
Đoàn Văn Nên
Tổng cộng: 63
-
Sai thông tin ở sổ đỏ
Xin chào luật sư .cho em hỏi nếu trong trường hợp của em ông em sang nhượng đất cho em nhưng diện tích ở sổ đỏ mới cấp chênh lệch 36m2 so với sổ cũ mà do không để ý .giờ em tiến hành làm nhà nên mới phát hiện ra ,trong khi đó chủ đất liền kề cấp sổ mới Mà diện tích lớn hơn sổ cũ .diện tích đất đó đo sang phần diện tích nhà em .giờ em nên có hướng giải quyết như thế nào ạ .Mong luật sư giải đáp hộ em ạ Em cảm ơn ạ
Luật sư Đoàn Văn Nên đã trả lời
Sai thông tin ở sổ đỏ
Chào bạn, chúng tôi xin phép được tư vấn cho bạn như sau:
Trên cơ sở câu hỏi của bạn, chúng tôi căn cứ quy định của Luật đất đai năm 2013, Luật nhà ở năm 2014, Bộ Luật dân sự 2015, Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan, chúng tôi xin phép được trả lời câu hỏi của bạn như sau:
Theo quy định tại Điều 86 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 05 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai như sau:
Điều 86. Thủ tục đính chính Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp
“1. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót cho Văn phòng đăng ký đất đai để đính chính. Trường hợp sai sót do lỗi của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải có đơn đề nghị để được đính chính.
Trường hợp Văn phòng đăng ký đất đai phát hiện Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót thì thông báo cho người sử dụng đất biết và yêu cầu người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Giấy chứng nhận đã cấp để thực hiện đính chính.
2. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra; lập biên bản kết luận về nội dung và nguyên nhân sai sót; lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền thực hiện đính chính vào Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót; đồng thời chỉnh lý nội dung sai sót vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
3. Trường hợp đính chính mà người được cấp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng có yêu cầu cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì Văn phòng đăng ký đất đai trình cơ quan có thẩm quyền để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”
Bên cạnh đó, theo khoản 5 Điều 98 Luật đất đai năm 2013 có quy định: Nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Theo đó:
“Trường hợp có sự chênh lệch diện tích giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này hoặc Giấy chứng nhận đã cấp mà ranh giới thửa đất đang sử dụng không thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề thì khi cấp hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất diện tích đất được xác định theo số liệu đo đạc thực tế. Người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chênh lệch nhiều hơn nếu có.
Trường hợp đo đạc lại mà ranh giới thửa đất có thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất và diện tích đất đo đạc thực tế nhiều hơn diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất thì phần diện tích chênh lệch nhiều hơn (nếu có) được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Điều 99 của Luật này.”
Qua thông tin bạn cung cấp, chúng tôi đề nghị bạn lưu ý thêm về việc sang nhượng đất là toàn bộ diện tích đất theo GCN cũ của ông nội bạn và bạn được cấp lại GCN mới có đủ diện tích đất hay là đất bộ sang tên trên GCN cũ của ông nội? Hay là chỉ tách ra một phần đất để chuyển nhượng cho bạn, khi đó thì có đo vẽ để cấp đổi GCN không? Khi đo vẽ có phát hiện ra phần diện tích đất chủ đất liền kề lấn chiếm sang nhà bạn không? Diện tích đất mà bạn cho rằng chủ đất liền kề đo vẽ lấn chiếm sang nhà bạn và được cấp GCN thì thực tế gia đình có sử dụng liên tục, ổn định không tranh chấp hay sao?
Trong trường hợp, bạn nhận sang nhượng toàn bộ diện tích đất từ ông của bạn bạn sang tên bạn; bạn xác định được chủ đất liền kề đo vẽ lấn chiếm sang diện tích đất nhà bạn và được cấp GCN có lấn chiếm phần đất mà gia đình bạn đã có giấy tờ chủ quyền trước đây và đã sử dụng liên tục, ổn định không có tranh chấp thì bạn có thể làm đơn gửi đến UBND phường, xã nơi có đất tranh chấp để nhờ giải quyết. Nếu UBND phường, xã giải quyết không thỏa đáng bạn có thể làm đơn khởi kiện gửi đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để nhờ giải quyết.
Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi trên cơ sở quy định pháp luật hiện hành có liên quan và trên cơ sở kinh nghiệm của chúng tôi về vấn đề bạn yêu cầu có ý kiến.
Nếu có điều gì chưa rõ bạn có thể liên hệ Luật sư. ĐOÀN VĂN NÊN, điện thoại: 0903328166 để được tư vấn thêm.
-
Thủ tục cải tên
Em đang muốn đổi tên khác, mà không có lí do hợp pháp. Em cần tư vấn
Luật sư Đoàn Văn Nên đã trả lời
Thủ tục cải tên
Chào bạn, chúng tôi xin phép được tư vấn cho bạn như sau:
Trên cơ sở câu hỏi của bạn chúng tôi căn cứ quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015; Luật hộ tịch năm 2014 và các văn bản pháp luật có liên quan, chúng tôi xin phép được trả lời câu hỏi của bạn như sau:
Căn cứ Điều 28 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về quyền thay đổi tên.
Theo Điều 28. Quyền thay đổi tên
“1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây:
a) Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;
b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;
c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;
d) Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
đ) Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;
e) Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;
g) Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
2. Việc thay đổi tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.
3. Việc thay đổi tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ.”
Do vậy, nếu yêu cầu thay đổi tên của bạn đáp ứng theo các quy định tại Điều 28 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu trên thì bạn có quyền yêu cầu thay đổi tên (gửi kẻm Đơn tường trình và các chứng cứ chứng minh lý do thay đổi tên), nếu không thì sẽ không được giải quyết.
Bên cạnh đó, căn cứ theo khoản 1 Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 có quy định.
Điều 7. Điều kiện thay đổi, cải chính hộ tịch
“1. Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thi còn phải có sự đồng ý của người đó.”
Về thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch được quy định tại Điều 28 Luật hộ tịch năm 2014.
Điều 28. Thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch
“1. Người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
Trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch liên quan đến Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.
3. Trường hợp đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Ủy ban nhân dân nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch.
Trường hợp nơi đăng ký hộ tịch trước đây là Cơ quan đại diện thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Bộ Ngoại giao để chuyển đến Cơ quan đại diện ghi vào Sổ hộ tịch.”
Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi trên cơ sở quy định pháp luật hiện hành có liên quan và trên cơ sở kinh nghiệm của chúng tôi về vấn đề bạn yêu cầu có ý kiến.
Nếu có điều gì chưa rõ bạn có thể liên hệ Luật sư. ĐOÀN VĂN NÊN, điện thoại: 0903328166 để được tư vấn thêm.
-
Bản ghi âm có được coi là chứng cứ không ạ
Hiện tại gia đình em làm ăn buôn bán cho 1 chú bên bộ đội mua đồ về nấu cho lính ăn. Nhưng đến thời điểm hiện tại chú này nợ nhà em nhiều tiền bố mẹ có đề nghị chú trả nợ. Đến nay vẫn chưa chú trả, qua nhiều lần gọi điện thoại qua lại bố em có ghi âm lại cuộc trò chuyện. Vậy bản ghi âm của bố em có được coi là bằng chứng không ạ và làm cách nào để đòi được nợ ạ.
Luật sư Đoàn Văn Nên đã trả lời
Bản ghi âm có được coi là chứng cứ không ạ
Chào bạn, chúng tôi xin phép được tư vấn cho bạn như sau:
Trên cơ sở câu hỏi của bạn chúng tôi căn cứ quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015; Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và các văn bản pháp luật có liên quan, chúng tôi xin phép được trả lời câu hỏi của bạn như sau:
Để bản ghi âm của bố bạn được xem là bằng chứng, chứng cứ thì cần xem xét đối chiếu với Điều 93, 94, 95 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
Cụ thể, Căn cứ theo Điều 93 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
“Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.”
Căn cứ vào khoản 1 Điều 94. Nguồn chứng cứ. Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:
1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.
[………]
Căn cứ theo khoản 2 Điều 95. Xác định chứng cứ.
“2. Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.”
File ghi âm được xem là tài liệu nghe được, vì vậy file ghi âm sẽ được xem là nguồn chứng cứ. Khi cung cấp tài liệu, chứng cứ là file ghi âm cho Tòa án thì bố bạn cần kèm theo văn bản trình bày về xuất xứ (thời gian, địa điểm, những người tham gia ghi âm, thiết bị ghi âm, thời lượng ghi âm ...), nội dung của file ghi âm... Khi đó Tòa án sẽ tùy thuộc vào tình hình giải quyết vụ án để quyết định xem xét giám định, đối chất ... để xác định giá trị chứng cứ này trong việc giải quyết vụ án.
Ngoài ra, bạn hỏi làm cách nào để đòi được nợ?
Theo chúng tôi, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bố bạn cần làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người này cư trú.
Khi khởi kiện, bố bạn cần phải cung cấp các tài liệu, chứng cứ liên quan đến số tiền mà người đó thiếu, chẳng hạn như hợp đồng mua bán hay giấy tờ có chữ ký của người đó, file ghi âm chứng minh việc người đó nợ tiền gia đình bạn.
Trong trường hợp bố bạn biết được nơi người này công tác, làm việc thì bố bạn cần liên hệ đơn vị nơi người này làm việc để kiểm tra, xác minh, nhờ đơn vị nơi người này làm việc cung cấp thêm thông tin để bổ túc hồ sơ khi khởi kiện hoặc tố cáo. Đây cũng là việc quan trọng góp phần củng cố chứng cứ là file ghi âm do bố bạn cung cấp.
Ngoài ra, bố bạn có thể làm đơn tố cáo đến cơ quan điều tra nếu xét thấy người này có hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
“Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
[……………]
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi trên cơ sở quy định pháp luật hiện hành có liên quan và trên cơ sở kinh nghiệm của chúng tôi về vấn đề bạn yêu cầu có ý kiến.
Nếu có điều gì chưa rõ bạn có thể liên hệ Luật sư. ĐOÀN VĂN NÊN, điện thoại: 0903328166 để được tư vấn thêm.
-
Em co 1 căn nha xay tren đất nha vơ. Chi phi xây nha la 600tr .đất thì bên vo..vo ck ly di ..em co nhân tiên xây nha bên vo lại được khong
Luật sư giúp em
Luật sư Đoàn Văn Nên đã trả lời
Em co 1 căn nha xay tren đất nha vơ. Chi phi xây nha la 600tr .đất thì bên vo..vo ck ly di ..em co nhân tiên xây nha bên vo lại được khong
Luật sư trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến cho Luật sư. Luật sư tư vấn theo nội dung bạn đã gửi, cụ thể như sau:
§ Xác định tài sản chung của vợ chồng.
Tại Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân Gia đình 2014 có quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:
“Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật hôn nhân gia đình 201 ; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.”§ Luật hôn nhân gia đình quy định Chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình.
“1. Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình có thể xác định được theo phần thì khi ly hôn, phần tài sản của vợ chồng được trích ra từ khối tài sản chung đó để chia theo quy định tại Điều 59 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014." (Điều 61 Luật hôn nhân gia đình năm 2014).
§ Phân chia tài sản sau ly hôn:
Hiện tại bố mẹ vợ bạn vẫn đứng tên trên Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất nơi vợ chồng bạn xây nhà, vì vậy bố mẹ vợ bạn là chủ sở hữu hợp pháp phần đất nói trên. Tuy nhiên, theo thông tin cung cấp, ngôi nhà là tài sản chung của vợ chồng bạn. Vợ chồng bạn cùng đóng góp công sức, tiền bạc để tạo lập nên. Nhưng để đảm bảo quyền lợi thì vợ chồng bạn phải có chứng cứ chứng minh việc đóng góp trên. Trường hợp có căn cứ để chứng minh thì việc chia tài sản sẽ thực hiện theo Điều 61 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Sau khi xác định được tài sản chung của vợ chồng (kể cả trong trường hợp đó là khoản tiền bồi thường) thì việc chia tài sản chung sau ly hôn được tiến hành theo Điều 59 Luật hôn nhân gia đình 2014 như sau:
“1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật hôn nhân gia đình 2014.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật hôn nhân gia đìng 2014 để giải quyết.
2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.
Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
…..”
Ø Vì vậy bạn sẽ được nhận 50% giá trị ngôi nhà, được định giá tại thời điểm phân chia tài sản chung vợ chồng.
Trên đây là toàn bộ ý kiến của chúng tôi liên quan đến vấn đề mà Bạn yêu cầu tư vấn dựa trên tài liệu, hồ sơ bạn cung cấp.
Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua điện thoại số: 0903 328 166 để được giải đáp.
Trân trọng./.
-
Câu hỏi về luật hình sự
Dạ chào luật sư, em có một câu hỏi như sau, rất mong được luật sư giải đáp ạ "Được xem như là phòng vệ chính đáng nhưng nếu làm chết nhiều người thì có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không ?" Em cảm ơn ạ.
Luật sư Đoàn Văn Nên đã trả lời
Câu hỏi về luật hình sự
Luật sư trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến cho Luật sư. Luật sư tư vấn theo nội dung bạn đã gửi, cụ thể như sau:
Phòng vệ chính đáng được quy định tại Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi và bổ sung năm 2017 có nội dung “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”.
Do dữ liệu của Bạn cung cấp không đầy đủ thông tin, nên chúng tôi đưa ví dụ để Bạn hiểu trường hợp Bạn cần tư vấn rơi vào trường hợp nào?
Ví dụ: Trong đêm tối Bạn nhận được điện thoại hẹn Bạn ra con đường vắng vẽ, khi Bạn tới điểm hẹn, có nhóm người dùng tay chân đánh đấm bạn túi bụi. Bạn bỏ chạy nhưng nhóm người này vẫn đuổi theo, Trong lúc này Bạn nhặt được con dao và giơ cao và nói “ Đứa nào đụng vào người tau, tao sẽ đâm chết”. Những người này vẫn lao vào và đánh Bạn, vì do Bạn bị đánh hội đồng và đau quá nên Bạn dùng dao đâm trúng vào bụng của một người sau đó bị tử vong do mất máu quá nhiều.
Trong trường hợp này nếu xét về phương tiện, thì Bạn dùng dao còn nhóm người tấn công chỉ dùng tay chân không, nhưng xét về mối tương quan lực lượng thì một bên chỉ có mình Bạn, còn bên kia có nhiều người và đặc biệt xét trong hoàn cảnh cụ thể, trong đêm tối, hành vi xâm phạm của nhóm người kia phải coi là nguy hiểm đến tính mạng sức khỏe của Bạn, nên hành vi của Bạn được coi là phòng vệ chính đáng và không phải phạm tội,
Ví dụ: Bạn đang đứng trước cửa nhà và trên tay đang dùng dao gót trái cây, Bạn nghe hàng xóm la cướp cướp , Bạn liền chạy ra thấy tên cướp chạy tới Bạn dùng dao đâm trúng tim tên cướp và tên cướp chết tại chổ.
Trong trường hợp này nếu Bạn dùng dao đánh vào tay hoặc chân… để tên cướp hoảng sợ, dừng hành vi xâm phạm. Tuy nhiên trong lúc này Bạn dùng dao đâm vào người tên cướp làm chết người thì lúc này đã vượt mức cần thiết, không còn được xem là phòng vệ chính đáng.
Trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng làm chết người, cơ quan có thầm quyền xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 với một trong hai tội sau:
Điều 126. Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội.
1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Điều 136. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội
…………
3. Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
Trên đây là toàn bộ ý kiến của chúng tôi liên quan đến vấn đề mà Bạn yêu cầu tư vấn dựa trên tài liệu, hồ sơ bạn cung cấp.
Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua điện thoại số: 0903 328 166 để được giải đáp.
Trân trọng./.
-
Quyền chuyển nhượng đất
Bố tôi được ông chuyển nhượng đất ruộng cho để trồng lúa, khi đi tách sổ thì thửa ruộng chưa có trông sổ đỏ nên chưa tách đc. Đến nay do công việc bận bịu nên quên mất và vẫn chưa tách đc sổ. Bây giờ ông mất .bà tôi đc quyền thừa kế Vậy cho tôi hỏi : giấy chuyển nhượng mà ông viết cho bố tôi trước đây còn có hiệu lực kog? Và phải làm thế nào để bố tôi lấy đc quyền sử dụng đất đói với thửa ruộng mà ông đã cho. Xin cảm ơn
Luật sư Đoàn Văn Nên đã trả lời
Quyền chuyển nhượng đất
Chào bạn, chúng tôi xin phép được tư vấn cho bạn như sau:
Trên cơ sở câu hỏi của bạn chúng tôi căn cứ quy định của Luật đất đai năm 2013; Luật kinh doanh bất động sản năm 2014; Bộ luật Dân sự năm 2015; Luật công chứng năm 2014 và các văn bản pháp luật có liên quan, chúng tôi xin phép được trả lời câu hỏi bạn như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi hiểu rằng: “Bố bạn được ông chuyển nhượng đất ruộng cho để trồng lúa, khi đi tách sổ thì thửa ruộng chưa có trong sổ đỏ nên chưa tách được. Đến nay do công việc bận bịu nên quên mất và vẫn chưa tách được sổ. Bây giờ ông mất, bà của bạn được quyền thừa kế. Bạn muốn hỏi giấy chuyển nhượng mà ông viết cho bố của bạn trước đây còn có hiệu lực không? Và phải làm thế nào để bố bạn lấy được quyền sử dụng đất đó với thửa ruộng mà ông đã chuyển nhượng cho bố của bạn.”
Với nội dung bạn cung cấp, chúng tôi còn một số thắc mắc là ông của bạn ký chuyển nhượng cho bố bạn từ năm nào? Bà của bạn có ký không? Hợp đồng chuyển nhượng được ký tại đâu, có ai chứng kiến không? Bố của bạn quản lý sử dụng đất chuyển nhượng từ năm nào? Tuy nhiên, từ những nội dung bạn hỏi, chúng tôi có thể đưa ra một số ý kiến như sau:
Căn cứ theo Điều 188 Luật đất đai năm 2013 về Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
“1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
b) Đất không có tranh chấp;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d) Trong thời hạn sử dụng đất.
2. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật này.
3. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.”
Ngoài những điều kiện được nêu tại Điều 188, khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì phải đáp ứng theo điểm a khoản 3 Điều 167 Luật đất đai năm 2013.
“3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:
a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này.”
Nếu ông của bạn đáp ứng các điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 188 và khoản 3 Điều 167 Luật đất đai năm 2013 thì việc chuyển nhượng đó mới được xem là hợp pháp.
Theo nội dung bạn cung cấp thì đất của ông bạn vẫn chưa có sổ đỏ. Bên cạnh đó, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không được công chứng, chứng thực. Vì vậy, hợp đồng chuyển nhượng của ông bạn với bố của bạn không có hiệu lực.
Tuy nhiên, trong trường hợp bố của bạn đã sử dụng thửa đất ổn định, lâu năm và có thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với cơ quan nhà nước (đóng thuế đầy đủ) thì cũng có thể xem như có căn cứ để chứng minh bố của bạn là chủ sử dụng mảnh đất đang canh tác quản lý để thực hiện việc Hợp thức hóa xin cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất khi đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Điều 82 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai 2013.
Ngoài ra, khi ông bạn mất mà không để lại di chúc cho người khác và bố bạn là con (kể cả con nuôi) thì bố của bạn vẫn có quyền hưởng một phần di sản thừa kế đối với tài sản là nhà đất khác mà ông để lại.
Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi trên cơ sở quy định pháp luật hiện hành có liên quan và trên cơ sở kinh nghiệm của chúng tôi về vấn đề bạn yêu cầu có ý kiến.
Nếu có điều gì chưa rõ bạn có thể liên hệ Luật sư. ĐOÀN VĂN NÊN, điện thoại: 0903328166 để được tư vấn thêm.
-
Hỏi Luật sư về di chúc
*Mẹ tôi di chúc để lại cả ba căn nhà cho tôi mà tôi chỉ được quản lý sử dụng cho việc thờ cúng không được mua bán cho tặng và sau khi tôi chết thì sẽ hiến cho nhà nước thì tôi có được quyền sang tên sổ đỏ và mua bán 3 căn nhà đó không thưa Luật sư ? Cảm ơn Luật sư !
Luật sư Đoàn Văn Nên đã trả lời
Hỏi Luật sư về di chúc
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến cho Luật sư. Luật sư tư vấn theo nội dung bạn đã gửi, cụ thể như sau:
Theo quy định tại điểm b, điểm đ Khoản 1 Điều 617 về nghĩa vụ của người quản lý di sản và khoản 1 Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 về Di sản dùng vào việc thở cúng thì:
“Điều 617. Nghĩa vụ của người quản lý di sản
1. Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 616 của Bộ luật Dân sữ 2015 có nghĩa vụ sau đây:
….
b) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản;
….
đ) Giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế.
Điều 645. Di sản dùng vào việc thờ cúng
1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.”
Trong Di chúc, Mẹ bạn đã nêu rõ việc dùng ba căn nhà này để thờ cúng và yêu cầu bạn sẽ hiến tặng cho nhà nước sau khi bạn chết. Với nội dung bạn trình bày, chúng tôi cũng hiểu thêm là Mẹ bạn không có người thừa kế không theo Di chúc gồm có Cha, Mẹ, Chồng và các con chưa thành niên, hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, tính theo vai vế của Mẹ bạn.
Theo quy định tại điểm b, điểm đ Khoản 1 Điều 617 về nghĩa vụ của người quản lý di sản và khoản 1 Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 về Di sản dùng vào việc thở cúng nêu trên thì bạn chỉ được giao quyền quản lý sử dụng ba căn nhà này, bạn không được chia thừa kế ba căn nhà trên và bạn cũng không được quyền chuyển nhượng/bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác đối với nhà đất này. Sau khi chết thì nhà đất này được hiến tặng tài sản này cho Nhà nước theo yêu cầu của mẹ bạn trong di chúc.
Về việc sang tên sổ đỏ sang tên bạn thì theo quy định hiện hành, bạn được quyền làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại Văn phòng công chứng có thẩm quyền, trước bạ tại cơ quan thuế và đăng bộ sang tên bạn tại Văn phòng đăng ký đất đai. Tuy nhiên, việc đăng bộ này cũng sẽ ghi nhận nội dung ý nguyện theo Di chúc của Mẹ bạn là nhà đất là Di sản dùng vào việc thờ cúng và sẽ hiến tặng cho Nhà nước sau khi bạn chết. Do vậy bạn cũng sẽ không được quyền chuyển nhượng/bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác đối với nhà đất này như đã nêu trên.
Trên đây là toàn bộ ý kiến của chúng tôi liên quan đến vấn đề mà bạn yêu cầu tư vấn dựa trên tài liệu, hồ sơ bạn cung cấp.
Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua điện thoại số: 0903 328 166 để được giải đáp.
Trân trọng.
-
Tranh chấp tiền lao động
Tôi được người đó (môi giới)bão lãnh xuống ghe đi 3 tháng ứng trước chủ ghe 20 triệu cho tôi, tôi đi hơn 4 tháng về người đó không thanh toán số tiền 20 triệu đó cho tôi còn thách thức, tôi báo công an thì công an nói không giải quyết được bảo kêu ra tòa hòa giải hay kiện
Luật sư Đoàn Văn Nên đã trả lời
Tranh chấp tiền lao động
Chào bạn, chúng tôi xin phép được tư vấn cho bạn như sau:
Trên cơ sở yêu cầu của bạn và trên cơ sở quy định của Bộ luật Lao động năm 2019; Bộ luật Dân sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan, chúng tôi xin phép được trả lời câu hỏi bạn như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi hiểu rằng: “Bạn được người (môi giới) bão lãnh xuống ghe đi làm 03 tháng, ứng trước chủ ghe 20.000.000 đồng cho bạn, bạn đi hơn 4 tháng về người đó không thanh toán số tiền 20.000.000 đồng cho bạn và còn thách thức, bạn báo công an thì công an nói không giải quyết được bảo kêu ra tòa hòa giải hay kiện”.
Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi chưa rõ bạn thỏa thuận tiền lương như thế nào, bạn nhận tiền từ người sử dụng lao động hay người môi giới, bạn thỏa thuận như thế nào với người sử dụng lao động. Tuy nhiên, từ những nội dung bạn hỏi, chúng tôi có thể đưa ra một số ý kiến như sau:
Để bảo vệ quyền lợi của mình, bạn cần làm đơn gửi Phòng Lao động và thương binh xã hội cấp huyện nơi đóng trụ sở của người sử dụng lao động yêu cầu hoà giải về việc không được trả lương. Trường hợp hòa giải không thành thì bạn được quyền khởi kiện cơ sở đó ra TAND cấp huyện nơi đóng trụ sở của người sử dụng lao động để yêu cầu toà tuyên buộc người sử dụng lao động phải trả lương cho bạn đầy đủ.
Hồ sơ khởi kiện gồm:
- Đơn khởi kiện trình bày rõ sự việc và yêu cầu tranh chấp.
- Bản sao y Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân.
- Bản sao y Hộ khẩu
- Các chứng cứ liên quan đến việc thỏa thuận về tiền công, tiền lương, tiền ứng trước 20.000.000 đồng ( hình ảnh, giấy tờ, tin nhắn, ghi âm…)
Để hiểu rõ hơn, bạn có thể tìm hiểu khoản 1 Điều 13 của Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:
“Điều 13. Hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
[.............]”
Bên cạnh đó tại khoản 5 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019 có giải thích về quan hệ lao động, theo đó:
“Quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức đại diện của các bên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quan hệ lao động bao gồm quan hệ lao động cá nhân và quan hệ lao động tập thể.”
Căn cứ theo khoản 5 Điều 3, khoản 1 Điều 13 Bộ luật Lao động năm 2019, bạn có mối quan hệ lao động với người sử dụng là chủ ghe. Do đó, bạn có quyền hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể;....” điều này được thể hiện rõ tại điểm b khoản 1 Điều 5 Bộ luật Lao động năm 2019.
Trong trường hợp người sử dụng lao động không trả lương cho bạn theo đúng hợp đồng lao động là trái với quy định của pháp luật. Người sử dụng lao động sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình theo quy định tại Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2020 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như sau:
“Điều 16. Vi phạm quy định về tiền lương
[………………..]
2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, công việc đòi hỏi đã qua đào tạo, học nghề theo quy định của pháp luật; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm, tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; trả lương không đúng quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động, trong thời gian tạm đình chỉ công việc, trong thời gian đình công, những ngày người lao động chưa nghỉ hàng năm theo một trong các mức sau đây:
Phạt tiền: Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động.”
Ngoài ra, căn cứ khoản 5 Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-CP người sử dụng lao động phải khắc phục hậu quả:
“Buộc người sử dụng lao động phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm”.
Như vậy, ngoài bị phạt tiền căn cứ vào số lượng nhân viên mà công ty đã trả chậm lương, người sử dụng lao động còn phải trả đủ lương cho nhân viên, và trả khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.
Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi trên cơ sở quy định pháp luật hiện hành có liên quan và trên cơ sở kinh nghiệm của chúng tôi về vấn đề bạn yêu cầu có ý kiến.
Nếu có điều gì chưa rõ bạn có thể liên hệ Luật sư. ĐOÀN VĂN NÊN, điện thoại: 0903328166 để được tư vấn thêm.
-
Vật chứng
Tôi đang bị điều tra trong một vụ hình sự và bị thu 2 chiếc điện thoại. Một chiếc điện thoại không liên quan đến vụ án vậy tôi có được nhận lại chiếc điện thoại đó không ?
Luật sư Đoàn Văn Nên đã trả lời
Vật chứng
Chào bạn Công Ty Luật TNHH Nguyễn Đoàn xin được tư vấn như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp và theo Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, chúng tôi tư vấn như sau:
Tại Điều 89 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 sữa đổi bổ sung 2017 quy định cụ thể: “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”.
Trong trường hợp này, chiếc điện thoại mà bạn cho là không liên quan đến vụ án, nhưng cơ quan điều tra cho là vật chứng liên quan đến vụ án thì việc xử lý vật chứng giải quyết như sau: tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 sữa đổi và bổ sung 2017 quy định về việc “Xử lý vật chứng”, cụ thể như sau:
“1. Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.
2. Vật chứng được xử lý như sau:
a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy;
b) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;
c) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.
3. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:
a) Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó;
b) Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án;
c) Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy;
d) Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.”
Tuy nhiên, trong trường hợp tại Điểm b Khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 nêu trên, thì cơ quan có thẩm quyền (Cơ quan điều tra trong giai đoạn điều tra, Viện kiểm sát trong giai đoạn truy tố, Tòa án trong giai đoạn xét xử) có quyền quyết định trả lại điện thoại bất cứ lúc nào cho bạn nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án .
Trường hợp này của bạn, để lấy lại một chiếc điện thoại của mình, bạn cần làm đơn yêu cầu trả lại tài sản gửi đến cơ quan có thẩm quyền ra quyết định trả lại điện thoại. Nội dung Đơn trình bày rõ sự việc và cơ sở chứng minh rằng chiếc điện thoại này không có liên quan đến vụ án. Sau khi nhận được đơn, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, nếu thấy việc trả lại điện thoại không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án thì sẽ trả lại cho bạn. Ngược lại, nếu xét thấy không thể trả lại điện thoại ngay cho bạn thì bạn phải chờ đến khi vụ án đã được xét xử hoặc bị đình chỉ sẽ được giải quyết theo quy định pháp luật nêu trên.
Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi trên cơ sở quy định pháp luật hiện hành có liên quan và trên cơ sở kinh nghiệm của chúng tôi về vấn đề bạn yêu cầu có ý kiến. Nếu có điều gì chưa rõ bạn có thể liên hệ Luật sư Đoàn Văn Nên, điện thoại: 0903328166 để được tư vấn thêm.
Trân trọng./.
-
Hôn nhân
Dạ thưa luật sư . Em và vợ em đã ly hôn . Có 1 con chung 18 tháng tuổi. Vợ em thì được quyền nuôi con .vợ em ở tuyên quang còn em ở hà nội . Hàng tháng em vẫn trợ cấp đầy đủ tiền thoả thuận cho con em . Nhưng mỗi lần em muốn đón con xuống hà nội chơi với ông bà nội nhưng vợ e toàn viện cớ để k cho đón con về . Vợ e vẫn cho thăm con thoải mái . Vậy em hỏi luật sư vợ em làm vậy có đúng không ạ . Em phải làm cách nào để em được quyền đón cháu về chơi với ông bà nội ạ . Em cảm ơn luật sự ạ
Luật sư Đoàn Văn Nên đã trả lời
Hôn nhân
Chào bạn Công Ty Luật TNHH Nguyễn Đoàn xin được tư vấn như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp và theo Luật hôn nhân gia đình 2014 và các văn bản pháp luật quy định về việc muốn đưa con về thăm bà nội nhưng vợ cũ bạn viện cớ không cho bạn đem cháu về thăm ông bà, chúng tôi tư vấn như sau:
Căn cứ vào Điều 83 luật hôn nhân gia đình 2014 quy định cụ thể về “Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn” thì:
1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.
2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Ø Bởi vậy:
_ Về việc thăm nuôi con, vợ bạn đã tạo cho bạn được thăm nuôi con và không làm ảnh hưởng đến việc thăm nuôi của bạn, vợ bạn thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
_ Về việc bạn muốn đưa con về thăm ông bà nội. Do con bạn được giao cho vợ bạn trực tiếp trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, vì vậy, khi bạn muốn đưa con về nhà ông bà nội chơi cần phải có sự đồng ý của người vợ bạn, trên tinh thần tôn trọng quyền được nuôi con của cô ấy.
_ Thêm phần nữa do quảng đường từ nhà bạn đến nhà vợ bạn vị trí địa lý khá xa, trong thời điểm này, dịch covid 19 đang nguy hiểm, cộng thêm cháu bé mới 18 tháng tuổi, việc di chuyển quãng đường từ Tuyên Quang đến Hà Nội là khá xa, vợ bạn lo lắng khi cháu bé không có mẹ bên cận, nên vợ bạn lo lắng cho con bạn và muốn con trong điều kiện tốt nhất. Bạn nên đợi thêm một thời gian cháu lớn thêm và dịch Covid 19 dập tắt, bạn chọn thời điểm phù hợp để thỏa thuận được về việc đưa cháu về thăm ông bà.
_ Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi trên cơ sở quy định pháp luật hiện hành có liên quan và trên cơ sở kinh nghiệm của chúng tôi về vấn đề bạn yêu cầu có ý kiến. Nếu có điều gì chưa rõ bạn có thể liên hệ Luật sư Đoàn Văn Nên, điện thoại: 0903328166 để được tư vấn thêm.
Trân trọng./.