
Hồ Ngọc Hiền Thảo
Tổng cộng: 742
-
Điều kiện kết hôn
Tôi và anh ấy đang rối xem có đủ điều kiện kết hôn không. Vì 2 nhà đã có quan hệ thông gia trước đó. Bác tư tôi (anh trai ba tôi) và bà tám của anh ấy(là em gái bà nội anh ấy) là vợ chồng với nhau. Thì trên thực tế chúng tôi có kết hôn với nhau được không.
Luật sư Hồ Ngọc Hiền Thảo đã trả lời
Điều kiện kết hôn
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho VPLS Triển Luật, đối với câu hỏi của bạn, VPLS Triển Luật giải đáp như sau:
Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba theo khoản 18 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Căn cứ vào điểm d khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình
1. Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
2. Cấm các hành vi sau đây:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;
e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
h) Bạo lực gia đình;
i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.
...
Theo đó, những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.
Hành vi kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời là một trong những hành vi bị cấm nhằm bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình theo quy định cụ thể trên.
Phân tích quan hệ huyết thống:
Bạn cung cấp như sau:
- Bác tư của bạn = anh trai của ba bạn (tức là đời thứ 1 so với bạn).
- Bà tám của anh ấy = em gái của bà nội anh ấy → cùng đời với bà nội
(tức là đời thứ 1 so với anh ấy)
- Hai người đó là vợ chồng với nhau, tức là hai bên gia đình đã có mối
quan hệ thông gia (không phải huyết thống trực hệ).
Như vậy bạn và anh ấy không có huyết thống trực hệ, cũng không thuộc phạm vi ba đời huyết thống, mà chỉ là con cháu của hai bên thông gia, nên không thuộc các trường hợp cấm kết hôn theo luật.
Bạn và anh ấy hoàn toàn đủ điều kiện để kết hôn theo quy định của pháp luật hiện hành. Mối quan hệ thông gia giữa hai bên gia đình không làm phát sinh quan hệ huyết thống hay bị cấm kết hôn.
Trên đây là nội dung tư vấn của Văn phòng Luật sư Triển Luật về vấn đề mà bạn yêu cầu. Nếu còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ các vấn đề pháp lý khác, bạn vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ số 213A (Tầng 2) Nguyễn Xí, Phường 13, Quận Bình Thạnh, TPHCM, số điện thoại liên hệ: 0903.121.676 – 077.682.0693 để được tư vấn và giải đáp cụ thể.
- Bác tư của bạn = anh trai của ba bạn (tức là đời thứ 1 so với bạn).
-
Tư vấn phân chia tài sản sau hôn nhân
Nhà tôi có 4 người, gồm ba mẹ, tôi và em trai (đã trên 18 tuổi). Gần đây mẹ tôi phát hiện ba tôi ngoại tình, bà đã khuyên can ông nhưng không những ông không nghe mà còn thách thức ngược lại đòi ly hôn và chia tài sản. Hiện chừ căn nhà tôi đang ở, mẹ tôi phải chăm sóc cho bà nội tôi, vợ tôi và 2 con tôi còn đang sống tại đó. Ba tôi đi làm ngày nghỉ ngày và đang sống trong căn nhà của bà nội tôi. Hiện chừ tài sản nhà tối gồm căn nhà tôi đang ở đứng tên Chủ hộ:*tên ba tôi*, một miếng đất đứng tên ba và mẹ tôi cùng một ít tiền mặt. Mảnh đất đó ba mẹ tôi dự định sẽ sang tên cho tôi để ra riêng nhưng dạo gần đây nghe lời nhân tình ba tôi trở mặt. Mẹ tôi muốn giữ lại tài sản để cho các con nên còn chần chừ chưa đưa ra được quyết định. Bà bị ông xúc phạm danh dự nên chuyện quay lại là không thể. Vậy các luật sư cho tôi hỏi làm thế nào để chia tài sản được nhiều nhất để lo cho cuộc sống của ba mẹ con tôi.
Luật sư Hồ Ngọc Hiền Thảo đã trả lời
Tư vấn phân chia tài sản sau hôn nhân
Chào bạn, về vấn đề bạn đặt ra như trên, chúng tôi có một số ý kiến tư vấn như sau:
Về nguyên tắc chia tài sản chung khi ly hôn, căn cứ theo Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
“Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn
1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.
2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.
Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
6. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này.”
Theo đó, Tòa án sẽ căn cứ vào yêu cầu của các bên khi ly hôn để làm căn cứ phân chia tài sản chung. Nếu một bên có yêu cầu cụ thể, một bên không thì Tòa án sẽ giải quyết theo yêu cầu cụ thể của một bên trừ trường hợp xét thấy cần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bà mẹ, trẻ em. Do vậy khi làm đơn ly hôn, mẹ bạn cần đưa ra yêu cầu chi tiết cho Tòa án. Trường hợp không có yêu cầu cụ thể hoặc yêu cầu của vợ chồng đối lập nhau thì Tòa án sẽ căn cứ theo quy định pháp luật giải quyết.
Trong trường hợp nếu cha, mẹ bạn ly hôn thì tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, tuy nhiên bạn có thể cung cấp cho Tòa án những chứng cứ có lợi cho mẹ bạn như: hoàn cảnh của mẹ bạn, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mẹ bạn vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này để yêu cầu chia phần hơn và cũng cấp thông tin người có lỗi dẫn đến ly hôn như ngoại tình, v.v. để Tòa án có thể xem xét quyết định mức sở hữu tài sản nhỏ hơn so với người còn lại.
Trên đây là nội dung tư vấn của Văn phòng Luật sư Triển Luật về vấn đề bạn yêu cầu. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ số 213A (Tầng 2) Nguyễn Xí, Phường 13, Quận Bình Thạnh, TPHCM, số điện thoại liên hệ: 0903.121.676 – 077.682.0693 để được tư vấn và giải đáp cụ thể.
-
Vấn đề về thủ tục nhận cha con
Cho em hỏi: năm nay em 2003 và chồng em 2007, em có em bé dự sinh 15/5 nhưng 28/06 chồng em chỉ mới đủ 18t thì khi đăng ký khai sinh cho con em có được lấy họ cha và thông tin của cha không ạ, em tham khảo luật thấy làm thủ tục nhận cha con, nhưng không biết rằng cha chưa đủ tuổi có ảnh hưởng gì đến việc làm thủ tục này không ạ. Em cám ơn
Luật sư Hồ Ngọc Hiền Thảo đã trả lời
Vấn đề về thủ tục nhận cha con
Câu hỏi của bạn liên quan đến việc đăng ký khai sinh cho con khi người cha chưa đủ 18 tuổi vào thời điểm làm thủ tục. Theo đó, VPLS xin được giải đáp như sau:
Về việc đăng ký khai sinh và ghi thông tin người cha:
Theo quy định tại Điều 4 và Khoản 3 Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hộ tịch:
“3. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 của Luật Hộ tịch thì Ủy ban nhân dân kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh; nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.
Do bạn và chồng chưa đăng ký kết hôn, nên để ghi tên cha vào trong giấy khai sinh của cháu bé thì chồng bạn phải làm thủ tục nhận cha cho con tại cơ quan hộ tịch cấp xã/phường nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ, kèm theo hồ sơ là chứng cứ để chứng minh quan hệ cha con (như được hướng dẫn tại Điều 14 Thông tư 04/2020/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 16/7/2020). Theo đó, UBND xã/phường sẽ kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh theo Điều 16, Điều 25 Luật Hộ tịch 2014.
Cũng theo Luật Hộ tịch 2014, thời hạn đăng ký khai sinh là trong vòng 60 ngày kể từ ngày con được sinh ra. Nếu bạn đăng ký khai sinh cho con sau thời gian này thì sẽ bị phạt vi phạm hành chính về hành vi chậm đăng ký.
Về việc người cha chưa đủ 18 tuổi thì có làm được thủ tục nhận con không?
Theo quy định tại Điều 20 Bộ luật Dân sự 2015, người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Vì chồng bạn chưa đủ 18 tuổi tại thời điểm bạn sinh con (dự sinh 15/5/2025) nên chồng bạn chưa có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để tự mình thực hiện thủ tục nhận con tại thời điểm đó, tuy nhiên việc xác lập quan hệ cha – con vẫn có thể được thực hiện nhưng phải thông qua người đại diện hợp pháp của chồng bạn (ví dụ: cha mẹ của chồng bạn). Nếu chồng bạn muốn tự mình thực hiện thủ tục nhận cha cho con thì có thể đợi đến lúc chồng bạn đủ 18 tuổi (28/06/2025).
Trên đây là ý kiến tư vấn pháp lý của Văn phòng Luật sư Triển Luật dựa trên những thông tin bạn cung cấp. Trong trường hợp còn vướng mắc, bạn có thể liên hệ trụ sở VPLS tại số 213A Nguyễn Xí, Phường 13, Quận Bình Thạnh TP.HCM hoặc gọi điện thoại cho Luật sư Thảo số 0776820693 nhé.
-
Nho luat su giup ve giay to dat dai
xin chao luat su . toi bi mat giay to dat va bay gio toi muon lam lai giay to nen toi muon nho luat su giup . xin luat su vui long lien he va cho toi cau tra loi som a . xin chan thanh cam on
Luật sư Hồ Ngọc Hiền Thảo đã trả lời
Nho luat su giup ve giay to dat dai
Căn cứ theo Điều 39 Nghị định 101/2024/NĐ-CP trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đã cấp do bị mất như sau:
“1. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 11/ĐK ban hành kèm theo Nghị định này đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại Khoản 1 Điều 21 của Nghị định này.
Trường hợp cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 21 của Nghị định này thì chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai.
2. Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau:
a) Kiểm tra thông tin về Giấy chứng nhận đã cấp mà người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất khai báo bị mất trong hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai;
b) Trường hợp phát hiện thửa đất, tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận đã được chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc đang thế chấp tại các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật thì thông báo, trả lại hồ sơ cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất;
c) Trường hợp không thuộc quy định tại điểm b khoản này thì Văn phòng đăng ký đất đai chuyển thông tin đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất để thực hiện nội dung quy định tại khoản 3 Điều này đối với hộ gia đình, cá nhân; thực hiện đăng tin 03 lần trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương trong thời gian 15 ngày về việc mất Giấy chứng nhận đã cấp đối với tổ chức, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, chi phí đăng tin do người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất chi trả;
d) Thực hiện việc hủy Giấy chứng nhận đã cấp; cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai sau khi đã thực hiện các nội dung quy định tại khoản 3 Điều này; cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người được cấp.
Trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp chưa sử dụng bản đồ địa chính hoặc trích đo bản đồ địa chính thửa đất thì thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 37 của Nghị định này.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:
a) Niêm yết công khai về việc mất Giấy chứng nhận đã cấp tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và điểm dân cư nơi có đất trong thời gian 15 ngày; đồng thời tiếp nhận phản ánh trong thời gian niêm yết công khai về việc mất Giấy chứng nhận đã cấp;
b) Trong thời hạn không quá 05 ngày kể từ ngày kết thúc thời gian niêm yết, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lập biên bản kết thúc niêm yết và gửi đến Văn phòng đăng ký đất đai.
4. Trường hợp Trang bổ sung của Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của pháp luật đất đai trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành bị mất thì người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 11/ĐK ban hành kèm theo Nghị định này và bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp. Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra thông tin của Trang bổ sung trong hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; thực hiện cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất với các thông tin cập nhật của Giấy chứng nhận đã cấp và thông tin trên Trang bổ sung”.
Như vậy, để được cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bạn cần nộp Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 11/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ là Bộ phận Một cửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Trên đây là nội dung tư vấn của Văn phòng luật sư Triển Luật về vấn đề bạn yêu cầu. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ số 213A (Tầng 2) Nguyễn Xí, Phường 13, Quận Bình Thạnh, TPHCM, số điện thoại liên hệ: 0903.121.676 – 077.682.0693 để được tư vấn và giải đáp cụ thể.
Trân trọng.
-
Kiện Hợp đồng giả tạo
Vào tháng 10 năm 2022 khi tôi nhờ bà Trần Thị Kim Duyên tìm cách vay hộ tôi số tiền đề làm ăn , phương án ban đầu bà Duyên đưa ra phương án ban đầu là vợ chồng tôi đứng ra ký bảo lãnh choc ty của bà đứng vay trên sổ đỏ của vợ chồng tôi nhưng sau 1 tháng bà Duyên báo lại là để ngân hàng cho vay thì phải có tên vợ chồng bà Duyên trong sổ ngân hàng mới cho vay, Ban đầu tôi không đồng ý nhưng sau vài lần bà Duyên thuyết phục và gia đình tôi cũng cần vốn nên tôi đồng ý. - Vào ngày 15 tháng 12 năm 2022 vợ chồng tôi và vợ chồng bà Trần Thị Kim Duyên có ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 20 tờ bản đồ số 61 tại địa chỉ lô 15 khu BT-02, khu đô thị Hòa Quý, quận Ngũ Hành sơn tại văn phòng công chứng Nguyễn Thị Thanh, địa chỉ 95 Võ Chí Công, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng để phục vụ cho việc hoàn tất hồ sơ để công ty công ty TNHH NĂNG LƯỢNG XÂY DỰNG KHANG GIA do bà Trần Thị Kim Duyên làm giám đốc vay ngân hàng. Thực chất không có giao dịch mua bán ở đây vì vợ chồng tôi không có bán nhà và vợ chồng bà Trần Thị Kim Duyên cũng không có nhu cầu mua nhà - Sau khi bà Duyên đã hoàn tất hồ sơ để vay tiền thì đến ngày 13 tháng 02 năm vợ chồng tôi và vợ chồng bà Duyên cùng bảo lãnh cho ty công ty TNHH NĂNG LƯỢNG XÂY DỰNG KHANG GIA do bà Trần Thị Kim Duyên làm giám đốc vay tiền tại ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh Đống Đa, địa chỉ : 71 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội theo HỢP ĐỐNG THẾ CHẤP BẤT ĐỘNG SẢN SỐ 01/2023/4730702/HĐTC tại văn phòng công chứng Phạm Văn Vinh, địa chỉ số 15G Hà Huy Tập, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng. - Sau khi giải ngân ra 6 tỷ tiền ngân hàng bà Duyên báo sẽ giao cho tôi 3 tỷ và công ty sử dụng 3 tỷ nhưng sau vài lần hẹn và chốt vào 30/04 sẽ vào Đà Nẵng giao tiền cho tôi nhưng đã nhắc tôi nhiều lần anh chị cân nhắc cho kỹ chứ nhận tiền là mất nhà và nhận tiền là viết giấy nhận tiền thanh toán 50% giá trị bất động sản và nguy cơ mất nhà là rất cao.( mục đích là để bà Duyên sử dụng trọn khoản vay mà không muốn giao cho tôi sử dụng số tiền vay). Sau đó vợ chồng tôi suy nghĩ quyết định không vay nữa nên không nhận tiền và yêu cầu vợ chồng bà Duyên trả lại tiền vay ngân hàng và rút sổ về chuyển lại 50% giá trị tài sản cho vợ chồng tôi. - Bà Duyên đã hẹn rất nhiều lần với nhiều lý do khác nhau nhưng mục đích là để kéo dài thời gian sử dụng vốn ngân hàng và vô trách nhiệm với khoản vay. - Tôi gặp và yêu cầu bà Duyên viết giấy xác nhận là việc mua bán nhà là để hợp thức hóa hồ sơ vay tiền nhưng bà Duyên không chịu viết và hướng tôi là vợ chồng bà viết giấy nhận 3 tỷ của vợ chồng bà xem như vợ chồng bà đồng ý trả lại 50% giá trị tài sản để vợ chồng tôi yên tâm và sau đó có vài buổi làm việc( có biên bản và nội dung ghi âm kèm theo) - Việc vô trách nhiệm đó được thể hiện bà Duyên để quá hạn ngân hàng 1 năm và chậm đóng lãi và có nguy cơ ngân hàng quá giá tài sản của vợ chồng tôi để thu hồi nợ vì tài sản không phải của bà Duyên nên bà Duyên không quan tâm và thất trách với ngân hàng mặc dầu bà Duyên có rất nhiều tài sản khác là BĐS và muốn tôi đứng tên một trong những tài sản của Duyên để vay ngân hàng khác lấy tiền về nộp vào ngân hàng để lấy sổ tôi về( bà Duyên nói đây là cách nhanh nhất và nói nhiều lần ) nhưng tôi thấy quá rủi roc ho bản than nên tôi từ chối và yêu cầu bà Duyên rút sổ về cho vợ chồng tôi. - Đến thời điểm hiện tại tôi gọi điện và nhắn tin cả 2 vợ chồng đều không trả lời
Luật sư Hồ Ngọc Hiền Thảo đã trả lời
Kiện Hợp đồng giả tạo
Chào bạn,
Vui lòng liên hệ trực tiếp với VPLS Triển Luật chúng tôi theo địa chỉ số 213A (Tầng 2) Nguyễn Xí, Phường 13, Quận Bình Thạnh, TPHCM, số điện thoại liên hệ: 0903.121.676 – 077.682.0693 để được tư vấn và giải đáp cụ thể.
Trân trọng.
-
VẬN CHUYỂN THUỐC LÁ
CHO EM HỎI, VÀO NGÀY 12 THÁNG 02 E CÓ BỊ BẮT VỀ TỘI VẬN CHUYỂN THUỐC LÁ NHẬP LẬU, VỚI SỐ LƯỢNG 250 BAO, E ĐÃ ĐÓNG PHẠT, VÀ VÀO NGÀY 24 THÁNG 03 E CŨNG BỊ BẮT VỀ TỘI ĐÓ MỘT LẦN NỮA VỚI SỐ LƯỢNG 260 BAO VẬY E CÓ BỊ TRUY CỨU HÌNH SỰ KO Ạ. LÀM CÁCH NÀO ĐỂ E ĐƯỢC XỬ MỨC ÁN THẤP NHẤT
Luật sư Hồ Ngọc Hiền Thảo đã trả lời
VẬN CHUYỂN THUỐC LÁ
Chào bạn, trước tiên xin cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho VPLS Triển Luật.
Ngày 12/02 bạn đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vận chuyển hàng cấm, đến ngày 24/3 bạn tiếp tục bị bắt về hành vi vận chuyển hàng cấm cụ thể là bạn vận chuyển 260 bao thuốc lá điếu nhập lậu, như vậy hành vi của bạn đã cấu thành tội “Vận chuyển hàng cấm” quy định tại Điều 191 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
“Điều 191. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 239, 244, 246, 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
…
b) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;
…
e) Hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.”
Để được xem xét áp dụng hình phạt thấp nhất bạn cần hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, bạn phải thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi của mình đã làm. Nếu không thể tự mình bào chữa thì bạn nên tìm một Luật sư để làm cùng bạn tham gia làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng và bào chữa cho bạn tại phiên tòa để bảo về tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho bạn.
Trên đây là nội dung tư vấn của Văn phòng Luật sư Triển Luật về vấn đề bạn yêu cầu. Để được tư vấn cụ thể hơn hoặc cần hỗ trợ các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ số 213A (Tầng 2) Nguyễn Xí, Phường 13, Quận Bình Thạnh, TPHCM, số điện thoại liên hệ: 0903.121.676 – 077.682.0693 để được tư vấn và giải đáp cụ thể.
-
Luật sư có làm việc qua Facebook
Tôi có tìm thấy một nhóm hỗ trợ lấy lại tiền treo lừa đảo qua các ứng dụng thì được người ta giới thiệu. Cho luật sư không biết luật sư có làm việc qua cái nhóm đó không ạ
Luật sư Hồ Ngọc Hiền Thảo đã trả lời
Luật sư có làm việc qua Facebook
Khả năng cao là cùng là hệ sinh thái lừa đảo hết đó bạn.
Việc cần làm bây giờ là trình báo toàn bộ sự việc và cung cấp chứng cứ cho Công an gần nhất nơi bạn đang sinh sống. Việc lấy lại tiền được hay không thì không ai dám hứa đâu bạn nhé.
Thanks.
-
Bị lừa đảo qua mạng
Tôi có thể làm hồ sơ giải ngân tiền treo trên mạng và nhận lại tiền được không.
Luật sư Hồ Ngọc Hiền Thảo đã trả lời
Bị lừa đảo qua mạng
Chia buồn với bạn nhé, cùng là hệ sinh thái lừa đảo hết đó bạn.
Việc cần làm bây giờ là trình báo toàn bộ sự việc và cung cấp chứng cứ cho Công an gần nhất nơi bạn đang sinh sống. Việc lấy lại tiền được hay không thì không ai dám hứa đâu bạn nhé.
Thanks.
-
Bố ngoại tình và mẹ không muốn ly hôn
Tình huống: Ba tôi đã không chung thủy trong nhiều năm. Mẹ tôi có bằng chứng (ảnh chụp màn hình và tin nhắn khiêu khích từ bên kia nhưng tôi không chắc bà đã lưu trữ hay có ý định sử dụng nó không), và bà ấy liên tục yêu cầu tôi giúp bà truy cập vào tài khoản Zalo của ông ấy để đọc tin nhắn, nhưng tôi từ chối. Ông đã mua một chiếc điện thoại thứ 2 không có sim để truy cập Zalo, và cũng để tránh bị truy cập bằng mã QR trên thiết bị khác. Điều bà ấy lo lắng: 1. Ông ấy gửi tiền cho phụ nữ ngoài hôn nhân (không phải họ hàng huyết thống hay quan hệ vay mượn). Bà sợ sẽ có người khác thay thế và tiếp tục lấy tiền từ gia đình, vì năm nay ông đã mua điện thoại cũ để tiếp tục hành vi mờ ám. 2. Liệu số tiền (nếu xác nhận bị gửi ra ngoài) này có được tính là một phần tài sản chung của gia đình không. Điều tôi muốn hỏi: 1. Theo luật pháp của nước, nếu một người đã kết hôn chuyển tiền từ thu nhập chung cho người khác (không phải gia đình) mà không có sự đồng ý của vợ/chồng, thì điều đó có được coi là làm thất thoát tài sản chung? Tôi không biết rõ tình hình tài chính của bố mẹ như thế nào vì bà không nói và chỉ muốn tôi đăng nhập vào tài khoản Zalo của ông. Tôi khuyên bà về luật dân sự nhưng không có vẻ đã tiếp thu. 2. Có thể yêu cầu hoặc điều tra lịch sử giao dịch đó một cách hợp pháp mà không cần truy cập vào tin nhắn riêng tư của ông ấy không? Nếu có, thì bằng cách nào? 3. Mẹ tôi không có thái độ muốn ly hôn, chỉ muốn đảm bảo tài chính cho con (30, 21 và 17 tuổi) thì một khi bà quyết định hành động pháp lý, thì bằng chứng nào là hợp lệ và được chấp nhận (hồ sơ giao dịch, tin nhắn do nhân tình gửi cho bà ấy, v.v.)? 4. Bà ấy nên thực hiện những bước pháp lý nào ngay bây giờ để bảo vệ an ninh tài chính của bà và các con? Bà làm việc buôn bán và gần như tất cả thu nhập của gia là từ bà, tiền từ việc đề bù giải tỏa gia đình nhận được tôi không biết trạng thái như thế nào. Xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ từ Luật sư.
Luật sư Hồ Ngọc Hiền Thảo đã trả lời
Bố ngoại tình và mẹ không muốn ly hôn
Chào bạn, tình huống của bạn liên quan đến nhiều vấn đề pháp lý về hôn nhân, tài sản chung và bằng chứng trong tranh chấp dân sự. VPLS sẽ trả lời từng vấn đề:
1. Việc chuyển tiền cho người khác có được coi là thất thoát tài sản chung không?
Theo Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân được coi là tài sản chung của vợ chồng, trừ khi có thỏa thuận khác. Nếu bố bạn dùng thu nhập từ lao động, kinh doanh hoặc tài sản chung của vợ chồng để chuyển tiền cho người khác mà không có sự đồng ý của mẹ bạn, điều này có thể bị coi là vi phạm nguyên tắc bình đẳng trong quản lý tài sản chung.
Căn cứ pháp lý: Điều 33, 35, 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Nếu số tiền đó đáng kể và gây ảnh hưởng đến tài chính gia đình, mẹ bạn có thể yêu cầu Tòa án xác định đây là hành vi làm thất thoát tài sản chung.
2. Có thể điều tra lịch sử giao dịch hợp pháp mà không cần truy cập tin nhắn riêng tư không?
Có thể. Một số cách hợp pháp để điều tra lịch sử giao dịch của bố bạn:
- Yêu cầu Ngân hàng cung cấp sao kê giao dịch:
+ Nếu mẹ bạn đứng tên đồng sở hữu hoặc có quyền truy cập tài khoản Ngân hàng nơi ông gửi tiền, bà có thể yêu cầu Ngân hàng cung cấp lịch sử giao dịch.
+ Trường hợp tài khoản chỉ đứng tên ông, Ngân hàng sẽ không cung cấp nếu không có sự đồng ý hoặc có lệnh của Tòa án/Cơ quan điều tra.
- Khởi kiện hoặc tố cáo: Nếu mẹ bạn có nghi ngờ về hành vi tẩu tán tài sản chung, bà có thể làm đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân hoặc đề nghị hòa giải tại UBND cấp xã/phường để yêu cầu bảo vệ tài sản chung. Trong quá trình giải quyết, Tòa án có quyền yêu cầu Ngân hàng cung cấp sao kê, từ đó làm rõ dòng tiền.
Bạn cần khuyên mẹ bạn không nên cố ý đăng nhập Zalo hoặc hack tài khoản vì vi phạm Điều 159 Bộ luật Hình sự 2015 - Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.
3. Bằng chứng hợp lệ trong trường hợp pháp lý
Nếu mẹ bạn muốn bảo vệ quyền lợi tài chính mà không ly hôn, bà có thể thu thập các bằng chứng sau:
- Hồ sơ giao dịch Ngân hàng: Chứng minh việc bố bạn chuyển tiền cho người thứ ba.
- Hợp đồng, giấy tờ tài sản chung: Xác định tài sản chung để tránh tẩu tán.
- Tin nhắn, email, bằng chứng khác: Nếu mẹ bạn có tin nhắn từ người thứ ba xác nhận việc nhận tiền, đây có thể là bằng chứng bổ sung.
- Chứng từ chi tiêu, mua bán tài sản: Nếu có bằng chứng bố bạn dùng tiền chung để mua quà, tài sản cho nhân tình, điều này có thể hỗ trợ việc yêu cầu bồi thường.
4. Những bước pháp lý mẹ bạn có thể thực hiện
Vì mẹ bạn không muốn ly hôn mà chỉ muốn đảm bảo tài chính, bà có thể cân nhắc các bước sau:
- Bước 1: Kiểm soát tài chính gia đình
Rà soát lại các nguồn thu nhập và tài sản chung của gia đình.
Nếu có tài khoản chung, cân nhắc việc quản lý chung chặt chẽ hơn.
- Bước 2: Thu thập bằng chứng hợp pháp
Yêu cầu Ngân hàng cung cấp sao kê nếu có dấu hiệu chuyển tiền bất thường.
Ghi nhận các giao dịch lớn, bất thường từ tài khoản bố bạn.
Không truy cập trái phép vào tài khoản Zalo hoặc điện thoại của bố bạn vì có thể vi phạm quyền riêng tư.
- Bước 3: Tư vấn luật sư và có biện pháp bảo vệ tài sản
Nếu lo ngại bố bạn tiếp tục thất thoát tài sản, mẹ bạn có thể yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để phong tỏa tài sản nếu có bằng chứng hợp lệ.
Nếu tài sản chủ yếu do mẹ bạn tạo ra, bà có thể làm đơn yêu cầu công nhận tài sản riêng.
- Bước 4: Cân nhắc khởi kiện nếu cần thiết
Nếu mẹ bạn phát hiện tài sản chung bị sử dụng trái phép, bà có quyền khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trên đây là nội dung tư vấn của Văn phòng Luật sư Triển Luật về vấn đề bạn yêu cầu. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ số 213A (Tầng 2) Nguyễn Xí, Phường 13, Quận Bình Thạnh, TPHCM, số điện thoại liên hệ: 0903.121.676 – 077.682.0693 để được tư vấn và giải đáp cụ thể.
-
Về việc ly hôn đơn phương khi vợ đã bỏ đi hơn 10 năm, và không chịu làm thủ tục ly hôn.
Kính gửi Luật Sư, Hiện tại tình trạng hôn nhân của tôi đang gặp vấn đề giải quyết ly hôn. tôi và vợ kết hôn năm 2004, đến năm 2008 vợ tôi bỏ đi và chia tay cho đến nay, không liên lạc và không còn ở chung kể từ đó, chúng tôi chưa có con. hiện tại tôi đang muốn kết hôn nên cần làm thủ tục ly hôn vợ cũ nhưng vợ cũ tôi hiện nay không về quê. (vợ tôi quê ở Nam Định) và không biết hiện đang sống ở đâu, không liên lạc được. Tôi ở Phước An, Tuy Phước, Bình Định. Đăng ký kết hôn tại Bình Định. Thủ tục ly hôn trong trường hợp này tôi cần làm gì, và chi phí bao nhiêu ? Mong luật sư tư vấn giúp. Kính mong luật sư giúp đỡ
Luật sư Hồ Ngọc Hiền Thảo đã trả lời
Về việc ly hôn đơn phương khi vợ đã bỏ đi hơn 10 năm, và không chịu làm thủ tục ly hôn.
- Theo quy định của pháp luật, vợ hoặc chồng có quyền yêu cầu ly hôn đơn phương (chỉ một trong hai vợ chồng muốn làm thủ tục ly hôn). Toà án sau khi thụ lý đơn yêu cầu của bạn thì sẽ tổ chức hoà giải, trường hợp hoà giải không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
- Trong trường hợp của bạn, theo hướng dẫn tại điểm a khoản 3 Điều 4 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP là trường hợp “Không có tình nghĩa vợ chồng, ví dụ: vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau; vợ, chồng sống ly thân, bỏ mặc vợ hoặc chồng”.
ð Điều kiện bắt buộc để ly hôn trong trường hợp của bạn là “hoà giải tại Toà án không thành” và chứng minh được việc “vợ của bạn có hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”.
2. Thủ tục ly hôn
Chỉ khi tòa án tuyên bố bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì bạn và vợ mới được xem là đã ly hôn và khi đó bạn mới có thể đăng ký kết hôn với người khác. Thủ tục yêu cầu ly hôn bao gồm những bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị Đơn khởi kiện yêu cầu ly hôn đơn phương và hồ sơ kèm theo đơn khởi kiện, bao gồm:
- Đơn xin ly hôn đơn phương.
- Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
- Bản sao căn cước nhân dân hoặc chứng minh thư nhân dân hoặc bản sao hộ chiếu của bạn và vợ.
- Các giấy tờ chứng minh về tài sản: Giầy chứng nhận Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở… trong trường hợp có tranh chấp chia tài sản khi ly hôn.
- Các giấy tờ, tài liệu khác chứng minh việc vợ của bạn có hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Bước 2: Nộp Đơn khởi kiện, đóng án phí và được thụ lý vụ án
- Hồ sơ khởi kiện đã chuẩn bị bạn nộp tại Toà án nhân dân cấp huyện nơi vợ bạn cư trú (căn cứ điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).
- Sau khi Toà án kiểm tra hồ sơ khởi kiện của bạn và bạn đóng tạm ứng án phí, Toà án sẽ thụ lý đơn, tiến hành giải quyết ly hôn đơn phương. Thời gian giải quyết là từ 4 đến 6 tháng tùy trường hợp.
3. Thủ tục ly hôn với người bị tuyên bố mất tích hoặc bị tuyên bố chết
- Căn cứ Điều 68 và Điều 71 Bộ luật Dân sự 2015, khi vợ bạn biệt tích 02 năm liền trở lên, thì theo yêu cầu của bạn, Tòa án có thể tuyên bố vợ của bạn mất tích. Trong trường hợp biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống, thì theo yêu cầu của bạn, Tòa án có thể tuyên bố vợ của bạn chết.
- Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích, người bị tuyên bố chết xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
- Sau khi thụ lý đơn yêu cầu của bạn, Tòa án sẽ ra quyết định thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú. Thời hạn thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích là 04 tháng, sau đó Toà án sẽ mở phiên họp để giải quyết đơn yêu cầu tuyên bố mất tích của bạn. Sau khi có quyết định tuyên bố của tòa án, sau 3 tháng, sẽ tiến hành xem xét thụ lý hồ sơ ly hôn của bạn.
- Thủ tục ly hôn với người bị tuyên bố mất tích tương tự thủ tục ly hôn thông thường nhưng không cần chứng minh việc “vợ của bạn có hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”. Trong trường hợp vợ của bạn bị tuyên bố đã chết, hôn nhân chấm dứt kể từ thời điểm vợ bạn chết.
4. Luật sư có thể giúp gì cho bạn?
- Luật sư với kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn của mình có thể giúp bạn chuẩn bị và soạn thảo các tài liệu cần thiết như đơn xin ly hôn, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản, và các tài liệu liên quan khác, đảm bảo rằng hồ sơ của bạn đầy đủ và hợp lệ theo yêu cầu của Tòa án.
- Tuy nhiên, chi phí Luật sư khi ly hôn thường không cố định mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như mức độ phức tạp của vụ việc, những tài liệu/chứng cứ bạn đã có/cần thu thập, cũng như vị trí địa lý của bạn. Trong trường hợp của bạn, Luật sư có thể hỗ trợ bạn soạn thảo các đơn từ, tài liệu, chuẩn bị các hồ sơ, chứng cứ từ xa để giúp bạn có thể ly hôn trong thời gian đảm bảo nhất.
- Để có con số chính xác hơn, bạn nên liên hệ trực tiếp và cung cấp thêm các tài liệu bạn có, ví dụ như Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, thông tin tài sản của bạn và vợ để nhận tư vấn và báo giá cụ thể.
Trên đây là nội dung tư vấn của Văn phòng Luật sư Triển Luật về vấn đề bạn yêu cầu. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ số 213A (Tầng 2) Nguyễn Xí, Phường 13, Quận Bình Thạnh, TPHCM, số điện thoại liên hệ: 0903.121.676 – 077.682.0693 để được tư vấn và giải đáp cụ thể.
Trân trọng.