TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH BỊ XỬ PHẠT NHƯ THẾ NÀO THEO BỘ LUẬT HÌNH SỰ?
Tội cố ý gây thương tích được tư vấn chuyên môn & chia sẻ kinh nghiệm thực tế bởi Luật sư Phan Đức Tín.
Luật sư Phan Đức Tín có hơn 13 năm kinh nghiệm hành nghề. Luật sư Phan Đức Tín là người sáng lập Công ty Luật TNHH Đức Tín và Cộng sự. Luật sư Tín đã tham gia tư vấn, giải quyết thành công nhiều vụ việc chuyên về các lĩnh vực như: Hình sự, Doanh nghiệp, Hôn nhân gia đình, Dân sự...
Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự 2015) là hành vi của một người cố ý tấn công làm cho người khác bị thương hoặc tổn hại đến sức khoẻ của họ. Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:
“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên;
b) Dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;
c) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Phạm tội đối với 02 người trở lên;
e) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
g) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình;
h) Có tổ chức;
i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
k) Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
l) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe do được thuê;
m) Có tính chất côn đồ;
n) Tái phạm nguy hiểm;
o) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
3. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt tù từ 04 năm đến 07 năm.
4. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
5. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 6 Điều này hoặc dẫn đến chết người, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
6. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích vào vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
7. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
Căn cứ theo quy định trên, cấu thành tội phạm của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác (sau đây gọi chung là “tội cố ý gây thương tích”) như sau:
1. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội cố ý gây thương tích cũng tương tự đối với các tội xâm phạm sức khỏe, tính mạng con người khác, theo đó, cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật hình sự khi cá nhân đó có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt đến độ tuổi luật định được quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
“Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”
Như vậy, đối với tội cố ý gây thương tích, cá nhân từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội cố ý gây thương tích. Trường hợp người phạm tội đang ở độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi quy định tại Khoản 4, 5, 6 Điều 134 theo quy định tại Điều 9, Điều 12 Bộ luật này.
2. Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội cố ý gây thương tích là sức khỏe, tính mạng của con người được pháp luật hình sự bảo vệ. Một người khi có hành vi gây thương tích cho người khác, có nghĩa là đã xâm phạm tới quyền được pháp luật bảo vệ, do đó trong trường hợp cấu thành nên tội phạm thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự.
3. Mặt khách quan của tội phạm
a. Hành vi khách quan
Hành vi khách quan của tội cố ý gây thương tích là hành động tấn công người khác bằng nhiều thủ đoạn khác nhau với mong muốn gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác. Người phạm tội phải có hành vi tác động đến thân thể của người khác làm cho người này bị thương, bị tổn hại đến sức khoẻ. Hành vi này về hình thức cũng giống hành vi của tội giết người, nhưng tính chất và mức độ nguy hiểm thấp hơn nên nó chỉ làm cho nạn nhân bị thương hoặc bị tổn hại đến sức khoẻ chứ không làm cho nạn nhân bị chết. Việc xác định mong muốn của người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội là một trong những căn cứ để xác định tội danh của người đó. Nếu trong trường hợp người phạm tội mong muốn và thực hiện các hành vi nhằm tước đi mạng sống của người bị hại thì khi đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người.
Để xác định mong muốn của người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội, thông thường căn cứ vào các yếu tố như công cụ, phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội; vị trí gây ra thương tích, tổn hại sức khỏe cho người khác; mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội;... Theo đó:
- Công cụ, phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội: nếu người phạm tội sử dụng các công cụ, phương tiện có tính nguy hiểm cao như thuốc nổ, súng,... thì trong một số trường hợp người phạm tội sẽ bị xác định là mong muốn tước đoạt tính mạng của nạn nhân để từ đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người. Trái lại, nếu người phạm tội chỉ sử dụng các công cụ các phương tiện ít nguy hiểm đến tính mạng hoặc không sử dụng công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội thì có thể xác định là chỉ mong muốn gây thương tích cho nạn nhân.
- Vị trí gây ra thương tích, tổn hại sức khỏe trên cơ thể nạn nhân: vị trí gây ra thương tích cũng là một trong những căn cứ để xác định mong muốn của người phạm tội khi thực hiện hành vi. Thực tế khi mong muốn tước đoạt tính mạng của người khác thì người phạm tội sẽ tấn công vào những vị trí dễ gây tổn thương trên cơ thể như vùng đầu, vùng cổ,... kết hợp với việc sử dụng công cụ, phương tiện có tính nguy hiểm cao.
b. Hậu quả
Mong muốn của người phạm tội khi thực hiện hành tấn công người khác là nhằm gây tổn hại tới sức khỏe của người đó. Do đó, hậu quả của tội cố ý gây thương tích là tổn hại về sức khỏe. Có thể mức độ bị thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác là căn cứ để đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Nạn nhân phải bị thương tích hoặc bị tổn thương đến sức khoẻ ở mức đáng kể. Nếu thương tích không đáng kể thì chưa phải là tội phạm. Theo đó, Khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 quy định người bị thương tích hoặc bị tổn hại đến sức khỏe phải có tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên hoặc trường hợp dưới 11% thì phải thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Khoản 1 Điều này thì người phạm tội mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
4. Mặt chủ quan của tội phạm
Vì người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội mong muốn gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác, do đó, tội cố ý gây thương tích được thực hiện do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức được hành vi của mình có thể sẽ gây thương tích hoặc tổn hại tới sức khỏe cho người khác nhưng mong muốn hậu quả xảy ra. Mong muốn nạn nhân bị thương tích hoặc tổn hại sức khỏe luôn xuất hiện trước khi người đó thực hiện hành vi. So với tội giết người thì sự cố ý trong tội cố ý gây thương tích có mức độ nguy hiểm thấp hơn vì người phạm tội chỉ mong muốn nạn nhân bị thương tích, bị tổn hại sức khỏe chứ không mong muốn tước đi tính mạng của nạn nhân.
Nếu cần tư vấn về tội Cố ý gây thương tích hoặc pháp luật về Hình sự, bạn có thể liên hệ Luật sư Phan Đức Tín theo thông tin sau:
- Công ty Luật TNHH Đức Tín và Cộng sự
- Tầng 19, Trung Tâm Thương Mại Sài Gòn, 37, Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, Bến Nghé, Quận 1, Hồ Chí Minh
- Điện thoại: 0937 863 263 (Luật sư Tín)
- Email: tin.phan@ductin-partners.com
HỎI: ANH TRAI ĐÁNH EM GÁI BỊ TỘI GÌ?
Luật sư cho em hỏi: Chồng em đánh em gái vì tội hỗn láo nhiều lần với anh mình và còn mâu thuẫn về tiền bạc, chồng em nóng giận quá nên đánh vào mặt em gái bị chảy máu mũi và được Công an mời về. Vậy chồng em có tội hay không?
Đối với câu hỏi của bạn, luật sư tư vấn như sau:
Hành vi của chồng bạn là hành vi cố ý gây thương tích, tuy nhiên thì việc có bị xử lý hình sự hay không còn phụ thuộc vào mức độ thương tật từ hành vi của chồng bạn gây ra, căn cứ vào Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định về tội cố ý gây thương tích như sau:
Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông,bà, cha, mẹ người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
Như vậy, trong trường hợp này nếu mức thương tật của em gái chồng bạn không đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 104 BLHS thì chồng bạn không phạm tội cố ý gây thương tích.
Trên đây là toàn bộ ý kiến tư vấn của luật sư!
Trân trọng.
Luật sư Nguyễn Đức Biên.
TIN LIÊN QUAN:
Lĩnh vực Bào chữa
Không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm?
Gửi một câu hỏi miễn phí trên diễn đàn công cộng của chúng tôi. Đặt một câu hỏi
Đặt câu hỏi- hoặc -
Tìm kiếm luật sư bằng cách đánh giá và xếp hạng..
Tìm kiếm luật sư