
Nguyễn Thành Huân
Tổng cộng: 938
-
Thiếu nợ bằng giấy viết tay có đòi được không?
Năm 2017 đối phương có nợ mình và được ghi giấy nợ tay. Đến bây giờ thì có những thông tin trên giấy nợ không còn đúng với thực tế, cụ thể là số CCCD đã được thay đổi từ CMND. Vậy giấy nợ này còn giá trị không? Mình cảm ơn.
Luật sư Nguyễn Thành Huân đã trả lời
Thiếu nợ bằng giấy viết tay có đòi được không?
Giấy nợ là giấy tờ ghi nhận lại sự việc bạn có cho người đi vay mượn tiền. Thực tế bạn có cho người đó vay tiền thì các thông tin CMND cũ có thể dùng để đối chiếu với số CCCD mới. Việc thay đổi từ CMND sang CCCD không làm mất đi nghĩa vụ trả nợ của người đi vay. Do đó, nếu chỉ thông tin về số CMND có sự thay đổi thì giấy vay vẫn còn giá trị.
Trân trọng.
Hi vọng nội dung tư vấn giúp ích cho bạn.
Lưu lại thông tin của Luật sư và add Zalo để liên hệ khi cần:
Luật sư Nguyễn Thành Huân
Giám đốc Công ty Luật TNHH Luật Sư 11 (120 - 122 Điện Biên Phủ, Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh)
Điện thoại: 0979 800 000
Email: luatsuhuan11@gmail.com
Website: https://luatsu11.vn
-
Tranh chấp đất đai
Xin luật sư tư vấn giúp trường hợp :Lô đất nhà số 1 ngoài cùng của dãy xây nhà đầu tiên và xây nhà lấn chiếm sang đất nhà số 2.các nhà bên cạnh xây sau địa chính cắm mốc lấy nhà đầu tiên làm chuẩn dẫn đến 5 nhà xây lấn sang tọa độ của nhau.đến nhà thứ 6 bị thiếu đất và họ làm đơn kiện nhà thứ 5 ra tòa xây sang đất của họ.diện tích 4 nhà đều xây đúng diện tích của sổ đỏ.chỉ có nhà ngoài cùng số 1 thừa.vậy khi ra tòa nhà thứ 5 làm đơn kiến nghị để xin tòa giải quyết cả dãy để tìm ra nhà thừa phải chịu trách nhiệm với nhà thiếu thì tòa có giải quyết cho không ạ.Xin luật sư tư vấn giúp ạ
Luật sư Nguyễn Thành Huân đã trả lời
Tranh chấp đất đai
Căn cứ Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:
“Điều 186. Quyền khởi kiện vụ án
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”
Căn cứ khoản 3 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:
“Điều 68. Đương sự trong vụ việc dân sự
…
3. Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.”
Như vậy, nếu bạn cho rằng quyền lợi của bạn bị xâm phạm thì bạn có quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bạn.
Bạn cũng có quyền khởi kiện cả 5 người hoặc mỗi người thứ 5. Luật sư 11 phân tích cụ thể:
- Nếu bạn khởi kiện 5 người thì bạn phải có các giấy tờ chứng minh nhà số 1,2,3,4 và 5 đều gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bạn. Cách khởi kiện này không tối ưu.
- Nếu bạn khởi kiện một mình nhà thứ 5 thì việc này rất dễ chứng minh người này làm ảnh hưởng đến bạn, vì dựa vào giấy chứng nhận quyền sử dụng của bạn và việc đo đạc, bạn có thể xác định chính xác nhà thứ 5 lấn chiếm đất của bạn. Còn lý do nhà thứ 5 lấn chiếm là do nhà thứ nhất xây sai dẫn đến xây sai hàng loạt, bạn không có trách nhiệm phải chứng minh vấn đề này. Trong quá trình giải quyết nhà thứ 5 có ý kiến, thì Tòa án có thể đưa nhà 1,2,3,4 vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Như vậy, cách tốt nhất là bạn nên khởi kiện yêu cầu một mình nhà thứ 5 phải chịu trách nhiệm với bạn. Tòa án sẽ xem xét vụ án một cách toàn diện để xem trách nhiệm của từng người trong vụ án.
Trân trọng.
Hi vọng nội dung tư vấn giúp ích cho bạn.
Lưu lại thông tin của Luật sư và add Zalo để liên hệ khi cần:
Luật sư Nguyễn Thành Huân
Giám đốc Công ty Luật TNHH Luật Sư 11 (120 - 122 Điện Biên Phủ, Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh)
Điện thoại: 0979 800 000
Email: luatsuhuan11@gmail.com
Website: https://luatsu11.vn
-
thừa kế
nàh em có 3 ae , nay bố để lại tài sản cho 3 anh em , em gái thì lấy chồng xa ít về chăm bố mẹ cũng như không mấy khi thăm nom , nay thấy tiền chia lại về niềm nở , anh cả thì có vẻ hậm hực muốn lấy hết tiền nên xé mất tờ bố viết di chúc , bố em vẫn sống chưa mất , xin luật sư tư vấn em phải làm sao để chua đều 3 phần hay là nhờ bố viết lại hoạc ghi âm liệu có đúng pháp luật không
Luật sư Nguyễn Thành Huân đã trả lời
thừa kế
Di chúc của bố bạn lập giấy tay hay có công chứng, chứng thực không?
- Nếu là giấy tay, bố bạn có thể lập lại di chúc. Khi lập có thể lập thành nhiều bản mỗi người giữ một bản, có người làm chứng. Có thể ghi hình lúc bố bạn đọc di chúc để sử dụng khi có tranh chấp.
Theo tại Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015, Di chúc lập bằng văn bản không công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp khi người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép; Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
- Nếu di chúc được công chứng, chứng thực thì di chúc vẫn được lưu tại văn phòng công chứng, có thể sao lục lại.
Trân trọng.
Hi vọng nội dung tư vấn giúp ích cho bạn.
Lưu lại thông tin của Luật sư và add Zalo để liên hệ khi cần:
Luật sư Nguyễn Thành Huân
Giám đốc Công ty Luật TNHH Luật Sư 11 (120 - 122 Điện Biên Phủ, Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh)
Điện thoại: 0979 800 000
Email: luatsuhuan11@gmail.com
Website: https://luatsu11.vn
-
Chứng minh sổ tiết kiệm ngân hàng là tài sản riêng
Kính thưa luật sư. Tôi có câu hỏi mong luật sư giải đáp giúp ạ. Tôi và vợ đang ly thân . Trước hôn nhân ,cha mẹ có bản di chúc phân chia tài sản đất đai. Nay tôi làm sổ đỏ cho tôi và tôi bán một thửa đất mà cha mẹ cho tôi. Số tiền tôi bán đất ,tôi bỏ vào sổ tiết kiệm ngân hàng do tôi đứng tên. Như vậy xin hỏi luật sư tôi cần giấy tờ gì để chứng minh số tiền trong sổ tiết kiệm là tài sản riêng của tôi ạ. Tôi xin chân thành cảm ơn luật sư.
Luật sư Nguyễn Thành Huân đã trả lời
Chứng minh sổ tiết kiệm ngân hàng là tài sản riêng
Để chứng minh số tiền tiết kiệm là tài sản riêng bạn phải chứng minh được số tiền để vào sổ tiết kiệm có nguồn gốc từ việc bán đất. Cụ thể như sau:
Căn cứ khoản 2 Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
“2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.”
Như vậy, số tiền trong sổ tiết kiệm ngân hàng được hình thành từ số tiền đã bán đất riêng. Hình thức sở hữu chỉ chuyển từ quyền sử dụng đất sang số tiền cụ thể.
Để chứng minh số tiền tiết kiệm là tài sản riêng của bạn. Bạn phải chứng minh thời điểm bán đất bằng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất? Số tiền bán đất được chuyển vào tài khoản hay tiền mặt? Rồi từ đó bạn mới chuyển số tiền đó vào tài khoản tiết kiệm. Các tài liệu liên quan đến tài khoản ngân hàng thì có thể yêu cầu Ngân hàng sao lục để có bằng chứng thuyết phục.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý, số tiền lãi phát sinh từ số tiền tiết kiệm trong trường hợp này là tài sản chung vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 chứ không phải tiền lãi từ tiền tiết kiệm cũng là tài sản riêng của bạn.
“Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.”
Trân trọng.
Hi vọng nội dung tư vấn giúp ích cho bạn.
Lưu lại thông tin của Luật sư và add Zalo để liên hệ khi cần:
Luật sư Nguyễn Thành Huân
Giám đốc Công ty Luật TNHH Luật Sư 11 (120 - 122 Điện Biên Phủ, Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh)
Điện thoại: 0979 800 000
Email: luatsuhuan11@gmail.com
Website: https://luatsu11.vn
-
TRANH CHẤP VỀ VIỆC MƯỢN TIỀN KHÔNG TRẢ
Kính gửi Qúy luật sư, Em muốn được tư vấn về việc vay mượn tiền nhưng không có ý định thanh toán, hiện nay gia đình em đang ở khu vực Thủ Đức TPHCM, 10 trước mẹ em có đi làm giúp việc nhà, trong lúc làm việc thì cô này vì thấy sổ tiết kiệm của mẹ em nên có mượn số tiền là 35 triệu đồng tháng 5/2015. Đến tháng 11/2023 thì ba mẹ em có tìm được địa chỉ cô này ở chung cư Gò Vấp và có đến hỏi để đòi lại số tiền tuy nhiên cô này không có ý định trả, lúc vay tiền thì không có giấy tờ vay mượn nên lúc đó mẹ em có yêu cầu cô này viết giấy. Trong giấy thì cô này viết là cam kết trong thời gian sớm nhất nhưng tới bây giờ mặc dù mẹ em có đòi nhiều lần qua Zalo nhưng vẫn không có ý định trả lại (đã yêu cầu chia nhỏ trả từng tháng nhưng vẫn không thực hiện) Em xin nhờ luật sư tư vấn giúp em ạ. Em cảm ơn Qúy luật sư.
Luật sư Nguyễn Thành Huân đã trả lời
TRANH CHẤP VỀ VIỆC MƯỢN TIỀN KHÔNG TRẢ
Mẹ bạn cho vay nhưng không ghi cụ thể thời hạn trả thì khoản vay này trở thành khoản vay không kỳ hạn.
Căn cứ Điều 469 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“Điều 469. Thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn
1. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.”
Như vậy, mẹ bạn muốn đòi lại tiền thì trước tiên phải gửi thông báo đến cho người vay (có thể bằng văn bản) trong khoảng thời gian hợp lý (có thể là 1 tháng,…nhưng không quá 3 tháng). Nếu sau thời gian ấn định trong thông báo mà người này không trả tiền thì bạn có thể nộp đơn khởi kiện (kèm tài liệu chứng minh có việc thông báo) đến Tòa án nơi người này cư trú để giải quyết.
Trân trọng.
Hi vọng nội dung tư vấn giúp ích cho bạn.
Lưu lại thông tin của Luật sư và add Zalo để liên hệ khi cần:
Luật sư Nguyễn Thành Huân
Giám đốc Công ty Luật TNHH Luật Sư 11 (120 - 122 Điện Biên Phủ, Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh)
Điện thoại: 0979 800 000
Email: luatsuhuan11@gmail.com
Website: https://luatsu11.vn
-
Chia tài sản khi sống chung như vợ chồng
Dạ em chào luật sư, em mong được tư vấn trường hợp của em như sau. Bố mẹ em ở với nhau gần 30 năm và sinh ra em, không thể đăng ký kết hôn do bố em chưa ly hôn vợ trước. Bây giờ bố mẹ em không muốn sống chung nữa, nên căn nhà hiện tại em và bố mẹ đang ở được quyết định bán đi. Đất này là nhà nước cấp cho bố và vợ trước, do bố em là thương binh. Nhưng bố và vợ trước chưa bao giờ ở trên đất này, do vợ trước của bố vẫn ở ngoài Thanh Hoá, còn bố em đã vào TPHCM từ lâu. Bố mẹ em đã ỡ trên đất này cũng hơn 25 năm. Vậy cho em hỏi là theo đúng pháp luật thì căn nhà khi bán ra phải chia như thế nào ạ? Em cảm ơn luật sư trước.
Luật sư Nguyễn Thành Huân đã trả lời
Chia tài sản khi sống chung như vợ chồng
Vì bố bạn và vợ trước chưa ly hôn thì quyền và nghĩa vụ vợ chồng chưa chấm dứt. Bạn cũng đã khẳng định đất của Nhà nước cấp cho bố và vợ trước. Vậy thì đây là tài sản chung của bố bạn và vợ trước, nếu muốn bán đất thì phải có người vợ trước ký tên vào các giao dịch.
Khi muốn chia tài sản chung vợ chồng thì trước hết có thể thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được có quyền yêu cầu Tòa án chia tài sản chung.
Tại khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
“2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.”
Như vậy, tài sản chung về nguyên tắc sẽ chia đôi cho bố bạn và người vợ trước. Tuy nhiên, nếu muốn nhận được phần nhiều hơn thì bố bạn phải chứng minh về công sức đóng góp, duy trì tài sản chung.
“Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung” là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn. (Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP)
Khi xem xét, Tòa án sẽ xem xét thêm vào các điều kiện, hoàn cảnh, lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng thì mới ra con số phân chia cụ thể.
Trân trọng.
Hi vọng nội dung tư vấn giúp ích cho bạn.
Lưu lại thông tin của Luật sư và add Zalo để liên hệ khi cần:
Luật sư Nguyễn Thành Huân
Giám đốc Công ty Luật TNHH Luật Sư 11 (120 - 122 Điện Biên Phủ, Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh)
Điện thoại: 0979 800 000
Email: luatsuhuan11@gmail.com
Website: https://luatsu11.vn
-
Tư vấn pháp lý tranh chấp đất đai
Kính gửi các luật sư: Bố tôi là ông Đinh Quang Toán mua đất của ông Nguyễn Văn Thanh từ năm 1979 ở thôn Gia Phong xã Tân Hưng huyện Vĩnh Bảo thành phố Hải Phòng bằng tiền sau 03 năm lao động ở cộng hòa dân chủ Đức của bố tôi ( giao dịch trực tiếp không có giấy tờ). Sau khi mua đất có để cho ông bà là ông Đinh văn Củ và bà Phạm Thị Mén sử dụng và ra ở ngoài thành phố Hải Phòng lao động và sinh sống. Đến năm 1995 thì sau khi cả 2 ông bà tôi đã mất, bố tôi cho em trai là ông Đinh Văn Thiết ở trên diện tích trên, tuy nhiên đến nay em trai đã tự ý làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên mình và con trai chú tôi. Tôi rất mong nhận được tư vấn của các luật sư để đòi hỏi lại quyền lợi hợp pháp của bố tôi và gia đình về quyền sử dụng lô đất đó. Trong trường hợp này của gia đình thì sẽ cần sử lý như thế nào?
Luật sư Nguyễn Thành Huân đã trả lời
Tư vấn pháp lý tranh chấp đất đai
Bạn cần làm rõ:
- Việc mua đất của bố bạn không có giấy tờ, vậy có ai làm chứng hay người đứng ra giao dịch hay không?
- Bố bạn có giấy tờ nào chứng minh là đất bố bạn cho ông bà là ông Đinh văn Củ và bà Phạm Thị Mén sử dụng hay không?
- Có giấy tờ nào ghi là bố bạn cho ông Thiết ở trên đất không?
- Khi ông bà chết có để lại di chúc không?
Nếu không chứng minh được đất của bố bạn thì đất này có thể được suy đoán là đất của ông Củ và bà Mén. Sau khi ông bà chết nếu không có di chúc thì đất được chia theo pháp luật, nếu có di chúc thì thực hiện theo di chúc.
Ông Thiết được Nhà nước cấp quyền sử dụng đất thì ít nhiều đã có giấy tờ chứng minh được quyền sử dụng đất.
Bạn liên hệ để được tư vấn cụ thể hơn.
Trân trọng.
Hi vọng nội dung tư vấn giúp ích cho bạn.
Lưu lại thông tin của Luật sư và add Zalo để liên hệ khi cần:
Luật sư Nguyễn Thành Huân
Giám đốc Công ty Luật TNHH Luật Sư 11 (120 - 122 Điện Biên Phủ, Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh)
Điện thoại: 0979 800 000
Email: luatsuhuan11@gmail.com
Website: https://luatsu11.vn
-
Tranh chấp nhà và đất
Năm 2008 tôi có sửa căn nhà cấp 4 hết 1 tỷ đồng (nhà cấp 4 là của dì tôi, đất của dì tôi). Năm 2024 do mẫu thuẫn nên xây ra tranh chấp (chúng tôi đã thỏa thuận nhưng không thỏa thuận được). Vậy, tôi xin hỏi luật sư: - Tôi có quyền lợi gì khi đã bỏ ra 1 tỷ đồng để sửa chữa căn nhà cấp 4? - Nếu khởi kiện ra tòa thì hướng giải quyết của tòa sẽ như thế nào?
Luật sư Nguyễn Thành Huân đã trả lời
Tranh chấp nhà và đất
Bạn muốn khởi kiện đòi lại 1 tỷ bỏ ra thì bạn phải chứng minh bằng các giấy tờ, tài liệu để chứng minh việc bạn đã trả tiền để tu sửa căn nhà.
Ngoài ra, Tòa án sẽ làm rõ giữa bạn và người dì có thỏa thuận gì trong việc quản lý sử dụng căn nhà: Thuê, nhờ trông coi,… Nếu thuê thì bạn có phải trả tiền cho dì hay không? nếu nhờ trông coi thì bạn có nhận lợi ích gì về việc khai thác công dụng (như kinh doanh, cho thuê lại…) của căn nhà hay không? Việc sửa chữa căn nhà người dì có biết hay không?...
Tòa án sẽ xem xét toàn diện vụ án để xem xét về công sức gìn giữ, tôn tạo tài sản nếu có cơ sở.
Bạn liên hệ để được tư vấn cụ thể hơn.
Trân trọng.
Hi vọng nội dung tư vấn giúp ích cho bạn.
Lưu lại thông tin của Luật sư và add Zalo để liên hệ khi cần:
Luật sư Nguyễn Thành Huân
Giám đốc Công ty Luật TNHH Luật Sư 11 (120 - 122 Điện Biên Phủ, Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh)
Điện thoại: 0979 800 000
Email: luatsuhuan11@gmail.com
Website: https://luatsu11.vn
-
Vấn đề hôn nhân
Bà cố em và bà cố bạn em là chị em ruột chúng em có đến được với nhau không ạ
Luật sư Nguyễn Thành Huân đã trả lời
Vấn đề hôn nhân
Hai bạn có thể đến được với nhau.
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 việc kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời là bị cấm.
Theo khoản 18 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “18. Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.”
Như vậy, trong trường hợp của bạn thì Bố mẹ của hai Bà cố là đời thứ nhất; hai Bà cố là đời thứ hai; anh chị em có chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của hai Bà cố là đời thứ ba. Như vậy, hai bạn không trong phạm vi ba đời thì vẫn có thể đến được với nhau.
Trân trọng.
Hi vọng nội dung tư vấn giúp ích cho bạn.
Lưu lại thông tin của Luật sư và add Zalo để liên hệ khi cần:
Luật sư Nguyễn Thành Huân
Giám đốc Công ty Luật TNHH Luật Sư 11 (120 - 122 Điện Biên Phủ, Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh)
Điện thoại: 0979 800 000
Email: luatsuhuan11@gmail.com
Website: https://luatsu11.vn
-
THỪA KẾ THẾ VỊ
Thưa luật sư. - Gia đình tôi có 8 anh chị em ,mẹ tôi mất năm 2011, có để di sản không có di chúc , anh hai tôi mất 2024 như vậy người con của anh hai tôi ( cháu) có được hưởng theo thừa kế thế vị không . Cám ơn luật sư
Luật sư Nguyễn Thành Huân đã trả lời
THỪA KẾ THẾ VỊ
Căn cứ khoản 1 Điều 611, Điều 613, Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“Điều 611. Thời điểm, địa điểm mở thừa kế
1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.”
Điều 613. Người thừa kế
Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.”
“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Mẹ bạn mất năm 2011 không để lại di chúc thì di sản của mẹ sẽ được chia đều cho các người thừa kế. Tại thời điểm mẹ mất thì anh Hai bạn vẫn còn sống nên tại thời điểm đó anh Hai đã phát sinh quyền thừa kế. Năm 2024 anh Hai chết thì quyền thừa kế của anh Hai không mất đi mà những người thừa kề của anh Hai (trong đó có con của anh Hai) sẽ được hướng phần di sản của Mẹ bạn.
Trường hợp này là thừa kế chuyển tiếp không phải thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015
“Điều 652. Thừa kế thế vị
Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”
Do đó, những người con của anh Hai có quyền được hưởng phần di sản của mẹ bạn để lại cho anh Hai.
Trân trọng.
Hi vọng nội dung tư vấn giúp ích cho bạn.
Lưu lại thông tin của Luật sư và add Zalo để liên hệ khi cần:
Luật sư Nguyễn Thành Huân
Giám đốc Công ty Luật TNHH Luật Sư 11 (120 - 122 Điện Biên Phủ, Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh)
Điện thoại: 0979 800 000
Email: luatsuhuan11@gmail.com
Website: https://luatsu11.vn