Cố ý gây thương tích
Chào luật sư! Hiện tại em có một đứa em ruột là người bị hại trong vụ cố ý gây thương tích (vụ việc: Hai bên có mâu thuẫn cá nhân qua lời nói, trong buổi chiều cùng ngày thì phía bên người hại đâm đứa em của em làm bị thương tay và cổ nên đưa bệnh viện cấp cứu, may tổng cộng 23 mũi. Trong lúc bị đâm thì phía em của em đã tự vệ nên cầm một cái bát đập lại nhưng không gây thương tích). Gia đình đã báo công an về vụ việc và đã xử lý mời 2 bên lên làm việc, phía công an quyết định khởi tố nhưng gia đình có làm đơn bãi nại cho phía người hại, tưởng đâu vụ việc đã xong nhưng phía công an huyện và viện kiểm sát vẫn mời gia đình em lên nhiều lần. Vậy cho em hỏi trong trường hợp này phía công an và phía viện kiểm sát mời lên nhằm mục đích gì và gia đình phải làm như thế nào?
6 Luật sư trả lời
Chào bạn.
Với câu hỏi của bạn đối chiếu qui định của pháp luật hiện hành tôi đưa ra lời tư vấn như sau:
Trong vụ việc này em của bạn bị người khác đâm gây thương tích, nếu thuộc Khoản 1 ĐIều 104 Bộ luật hình sự thì khi gia đình bạn làm đơn bãi nại thì vụ án sẽ bị đình chỉ. Tuy nhiên trong trường hợp này bị can dùng hung khí nguy hiểm và theo phán đoán của tôi thì tỷ lệ thương tích sẽ lớn nên không thuộc khoản 1. Vì vậy cho dù có đơn bãi nại thì vụ án vẫn được tiến hành tố tụng bình thường.
Thân chào.
Luật sư Thái Bình Dương.
Theo như bạn trình bày thì các cơ quan tiến hành tố tụng (trong trường hợp này là Công an và VKS) mời các bên (thậm chí có quyền triệu tập) lên để làm rõ nội dung vụ việc.
Nếu thương tích của người bị hại từ 31% trở lên hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 104 BLHS, thì mặc dù có đơn bãi nại của phía người bị hại thì CQCSĐT vẫn khởi tố vụ án.
Trong vụ việc này, bị hại đã bị đâm, tức là người gây thương tích có sử dụng \"hung khí nguy hiểm\" nên
nếu thương tật dưới 11% thì CQCSĐT chỉ khởi tố vụ án khi có yêu cầu của người bị hại. Còn nếu thương tật từ 11% trở lên thì CQCSĐT phải khởi tố vụ án, khi đó bãi nại chỉ là tình tiết giảm nhẹ mà thôi.
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay để giải quyết vụ án đó là giám định thương tích. Nếu người bị hại không chịu đi giám định thì không có căn cứ để giải quyết vụ án. Hiện nay luật chưa có chế tài bắt buộc bị hại đi giám định.
Thân chào.
Luật sư Lê Văn Hoan.
Chào bạn !
Theo trình bày và yêu cầu tư vấn của bạn chúng tôi có ý kiến như sau:
Thứ nhất: theo bạn cho biết em của bạn là bị hại trong vụ án cố ý gây thương tích (bằng dao) và em bạn có lấy cái bát đập lại nhưng không gây thương tích cho bên kia. Như vậy em của bạn chỉ là hành động phòng vệ chính đáng và không thể bị xem là tội phạm theo Bộ luật hình sự được nên bạn yên tâm về điều đó.
Thứ hai: theo quy định của Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 và Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì tội cố ý gây thương tích được quy định tại khoản 1 “với tỷ lệ thương tích từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng dùng hung khí nguy hiểm (dao)” thì chỉ bị khởi tố khi có yêu cầu của bị hại. Tuy nhiên trong trường hợp này bạn cho biết gia đình bạn đã làm đơn bãi nại (nghĩa là không có đơn yêu cầu khởi tố từ bị hại) nhưng Công an và Viện kiểm sát vẫn mời em bạn lên làm việc.
Về vấn đề này chúng tôi có ý kiến như sau:
Như trích dẫn ở trên, tội cố ý gây thương tích theo khoản 1 điều 104/134 thì cơ quan Công an và viện kiểm sát sẽ thực hiện khởi tố khi và chỉ khi có yêu cầu từ người bị hại. Tuy nhiên nếu ở khoản 2, 3 và 4 điều 104 và Khoản 2, 3, 4, 5, 6 điều 134 thì dù gia đình bạn có làm đơn bãi nại cơ quan chức năng vẫn tiến hành khởi tố, điều tra, tuy tố và xét xử bình thường. Việc gia đình bạn viết giấy bãi nại chỉ là tình tiết giảm nhẹ cho bị can/bị cáo mà thôi chứ không loại trừ trách nhiệm hình sự.
Trong phần trình bày bạn không cho chúng tôi biết em của bạn mang theo thương tật là bao nhiêu phần trăm (%) mà bạn chỉ chúng tôi biết em bạn bị khâu 23 mũi nhưng không nói rõ khâu ở đâu (tay hay cổ - nếu ở phần cổ tỷ lệ thương tật tương đối cao căn cứ vào (Bản quy định tiêu chuẩn thương tật Ban hành kèm theo Thông tư Liên Bộ Y tế - Lao động - Thương binh và Xã hội số 12-TT/LB ngày 26-7-1995) tuy nhiên đó là điều chúng tôi nói đến phần trách nhiệm của bị can/bị cáo.
Còn phía gia đình bạn, bạn xác định Công an và viện kiểm sát mời gia đình bạn lên nhiều lần. Bạn lưu ý Công an và Viện kiểm sát chỉ “mời” do đó em trai của bạn có thể lên hoặc không lên. Em trai của bạn là bị hại – Còn trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan chức năng. Em bạn không có trách nhiệm phải chứng minh.
Do đó, từ nay trở về sau em trai bạn có thể không cần lên làm việc khi được mời. Trong trường hợp Điều tra viên, kiểm sát viên xuống tận nhà em trai của bạn có thể từ chối làm việc (nếu xét thấy cần thiết).
Theo quy định Bộ luật tố tụng hình sự 2003 thời gian xử lý tin báo tố giác tội phạm là 20 ngày, nếu vụ việc phức tạp có thể gia hạn thêm 1 lần nhưng không quá 2 tháng. Bộ luật tố tụng hình sự 2015 tăng thêm 2 tháng nếu Viện trưởng viện kiểm sát cùng cấp hoặc viện trưởng viện kiểm sát cấp trên xét thấy cần thiết thì có thể gia hạn thêm 1 lần nhưng không quá 2 tháng.
Như vậy nếu áp dụng Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì thời gian giải quyết trình báo tố giác tội phạm không quá 4 tháng 20 ngày.
Trân trọng !
Luật sư Trần Anh Tùng
Luật sư Trần Anh Tùng.
Chào bạn.
Luật sư cám ơn sự tin tưởng của bạn với chúng tôi.
Theo như tình huống bạn nêu trong câu hỏi và đối chiếu với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Bộ luật hình sự thì được xác định như sau:
- Nếu đã khởi tố vụ án rồi thì xác định ai là bị can ai là bị hại? Theo như tình huống em nêu em nói em của em là bị hại trong khi em của em lại là người bị thương.
- Quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì người bị hại là người bị thiệt hại về vật chất - tinh thần do hành vi của bị can/bị cáo gây ra.
Đối với vụ án khởi tố theo yêu cầu của người bị hại thì người bị hại có quyền yêu cầu xử lý hình sự đối với bị can, bị cáo (là người đã gây ra thương tích hoặc thiệt hại khác cho mình) hoặc không yêu cầu xử lý hình sự đối với bị can bị cáo (bãi nại). Nhưng ở tội cố ý gây thương tích thì bị hại có quyền yêu cầu xử lý hình sự nếu thương tích nhẹ, bị truy tố ở khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015 về tội cố ý gây thương tích.
Những trường hợp cụ thể của em bạn là gây thương tích có hung khí nên tùy theo thương tật mà bị khởi tố từ khoản 2 Điều 134 trở lên , với tội danh cố ý gây thương tích thì không có quyền tự tố (quyền tố cáo yêu cầu hoặc bãi nại của bị hại) từ khoản 2 trở đi. Do vậy, nếu Viện Kiểm sát và công an mời đến làm việc em bạn cần đến để biết rõ hơn.
Do vụ việc này cần thêm dữ liệu mới có thể tư vấn rõ cho bạn được, nếu cần thiết hãy gọi cho chúng tôi.
Luật sư Thái Thị Diễm Trúc
Luật sư Thái Thị Diễm Trúc.
Theo quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 và sửa đổi bổ sung thì cơ quan điều tra chỉ khởi tố theo yêu cầu của bị hại, do vậy nếu bị hại có yêu cầu thì mới khởi tố vụ án, khi bị hại rút đơn yêu cầu thì sẽ đình chỉ vụ án, trường hợp của bạn trình bày nếu gia đình bạn bãi nại thì sẽ đình chỉ vụ án, tuy nhiên Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát mời gia đình hai bên để làm rõ việc gia đình bị hại rút đơn yêu cầu có bị ép buộc hay có áp lực nào không hay tự nguyện. Mặt khác tuy không xử lý hình sự về cố ý gây thương tích nhưng vẫn có thể bị xử lý hành chính về trật tự trị an. Để giải quyết dứt điểm vụ việc gia đình bạn và bên kia nên hợp tác với cơ quan điều tra và Viện kiểm sát để họ hoàn thiện hồ sơ theo quy định pháp luật.
Chúc bạn thành công
Luật sư Đặng Văn Sơn
Luật sư Đặng Văn Sơn.
Theo thông tin bạn cung cấp, thì bạn không có cung cấp thông tin về mức thương tật của em bạn là bao nhiêu %, nên mình tư vấn như sau:
Căn cứ vào quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 như sau:
Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
Và Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu người bị hại như sau:
1. Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
2. Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ.
Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
Người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.
Như vậy, theo quy định của pháp luật nếu trường hợp thương tật của em bạn thuộc khoản 1 Điều 104 BLHS thì sẽ thuộc trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu người bị hại, do đó nếu phía gia đình bạn không có đơn yêu cầu khởi tố thì phía cơ quan điều tra và viện kiểm sát sẽ không có quyền khởi tố vụ án. Do đó, việc cơ quan điều tra và viện kiểm sát mời gia đình bạn lên để làm việc có thể để trao đổi một số vấn đề liên quan đến vụ việc, bạn có thể yêu cầu cơ quan công an cung cấp nội dung làm việc với gia đình bạn để bạn có thể nắm rõ.
Trên đây là toàn bộ ý kiến tư vấn của luật sư! Trân trọng.
Luật sư Nguyễn Đức Biên
Luật sư Nguyễn Đức Biên.
Không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm?
Gửi một câu hỏi miễn phí trên diễn đàn công cộng của chúng tôi. Đặt một câu hỏi
Đặt câu hỏi- hoặc -
Tìm kiếm luật sư bằng cách đánh giá và xếp hạng..
Tìm kiếm luật sư