
Hồ Ngọc Hiền Thảo
Tổng cộng: 742
-
HÌNH SỰ
DẠ CHO E HỎI, E ĐÃ ĐÓNG PHẠT HÀNH CHÍNH VỀ TỘI VẬN CHUYỂN THUỐC LÁ NHẬP LẬU ( SỐ LƯỢNG 250 BAO), VÀ MỚI CÓ 1 THÁNG E BỊ BẮT LẦN 2 (SỐ LƯỢNG 260 BAO), VẬY E CÓ ĐƯỢC COI LÀ PHẠM TỘI 2 LẦN , HAY TÁI PHẠM NGUY HIỂM KHÔNG. TRƯỜNG HỢP CỦA E THÌ TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ, MỨC ÁN CỦA E CÁO NHẤT LÀ BAO NHIÊU NĂM.
Luật sư Hồ Ngọc Hiền Thảo đã trả lời
HÌNH SỰ
Chào bạn, trước tiên xin cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho VPLS Triển Luật.
Ngày 12/02 bạn đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vận chuyển hàng cấm, đến ngày 24/3 bạn tiếp tục bị bắt về hành vi vận chuyển hàng cấm cụ thể là bạn vận chuyển 260 bao thuốc lá điếu nhập lậu, như vậy hành vi của bạn đã cấu thành tội “Vận chuyển hàng cấm” quy định tại Điều 191 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
“Điều 191. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 239, 244, 246, 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
…
b) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;
…
e) Hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.”
Để được xem xét áp dụng hình phạt thấp nhất bạn cần hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, bạn phải thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi của mình đã làm. Nếu không thể tự mình bào chữa thì bạn nên nhờ Luật sư để làm cùng bạn tham gia làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng và bào chữa cho bạn tại phiên tòa để bảo về tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho bạn.
Trên đây là nội dung tư vấn của Văn phòng luật sư Triển Luật về vấn đề bạn yêu cầu. Để được tư vấn cụ thể hơn hoặc cần hỗ trợ các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ số 213A (Tầng 2) Nguyễn Xí, Phường 13, Quận Bình Thạnh, TPHCM, số điện thoại liên hệ: 0903.121.676 – 077.682.0693 để được tư vấn và giải đáp cụ thể
-
ly hôn
chào Luật sư ạ, em nhờ luật sư tư vấn hỗ trợ cho e trường hợp của em ạ. em chuẩn bị ly hôn, giữa tụi e có 2 người con, 1 bé 6 tuổi và 1 bé 29 tháng tuổi. Theo như e tìm hiểu thì bé dưới 36 tháng tuổi giao cho mẹ nuôi dưỡng, bé 6 tuổi thì tùy vào nguyện vọng của bé, nhưng giờ em muốn nuôi cả 2 bé thì e phải làm như thế nào ạ, mong được luật sư hỗ trợ ạ. e cảm ơn nhiều ạ
Luật sư Hồ Ngọc Hiền Thảo đã trả lời
ly hôn
Đúng như chị tìm hiểu, theo nguyên tắc tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về quyền nuôi con khi ly hôn, con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Còn nguyện vọng của bé muốn được cha hay mẹ nuôi dưỡng chỉ đặt ra khi bé từ 07 tuổi trở lên. Trong trường hợp của chị, bé lớn mới 6 tuổi nên quyền nuôi con của cha và mẹ là như nhau. Để nuôi con, trước tiên chị hãy tiến hành thỏa thuận với chồng, nếu không thống nhất được ý kiến thì Tòa án sẽ quyết định người nào sẽ trực tiếp nuôi con, dựa trên quyền lợi ở mọi mặt của con. Có thể xét đến:
· Điều kiện về cơ sở vật chất: nơi ở ổn định, tài chính, sinh hoạt, môi trường học tập, giáo dưỡng,…Theo đó, đôi bên có thể trình các giấy tờ chứng minh khả năng tài chính và cách nuôi dưỡng con cái lên Tòa. Đây là yếu tố quan trọng quyết định quyền nuôi con. Cha hoặc mẹ nhận quyền nuôi con phải đảm bảo được năng lực tài chính để đảm bảo cho con của họ có cuộc sống ổn định, điều kiện sinh hoạt tốt nhất.
· Điều kiện về tinh thần: Thời gian chăm sóc, giáo dưỡng, tình cảm, cũng như điều kiện về môi trường sinh sống, học tập, vui chơi giải trí. Yếu tố này thể hiện việc một bên cha hoặc mẹ sau khi ly hôn sẽ dành thời gian chăm sóc con, tạo môi trường phát triển, trưởng thành của con. Đảm bảo trao cho con tình thương và không có hành vi bạo hành, hay tiếp xúc với tệ nạn xã hội.
Với kinh nghiệm đa dạng trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ bạn trong toàn bộ quá trình này từ tư vấn đến đại diện trao đổi với chồng và thực hiện quy trình tố tụng tại Tòa để đảm bảo quyền lợi của bạn được bảo vệ một cách tối ưu.
Trên đây là nội dung tư vấn của Văn phòng Luật sư Triển Luật về vấn đề bạn yêu cầu. Để được tư vấn cụ thể hơn hoặc cần hỗ trợ các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ số 213A (Tầng 2) Nguyễn Xí, Phường 13, Quận Bình Thạnh, TPHCM, số điện thoại liên hệ: 0903.121.676 – 077.682.0693 để được tư vấn và giải đáp cụ thể.
-
Xúc phạm danh dự, vu khống
Chồng tôi ngoại tình với người khác có con, hiện tại anh đã quay về bên tôi, nhưng tôi vẫn đồng ý việc anh cấp dưỡng cho hai mẹ con cô ấy ( dù đã có thỏa thuận từ trước là cô ấy không cần chồng tôi cấp dưỡng). Tôi đã rất thông cảm với hoàn cảnh mẹ con cô ấy và ngỏ lời với chồng tôi, tôi sẽ chăm sóc tốt cho đứa bé nếu cô ấy chịu giao con cho 2 vợ chồng tôi nuôi. Cô ấy quyết định không chịu như thế. Không dừng lại ở đó, cô ấy còn gửi tôi những đoạn tin nhắn xúc phạm, vu khống tôi ở với rất nhiều đàn ông khác đã có vợ con,. Tôi thật không hiều, tôi đã làm gì em ấy đâu, hiện tại em ấy đang chăm sóc bé ( 4 tháng tuổi). Em ấy cũng không có khả năng nuôi bé, và đem bé gửi lên chùa nhờ các thầy hỗ trợ chăm sóc. Với đoạn tin nhắn e ấy gửi cho tôi có đủ căn cứ để bắt lỗi e ấy không? Và hai vợ chồng tôi có được quyền nuôi đứa bé khi cô ấy không đủ khả năng nuôi con không?
Luật sư Hồ Ngọc Hiền Thảo đã trả lời
Xúc phạm danh dự, vu khống
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho VPLS Triển Luật, đối với câu hỏi của bạn, VPLS Triển Luật giải đáp như sau:
1. Về hành vi nhắn tin xúc phạm, vu khống bạn – có đủ căn cứ xử lý hình sự hoặc dân sự không?
Theo thông tin bạn cung cấp, nếu người phụ nữ đó gửi tin nhắn với nội dung vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm bạn, bạn có quyền yêu cầu xử lý theo pháp luật.
➤ Căn cứ pháp lý:
· Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017): Tội vu khống
· Điều 155 Bộ luật Hình sự: Tội làm nhục người khác
· Điều 592 Bộ luật Dân sự: Bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm
Nếu bạn lưu giữ đầy đủ tin nhắn, đoạn ghi âm hoặc chứng cứ chứng minh người này đã nói sai sự thật với mục đích xúc phạm danh dự bạn thì có thể gửi đơn đến công an xã/phường nơi người đó cư trú hoặc khởi kiện dân sự đòi bồi thường danh dự.
Tuy nhiên, cơ quan công an sẽ thường hòa giải lần đầu, lập biên bản/cảnh cáo nhắc nhở/yêu cầu chấm dứt hành vi/xin lỗi công khai … nếu chưa đến mức nghiêm trọng hoặc chưa có hậu quả lớn, nhưng nếu tái phạm hoặc xúc phạm nghiêm trọng thì có thể bị phạt hành chính hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành.
2. Về quyền nuôi con – vợ chồng bạn có thể giành quyền nuôi con không?
Hiện tại, cháu bé 4 tháng tuổi, đang sống cùng mẹ đẻ nhưng mẹ cháu lại đem bé gửi lên chùa nhờ nhà chùa chăm sóc. Đây là yếu tố rất đáng chú ý về quyền nuôi con.
➤ Về mặt pháp luật:
Theo Điều 81 và 84 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, quyền nuôi con sau khi ly hôn hay khi không chung sống của cha mẹ phụ thuộc vào lợi ích tốt nhất của đứa trẻ. Trẻ em dưới 36 tháng tuổi, về nguyên tắc, giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp mẹ không đủ điều kiện.
Tuy nhiên, nếu bạn chứng minh được rằng:
i. Mẹ đứa bé không trực tiếp chăm sóc mà đem gửi con lên chùa (có thể coi là bỏ mặc, thiếu điều kiện chăm sóc),
ii. Vợ chồng bạn có đủ điều kiện về tài chính, tinh thần, đạo đức, môi trường sống để nuôi dưỡng và chăm sóc tốt hơn,
iii. Và nếu có thêm sự đồng thuận của bạn, chồng bạn hoàn toàn có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định (1) công nhận quan hệ cha – con với đứa trẻ và (2) giao quyền nuôi con cho chồng bạn. Chồng bạn là người có tư cách khởi kiện chứ không phải bạn.
Tòa án sẽ ưu tiên “lợi ích tối đa cho trẻ em”, không phải vì người mẹ sinh ra bé mà mặc nhiên được quyền nuôi bé suốt đời.
Trên đây là nội dung tư vấn của Văn phòng Luật sư Triển Luật về vấn đề mà bạn yêu cầu. Nếu còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ các vấn đề pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ số 213A (Tầng 2) Nguyễn Xí, Phường 13, Quận Bình Thạnh, TPHCM, số điện thoại liên hệ: 0903.121.676 – 077.682.0693 để được tư vấn và giải đáp cụ thể.
-
chặn xe oto đánh người có tỏ chức
Luật sư cho hỏi ? Hành vi dùng 2 xe oto chặn trước và sau xe oto khác khi tài xế suống xe nhóm đối tượng 3 đến 4 người lao vào đánh tập thể, có tổ chủ đích và có tổ chức thì bị sử lý như thế nào ? có bị truy tố hình sự không ? có clhip từ giám sát hành trình trên xe ghi lại toàn bộ sự việc. cảm ơn luật sư
Luật sư Hồ Ngọc Hiền Thảo đã trả lời
chặn xe oto đánh người có tỏ chức
Chào bạn, trước tiên xin cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho VPLS Triển Luật.
Theo như bạn trình bày hành vi của nhóm người trên có dấu hiệu của tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:
“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
đ) Có tổ chức;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
i) Có tính chất côn đồ;
k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.”
Trường hợp này bạn nên đến đến Cơ quan công an gần nhất để trình báo sự việc, nộp đơn yêu cầu khởi tố hình sự và yêu cầu giám định thương tích của bạn, giao nộp các tài liệu chứng cứ (đoạn video từ camera hành trình) để Cơ quan công an tiến hành xác minh, điều tra xử lý theo quy định.
Trên đây là nội dung tư vấn của Văn phòng Luật sư Triển Luật về vấn đề bạn yêu cầu. Để được tư vấn cụ thể hơn hoặc cần hỗ trợ các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ số 213A (Tầng 2) Nguyễn Xí, Phường 13, Quận Bình Thạnh, TPHCM, số điện thoại liên hệ: 0903.121.676 – 077.682.0693 để được tư vấn và giải đáp cụ thể.
-
THỦ TỤC, CÁC GIẤY TỜ, CHỨNG NHẬN CẦN THIẾT KHI KINH DOANH CỬA HÀNG BÁN TRÀ, TRÀ HOA
Thưa luật sư, hiện tôi đang muốn mở cửa hàng kinh doanh các loại trà, trà hoa và phụ kiện chuyên uống trà như ấm chén,... Tôi nhập hàng từ nhà phân phối trung gian nên ko tiếp xúc trực tiếp với nơi sản xuất trà, hoa khô. Ý định của tôi là ngoài việc bán riêng lẻ từng loại, tôi sẽ tạo hỗn hợp trà theo công thức từ các loại trà, hoa có sẵn sau đó dán tem nhãn/ logo của cửa hàng lên bao bì để bán tại cửa hàng hoặc ship COD ngoại tỉnh. Theo đó, cụ thể tôi muốn hỏi như sau: 1, Với ý tưởng dán tem nhãn/logo như vậy, tôi cần đăng ký hộ kinh doanh hay doanh nghiệp thì hợp pháp? Nhân lực cửa hàng dự kiến chỉ có 4 người. Nếu chỉ là hộ kinh doanh thì có đăng ký sở hữu trí tuệ cho logo, thương hiệu đc ko? 2, Ngoài giấy phép đăng ký kinh doanh, với mô hình trên, tôi cần bổ sung giấy phép, chứng nhận gì để không bị phạt khi có đoàn kiểm tra (vd. chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm) ? Cụ thể thủ tục ra sao ? Thời gian bao lâu? Có chứng nhận nào mà tôi có thể yêu cầu bên sản xuất cung cấp không ? Mong các luật sư giải đáp giúp. Xin cảm ơn
Luật sư Hồ Ngọc Hiền Thảo đã trả lời
THỦ TỤC, CÁC GIẤY TỜ, CHỨNG NHẬN CẦN THIẾT KHI KINH DOANH CỬA HÀNG BÁN TRÀ, TRÀ HOA
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho VPLS Triển Luật, đối với câu hỏi của bạn, VPLS Triển Luật giải đáp như sau:
1. Loại hình đăng ký kinh doanh
Với mô hình cửa hàng của bạn (4 nhân sự, nhập hàng từ nhà phân phối, có tự phối trộn nguyên liệu để đóng gói riêng mang thương hiệu của mình), bạn có thể lựa chọn một trong hai hình thức sau:
a. Hộ kinh doanh cá thể
- Phù hợp nếu quy mô nhỏ, không mở chi nhánh, không sử dụng quá 10 lao động.
- Ưu điểm: Thủ tục thành lập đơn giản, chi phí thấp, kế toán đơn giản.
- Nhược điểm: Không được xuất hóa đơn VAT, khó mở rộng kinh doanh, chủ hộ chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản cá nhân.
b. Doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty TNHH một thành viên
- Phù hợp nếu bạn dự định phát triển thương hiệu mạnh hơn, bán online toàn quốc, đăng ký độc quyền logo, mở rộng mô hình trong tương lai.
- Công ty TNHH một thành viên là lựa chọn phổ biến nhất với mô hình kinh doanh của bạn, vì có tư cách pháp nhân, được đăng ký sở hữu trí tuệ, dễ làm việc với ngân hàng và đối tác.
ð Nếu chỉ là mô hình gia đình nhỏ, bạn có thể chọn hộ kinh doanh. Tuy nhiên, nếu bạn muốn xây dựng thương hiệu lâu dài, đăng ký độc quyền logo, phát triển online hoặc hệ thống đại lý, bạn nên chọn Công ty TNHH một thành viên ngay từ đầu.
2. Đăng ký nhãn hiệu/ logo khi là hộ kinh doanh?
Pháp luật không cấm hộ kinh doanh cá thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu/logo. Tuy nhiên:
- Người đứng tên chủ đơn sẽ là cá nhân (khác với pháp nhân là công ty).
- Khi mở rộng kinh doanh (chuyển thành công ty), bạn phải làm thủ tục chuyển nhượng nhãn hiệu từ cá nhân sang công ty.
- Nếu bạn xác định “xây dựng thương hiệu riêng”, nên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu càng sớm càng tốt, dù là hộ hay công ty.
Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu gồm: Tờ khai, mẫu nhãn hiệu, nhóm sản phẩm/dịch vụ, giấy tờ cá nhân, và nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Thời gian xử lý thường kéo dài 12–18 tháng.
3. Giấy tờ, chứng nhận cần thiết ngoài Giấy phép kinh doanh
Với việc phối trộn các loại trà, hoa khô rồi đóng gói lại, dán tem nhãn của riêng mình, bạn không còn là đơn vị bán lẻ đơn thuần mà đã là cơ sở sản xuất sơ chế thực phẩm theo pháp luật.
Do đó, bạn cần thêm các giấy phép sau:
a. Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP)
- Áp dụng với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đóng gói sẵn như trà túi lọc, trà phối trộn, thảo mộc khô.
- Cơ quan cấp: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (thuộc Sở Y tế).
- Thành phần hồ sơ:
· Đơn đề nghị;
· Giấy đăng ký kinh doanh;
· Bản vẽ sơ đồ mặt bằng cơ sở;
· Danh sách nhân sự;
· Giấy khám sức khỏe và xác nhận tập huấn VSATTP của người trực tiếp chế biến;
· Cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Thời gian cấp: Khoảng 15 – 30 ngày làm việc kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ.
Lưu ý: Nếu bạn không tự chế biến mà chỉ đóng gói lại đơn giản từ nguyên liệu gốc, có thể đề xuất cấp giấy xác nhận là cơ sở kinh doanh thực phẩm đơn giản. Tuy nhiên, tốt nhất vẫn nên xin đầy đủ Giấy chứng nhận VSATTP để tránh bị xử phạt khi có đoàn kiểm tra.
b. Phiếu công bố sản phẩm (đối với thực phẩm đóng gói có thương hiệu riêng)
- Nếu bạn tự tạo ra hỗn hợp trà (dù nguyên liệu mua về), thì sản phẩm gắn nhãn hiệu riêng cần phải được công bố chất lượng.
- Nơi nộp: Ban Quản lý An toàn thực phẩm (hoặc Sở Y tế).
- Thành phần hồ sơ: Giấy phép kinh doanh, nhãn sản phẩm, kết quả kiểm nghiệm, công thức phối trộn.
- Có thể thuê đơn vị kiểm nghiệm thực phẩm bên ngoài (được cấp phép) thực hiện.
c. Yêu cầu giấy tờ từ nhà cung cấp
Vì bạn nhập nguyên liệu từ nhà phân phối, bạn nên yêu cầu họ cung cấp các giấy tờ sau:
- Hợp đồng mua bán hàng hóa (ghi rõ nguồn gốc);
- Hóa đơn giá trị gia tăng (nếu có);
- Giấy chứng nhận VSATTP của nơi sản xuất nguyên liệu;
- Phiếu kiểm nghiệm chất lượng nguyên liệu.
Các giấy tờ này giúp bạn chứng minh tính hợp pháp – hợp chuẩn của nguồn hàng khi có đoàn kiểm tra hoặc khiếu nại từ người tiêu dùng.
4. Một số lưu ý khác
- Đăng ký mã số mã vạch nếu bạn muốn bán hàng online, siêu thị hoặc xuất khẩu.
- Nên thiết kế nhãn hàng hóa rõ ràng: Thành phần, ngày sản xuất, hạn dùng, địa chỉ cơ sở, khối lượng, cách dùng – theo đúng Nghị định 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa.
- Đăng ký hợp đồng lao động và BHXH nếu có nhân viên làm việc chính thức, lương cố định.
Trên đây là nội dung tư vấn của Văn phòng Luật sư Triển Luật về vấn đề mà bạn yêu cầu. Nếu còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ các vấn đề pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ số 213A (Tầng 2) Nguyễn Xí, Phường 13, Quận Bình Thạnh, TPHCM, số điện thoại liên hệ: 0903.121.676 – 077.682.0693 để được tư vấn và giải đáp cụ thể.
-
Trộm cắp tài sản chưa xoá án tích
Tôi muốn hỏi về tội trộm cắp tài sản ít nghiêm trọng dưới 2 triệu đồng nhưng lại chưa xoá án tích về tội cướp giật thì coi là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm ạ và mức hình phạt thế nào có được hưởng án treo không ạ
Luật sư Hồ Ngọc Hiền Thảo đã trả lời
Trộm cắp tài sản chưa xoá án tích
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho VPLS Triển Luật, đối với câu hỏi của bạn, VPLS Triển Luật giải đáp như sau:
1. Hành vi trộm cắp tài sản dưới 2 triệu đồng có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
“Điều 173. Tội trộm cắp tài sản
1.Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
…”
Trong trường hợp của bạn có hành vi trộm cắp tài sản dưới 2 triệu đồng nhưng đã từng bị kết án về tội cướp giật tài sản (Điều 171 Bộ Luật Hình sự 2015) mà chưa được xóa án tích thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 1 Điều 173 Bộ Luật Hình sự 2015.
2. Vấn đề tái phạm hay tái phạm nguy hiểm
“Điều 53. Tái phạm, tái phạm nguy hiểm
1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.
2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.”
Tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 173 Bộ Luật Hình sự 2015 là tội ít nghiêm trọng.
Tuy nhiên, vì tội trước đó là cướp giật tài sản (tội nghiêm trọng/ rất nghiêm trọng tùy mức độ), nếu lần này tiếp tục phạm tội trộm cắp tài sản thì:
- Thỏa
mãn điều kiện của tái phạm theo khoản 1 Điều 53 Bộ Luật Hình Sự.
- Không
đủ điều kiện cấu thành “tái phạm nguy hiểm” nếu chưa thỏa mãn điều kiện về
tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
ð Trong trường hợp này, người phạm tội bị coi là tái phạm, không phải tái phạm nguy hiểm.
3. Mức hình phạt áp dụng và có được hưởng án treo không?
a. Theo khoản 1 Điều 173 Bộ Luật Hình sự, mức phạt đối với tội trộm cắp tài sản dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc trường hợp đã có tiền án, chưa được xóa án tích là: “phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”
b. Căn cứ theo Điều 3 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP quy định những trường hợp không được hưởng án treo, bao gồm:
i. Người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
ii. Người thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn và đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị truy nã.
iii. Người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách; người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo.
iv. Người phạm tội bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi.
v. Người phạm tội nhiều lần, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi.
vi. Người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm.
Trong trường hợp này, người phạm tội chưa được xóa án tích, và thuộc trường hợp tái phạm, do đó thuộc vào trường hợp không được hưởng án treo.
ð Không đủ điều kiện để được hưởng án treo.
Trên đây là nội dung tư vấn của Văn phòng Luật sư Triển Luật về vấn đề mà bạn yêu cầu. Nếu còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ các vấn đề pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ số 213A (Tầng 2) Nguyễn Xí, Phường 13, Quận Bình Thạnh, TPHCM, số điện thoại liên hệ: 0903.121.676 – 077.682.0693 để được tư vấn và giải đáp cụ thể.
- Thỏa
mãn điều kiện của tái phạm theo khoản 1 Điều 53 Bộ Luật Hình Sự.
-
Giấy khai sinh
Vợ chồng tôi sinh con rồi mới làm giấy kết hôn.. bây giờ làm giấy khai sinh ubnd lại không cho làm bắt làm giấy nhận con nuôi ạ.. tôi phải làm sau ạ.. làm giấy nhận con nuôi có ảnh hưởng đến con không ạ
Luật sư Hồ Ngọc Hiền Thảo đã trả lời
Giấy khai sinh
Chào bạn, về vấn đề bạn đặt ra như trên, chúng tôi có một số ý kiến tư vấn như sau:
1. Trường hợp người con chưa được đăng ký khai sinh:
Căn cứ khoản 3 Điều 16 Thông tư số 04/2020/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15-11-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch có quy định như sau:
“3. Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, chưa được đăng ký khai sinh mà khi đăng ký khai sinh, vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì thông tin về người cha được ghi ngay vào giấy khai sinh của người con mà không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, con.
Trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cung cấp thông tin về người mẹ và lập văn bản thừa nhận con chung không đúng sự thật được quy định tại điều 5 thông tư này.”
Như vậy, trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, chưa được đăng ký khai sinh, nếu đi đăng ký khai sinh mà vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì thông tin về người cha được ghi ngay vào giấy khai sinh của người con mà không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, con.
Có nghĩa là người cha nếu muốn nhận con thì chỉ cần văn bản thỏa thuận vợ chồng thừa nhận là con chung, kèm theo xuất trình giấy chứng sinh của trẻ, giấy đăng ký kết hôn thì UBND cấp xã sẽ giải quyết mà không phải làm bất cứ thủ tục gì khác như xét nghiệm ADN, hay nhận con nuôi, v.v.
2. Trường hợp người con đã được đăng ký khai sinh chưa có tên cha:
Trường hợp người con đã được làm khai sinh rồi nhưng chưa có tên cha, giờ bạn muốn làm thủ tục nhận con thì bạn cần thực hiện thủ tục nhận cha, con (con ruột) chứ không phải thủ tục nhận con nuôi. Việc UBND yêu cầu bạn làm thủ tục nhận con nuôi là không đúng quy định pháp luật.
- Hồ sơ đăng ký nhận cha, mẹ, con gồm các giấy tờ sau đây:
a. Tờ khai nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;
b. Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ cha - con hoặc quan hệ mẹ - con;
c. Bản sao giấy tờ nhân thân.
Trên đây là nội dung tư vấn của Văn phòng Luật sư Triển Luật về vấn đề bạn yêu cầu. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ số 213A (Tầng 2) Nguyễn Xí, Phường 13, Quận Bình Thạnh, TPHCM, số điện thoại liên hệ: 0903.121.676 – 077.682.0693 để được tư vấn và giải đáp cụ thể.
-
Nhờ anh chị luật sư tư vấn
Cháu ruột em là học sinh lơp 11 năm nay 17 tuổi bị một nhóm 5 tên thanh thiếu niên giết chết ngày 9/4. Công an đã bắt giữ nhóm đối tượng trên và gia đình em đã an táng thi thể cháu em. Xin hỏi luật sư vậy trong bao lâu thì vụ án này được xét xử lấy công bằng cho cháu em hiện tại công an vẫn chưa liên hệ gia đình em để thông tin việc xét xử. Trước khi đến công an hỏi em xin nhờ anh chị luật tư vấn dùm em. Vụ án trên đã được truyền thông đưa tinhttps://nhandan.vn/soc-trang-bat-nhom-thanh-thieu-nien-de-dieu-tra-hanh-vi-giet-nguoi-post871453.html Em xin cám ơn
Luật sư Hồ Ngọc Hiền Thảo đã trả lời
Nhờ anh chị luật sư tư vấn
Chào bạn, VPLS chúng tôi giải đáp như sau:
Thứ nhất, về thời gian điều tra và xét xử vụ án hình sự, theo Điều 172 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra. Trường hợp của cháu ruột bạn, các hành vi của đối tượng có thể cấu thành nên Tội giết người theo Điều 123 Bộ luật hình sự 2015 và tội này được xác định là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nên thời hạn điều tra ban đầu là 4 tháng và có thể gia hạn tối đa đến 8 tháng nếu cần thiết (theo quy định tại khoản 2 Điều 172).
Sau khi kết thúc điều tra, hồ sơ sẽ được chuyển sang Viện kiểm sát để truy tố (trong vòng 20 ngày hoặc 30 ngày tùy tính chất vụ án theo Điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015). Sau khi Viện kiểm sát truy tố, Tòa án sẽ chuẩn bị xét xử trong vòng 2 tháng đối với tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng theo Điều 277 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Tổng cộng, nếu vụ án diễn ra bình thường và không có trở ngại, thời gian để đưa ra xét xử có thể từ 4 đến 9 tháng kể từ ngày khởi tố.
Thứ hai, theo Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người đại diện hợp pháp của bị hại (trong trường hợp bị hại đã chết) có quyền tham gia tố tụng, nhận thông báo về kết quả điều tra, tham gia phiên tòa, yêu cầu bồi thường thiệt hại. Như vậy, gia đình bạn có quyền được thông báo về tiến trình tố tụng và Công an hoặc Viện kiểm sát có trách nhiệm thông báo cho gia đình về việc tiến hành xét xử, cũng như các quyền và nghĩa vụ của người đại diện bị hại.
Thứ ba, dù cơ quan điều tra chưa chủ động liên hệ, gia đình bạn hoàn toàn có thể Gửi đơn yêu cầu hoặc đề nghị lên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng – nơi thụ lý vụ án – để được cung cấp thông tin về tiến trình vụ án; đồng thời có thể nhờ Luật sư để yêu cầu hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình nạn nhân.
Trên đây là nội dung tư vấn của Văn phòng Luật sư Triển Luật về vấn đề bạn yêu cầu. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ số 213A (Tầng 2) Nguyễn Xí, Phường 13, Quận Bình Thạnh, TPHCM, số điện thoại liên hệ: 0903.121.676 – 077.682.0693 để được tư vấn và giải đáp cụ thể.
Trân trọng.
-
Bố mẹ li hôn
Bố mẹ cháu li hôn nhưng mẹ cháu chưa bàn với bố,bố cháu bạo lực gia đình với mẹ và cháu nhưng đó là vì tâm lý và bố không kiểm soát được cảm xúc nên mới bạo lực,bố cũng từng ngoại tình và bây giờ mẹ cháu muốn li hôn nhưng kinh tế thấp hơn bố và không có bằng chứng bố bạo lực mà chỉ có lời khai của cháu và mẹ thôi ạ.Cháu có em trai 7t và cháu 13t và mẹ cháu muốn cả cháu và em ở với mẹ chứ mẹ không muốn em ở với bố,vậy mẹ cháu có thể nuôi cả 2 người không ạ,có thể thắng kiện được không ạ.Nhà của cháu thì mẹ bỏ tiền ra mua nhiều hơn bố nhưng đứng tên chị của mẹ cháu thì chia tài sản như thế nào ạ.Cháu rất cảm ơn luật sư và mong luật sư hồi đáp nhanh chóng ạ
Luật sư Hồ Ngọc Hiền Thảo đã trả lời
Bố mẹ li hôn
1. Về vấn đề ly hôn
Theo quy định của pháp luật, vợ hoặc chồng có quyền yêu cầu ly hôn đơn phương (chỉ một trong hai vợ chồng muốn làm thủ tục ly hôn). Toà án sau khi thụ lý đơn yêu cầu của mẹ của bạn thì sẽ xem xét và giải quyết cho ly hôn nếu thấy không thể hoà giải và hôn nhân không đạt mục đích.
Việc cha của bạn có hành vi bạo lực gia đình, ngoại tình… đã vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng, theo hướng dẫn tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP là trường hợp có căn cứ để giải quyết việc ly hôn. Hơn nữa, do cha của bạn là người có lỗi dẫn đến việc ly hôn nên Toà án cũng sẽ xem xét để ra những quyết định mang tính có lợi hơn cho mẹ của bạn khi phân chia quyền nuôi con, tài sản.
Lời khai có thể được xem là bằng chứng trong pháp luật, nhưng không phải lúc nào nó cũng được coi là đáng tin cậy. Tính chất của lời khai phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sự tự nguyện của người khai, tính logic và việc có hay không các bằng chứng khác hỗ trợ. Do đó, lời khai của bạn và mẹ của bạn về việc cha của bạn có hành vi bạo lực gia đình, ngoại tình… vẫn có thể xem là chứng cứ.
2. Về quyền nuôi con.
Khi ly hôn, Toà án căn cứ vào một số yếu tố và xem xét “quyền lợi về mọi mặt của con” để quyết định giao con cho vợ hoặc chồng, các yếu tố trên bao gồm:
- Điều kiện, khả năng của cha, mẹ trong việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, bao gồm cả khả năng bảo vệ con khỏi bị xâm hại, bóc lột;
- Quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi, được duy trì mối quan hệ với người cha, mẹ không trực tiếp nuôi;
- Sự gắn bó, thân thiết của con với cha, mẹ;
- Sự quan tâm của cha, mẹ đối với con;
- Bảo đảm sự ổn định, hạn chế sự xáo trộn môi trường sống, giáo dục của con;
- Nguyện vọng của con được ở cùng với anh, chị, em (nếu có) để bảo đảm ổn định tâm lý và tình cảm của con;
- Nguyện vọng của con được sống chung với cha hoặc mẹ.
Căn cứ Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình, con từ 7 tuổi có thể tham gia vào quá trình giải quyết ly hôn và trình bày nguyện vọng của bản thân. Trong trường hợp việc bạn và em trai được giao cho mẹ của bạn nuôi dưỡng thì mẹ của bạn có quyền yêu cầu cha của bạn cấp dưỡng một số tiền để nuôi dưỡng con sau ly hôn.
3. Về việc phân chia tài sản
Tài sản chung của cha mẹ bạn được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
- Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
- Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung;
- Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
- Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Đối với tài sản là căn nhà trên, nếu không có yêu cầu nào khác thì sẽ được chia như sau:
- Một phần tài sản đứng tên chị của mẹ bạn tiếp tục thuộc quyền sở hữu của chị của mẹ bạn. Do quyền sở hữu bất động sản sẽ được ghi nhận căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã cấp.
- Phần giá trị còn lại chia đôi cho cha và mẹ của bạn (có thể thay đổi tỷ lệ dựa theo các yếu tố trên).
Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch. Do đó, có khả năng ngôi nhà trên sẽ được giao cho mẹ bạn để bạn và em trai có thể tiếp tục sinh sống ổn định.
Trên đây là nội dung tư vấn của Văn phòng Luật sư Triển Luật về vấn đề bạn yêu cầu. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ số 213A (Tầng 2) Nguyễn Xí, Phường 13, Quận Bình Thạnh, TPHCM, số điện thoại liên hệ: 0903.121.676 – 077.682.0693 để được tư vấn và giải đáp cụ thể.
Trân trọng.
-
Thắc mắc về phân chia cổ phần
Chào luật sư! Sau đây tôi xin kể tóm tắt câu chuyện của mình. Tôi là Thuỷ có kinh doanh mở tiệm váy cưới với kinh nghiệm 8 năm. Năm 2023 tôi có mở 1 tiệm váy cưới tại 189 Hoàng Cầu với chi phí bỏ ra ban đầu là 1 tỷ và hoạt động bình thường dù kinh doanh chưa đạt mong muốn nhưng vẫn duy trì được. Tháng 1/2025 qua lời giới thiệu của em họ tôi và chị Liên có gặp nhau và 2 bên có thoả thuận làm chung góp vốn chia lợi nhuận. Theo như đã bàn bạc tôi đề ra phương án c Liên góp 200.000.000 cho 50% cổ phần ( bao gồm 50% tài sản hiện có trong cửa hàng - không bao gồm tên thương hiệu, máy tính, máy in ) để nhận về 50% doanh thu. Tất cả thoả thuận đều được 2 bên trao đổi và nhất trí bằng lời nói không có hợp đồng kí kết. Sau khi thoả thuận xong chị Liên đến làm việc theo công việc được phân công và toàn bộ nhân viên đều được thông báo. Trong quá trình làm việc c Liên không hoàn thành công việc, thay đổi nhân sự khiến rối loạn cửa hàng và bất đồng quan điểm rất nhiều khiến cho mọi kế hoạch không còn theo như ban đầu dẫn đến tôi và c Liên cãi nhau rất nhiều. Sau hơn tháng làm việc đã sảy ra nhiều vấn đề khiến cửa hàng ở 189 Hoàng Cầu phải đóng cửa. Tôi rất buồn và bất ngờ vì mất toàn bộ chi phí đầu tư cũng như tâm huyết xây dựng nên cửa hàng. Sau đó tôi đề nghị dừng hợp tác với chị Liên vì kinh doanh không hiệu quả khiến cho cửa hàng không thể hoạt động tiếp. C Liên không đồng ý và muốn tôi tiếp tục làm tiếp ở 1 cửa hàng khác để xây dựng lại từ đầu. Qua những bất đồng tại cửa hàng ở 189 Hoàng Cầu đã xảy ra nên tôi không muốn hợp tác kinh doanh cùng chị Liên nữa. Luật sư cho tôi hỏi tôi muốn dừng hợp tác sau khoảng thời gian 2 tháng làm chung và đề nghị thanh lý vửa hàng chia 50/50 là đúng hay sai? Hay tôi phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền là 200.000.000 cho chị Liên như ý chị mong muốn? Rất mong nhận được câu trả lời công tâm từ LS ! Tôi xin cảm ơn !
Luật sư Hồ Ngọc Hiền Thảo đã trả lời
Thắc mắc về phân chia cổ phần
Chào bạn, về vấn đề bạn đặt ra như trên, chúng tôi có một số ý kiến tư vấn như sau:
Căn cứ theo khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:
“Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.”
Theo đó, bạn và chị Liên thỏa thuận về việc chị Liên góp 200 triệu đồng cho 50% cổ phần và chia doanh thu 50%, đồng thời các bên cùng tham gia quản lý, điều hành tiệm váy cưới cũng được xem là một thỏa thuận “hợp tác kinh doanh”. Ngoài ra, bạn cũng có thể chứng minh thực tế có sự hợp tác này bằng các tin nhắn, email trao đổi giữa các bên; người làm chứng (nhân viên, người giới thiệu, v.v.); các hành vi cụ thể của các bên (trực tiếp quản lý, điều hành, chia lợi nhuận, v.v.) để chứng minh thỏa thuận này hoàn toàn có giá trị pháp lý.
Bạn có quyền đề nghị chấm dứt sự hợp tác giữa các bên khi việc duy trì kinh doanh không đạt hiệu quả như mong đợi. Việc bạn đề nghị thanh lý cửa tiệm và chia 50/50 là hoàn toàn hợp lý với những thỏa thuận ban đầu khi góp vốn hợp tác kinh doanh về việc mỗi bên sở hữu 50% cổ phần. Tuy nhiên, việc này cần phải thỏa thuận với chị Liên (người sở hữu 50% cổ phần) để tránh các tranh chấp về sau.
Bạn có quyền không đồng ý việc chị Liên yêu cầu hoàn trả lại toàn bộ số tiền là 200.000.000 đã góp vốn. Việc chia sẻ thiệt hại trong kinh doanh và việc rút vốn hợp tác ngay từ đầu đã không được các bên thỏa thuận rõ ràng. Tuy nhiên, với việc góp vốn 200.000.000 đồng để sở hữu 50% cổ phần của cửa tiệm và việc chị Liên trực tiếp tham gia quản lý, điều hành cửa tiệm đồng nghĩa với việc chị Liên cũng phải có trách nhiệm với việc kinh doanh không hiệu quả dẫn đến thua lỗ, chưa kể đến việc kinh doanh không hiệu quả phát sinh do một phần lỗi của chị Liên.
Do đó, trừ khi các bên có thỏa thuận từ trước hoặc chị Liên có chứng cứ chứng minh được rằng bạn có dấu hiệu lừa dối, vi phạm cam kết hoặc tự ý rút lui gây thiệt hại hoặc chị Liên không hề được tham gia vào việc kinh doanh của cửa tiệm hoặc toàn bộ kế hoạch đã thỏa thuận chưa được triển khai thì chị Liên mới có quyền yêu cầu bạn hoàn trả lại 200.000.000 đồng đã góp vốn.
Trên đây là nội dung tư vấn của Văn phòng luật sư Triển Luật về vấn đề bạn yêu cầu. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ số 213A (Tầng 2) Nguyễn Xí, Phường 13, Quận Bình Thạnh, TPHCM, số điện thoại liên hệ: 0903.121.676 – 077.682.0693 để được tư vấn và giải đáp cụ thể