết chứ không phải để thực hiện việc giết người.
Hành vi đe dọa của người phạm tội phải làm cho người bị đe dọa tin rằng hành vi đe dọa đó sẽ được thực hiện nếu như người bị đe dọa không làm theo ý của người phạm tội. Đây là dấu hiệu đặc trưng của loại tội này. Chính vì mục đích làm cho người bị đe dọa tin rằng người phạm tội sẽ thực hiện hành vi giết người nên người phạm tội sẽ cố tình để cho người bị đe dọa nhìn thấy hoặc người khác nhìn thấy mà người phạm tội biết rằng người này sẽ nói lại cho người bị đe dọa biết việc mình đang thực hiện một số hành vi để chuẩn bị cho việc giết người như tìm công cụ, phương tiện để giết người.
Nếu người phạm tội có hành vi đe doạ, nhưng hành vi đó chỉ là phương pháp để thực hiện một tội phạm khác, nhằm mục đích khác thì không phải là phạm tội đe doạ giết người. Đối với tội này, người bị đe doạ có thể lo sợ mình bị giết và cũng có thể lo sợ người thân của mình bị giết miễn là họ tin rằng hành vi đe doạ của người thực hiện hành vi phạm tội sẽ được thực hiện thì vẫn truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó chỉ cần một người thực hiện hành vi phạm tội và hành vi đó thỏa mãn cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chứ không bắt buộc phải có hậu quả xảy ra.
>> Xem thêm: Top 10 Luật sư Hình sự nổi tiếng và uy tín tại Hà Nội.
4. Mặt chủ quan của tội phạm
Tội đe dọa giết người được thực hiện do cố ý, tức là người thực hiện hành vi phạm tội biết hành vi đe dọa giết người là vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện, đồng thời mong muốn người bị đe dọa sẽ lo sợ và tin rằng mình có thể sẽ bị giết. Do đó tội này được thực hiện do cố ý trực tiếp.
Trường hợp 2: Nhắn tin đe dọa mà nội dung chỉ là những lời đe dọa thông thường để ép buộc người đó phải thực hiện những yêu cầu của mình
Trong trường hợp này, người nhắn tin đe dọa không nhằm mang tính chất đe dọa giết người thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP:
“3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
...
g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;”
Như vậy, căn cứ theo từng hành vi và nội dung của tin nhắn mà người thực hiện hành vi nhắn tin đe dọa người khác sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng theo quy định trên.
Nếu cần tư vấn về pháp luật về Hình sự, bạn có thể liên hệ Luật sư Nguyễn Hồng Quân theo thông tin sau:
- Văn phòng 1: Số 168 đường Láng, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa; Hà Nội.
- Văn phòng 2: Số 102 Nguỵ Như Kon Tum, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
- Điện thoại: 0989 815 198 (Luật sư Quân)
- Email: ls.trungquan@gmail.com
KHÁCH HÀNG HỎI: BỊ ĐE DOẠ GIẾT THÌ PHẢI LÀM SAO?
Xin chào luật sư. Tôi đang có thai gần 6 tháng. Hiện tại tôi có gặp trường hợp bị một đối tượng hăm dọa không để yên cho mẹ con tôi. Tôi muốn biết tôi cần phải làm gì để bảo vệ bản thân mình và thai nhi trong bụng. Tôi có cần báo công an không? Cảm ơn các luật sư.
1. Luật sư TRẦN THỊ TRÂM trả lời:
Về câu hỏi của Bạn, Luật sư tư vấn cho Bạn như sau:
1. Thứ nhất, bạn không nói rõ là đối tượng hăm dọa bạn đã thực hiện những hành vi gì, hình thức hăm dọa như nào: nhắn tin, gọi điện, viết thư hay trực tiếp đe dọa, nếu trực tiếp đe dọa thì đe dọa bằng miệng hay có kèm theo hung khí gì không?
2. Thứ hai, bạn cũng không nói rõ thời gian, tần suất của việc đe dọa này và cũng không nói là đối tượng là như nào với bạn, có phải là người quen hay là người không quen biết nên không đủ cơ sở để tư vấn sâu hơn cho bạn.
3. Tuy nhiên, nếu như người này đe dọa bạn thường xuyên, liên tục thậm chí có dùng đến hung khí và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của bạn, tinh thần và sức khỏe của bạn thì bạn cần làm đơn trình báo đến cơ quan Công an nơi bạn cư trú. Trong đó bạn tường trình rõ vụ việc, cụ thể các hành vi mà người này làm với bạn và những hậu quả xảy ra với bạn và thai nhi. Trên cơ sở các thông tin bạn cung cấp Cơ quan Công an sẽ có những biện pháp để bảo vệ bạn và giải quyết vụ việc cho bạn.
Chúc Bạn và em bé luôn bình an và khỏe mạnh
Luật sư Trần Trâm
2. Luật sư NGUYỄN HOÀ THUẬN trả lời:
Chào bạn!
Trước tiên xin trân trọng cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đề nghị tư vấn, chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn và giải đáp thắc mắc của bạn như sau:
Cơ sở pháp lý:
Căn cứ vào Hiến pháp năm 2013 có quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.”
Căn cứ vào Bộ luật hình sự năm 1999
“Điều 103. Tội đe dọa giết người
1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Đối với nhiều người;
b) Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
c) Đối với trẻ em;
d) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.”
Trường hợp của bạn thì cần trình báo ngay lập tức cho cơ quan công an gần nhất, có thể là công an phường, xã nơi đang bị đe dọa hoặc nơi cư trú, khẩn cấp hơn thì gọi lực lượng phản ứng nhanh 113.
Thông tin về người đe dọa, khả năng xảy ra như thế nào, nguyên nhân vì sao... cần phải được cung cấp đầy đủ, chính xác để cơ quan công an xác định, lên phương án xử lý, bảo vệ.
Bạn cũng có thể tự bảo vệ bằng cách tránh nơi có nguy cơ bị tấn công, tạm thời chuyển chỗ ở... Tôi khuyến cáo bạn phải tuyệt đối tin tưởng lực lượng công an, không được tự trang bị vũ khí hay thuê các thành phần bất hảo, \"xã hội đen\" bảo vệ hay trả thù. Vì điều đó dễ làm cho người bị đe dọa - là nạn nhân - lại trở thành người vi phạm pháp luật.
Ðơn vị tiếp nhận sẽ có trách nhiệm xác minh thông tin bạn trình báo có thật hay không, khả năng xảy ra như thế nào để báo cáo lên cấp có thẩm quyền, lập phương án phối hợp bảo vệ bạn, xác minh, xử lý đối tượng đe dọa.
Luật Thuận Nguyễn mong rằng những gì chúng tôi cung cấp nêu trên giúp quý khách phần nào hiểu được quy định pháp luật. Còn bất cứ vướng mắc gì quý khách vui lòng liên hệ để gặp Luật sư Nguyễn Hòa Thuận để được tư vấn trực tiếp.
Xin chân thành cảm ơn sự đồng hành của quý khách!
Trân trọng
3. Luật sư HỒ PHƯỚC LONG trả lời:
Luật sư trả lời như sau:
Căn cứ theo Điều 103 Bộ Luật hình sự năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS), quy định về “tội đe dọa giết người”:
1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Đối với nhiều người;
b) Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
c) Đối với trẻ em;
d) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.
Theo đó, thì đối tượng (không rõ lai lịch) đang hăm dọa “không để yên” cho chị mà chị không nêu rõ bằng hình thức nào, như thế nào
Vì vậy sẽ xảy ra trường hợp nếu có hành vi đe dọa đến tính mạng như dọa sẽ giết mà có căn cứ cho rằng là sẽ xảy ra. Hành vi đó có căn cứ làm cho chị lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện.
Người bị coi là phạm tội là người có hành vi thể hiện sẽ tước đoạt tính mạng người khác. Hành vi này có thể là lời đe dọa với những hình thức khác nhau (qua điện thoại, thư từ…) hoặc có thể là những cử chỉ, việc làm cụ thể gián tiếp thể hiện sự đe dọa (như đi tìm công cụ, phương tiện…).
Hành vi đe dọa phải gây ra cho người bị đe dọa tâm lý lo sợ một cách có căn cứ là hành vi giết người sẽ xảy ra. Hành vi đe dọa giết người chỉ cấu thành tội phạm “đe dọa giết người” theo Điều 103 nêu trên khi hành vi đó đã làm cho người bị đe dọa thực sự lo sợ một cách có căn cứ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện. Chị có thể làm đơn tố giác tội phạm thông báo cho cơ quan công an phường/xã nơi chị cư trú.
Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật sư Hồ Phước Long –VPLS Nhân Quyền (Tp.HCM).
4. Luật sư THÁI BÌNH DƯƠNG trả lời:
Chào bạn. Với câu hỏi của bạn tôi xin đưa ra lời tư vấn như sau. Nếu bạn đang bị đe dọa thì điều đầu tiên là bạn nên lưu lại những hình ảnh, tin nhắn, ghi âm lại lời đe dọa đó. Sau đó nếu biết đích danh người đang đe dọa mình thì bạn làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan công an cấp huyện nơi người đó cư trú để được giải quyết. Thân chào.
5. Luật sư BÙI THẾ VINH trả lời:
Chào bạn, nếu bạn có bằng chứng về việc người khácc đe doạ bạn thì bạn viết đơn kèm theo bằng chứng gửi đến cơ quan công an phường, xã nơi bạn cư trú yêu cầu xử lý đối tượng đã đe doạ bạn.
THÔNG TIN LIÊN QUAN:
Lĩnh vực Cố ý gây thương tích
Không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm?
Gửi một câu hỏi miễn phí trên diễn đàn công cộng của chúng tôi. Đặt một câu hỏi
Đặt câu hỏi- hoặc -
Tìm kiếm luật sư bằng cách đánh giá và xếp hạng..
Tìm kiếm luật sư