CON CÁI GIÀNH NHÀ ĐẤT, ĐUỔI CHA MẸ: ĐẠO HIẾU NGÀY NAY CÓ PHAI ĐI ÍT NHIỀU?
Những năm gần đây, câu chuyện người thân trang giành của cải, con cái đòi quyền thừa kế rồi dẫn đến việc ngược đãi về tinh thần lẫn thể xác của cha mẹ là không hiếm. Thậm chí, nhiều gia đình đành phải “muối mặt” nhờ đến sự can thiệp của pháp luật. Điều này làm dấy lên tâm lý lo lắng về lòng hiếu thảo xưa và nay. Liệu có phải đạo đức đang ngày một suy đồi, đạo hiếu đang dần mai một giữa cuộc sống quá nhiều cám dỗ?
Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ câu chuyện của một bà mẹ già 75 tuổi quê ở Thanh Hóa phải mang đơn ra tòa án kiện con trai vì đã tranh cướp đất, đánh đuổi mẹ ra khỏi nha và phút cuối cùng khi phiên tòa bế mạc, vị Hội thẩm nhân dân đã lao xuống ôm chầm lấy bà và nói: “Sao đời má khổ vậy, hay là má về ở với con, con nuôi!”.
Lòng hiếu thảo xưa và nay luôn được đặt lên hàng đầu. Nếu ở phương Đông, chúng ta từng biết đến đạo lý “Nhân sinh bách hạnh, hiếu vi tiên” thì ở phương Tây, điều này cũng được coi trọng không kém. Chính Bill Gates, nhà sáng lập tập đoàn công nghệ lừng danh thế giới, từng nói: “ Sự việc mà con người không được phép chần chừ, không khác gì ngoài việc kính hiếu với cha mẹ”.
Điều này cũng không có gì là khó hiểu. Bởi các bậc sinh thành đã phải trải qua bao nhiêu vất vả, lo toan, thậm chí là không tiếc sinh mạng, sức khỏe, tài chính, tâm huyết mới có thể nuôi dưỡng mỗi cá nhân chúng ta lớn lên, trưởng thành và có đủ sức chống chọi với cuộc đời. Khi chúng ta đã có thể “tự thân vận động”, cha mẹ cũng chưa bao giờ thôi quan tâm, chăm sóc và vui buồn theo từng bước thăng trầm của mỗi người.
Thế nhưng, lòng hiếu thảo xưa và nay cũng có nhiều thay đổi, nhất là trong xã hội hiện đại. Với nhiều luồng văn hóa đan xen, nhiều biến động của điều kiện sống và sự tiếp xúc với các cá nhân tốt xấu khác nhau khiến cho đạo Hiếu ít được quan tâm. Mỗi người dù có lòng hiếu kính cha mẹ cũng không có nhiều điều kiện thể hiện, không có hay không biết phải thể hiện thế nào. Đồng thời, cùng với sự bùng nổ của mạng Internet, những thông tin trái chiều có thể đến với mỗi chúng ta nhanh hơn, nhiều hơn và tạo nên những mảng tối trong đời sống xã hội.
Tuy nhiên, từ sâu trong cốt lõi của tâm hồn con người, nhất là người Việt Nam, đều luôn ghi nhớ và đặt chữ Hiếu lên hàng đầu. Mỗi người có thể chưa hoặc không biết cách thể hiện, nhưng họ vẫn ý thức được trách nhiệm làm cho đấng sinh thành luôn an tâm, như thế cũng là một phần của chữ Hiếu. Họ cũng có trách nhiệm cùng nhau vun bồi chữ Hiếu bằng cách gắn kết gia đình, phụng dưỡng ông bà cha mẹ và dành thời gian dạy dỗ con cái. Nếu mỗi cá nhân đều là một tấm gương tốt, thì chắc chắn đạo Hiếu sẽ không những không nhạt mà còn được phát huy và lưu truyền mãi về sau.
Do đó, dù cuộc sống còn nhiều xáo trộn, ở đâu đó vẫn có những câu chuyện trái ngang, thì mỗi chúng ta vẫn phải luôn thật vững vàng, dành lòng tin vào những điều tốt đẹp với đạo đức của con người, vào lòng hiếu thảo xưa và nay của người Việt. Có như vậy mới có thể xây dựng nên một môi trường trong lành cho tất cả, để không chỉ đạo Hiếu mà những giá trị tốt đẹp khác của con người cũng luôn được lan tỏa và trường tồn với thời gian.
Hân Thái
Bài viết của tác giả dành riêng cho iLAW
Lĩnh vực Đất Đai
Không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm?
Gửi một câu hỏi miễn phí trên diễn đàn công cộng của chúng tôi. Đặt một câu hỏi
Đặt câu hỏi- hoặc -
Tìm kiếm luật sư bằng cách đánh giá và xếp hạng..
Tìm kiếm luật sư