
Đoàn Văn Nên
Tổng cộng: 63
-
UBND huyện và xã gây khó khăn cho người mua đất thực hiện sang tên đổi chủ
chào luật sư! cho em hỏi với ạ em có mua đất của người khác nhưng giờ khó khăn trong việc sang tên đổi chủ. cụ thể: em mua đất của ông A có làm thủ tục sang nhượng tại văn phòng công chứng rồi....
Luật sư Đoàn Văn Nên đã trả lời
UBND huyện và xã gây khó khăn cho người mua đất thực hiện sang tên đổi chủ
Hành vi ngăn cản như vậy của cơ quan hành chính như vậy là không phù hợp quy định pháp luật.
Theo các quy định hiện hành (Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật thi hành án hình sự), chỉ có các cơ quan chức năng liên quan như cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, thi hành án… mới có quyền yêu cầu ngăn chặn hoạt động cập nhật đăng bộ đất của người dân. Chưa có quy định nào cho phép cơ quan quản lý nhà nước được căn cứ vào đơn yêu cầu ngăn chặn của một cá nhân để từ chối cập nhật đăng bộ cho người khác cả hoặc có hành vi ngăn cản việc chuyển dịch tài sản. Như vậy, việc vận dụng pháp luật của chính quyền địa phương trong trường hợp này là chưa chuẩn xác.
Trong trường hợp này, các cơ quan quản lý hành chính nêu trên có thể mời và giải thích cho những người tranh chấp kia biết về việc chỉ có các cơ quan như Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân mới có quyền ngăn chặn để bảo đảm việc giải quyết vụ án theo đúng quy định pháp luật. Các cơ quan quản lý hành chính có thể cho những người này một thời hạn nhất định để yêu cầu các cơ quan nêu trên thụ lý giải quyết vụ án và ban hành quyết định ngăn chặn. Thông thường thời hạn này là từ 10 đến 15 ngày, bằng việc ra Thông báo tạm ngưng giải quyết việc chuyển nhượng. Hết thời hạn nêu trên thì phải giải quyết theo yêu cầu chính đáng của bạn về việc chuyển nhượng tài sản một cách hợp pháp.
Trong trường hợp quyền lợi hợp pháp của mình bị xâm hại, bạn có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Luật sư Đoàn Văn Nên
-
Tư vấn luật hôn nhân và gia đình
Em năm nay 36 tuổi kết hôn được 13 năm. Em làm kế hoạch cho công ty may lương em mỗi tháng 10 triệu, chồng em là công an cấp bậc thiếu tá lương được 12 triệu sau khi đã trừ đi các khoản. Trong quá trình...
Luật sư Đoàn Văn Nên đã trả lời
Tư vấn luật hôn nhân và gia đình
Theo khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì \" Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.\"
Như vậy, căn cứ vào nguyện vọng của con mà Tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên Cha hoặc mẹ trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Trong trường hợp này, yếu tố vật chất vừa đủ phù hợp với nhu cầu của con, chứ không xem xét về mặt cha hoặc mẹ ai có tiền nhiều hơn. Yếu tố về tinh thần và chăm sóc dạy dỗ nuôi dưỡng con để đảm bảo quyền lợi về mọ mặt của con là yếu tố quyết định.
Luật sư Đoàn Văn Nên
-
KÝ GIẤY TẶNG CHO NHÀ VÀ ĐẤT RỒI CÓ ĐÒI LẠI ĐƯỢC KHÔNG?
MẸ EM MẤT ĐỂ LẠI CĂN NHÀ 474M2,CĂN NHÀ THUỘC QUYỀN SỞ HỮU CỦA MẸ EM VÀ BA CỦA EM. MẸ CỦA EM CÓ 4 NGƯỜI CON, EM LÀ ÚT. NĂM 2007 BA CỦA EM VÀ 3 ANH CHỊ CỦA EM CÙNG KÝ CHO EM CĂN NHÀ. VÌ ĐẤT CŨNG RỘNG,NÊN...
Luật sư Đoàn Văn Nên đã trả lời
KÝ GIẤY TẶNG CHO NHÀ VÀ ĐẤT RỒI CÓ ĐÒI LẠI ĐƯỢC KHÔNG?
Do bạn không trình bày rõ nên căn cứ theo nội dung bạn trình bày, tôi hiểu như sau:
_ Vào năm 2007, cha và 3 anh chị em của bạn đã ký Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế tại Phòng công chứng giao toàn bộ nhà đất của cha mẹ bạn tặng cho bạn đứng tên chủ quyền nhà đất. Sau đó, bạn phân chia lại cho chị Ba của bạn một phần nhà đất và đường đi nội bộ, diện tích còn lại bạn đang trực tiếp quản lý sử dụng là 250 m2. Chị Ba của bạn cũng đã trực tiếp quản lý sử dụng nhà đất do bạn phân chia này. Nhà đất của bạn thì giao cho chị Tư của bạn quản lý sử dụng trong thời hạn 03 năm, nhưng thực tế là ở đến 05 năm. Bây giờ giữa bạn và chị Tư tranh chấp về việc phân chia nhà đất của bạn đứng tên chủ quyền.
- Do bạn đã đứng tên chủ quyền nhà đất, việc đứng tên chủ quyền nhà đất này đã được xác lập bởi Văn bản thoả thuận phân chia di sản thừa kế năm 2007 và thực hiện theo đúng trình tự luật định nên bây giờ chị Tư của bạn không có quyền đòi phân chia lại. Trong trường hợp chị Tư của bạn quản lý sử dụng nhà này thì có thể yêu cầu tính toán công sức quản lý giữ gìn tài sản là nhà đất là phù hợp, bạn và chị Tư nên thỏa thuận về việc này trong mức độ hợp lý. Điều này thể hiện đạo lý tình người nên phần lớn sẽ được Toà án chấp nhận. Hơn nữa, cho dù bạn có thắng kiện tại Toà án các cấp, các cơ quan tư pháp cũng sẽ vận động bạn hỗ trợ cho chị của bạn một khoản tiền hợp lý để ổn định chỗ ở mới gồm tiền thuê nhà trong 01 năm, chi phí di dời vận chuyển...
- Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, thời gian giải quyết kể từ lúc thụ lý vụ án của một vụ án dân sự đơn giản là 04 tháng, phức tạp là 06 tháng. Tuy nhiên trên thực tế sẽ có nhiều hệ luỵ phát sinh nên có thể sẽ kéo dài hơn, cũng như sẽ tốn kém thêm nhiều chi phí tranh tụng, phí thi hành án, phí thẩm định giá...
Với nội dung tư vấn trên, hy vọng bạn và gia đình sẽ có sự thoả thuận hợp lý, giữ được tình cảm gia đình hạnh phúc bền lâu.
Luật sư Đoàn Văn Nên.
-
Cho bạn mượn CMND
Cho em hỏi, em có người bạn mượn CMND của em đi photo nhưng ép hình của bạn đó lên. Được tờ chứng minh bằng giấy trắng đen, họ tên thông tin trên CMND là của em nhưng hình của người đó. Như vậy, cho em hỏi lỡ người đó có làm gì hay bị gì,
Luật sư Đoàn Văn Nên đã trả lời
Cho bạn mượn CMND
Hành vi của người bạn nêu trên có dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự. Trong trường hợp bạn biết rõ bạn của bạn có hành vi nêu trên nhằm mục đích thực hiện hành vi trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng thì bạn phải ngăn cản hoặc trình báo cho cơ quan chức năng. Nếu không thì có thể bạn sẽ bị cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi đồng phạm theo quy định tại Điều 266 Bộ luật Hình sự 1999.
Luật sư Đoàn Văn Nên
-
Hỏi về di chúc thừa kế cho người khuyết tật
mến chào luật sư năm nay em 24 tuổi là một người khiếm thị hai mắt không nhìn thấy gì cả tuy nhiên em vẫn lao động và học tập bình thường nên mẹ em có ý định lập di chúc cho em một phần tài sản...
Luật sư Đoàn Văn Nên đã trả lời
Hỏi về di chúc thừa kế cho người khuyết tật
Bạn hoàn toàn được quyền thừa hưởng tài sản mà mẹ bạn để lại và không ai có quyền ngăn cản điều này. Để tránh sự tranh chấp về sau, mẹ bạn nên khám sức khỏe trước khi lập di chúc và lập di chúc tại Phòng/Văn phòng công chứng với sự chứng kiến của người làm chứng.
Chúc bạn luôn mạnh khỏe và hạnh phúc.
Luật sư Đoàn Văn Nên
-
Sang tên sổ đỏ theo diện thừa kế
Gia đình tôi có bà ngoại, mẹ, anh trai và chị gái và tôi. Bà tôi có 4 người con, nhưng hiện tại chỉ còn lại mỗi mẹ tôi. Bà ngoại và ông ngoại tôi đã mất, bây giờ muốn sang tên sổ đỏ cho mẹ tôi...
Luật sư Đoàn Văn Nên đã trả lời
Sang tên sổ đỏ theo diện thừa kế
Theo như trình bày của chị thì nhà đất này do ông bà ngoại chị đứng tên. Ông bà ngoại của chị đều đã chết và không để lại đi chúc. Ông bà ngoại của bạn có 04 người con, 3 người kia đã chết, chỉ còn lại mẹ của bạn là đang quản lý sử dụng nhà đất này. Để sang tên chủ quyền nhà đất qua tên mẹ của bạn thì mẹ của bạn cần thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại Văn phòng công chứng nơi nhà đất toạ lạc. Sau khi thực hiện xong thủ tục công chứng này thì mẹ bạn nộp hồ sơ đăng bộ cập nhật tên chủ sở hữu mới tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện và thực hiện thủ tục trước bạ tại Chi cục thuế cấp huyện. Hồ sơ gồm có Tờ tường trình quan hệ nhân thân, giấy tờ chủ quyền nhà đất, giấy tờ nhân thân của gia đình ông bà ngoại, các cậu dì và mẹ bạn gồm CMND + HK + Giấy khai sinh + Giấy chứng tử....
Trong trường hợp gia đình bạn có thể tự chuẩn bị hồ sơ như hướng dẫn trên đây thì có thể tự thực hiện được; trường hợp phức tạp hoặc không thuận tiện đi lại và thời gian thì gia đình bạn nên thuê luật sư thực hiện giúp sẽ tốt hơn.
Chúc bạn và gia đình luôn mạnh khoẻ.
-
Điều kiện ly hôn đơn phương
Thưa luật sư tôi là trần thị loan. Gia đình tôi đang gặp vấn đề li dị. Bố tôi bị đi tù 7 năm nay đuợc về, thì trong qúa trình cải tạo mẹ tôi có quan hệ với ngkhac và có con rieng. Sau khi bo ve, me toi làm...
Luật sư Đoàn Văn Nên đã trả lời
Điều kiện ly hôn đơn phương
Chào bạn, câu hỏi của bạn có 02 vấn đề.
1. Về việc đơn phương ly hôn của mẹ bạn, thì theo quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình, Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì mẹ của bạn có quyền nộp đơn ly hôn đơn phương tại Toà án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của cha bạn. Toà án sẽ thụ lý giải quyết theo quy định pháp luật.
2. Về việc tố cáo mẹ bạn vi phạm Luật hôn nhân và gia đình thì cha bạn hoàn toàn có quyền làm đơn yêu cầu xử lý đối với những người vi phạm đến chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác; hoặc người chưa có gia đình mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ. Người vi phạm quy định nói trên, tùy theo mức độ vi phạm đối với từng trường hợp cụ thể, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
* Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính:
Chồng làm ảnh hưởng đến quan hệ hôn nhân của cha mẹ bạn theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Trường hợp nghiêm trọng thì có thể
Theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng được áp dụng đối với người có hành vi \"đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc “chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngoài hình thức phạt tiền trên, người vi phạm còn bị buộc chấm dứt quan hệ hôn nhân trái pháp luật.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình là một năm kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện.
Trong thời hạn trên nếu người vi phạm thực hiện vi phạm hành chính mới trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt không được áp dụng. Thời hiệu xử phạt được tính lại kể từ thời điểm thực hiện vi phạm hành chính mới hoặc thời điểm người vi phạm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
* Trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự
Khoản 1 Điều 147 Bộ luật hình sự quy định về tội “vi phạm chế độ một vợ, một chồng” như sau: “Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm”.
Theo quy định trên, người có hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 147 Bộ luật hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm;
- Chưa bị xử phạt hành chính nhưng gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo quy định tại mục 1 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC thì người bị coi là “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” nếu trước đó người nào đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật hình sự nói trên nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà lại thực hiện hành vi đó hoặc thực hiện một hành vi khác được quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật hình sự.
Thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008) là một năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo quy định tại mục 3 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC, hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng “gây hậu quả nghiêm trọng” là có thể làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát...
Ngoài ra, khoản 2 Điều 147 Bộ luật hình sự cũng quy định: “Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của tòa án tiêu hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
Theo hướng dẫn tại mục 3 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/9/2001 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng các quy định của chương XV “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của Bộ luật hình sự năm 1999 thì: Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...
Trong trường hợp này, cha bạn có thể làm đơn yêu cầu chính quyền địa phương nơi mẹ bạn và người đàn ông đó đang chung sống như vợ chồng can thiệp, xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng và chấm dứt việc sống đó.
Nếu việc mẹ bạn và người đàn ông kia chung sống với nhau đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc thuộc vào trường hợp đã “gây hậu quả nghiêm trọng” (như đã nêu trên trường hợp dẫn đến ly hôn cũng được xem là trường hợp nghiêm trọng) thì cha bạn có quyền đề nghị cơ quan công an nơi mẹ bạn và người đàn ông kia chung sống xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Đoàn Văn Nên
-
Nhập hộ khẩu và làm lại chứng minh nhân dân
Em chào luật sư ạ.Cho em hỏi là nếu mình mất chứng minh nhân dân thì mình có làm được thủ tục nhập khẩu được không ạ.Và nếu nhập khẩu được thì mình có xin cấp lại chứng minh nhân dân nơi...
Luật sư Đoàn Văn Nên đã trả lời
Nhập hộ khẩu và làm lại chứng minh nhân dân
Chào bạn,
Giấy chứng minh nhân dân là giấy tờ tuỳ thân để chứng minh nhân thân của công dân. Khi bạn bị mất giấy chứng minh nhân dân thì bạn không thể thực hiện được các giao dịch trong cuộc sống có liên quan đến pháp lý, ví dụ như ngân hàng, chứng thực, công chứng, giao dịch với cơ quan nhà nước... Như vậy, nếu bạn mất giấy chứng minh nhân dân thì bạn không thể làm thủ tục đăng ký hộ khẩu hoặc đăng ký cư trú ở nơi ở mới được.
Trong trường hợp này, bạn cần làm đơn cớ mất giấy chứng minh nhân dân có hình chụp, trình báo để được xác nhận tại công an cấp xã nơi bị mất. Sau đó, bạn phải về lại nơi đăng ký hộ khẩu thường trú làm lại giấy tờ nhân thân mới là Căn cước công dân theo Luật Căn cước công dân.
Sau khi có căn cước công dân rồi thì bạn làm thủ tục chuyển hộ khẩu đến nơi ở mới nếu bạn đủ điều kiện theo quy định của Luật cư trú.
Ngoài cách này ra, còn có những cách khác giúp bạn giải quyết vấn đề này nhưng có lẽ sẽ tốn kém hơn rất nhiều về chi phí, công sức và thời gian.
Chúc bạn may mắn hơn.
Luật sư Đoàn Văn Nên
-
Thừa kế theo pháp luật
thưa luật sư tôi là con thứ nhất gia đình .Nhà tôi có 3 anh em nhưng mẹ tôi mất chưa làm di chúc,xin hỏi LS nếu như chưa làm di chúc thì số tiền con trưởng được hưởng là bao nhiên (tài sản trên dưới...
Luật sư Đoàn Văn Nên đã trả lời
Thừa kế theo pháp luật
Chào bạn,
Trong câu hỏi bạn không nêu rõ các tình tiết cụ thể của sự việc, như mẹ bạn mất khi nào, cha bạn còn sống hay không, ông bà ngoại của bạn còn sống hay không, di sản để lại là gì, người đang quản lý là ai, có tu bổ sửa chữa gì đối với tài sản đó hay không, các đồng thừa kế có đang tranh chấp tài sản đó hay không và như thế nào...
Vì chưa rõ các tình tiết đó nên tôi chỉ có thể tư vấn cho bạn theo những điều chung nhất mà pháp luật có quy định. Theo quy định tại Điều 650, 651 Bộ luật Dân sự 2015 thì trong trường hợp mẹ bạn không để lại di chúc thì hàng thừa kế thứ nhất của mẹ bạn là ông ngoại (cha của mẹ bạn), bà ngoại (mẹ của mẹ bạn), cha bạn (chồng của mẹ bạn) và 3 anh em bạn là những người thừa kế hợp pháp đối với di sản do mẹ của bạn để lại. Các đồng thừa kế được thừa hưởng phần di sản bằng nhau. Lưu ý rằng nếu tài sản do mẹ bạn để lại không phải là tài sản riêng của mẹ bạn thì phần quyền tài sản của mẹ bạn trong khối tài sản đó mới là di sản do mẹ bạn để lại. Ví dụ nhà đất đang đứng tên chung của cha mẹ bạn thì phần quyền tài sản là 1/2 nhà đất đó mới là di sản do mẹ bạn để lại.
Để được thừa hưởng di sản đối với nhà đất hoặc các tài sản có giấy tờ do mẹ bạn đứng tên chủ sở hữu, chủ sử dụng thì các đồng thừa kế phải thực hiện thủ tục khai nhận hoặc phân chia di sản thừa kế tại Phòng/Văn phòng công chứng (lưu ý về địa hạt công chứng). Khi bạn nộp đủ hồ sơ công chứng thì Phòng/Văn phòng công chứng sẽ niêm yết hồ sơ khai nhận di sản tại UBND cấp xã có liên quan trong 15 ngày; sau 15 ngày mà không có ai tranh chấp gì về việc khai nhận phân chia di sản này thì Phòng/Văn phòng công chứng sẽ thực hiện công chứng khai nhận hoặc phân chia di sản này. Sau đó, người nhận di sản sẽ thực hiện tiếp các thủ tục khác để được hưởng di sản; VD: đối với nhà đất thì đăng bộ, trước bạ...
Luật sư Đoàn Văn Nên
-
Chấm dứt hợp đồng lao động
Tôi chấm dứt hợp đồng lao động để đi xuất khẩu lao động có thuộc trường hợp trong Điểm b khoản 2 Điều 11 của Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 : \"2. Người lao động có quyền đơn phương...
Luật sư Đoàn Văn Nên đã trả lời
Chấm dứt hợp đồng lao động
Trước đây, trường hợp xin đi xuất khẩu lao động không được xem là \"Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động\". Theo Điều 11 Nghị định 44/2003/NĐ-CP thì \"Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động\" với những lý do sau đây:
a. Chuyển chỗ ở thường trú đến nơi khác, đi lại làm việc gặp nhiều khó khăn;
b. Được phép ra nước ngoài định cư;
c. Bản thân phải nghỉ việc để chăm sóc vợ (chồng); bố, mẹ, kể cả bố, mẹ vợ (chồng) hoặc con bị ốm đau từ 3 tháng trở lên;
d. Gia đình có hoàn cảnh khó khăn khác được chính quyền cấp xã nơi cư trú xác nhận không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, sau khi có Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2015 thì vấn đề này được thay đổi.
Tại điểm d khoản 1 điều 37 Bộ luật Lao động 2012 quy định rằng khi \"Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;\" thì người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn. Hướng dẫn nội dung này, tại Điểm b khoản 2 Điều 11 của Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 có quy định \"Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động tại Điểm d Khoản 1 Điều 37 của Bộ luật Lao động khi ra nước ngoài sinh sống hoặc làm việc\".
Trường hợp của bạn chấm dứt hợp đồng lao động để đi xuất khẩu lao động là thuộc trường hợp trong Điểm b khoản 2 Điều 11 của Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2015. Dĩ nhiên là khi đó bạn phải báo cho người sử dụng lao động biết trước một khoảng thời gian theo như quy định tại khoản 2 và khoản 3 điều 37 Bộ luật Lao động 2012 về việc xin nghỉ việc này.
Vài dòng chia sẻ với bạn các nội dung nêu trên theo quy định pháp luật lao động hiện hành. Chúc bạn may mắn và thành công.
LS Đoàn Văn Nên
SĐT: 0903328166