Khi được gửi giấy mời có nhất thiết phải lên làm việc?
Xin kính chào luật sư. Xin hỏi: 1. Khi cơ quan công an gửi gấy mời cho công dân lên làm việc, công dân có nhất thiết phải nhận và thực hiện theo yêu cầu trong giấy mời không? 2. Khi nào cơ quan công an được phép Triệu tập công dân? 3. Thủ trưởng, lãnh đạo cơ quan nơi viên chức công tác có quyền yêu cầu viên chức đến làm việc với cơ quan công an theo gấy mời hoặc giấy triệu tập hay không? Xin trân trọng cảm ơn!
2 Luật sư trả lời
Chào bạn. Tôi trả lời câu hỏi của bạn như sau:
Thứ nhất, khi cơ quan công an gửi giấy mời cho công dân lên làm việc, giấy mời không tạo nghĩa vụ bắt buộc công dân có mặt, công dân có quyền từ chối làm việc trong trường hợp chưa xác định được mình tham gia tố tụng với tư cách gì (bị can, bị cáo, người làm chứng…), chưa được giải thích rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của mình và trong quá trình làm việc xuất hiện các hành vi ép cung, mớm cung hoặc đe dọa của cơ quan công quyền. Tuy nhiên để đảm bảo quyền và lợi ích của mình, người nhận được giấy mời vẫn nên đến cơ quan công an để biết được tình hình vấn đề mình liên quan và tránh ảnh hướng đến quá trình điều tra vụ án.
Thứ hai, Cơ quan công an được phép triệu tập công dân khi có vụ án, tức là có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và xác định rõ (Tư cách tham gia tố tụng), ai là bị can (nghi can), ai là người biết sự việc (làm chứng)…và người triệu tập là một trong những bị can, người liên quan,...
Thứ ba, Thủ trưởng, lãnh đạo cơ quan nơi viên chức công tác có thể yêu cầu viên chức đến làm việc với cơ quan công an theo giấy mời hoặc giấy triệu tập.
Trên đây là phần trả lời về câu hỏi của bạn. Nếu còn điều gì thắc mắc cần được làm rõ bạn có thể liên hệ trực tiếp để được giải đáp.
Trân trọng!
Luật sư Trần Xuân Thành.
Luật sư Trần Xuân Thành.
Về câu hỏi của bạn, Luật sư tư vấn như sau:
1. Về Giấy mời.
Giấy mời là loại giấy được sử dụng trong những trường hợp cơ quan công an, tòa án hay nói chung là các cơ quan tiến hành tố tụng mời những người có liên quan hoặc biết về vụ việc đến làm việc nhằm thu thập thông tin, làm rõ những nội dung có liên quan đến vụ việc. Hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về việc công dân khi nhận được “giấy mời” của cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan công an nói riêng thì bắt buộc phải có mặt theo yêu cầu.
Do đó, đối với giấy mời, người được mời có quyền lựa chọn giữa đến và không đến. Vì là quyền nên việc không đến làm việc theo giấy mời không phải là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, nếu có điều kiện và thời gian, người nhận được giấy mời nên đến làm việc với đơn vị đã gửi giấy mời để biết rõ được mình có liên quan như thế nào đến vụ việc/vụ án. Trong trường hợp, không thể đến theo đúng thời gian ghi trong giấy mời có thể làm đơn nêu lý do vắng mặt gửi lên cơ quan phát hành giấy mời để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
2. Về Trường hợp nào công an được triệu tập công dân.
Điều 35 BLTTHS chỉ quy định cho phép Điều tra viên “được phân công điều tra vụ án hình sự” (tức vụ án đã được khởi tố) có quyền triệu tập và hỏi cung bị can, triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Cũng theo quy định tại khoản 3 Điều 49; khoản 4 Điều 51; khoản 3 Điều 52; khoản 3 Điều 53; khoản 2 Điều 54 và điểm a khoản 4 Điều 55, những đối tượng nêu trên “phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra”. Riêng “bị can”) trong trường hợp “vắng mặt không có lý do chính đáng thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã” theo khoản 3 Điều 49 BLTTHS. Và theo khoản 1 Điều 134 BLTTHS “Trong trường hợp người làm chứng đã được cơ quan điều tra…triệu tập nhưng cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc họ vắng mặt gây trở ngại cho việc điều tra…thì cơ quan đã triệu tập người làm chứng có thể ra quyết định dẫn giải”.
Ngoài ra, khoản 2 Điều 60 và khoản 2 Điều 61 BLTTHS quy định “người giám định” và “người phiên dịch” cũng “phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra”, nhưng lại không quy định cơ quan điều tra được “triệu tập” Người bào chữa và Người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Người bào chữa có quyền “có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can…” theo quy định khoản 2 Điều 58 BLTTHS.
Như vậy, theo Luật định, chỉ khi vụ án đã được khởi tố, thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra đã có quyết định phân công Điều tra viên trong việc điều tra vụ án hình sự (đã khởi tố), lúc ấy, “Điều tra viên được phân công thụ lý chính điều tra vụ án” mới “được ký giấy triệu tập bị can tại ngoại để hỏi cung, triệu tập và lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án”, và phải “theo kế hoạch- đã được Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công chỉ đạo điều tra vụ án- duyệt” (khoản 1.1 mục 1 Thông tư số 01/2006/TT-BCA(C11).
3. Trường hợp nhận được giấy mời hoặc giấy triệu tập của cơ quan công an, thủ trưởng, lãnh đạo đơn vị có thể đề nghị cán bộ nhân viên trong đơn vị phối hợp, hợp tác với bên cơ quan chức năng để tránh ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị.
Trên đây là tư vấn của Luật sư trên cơ sở thông tin bạn cung cấp. Bạn có thể liên hệ trực tiếp với Luật sư để được tư vấn cụ thể hơn.
Trân trọng!
Luật sư Nguyễn Đức Biên
Luật sư Nguyễn Đức Biên.
Không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm?
Gửi một câu hỏi miễn phí trên diễn đàn công cộng của chúng tôi. Đặt một câu hỏi
Đặt câu hỏi- hoặc -
Tìm kiếm luật sư bằng cách đánh giá và xếp hạng..
Tìm kiếm luật sư