CÓ NÊN SỐNG CÙNG GIA ĐÌNH CHỒNG?
“Có nên sống cùng gia đình chồng?” là một vấn đề gây tranh cãi trên khắp các diễn đàn hôn nhân. Ở một góc độ nào đó, gia đình chồng - nàng dâu vẫn chỉ là người ngoài, vẫn có lúc tranh cãi. Tuy mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh nhưng việc quyết định có nên sống cùng gia đình chồng hay không cần dựa trên tình trạng của từng gia đình và những ưu, khuyết điểm khi chung sống.
Lợi ích khi sống cùng với gia đình chồng
Dù mọi người vẫn hay nói, sống chung với gia đình bên chồng chỉ thiệt thân nhưng trên thực tế, việc này cũng mang lại cho chúng ta khá nhiều lợi ích thiết thực.
Giảm áp lực về kinh tế
Không phải ai sau khi cưới nhau đều có đủ điều kiện kinh tế để mua nhà riêng. Do đó, nhiều vợ chồng thường chọn cách thuê trọ để ở. Nếu sống cùng gia đình chồng, cả hai có thể tiết kiệm được một khoản không nhỏ hằng tháng.
Giảm áp lực về việc nội trợ
Mỗi ngày đều đi làm từ sáng sớm đến chiều về còn phải đón con vào bếp nấu nướng rồi bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa,... Các khảo sát đã cho thấy, nhiều đôi vợ chồng thường xuyên bất hòa chỉ vì áp lực trong việc nội trợ. Chồng không san sẻ cho vợ, người vợ không chu toàn được việc nhà,... sẽ khiến vợ chồng dễ căng thẳng với nhau. Nếu sống cùng bố mẹ chồng và gia đình chồng, hai bạn sẽ được bố mẹ phần nào “trợ giúp" trong khoản nội trợ này.
Bố mẹ trông con giúp
Sau khi sinh con, trẻ còn quá nhỏ để gửi nhà trẻ nhưng nếu không đi làm hoặc một người đi làm một người ở nhà trông trẻ thì bố mẹ sẽ rất dễ gặp phải áp lực tài chính. Nhưng khi sống cùng gia đình chồng, đặc biệt là bố mẹ chồng thì bạn có thể nhờ bố mẹ trông cháu trong thời gian hai vợ chồng đi làm.
Có người “phán xử" mỗi lúc vợ chồng cãi nhau
Khi sống riêng, hai vợ chồng phải tự mình giải quyết các mâu thuẫn, căng thẳng trong cuộc cãi vã. Thế nhưng nếu có bố mẹ chồng, bạn sẽ có người để phân giải mỗi khi vợ chồng cãi nhau. Hay đơn giản hơn, bạn có người để tâm sự những nỗi niềm trong hôn nhân mà không biết nói cùng ai.
Bất lợi khi sống cùng gia đình chồng
Bên cạnh những lợi ích kể trên thì chuyển về sống chung với gia đình chồng sau khi cưới cũng sẽ khiến các đôi vợ chồng trẻ gặp nhiều trục trặc. Nếu không khéo léo hóa giải, dàn xếp thì chính những bất lợi này sẽ khiến tình cảm vợ chồng rạn nứt chỉ sau một thời gian ngắn.
Không có cuộc sống riêng tư
Nhiều ông chồng trước khi kết hôn thường để bố mẹ tự quyết hết tất cả mọi việc trong cuộc sống của mình. Và sau khi lấy vợ, thói quen ấy vẫn không thay đổi. Khi hai vợ chồng sống cùng gia đình chồng sẽ rất dễ xảy ra trường hợp bố mẹ hay anh chị chồng can thiệp quá nhiều vào đời sống riêng tư, cách sinh hoạt, nuôi dạy con cái của hai vợ chồng khiến người vợ cảm thấy bị chèn ép, không thoải mái.
Ví dụ như khi ở riêng, hai vợ chồng có thể thỉnh thoảng đi ăn tối ở các nhà hàng để hâm nóng tình cảm nhưng khi sống cùng bố mẹ và gia đình chồng thì chắc chắn, cả hai phải “ngoan ngoãn" về nhà và dùng bữa tối cùng gia đình.
Dễ xảy ra mâu thuẫn
Mỗi người sẽ có những quan điểm sống khác nhau. Chưa chắc hai vợ chồng đã hoàn toàn “hợp" nhau trong các quan điểm sống này. Chưa kể đến việc sống cùng gia đình chồng, có nhiều người, nhiều ý kiến khác nhau. Đây chính là tiền đề khiến mâu thuẫn xảy ra giữa nàng dâu và gia đình chồng. Nếu hai bên không nhường nhịn nhau, không cư xử khôn khéo với nhau thì người chồng - người đứng giữa “cuộc chiến" này sẽ là người khó xử nhất.
Câu chuyện sống chung hay sống riêng là một câu chuyện dài không hồi kết. Tùy theo mỗi người mà quan điểm và cách giải quyết vấn đề này sẽ khác nhau. Để hạn chế mâu thuẫn giữa vợ chồng với nhau, cả hai nên ngồi lại bàn bạc thật kỹ trước khi quyết định có nên sống cùng gia đình chồng hay không. Chúc bạn tìm được giải pháp phù hợp nhất cho cuộc hôn nhân của mình!
Lĩnh vực Thừa kế - Di chúc
Không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm?
Gửi một câu hỏi miễn phí trên diễn đàn công cộng của chúng tôi. Đặt một câu hỏi
Đặt câu hỏi- hoặc -
Tìm kiếm luật sư bằng cách đánh giá và xếp hạng..
Tìm kiếm luật sư