
Đoàn Văn Nên
Tổng cộng: 63
-
Không kết hôn thì ly hôn như thế nào
Cho em hỏi cha mẹ em kết hôn không đăng kí nhưng có sổ hộ khẩu chung vậy có phải vợ chồng hợp Pháp và muốn li hôn thì làm như thế nào
Luật sư Đoàn Văn Nên đã trả lời
Không kết hôn thì ly hôn như thế nào
Trường hợp của bạn chúng tôi giải đáp như sau:
Về vấn đề sổ hộ khẩu có ghi mối quan hệ là vợ chồng thì thông thường cán bộ Công an sẽ căn cứ vào Giấy chứng nhận kết hôn hoặc căn cứ vào quan hệ hôn nhân thực tế được ghi nhận trong các giấy tờ hộ khẩu có từ trước đây. Tuy nhiên đây chỉ là căn cứ tham khảo chứ hoàn toàn không phải là căn cứ xác định chính xác được việc 2 người có mối quan hệ là vợ chồng hay không trong các quan hệ tài sản hoặc tư pháp khác, cụ thể là trong vấn đề giải quyết lý hôn sẽ căn cứ vào việc có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn hay không hoặc là giấy tờ chứng minh thời điểm chung sống để có hướng giải quyết theo quy định của Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP.
Theo Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP có quy định về xác lập quan hệ hôn nhân như sau:
– Thứ nhất, quan hệ vợ chồng được xác lập trước 03/01/1987 thì được khuyến khích kết hôn, thời điểm này pháp luật công nhận là quan hệ vợ chồng. Có yêu cầu ly hôn thì được Toà án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000;
– Thứ hai, nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ 03/ 01/1987 đến 01/01/2001 mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì trong thời hạn 2 năm kể từ ngày Luật hôn nhân và gia đình 2000 có hiệu lực thì trong thời hạn này mà họ không đăng ký kết hôn, nhưng có yêu cầu ly hôn thì Toà án áp dụng các quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.
Từ sau ngày 01/01/2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng;
Thứ ba, từ 01/ 01/ 2001 trở đi, trừ 2 trường hợp trên thì trường hợp nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, đều không được pháp luật công nhận là vợ chồng; nếu có yêu cầu ly hôn thì Toà án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì Toà án áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.
Hiện tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 đã hết hiệu lực được thay thế bởi Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
Như vậy, căn cứ vào quy định này của Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP thì trong trường hợp của bạn nêu trên .
– Nếu quan hệ vợ chồng họ được xác lập trước 03/01/1987 thì sẽ được công nhận là vợ chồng. Khi ly hôn thì Toà án thụ lý vụ án và áp dụng quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình.
– Nếu chung sống với như vợ chồng từ 03/01/1987 mà đến sau ngày 01/01/2003 họ vẫn không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng. Nếu một trong các bên hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn, thì Toà án thụ lý vụ án để giải quyết và tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng; nếu họ có yêu cầu về nuôi con và chia tài sản, thì Toà án giải quyết về vấn đề con chung và tài sản chung.
Về thủ tục ly hôn:
Nộp hồ sơ ly hôn tới Tòa án nhân dân quận/ huyện.
Hồ sơ bao gồm như sau:
– Đơn yêu cầu công nhận thuận tình xin ly hôn (đối với trường hợp ly hôn thuận tình);
– Đơn xin ly hôn (đối với trường hợp ly hôn đơn phương);
– Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
– Giấy khai sinh của con (bản chính);
– Sổ hộ khẩu của vợ, chồng (bản sao có chứng thực) (nếu có);
– Chứng minh nhân dân của vợ, chồng (bản sao có công chứng);
– Giấy tờ chứng minh về tài sản chung (nếu có);
Trên đây là ý kiến giải đáp của chúng tôi về câu hỏi của bạn. Việc đưa ra nội dung nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do người hỏi cung cấp.
Luật sư Đoàn Văn Nên.
-
Không thể nhập hộ khẩu vì đã quá hạn đăng ký
Chào chú ! Cháu tên là vy. Sinh năm 1996. Đến nay đã 22 tuổi và đến nay vẫn chưa có chứng minh nhân dân. Và cháu cảm thấy bị mất 1 số quyền công dân. Chỉ vì lý do không được nhập hộ khẩu và không...
Luật sư Đoàn Văn Nên đã trả lời
Không thể nhập hộ khẩu vì đã quá hạn đăng ký
Chào bạn!
Cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi đến Ilaw. Về vấn đề Đăng ký thường trú của bạn Chúng tôi xin tư vấn như sau:
. Điều kiện đăng ký thừng trú
Căn cứ điểm a, khoản 2 Điều 20, Luật số: 36/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của luật cư trú, quy định về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương: “Công dân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:
2. Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con”
Như vậy trong trường hợp của bạn nếu như cha, mẹ bạn đồng ý cho nhập hộ khẩu hoặc bạn lấy chồng và gia đình chồng cho nhập hộ khẩu thì bạn được đăng ký thường trú.
. Về Hồ sơ đăng ký thường trú:
Căn cứ Điều 6 Điều 7, Thông tư số 35/2014/TT-BCA hướng dẫn Nghị định số 31/2014/NĐ-CP. Hồ sơ đăng ký thường trú, bao gồm:
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
- Bản khai nhân khẩu (đối với trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu);
- Giấy tờ, tài liệu để chứng minh quan hệ vợ, chồng: Giấy đăng ký kết hôn; sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú;
- Giấy tờ, tài liệu để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con: Giấy khai sinh; quyết định công nhận việc nuôi con nuôi; quyết định việc nhận cha, mẹ, con; sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú;
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp quy định tại Điều 6 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP như:
+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ;
+ Giấy tờ về quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai (đã có nhà ở trên đất đó);
+Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp phải cấp giấy phép)
- Xuất trình xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về mối quan hệ nêu trên.
- Cá nhân được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình khi đăng ký thường trú phải có ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chữ ký, ghi rõ họ, tên và ngày, tháng, năm vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.
. Nơi nộp hồ sơ đăng ký thường trú
a) Đối với thành phố trực thuộc Trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;
b) Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Trân trọng./.
Luật sư Đoàn Văn Nên.
-
Thủ tục trích lục giấy khai sinh
xin chào luật sư! Chú e sinh năm 1967 bị mất giấy khai sinh gốc và giờ muốn làm trích lục giấy khai sinh . Giờ e muốn hỏi thủ tục làm trích lục giấy khai sinh gồm những thủ tục j?, em xin cám ơn
Luật sư Đoàn Văn Nên đã trả lời
Thủ tục trích lục giấy khai sinh
Chào bạn!
Trước tiên, xin trân trọng cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến ILAW. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Cơ sở pháp lý:
Luật hộ tịch 2014
Nghị định 123/2015 NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật hộ tịch 2014
Nội dung tư vấn
1. Thủ tục cấp trích lục giấy khai sinh theo quy định
Điều 63 Luật hộ tịch 2014 quy định về việc cấp bản sao trích lục hộ tịch về sự kiện hộ tịch đã đăng ký
” Cá nhân không phụ thuộc vào nơi cư trú có quyền yêu cầu Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch cấp bản sao trích lục hộ tịch về sự kiện hộ tịch của mình đã được đăng ký.”
Giấy khai sinh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh. Như vậy nếu trước đây bạn đã đăng ký khai sinh tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì khi bị mất hoặc hư hỏng có thể xin cấp lại trích lục giấy khai sinh theo quy định của pháp luật.
Trích lục hộ tịch là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp nhằm chứng minh sự kiện hộ tịch của cá nhân đã đăng ký tại cơ quan đăng ký hộ tịch. Bản chính trích lục hộ tịch được cấp ngay sau khi sự kiện hộ tịch được đăng ký. Bản sao trích lục hộ tịch bao gồm bản sao trích lục hộ tịch được cấp từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch và bản sao trích lục hộ tịch được chứng thực từ bản chính.
Để tiến hành thủ tục cấp trích lục giấy khai sinh bạn chuẩn bị hồ sơ cấp trích lục giấy khai sinh bao gồm:
Tờ khai cấp bản sao trích lục hộ tịch theo mẫu
Bản chính Giấy tờ tùy thân (hộ chiếu/CMND/thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng);
Giấy tờ ủy quyền (Trong trường hợp ủy quyền thực hiện thủ tục)
Sổ hộ khẩu của người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch
Người yêu cầu cấp trích lục giấy khai sinh trực tiếp đến, gửi hồ sơ qua đường bưu điện hoặc thông qua người đại diện gửi tờ khai theo mẫu quy định cho Cơ quan có thẩm quyền.
2. Thẩm quyền cấp trích lục giấy khai sinh
Khoản 5, điều 4 Luật hộ tịch 2014 có giải thích như sau: “Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch gồm cơ quan đăng ký hộ tịch, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và cơ quan khác được giao thẩm quyền theo quy định của pháp luật.”
Theo đó, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch gồm Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Bộ Tư pháp, Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao và cơ quan khác được giao thẩm quyền.
Trường hợp này bạn gửi hồ sơ đến UBND cấp xã nơi bạn đã làm giấy khai sinh lần đầu, cơ quan sẽ có thẩm quyền cấp trích lục giấy khai sinh cho bạn. Như vậy UBND cấp xã BMT sẽ có thẩm quyền trích lục giấy khai sinh cho bạn.
3. Thời gian giải quyết cấp trích lục giấy khai sinh
Ngay sau khi nhận được yêu cầu, nếu đủ điều kiện thì Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch cấp bản sao trích lục hộ tịch cho người yêu cầu.
Nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì công chức hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện theo quy định; trường hợp không thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ ngay thì phải lập thành văn bản hướng dẫn, trong đó nêu rõ loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung, hoàn thiện, ký, ghi rõ họ, chữ đệm, tên của người tiếp nhận.
Nếu hồ sơ yêu cầu cấp bản sao trích lục sau khi đã được hướng dẫn theo quy định mà không được bổ sung đầy đủ, hoàn thiện thì người tiếp nhận từ chối tiếp nhận hồ sơ. Việc từ chối tiếp nhận hồ sơ phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó ghi rõ lý do từ chối.
Chú ý:
+ Trường hợp ủy quyền thì văn bản ủy quyền được công chứng, chứng thực theo quy định. Đối với trường hợp người được ủy quyền không phải là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người được ủy quyền.
+ Giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người ủy quyền. Đối với trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người được ủy quyền.
Xin chân thành cảm ơn sự đồng hành của quý khách.
Trân trọng /./.
Luật sư Đoàn Văn Nên.
-
Phân chia tài sản khi ly hôn đơn phương
Luật sư cho em hỏi cô em năm nay 60 tuổi có 3 người con, hai gái một trai. Cô em muốn làm đơn ly hôn đơn phương, hai vợ chồng cô chú có tài sản chung là một ngôi nhà và số tiền mặt 200 triệu. Ngôi nhà...
Luật sư Đoàn Văn Nên đã trả lời
Phân chia tài sản khi ly hôn đơn phương
Chào bạn,
Theo như bạn trình bày thì tài sản chung giữa vợ chồng cô của bạn là là một ngôi nhà và số tiền mặt 200 triệu. Số tiền 200.000.000 đồng là số tiền con gái cho cha mẹ xây dựng nhà nhưng không xây nữa mà con gái không có ý kiến tranh chấp gì thì đó là tài sản chung của vợ chồng. Như vậy, bạn cũng đã xác định rằng đây là tài sản chung của vợ chồng cô bạn trong thời kì hôn nhân nên sau khi ly hôn, tài sản đó được chia như sau theo Điều 59 Luật HNGĐ 2014. Theo đó thì về cơ bản vợ chồng có thể thỏa thuận tự phân chia hoặc có thể nhờ Tòa án phân chia theo nguyên tắc tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Vì thế, việc chồng của cô bạn giữ số tiền này mà không trả thì cô bạn có thể yêu cầu Tòa án giải quyết phân chia theo nguyên tắc trên khi ly hôn. Theo bạn trình bày thì từ năm 1990 trở lại đây, chồng của cô bạn không làm gì, nhưng theo điểm b khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì việc chồng của cô bạn tuy không làm gì nhưng nếu ông ấy ở nhà làm công việc nội trợ thì vẫn được tính là đóng góp công sức xây dựng gia đình và tài sản chung. Vì thế nên tài sản chung 200 triệu đó có thể được tính thêm yếu tố như quy định tại khoản 2 điều 59 trên. Mặc khác, trong trường hợp cô của bạn muốn đơn phương ly hôn vì xuất phát từ lỗi của người chồng thì việc phân chia tài sản chung của vợ chồng cũng sẽ được tính thêm do yếu tố lỗi của 1 bên do vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng theo điểm d khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Cô bạn nên gửi đơn yêu cầu Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của chồng của cô bạn giải quyết vấn đề ly hôn và phân chia tài sản chung nêu trên.
Chúc bạn sức khỏe và may mắn.
Luật sư Đoàn Văn Nên.
-
Nghỉ ngang và sổ BHXH
Tôi xin chào luật sư! Luật sư cho tôi hỏi vấn đề này với. Tôi có ki hợp đồng lao động 1 năm.Nhưng nay tôi nghỉ ngang thi tôi có được tra lại sổ bhxh không.Va co vấn đề liên quan gì...
Luật sư Đoàn Văn Nên đã trả lời
Nghỉ ngang và sổ BHXH
Chào bạn,
Vì hợp đồng của bạn là hợp đồng xác định thời hạn 1 năm nên việc đơn phương chấm dứt hợp đồng phải có căn cứ sau đây và phải được thực hiện thời hạn báo trước theo khoản 1, khoản 2 Điều 37 Bộ luật Lao động 2012 như sau:
1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:
a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;
d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;
đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;
e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;
g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.
2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:
a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;
b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 điều này;
c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
Vì vậy, việc bạn nghỉ ngang mà không có lí do nghỉ cũng như không thông báo trước cho công ty biết việc bạn nghỉ là đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật vi phạm Điều 41 Bộ luật Lao động 2012. Do vậy, theo Điều 43 BLLĐ, bạn phải có nghĩa vụ đối với việc đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật của bạn như sau:
“Điều 43. Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.”
Theo như bạn trình bày là bạn không có được cơ quan bỏ ra chi phí đào tạo nên bạn không cần phải hoàn trả chi phí này theo khoản 3 điều trên.
Về bảo hiểm xã hội, sau khi bạn và công ty đã xác nhận chấm dứt hợp đồng lao động với nhau thì theo khoản 3 Điều 47 Bộ luật Lao động, công ty phải có trách nhiệm hoàn trả sổ BHXH cho bạn: “3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.” Tại khoản 5 Điều 21 Luật BHXH 2014 cũng quy định cụ thể về trách nhiệm của người sử dụng lao động như sau
“5. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.”
Do đó, cho dù bạn vi phạm việc đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng khi hợp đồng lao động chấm dứt và hai bên đã thỏa thuận giải quyết xong việc chấm dứt hợp đồng lao động này thì công ty có trách nhiệm phải hoàn trả lại sổ BHXH cho bạn. Trong trường hợp công ty của bạn không trả sổ BHXH cho bạn thì bạn có thể khởi kiện lên Tòa án về tranh chấp lao động về BHXH vì vấn đề BHXH thuộc 1 trong những vấn đề giải quyết tranh chấp lao động theo điểm d khoản 1 Điều 201 BLLĐ 2012.
Chúc bạn mạnh khỏe và may mắn.
Luật sư Đoàn Văn Nên.
-
Thuế thu nhập cá nhân khi chia tài sản sau ly hôn
Cháu có một câu hỏi xin chuyen gia giải đáp gium.ly hôn mà chia tai sản không theo thỏa thuận mà chia theo pháp luật thì có bị đánh thuế không ạ.hien nha cháu có 2ha caphe nhờ chuyen gia tư vấn giùm.cháu chan...
Luật sư Đoàn Văn Nên đã trả lời
Thuế thu nhập cá nhân khi chia tài sản sau ly hôn
Chào bạn,
Theo Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, sửa đổi 2012 thì thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản giữa vợ với chồng thuộc diện được miễn thuế.
Tại khoản 1 Điều 3 quy định về các khoản thu nhập được miễn thuế của Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân thì thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; bố vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau.
Trường hợp bất động sản (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản) do vợ hoặc chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung của vợ chồng, khi ly hôn được phân chia theo thỏa thuận hoặc do tòa án phán quyết thì việc phân chia tài sản này thuộc diện được miễn thuế.
Như vậy trường hợp của bạn được miễn thuế theo các quy định nêu trên.
Chúc bạn may mắn và hạnh phúc hơn.
Luật sư Đoàn Văn Nên.
-
Chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân
Vợ chồng không ly hôn có tách rieng được đất mỗi người 1 nửa không.xin chuyen gia tu vấn gium.chân thành cảm ơn
Luật sư Đoàn Văn Nên đã trả lời
Chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân
Chào bạn,
Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ các trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này khi mà việc phân chia tài sản này sẽ làm:
1. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;
2. Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng;
b) Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại;
c) Nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản;
d) Nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức;
đ) Nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước;
e) Nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan. ;
Nếu vợ chồng không tự thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này.
Riêng đối với việc phân chia tài sản chung là tách thửa đất thì sẽ tùy thuộc vào diện tích, loại đất, quy hoạch sử dụng đất của địa phương mà có thể tách thửa đất được hay không. Trường hợp không thể tách thửa đất được thì có thể thỏa thuận phân chia giá trị đất.
Chúc vợ chồng bạn hạnh phúc.
Luật sư Đoàn Văn Nên
-
Xin cấp lại giấy khai sinh
Tôi sinh năm 1992 do không cẩn thận đã làm mất giấy khai sinh bản gốc chỉ còn lại bản sao ghi ngày sinh là 30/07/1992 nhưng khi tôi ra UBND xã xin cấp lại giấy khai sinh bản gốc cán bộ tư pháp kiểm tra và nói...
Luật sư Đoàn Văn Nên đã trả lời
Xin cấp lại giấy khai sinh
Chào bạn,
Theo quy định tại các điều 62, 63, 64 Luật Hộ tịch 2014 thì cơ quan đăng ký hộ tịch chỉ cấp bản chính Giấy khai sinh khi đăng ký kết hôn, sau đó thì chỉ cấp bản sao tr1ich lục hộ tịch mà thôi. Do đó việc từ chối cung cấp bản gốc Giấy khai sinh của cán bộ tư pháp UBND xã là đúng quy định pháp luật. Bạn có quyền yêu cầu xin cấp bản sao trích lục Giấy khai sinh sử dụng.
Theo như bạn trình bày thì bạn đang giữ bản sao Giấy khai sinh ghi ngày sinh của bạn là ngày 30/07/1992, nhưng qua kiểm tra đối chiếu thì sổ gốc khai sinh ghi ngày sinh của bạn là ngày 30/07/1993. Bạn nên yêu cầu cán bộ tư pháp xã cấp bản sao trích lục hộ tịch này để sử dụng. Nếu mẹ bạn và bạn chắc chắn ngày sinh của bạn là ngày 30/07/1992 thì mẹ bạn và bạn có quyền làm đơn khiếu nại gửi UBND xã yêu cầu phúc tra lại hồ sơ đăng ký khai sinh để xem lại Tờ khai đăng ký khai sinh và Giấy chứng sinh (hoặc giấy tờ khác về việc sinh) có phù hợp ra sao.
Trên cơ sở đó bạn sẽ yêu cầu cải chính hộ tịch theo quy định tại điều 45, 46, 47 Luật Hộ tịch 2014, điều 7 Nghị định 123/2015 hướng dẫn thi hành Luật Hộ tịch 2014. Để có cơ sở yêu cầu phúc tra lại, bạn nên liên hệ bệnh viện nơi bạn sinh ra để xin xác nhận thông tin ngày tháng năm sinh của bạn.
Do Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân nên mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó. Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh. Trong trường hợp sau khi phúc tra mà ngày sinh của bạn vẫn đúng là ngày 30/07/1993 thì bạn có quyền yêu cầu xin xác nhận thông tin 2 giấy tờ nêu trên là của một người và nộp hồ sơ đến các nơi cấp giấy tờ cá nhân khác (Hộ khẩu, CMND, bằng cấp…) để xin điều chỉnh lại ngày tháng năm sinh trên các giấy tờ đó.
Chúc bạn thành công.
Luật sư Đoàn Văn Nên.
-
Trả tiền nhận giữ hộ
Kinh chào Luật sư ! em cần tư vấn nội dung sau : năm 2014 em có gởi người bạn giử hộ một số tiền 200 triệu, bạn em có viết giấy cam kết nhận hoàn trả lại khi em cần, nhưng nay em có yêu cầu nhận...
Luật sư Đoàn Văn Nên đã trả lời
Trả tiền nhận giữ hộ
Chào bạn,
Nếu như câu chuyện chỉ đơn giản như bạn trình bày thì Giấy cam kết mà bạn của bạn viết là căn cứ để bạn yêu cầu người này trả tiền. Trong trường hợp người này cố tình không trả cho bạn thì bạn có quyền gửi Đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người này cư trú để giải quyết. Hồ sơ gồm có Đơn khởi kiện theo mẫu (trình bày rõ nội dung sự việc và yêu cầu), bản photo Giấy cam kết trả tiền, CMND+HK. Khi nộp hồ sơ sẽ có biên nhận hẹn khoảng từ 5 đến 15 ngày đến Tòa nhận kết quả thụ lý. Nếu thụ lý thì Tòa sẽ có Thông báo nộp tạm ứng án phí để bạn nộp tạm ứng 2,5% giá trị tranh chấp tại Chi cục thi hành án cùng cấp, và nộp lại biên lai cho tòa. Quá trình giải quyết vụ án khoảng 4 tháng, nếu không có tình tiết mới phát sinh.
Chúc bạn may mắn và thành công
Luật sư Đoàn Văn Nên
-
Bị xúc phạm đến danh dự
Tôi có một người bạn chưa đủ 18 tuổi đã bị lôi kéo quan hệ trước hôn nhân và bị ghi hình khi không có sự cho phép với bạn trai. Sau khi chia tay, người con trai đó đã dùng những hình ảnh đó nhằm...
Luật sư Đoàn Văn Nên đã trả lời
Bị xúc phạm đến danh dự
Chào bạn,
Do bạn không cho biết rõ độ tuổi của bạn gái bị ghi hình quan hệ tình dục và thời gian xảy ra hành vi nêu trên, nên tôi chỉ tư vấn chung về việc xử lý đối với hành vi đăng tải hình ảnh. clip xúc phạm nhân phẩm danh dự như sau:
Theo quy định tại điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 thì
“Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý….Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, cá nhân có quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín. Mọi hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Như bạn trình bày thì đã có người dùng hình ảnh và những lời lẽ xúc phạm người khác trên facebook. Tùy vào mức độ xúc phạm mà hành vi này bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trach nhiệm hình sự theo quy định sau:
- Thứ nhất, xử phạt vi phạm hành chính, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP với số tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;”
- Thứ hai, có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp người này dùng facebook để xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác đến mức nghiêm trọng thì người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội làm nhục người khác” theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 (hoặc điều 121 Bộ luật Hình sự 1999) hoặc ‘Tội Vu khống” theo quy định tại điều 156 Bộ luật hình sự 2015 (hoặc điều 122 Bộ luật Hình sự 1999) với mức phạt như sau:
Điều 155. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 156. Tội vu khống
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
đ) Đối với người đang thi hành công vụ;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
h) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Vì động cơ đê hèn;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
c) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Để bảo vệ quyền lợi của mình, người bị xân hại cần làm đơn tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác. Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho Cơ quan điều tra bằng văn bản và cung cấp mọi thông tin đúng sự thật cho cơ quan điều tra nếu cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án theo đơn tố giác nếu có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Ngoài ra, việc gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm của mình, người bị xâm hại có thể tiến hành đòi bồi thường theo quy định tại điều 592, 593 Bộ luật Dân sự 2015. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Trân trọng.
Luật sư Đoàn Văn Nên.