Thù lao của luật sư trong vụ án hình sự được quy định như thế nào?
Bài viết được tư vấn chuyên môn & chia sẻ kinh nghiệm thực tế bởi Luật sư Nguyễn Hồng Quân.
LUẬT SƯ NGUYỄN HỒNG QUÂN LÀ LUẬT SƯ CHUYÊN GIẢI QUYẾT ÁN HÌNH SỰ, NHÀ ĐẤT. Với phương châm làm việc "chọn việc Đúng - Đáng - Đàng hoàng- Đặt Lợi Ích Khách Hàng Lên Hàng Đầu" kết hợp với bề dày kinh nghiệm trong việc tư vấn, tranh tụng, hỗ trợ pháp lý cho các khách hàng trong các vụ án hình sự, kinh tế lớn.
>> Tư vấn miễn phí với Luật sư Nguyễn Hồng Quân.
Xã hội ngày càng phát triển đồng nghĩa với việc nhu cầu cần có Luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân cũng tăng theo bởi lẽ trong mọi sinh hoạt hằng ngày giờ đây đều yêu cầu những chuẩn mực sống và làm việc theo pháp luật. Khi phát sinh nhu cầu cần Luật sư hỗ trợ, bên cạnh uy tín của Luật sư thì vấn đề thù lao cũng là một yếu tố quan trọng để khách hàng cân nhắc trước khi làm việc.
Mặc dù Luật luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung 2012 (sau đây gọi tắt là “Luật luật sư”) đã quy định về cách tính thù lao của Luật sư là trên tinh thần bình đẳng thỏa thuận dựa trên các căn cứ như:
a. Nội dung, tính chất của dịch vụ pháp lý;
b. Thời gian và công sức của Luật sư sử dụng để thực hiện dịch vụ pháp lý;
c. Kinh nghiệm và uy tín của Luật sư
Nhưng trên thực tế rất khó để khách hàng tiếp cận và hiểu rõ về vấn đề này nên có một số trường hợp sau khi khách hàng và Luật sư ký Hợp đồng dịch vụ pháp lý và tiến hành công việc thì khách hàng quay lại khởi kiện Luật sư tranh chấp về khoản tiền dịch vụ pháp lý.
Về khoản phí thù lao luật sư, cần có sự tách bạch rõ thù lao của Luật sư trong vụ án hình sự và thù lao của Luật sư trong các vụ việc về dân sự bởi vì sẽ có hai cách tính hoàn toàn khác nhau trong hai lĩnh vực này. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ tập trung làm rõ cách tính thù lao của Luật sư trong vụ án hình sự.
Theo quy định tại Điều 56 Luật luật sư thì mức thù lao được thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý. Đối với vụ án hình sự mà luật sư tham gia tố tụng thì mức thù lao không được vượt quá mức trần thù lao do Chính phủ quy định. Từ quy định trên có thể hiểu rằng đối với thù lao trong vụ án hình sự thì các bên được tự do thỏa thuận nhưng phải nằm trong mức trần mà Chính phủ quy định, không giống với thù lao trong các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai… thì quyền tự do thỏa thuận của các bên không bị giới hạn.
Tuy nhiên, khoản thù lao của Luật sư trong vụ án hình sự được chia thành hai loại: Trường hợp trong các vụ án Hình sự do Luật sư tự mình tham gia tố tụng và trường hợp trong các vụ án Hình sự do Luật sư tham gia tố tụng do yêu cầu của cơ quan tố tụng.
1. Đối với trường hợp Luật sư tự mình tham gia tố tụng trong vụ án hình sự:
Thù lao của Luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự do khách hàng và văn phòng luật sư, công ty luật thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý dựa trên các căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 55 Luật luật sư và được tính theo giờ hoặc tính trọn gói theo vụ việc, nhưng mức cao nhất cho 01 giờ làm việc của luật sư không được vượt quá 0,3 lần mức lương cơ sở do Chính phủ quy định. Thời gian làm việc của luật sư do Luật sư và khách hàng thỏa thuận (Điều 18 Nghị định 123/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật luật sư). Với mức lương tối thiểu như hiện nay thì thù lao cho một giờ làm việc của luật sư là 345.000 đồng.
2. Đối với trường hợp Luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tố tụng:
Căn cứ theo Điều 19 Nghị định 123/2010/NĐ-CP và Điều 2 Thông tư liên tịch số 191/2014/TTLT-BTC-BTP Hướng dẫn về thù lao và thanh toán chi phí cho luật sư trong trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng thì đối với những vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu luật sư thì mức thù lao được trả cho 01 ngày làm việc của luật sư là 0,4 lần mức lương cơ sở do Chính phủ quy định.
Ngày làm việc của luật sư được tính trên cơ sở 08 giờ làm việc.Trong trường hợp, luật sư làm việc trong nhiều ngày, nhưng mỗi ngày thực hiện không đủ 08 giờ, thì số ngày làm việc của luật sư được tính trên tổng số giờ làm việc thực tế của luật sư. Số giờ làm việc lẻ còn lại (nếu có) được tính như sau:
- Nếu số giờ làm việc lẻ không đủ 06 giờ thì tính thành ½ ngày làm việc.
- Nếu số giờ làm việc lẻ từ 06 giờ trở lên thì tính thành 01 ngày làm việc.
Thời gian làm việc của luật sư được tính bao gồm:
a) Thời gian gặp người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử: Được xác định bằng thời gian thực tế luật sư gặp người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tại nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam của cơ quan tiến hành tố tụng theo lịch cho phép;
b) Thời gian thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa: Được xác định căn cứ theo văn bản thoả thuận về số ngày thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa giữa cơ quan tiến hành tố tụng với luật sư tuỳ theo tính chất phức tạp của từng vụ án;
c) Thời gian nghiên cứu hồ sơ và chuẩn bị tài liệu tại cơ quan tiến hành tố tụng: Được xác định theo bảng chấm công có xác nhận của nơi luật sư đến nghiên cứu hồ sơ;
d) Thời gian tham gia phiên tòa: Được xác định theo thời gian diễn ra phiên toà xét xử; trong trường hợp phiên toà hoãn xử không phải do yêu cầu của luật sư và luật sư không được báo trước, thì cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm thanh toán tiền thù lao cho luật sư bằng ½ ngày làm việc của luật sư;
đ) Thời gian hợp lý khác theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng để thực hiện việc tham gia tố tụng.
Trường hợp luật sư gặp người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo lịch cho phép gặp người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tại nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam hoặc thời gian tham gia phiên tòa vào ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ thì thời gian làm việc được tính mức theo nguyên tắc chi trả tiền lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức, cụ thể như sau:
- Mức 150% áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày thường.
- Mức 200% áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày nghỉ hàng tuần.
- Mức 300% áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày lễ hoặc ngày nghỉ bù nếu ngày nghỉ lễ trùng vào ngày nghỉ hàng tuần.
Thời gian làm việc của luật sư phải được cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trực tiếp giải quyết vụ án xác nhận trên cơ sở tổng hợp thời gian làm việc tại điểm a, b, c, d, đ khoản này, làm căn cứ chi trả thù lao cho luật sư.
Việc quy định mức trần thù lao của Luật sư trong vụ án hình sự vừa có những ưu điểm và những hạn chế nhất định:
Thứ nhất, đa số các Luật sư cho rằng không nên đưa ra mức trần thù lao vì hoạt động nghề nghiệp của Luật sư là lao động trí óc, cho nên việc đóng khung mức trần như vậy là mang tính chủ quan bởi vì mọi thước đo đều không chính xác, có nhũng công việc đối với khách hàng này là đơn giản nhưng đối với khách hàng khác là rất quan trọng. Một giờ làm việc với khách hàng này đôi khi tiêu tốn ít “chất xám” hơn so với khách hàng khác mà chỉ bản thân Luật sư và khách hàng đó mới biết rõ.
Thứ hai, khách hàng là người trực tiếp thanh toán chi phí cho Luật sư, sự giới hạn thù lao cũng chính là gián tiếp giới hạn quyền định đoạt tài sản của họ. Trong một số vụ việc có độ phức tạp cao đòi hỏi Luật sư phải có nhiều kinh nghiệm và tư duy pháp lý sâu sắc, khách hàng tin tưởng và muốn chi trả khoản thù lao xứng đáng để khuyến khích Luật sư nhưng vẫn bị ràng buộc bởi mức trần cho dù đó là sự tự nguyện của khách hàng nhưng cũng không thể ghi nhận công khai trong Hợp đồng dịch vụ pháp lý.
Tuy nhiên, xét về mặt khoa học pháp lý thì việc ban hành mức trần đối với thù lao của Luật sư trong vụ án hình sự là cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho người dân, người yếu thế, tránh trường hợp bị “chặt chém” không đáng có vì tâm lý của người dân khi tìm đến Luật sư khi đó là để tìm sự hỗ trợ, cảm thông hay chỗ dựa vững chắc trong suốt quá trình tố tụng. Với mức giá trần này, Nhà nước hướng đến mục tiêu đảm bảo khách hàng của luật sư không bị các luật sư, vốn rất hiểu biết pháp luật, lợi dụng tình thế của họ để lấy thù lao quá mức so với công lao thực tế. Và khi đã tạo được một khung giá ở mức độ nằm trong khả năng kinh tế của mặt bằng chung xã hội, việc khách hàng sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư sẽ nhiều hơn, cơ hội của các bị can, bị cáo được sự giúp đỡ, bào chữa của các luật sư sẽ tăng cao, quyền lợi hợp pháp của tổ chức cá nhân được đảm bảo, Nhà nước cũng đảm bảo về trật tự trong quản lý xã hội trên mọi lĩnh vực.
THÔNG TIN LIÊN QUAN:
Lĩnh vực Hình Sự
Không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm?
Gửi một câu hỏi miễn phí trên diễn đàn công cộng của chúng tôi. Đặt một câu hỏi
Đặt câu hỏi- hoặc -
Tìm kiếm luật sư bằng cách đánh giá và xếp hạng..
Tìm kiếm luật sư