LUẬT SƯ LÀ AI? LÀM THẾ NÀO TRỞ THÀNH LUẬT SƯ?
.png)
Ngành Luật nói chung và nghề Luật sư nói riêng là ngành khá hot trong xã hội. Trong nhịp thị trường biến đổi cùng với sự phát triển của công nghệ 4.0, ngành Luật sư không còn quá xa lạ đối với mỗi người dân. Hiện nay, có rất nhiều người mong muốn bảo vệ các quyền và lợi ích của mình về mặt pháp lý, hay các chủ doanh nghiệp mong muốn tư vấn pháp lý về doanh nghiệp, thương mại,…thậm chí là giao dịch có yếu tố nước ngoài. Chính vì thế nhu cầu về tìm hiểu pháp luật, thuê Luật sư đã trở nên khá phổ biến.
1. Vậy Luật sư là ai? Và công việc của Luật sư là gì?
Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo pháp luật và được cấp chứng chỉ hành nghề. Luật sư thực hiện các dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (gọi chung là khách hàng), nghĩa là áp dụng pháp luật vào việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng).
Luật sư thường có các nghĩa vụ gắn liền với lĩnh vực hoạt động của họ như:
Tư vấn và đưa ra lời khuyên pháp luật;
Nghiên cứu và thu thập bằng chứng, chứng cứ để soạn thảo tài liệu phục vụ cho vụ việc, tranh chấp;
Tư vấn soạn thảo hợp đồng; tư vấn trong các giao dịch mua bán;
Thực hiện bào chữa và và đại diện tham gia tranh tụng trước tòa cho khách hàng.
Theo đặc thù công việc, luật sư được phân ra thành Luật sư tư vấn, Luật sư tranh tụng và Luật sư doanh nghiệp:
Khi là Luật sư tư vấn, thường Luật sư sẽ thực hiện tư vấn các vấn đề pháp lý cho khách hàng.
Khi là Luật sư tranh tụng, Luật sư sẽ là người đại diện cho khách hàng, tham gia vào phiên tòa để bào chữa, tranh luận, bảo vệ quyền và lợi ích cho thân chủ.
Khi là Luật sư doanh nghiệp, Luật sư sẽ đóng vai trò như nhà cố vấn cho doanh nghiệp nhằm tư vấn cho giám đốc, ban điều hành của công ty về các vấn đề pháp lý có liên quan tới việc kinh doanh như bằng sáng chế, quy định của chính phủ, hợp đồng với đối tác, thuế…
2. Nguyên tắc hành nghề Luật sư
Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật;
Tuân theo ứng xử nghề nghiệp phù hợp và quy tắc đạo đức hành nghề Luật sư;
Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan;
Sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng;
Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp Luật sư.
3. Quy trình trở thành Luật sư
Bước 1: Tốt nghiệp cử nhân luật.
Học thật tốt và thi đậu vào các trường Đại học Luật, hoặc các trường khác có đào tạo ngành Luật. Thời gian đào tạo bậc Đại học chính quy của cử nhân Luật là 4 năm.
Bước 2: Học khóa học đào tạo nghề Luật sư
Sau khi kết thúc khóa học sẽ được nhận Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề Luật sư (thời gian cho khóa học là 12 tháng).
Bước 3: Tập sự hành nghề Luật sư
Tập sự hành nghề Luật sư tại văn phòng, công ty trong vòng 12 tháng.
Lưu ý: Luật sư hướng dẫn tập sự hành nghề Luật sư phải là người có ít nhất ba năm kinh nghiệm hành nghề Luật sư.
Bước 4: Kiểm tra tập sự hành nghề Luật sư.
Bài kiểm tra tập sự hành nghề Luật sư do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức. Sau thì vượt qua bài kiểm tra này, sẽ được Hội đồng kiểm tra cấp Giấy chứng nhận kết quả kiểm tra tập sự hành nghề luật sư.
Ngược lại nếu không đạt thì sẽ quay lại Bước 3.
Bước 5: Xin cấp Chứng chỉ hành nghề Luật sư
Gửi đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề Luật sư do Bộ Tư pháp ban hành. Hồ sơ đề nghị gồm có:
Phiếu lý lịch tư pháp;
Giấy chứng nhận sức khỏe;
Bản sao Bằng cử nhân luật hoặc bản sao Bằng thạc sĩ luật;
Bản sao Giấy chứng nhận kết quả kiểm tra tập sự hành nghề Luật sư.
Bước 6: Gia nhập Đoàn Luật sư
Sau khi gia nhập Đoàn Luật sư và đóng đoàn phí bắt đầu hành nghề Luật sư ở các tổ chức (hoặc hành nghề với tư cách cá nhân và phải đăng ký với Sở tư pháp địa phương nơi hành nghề). Đồng thời phải tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm để trau dồi thêm kinh nghiệm.
4. Các trường hợp Luật sư bị thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư:
Không còn đủ tiêu chuẩn luật sư quy định tại Điều 10 của Luật Luật sư: “Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề Luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề Luật sư, có sức khỏe bảo đảm hành nghề Luật sư thì có thể trở thành luật sư”;
Được tuyển dụng, bổ nhiệm làm cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp hoặc các vị trí khác.
Không còn thường trú tại Việt Nam;
Thôi hành nghề Luật sư theo nguyện vọng;
Không gia nhập một Đoàn luật sư nào trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề Luật sư;
Không thành lập, tham gia thành lập hoặc làm việc theo hợp đồng lao động cho một tổ chức hành nghề Luật sư hoặc đăng ký hành nghề với tư cách cá nhân trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày gia nhập Đoàn luật sư;
Bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách Luật sư của Đoàn luật sư;
Bị xử phạt hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề Luật sư có thời hạn; bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc;
Bị kết án mà bản án đã có hiệu lực pháp luật.
5. Bảo hiểm trách nhiệm nghề Luật sư
Đây là loại bảo hiểm bắt buộc dành cho Luật sư, theo Khoản 17 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 quy định: “Tổ chức hành nghề Luật sư có trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho Luật sư của tổ chức mình theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm”.
Các tổ chức hành nghề Luật sư bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm Luật sư cho Luật sư của tổ chức mình thông qua hợp đồng bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm này như công cụ bảo vệ Luật sư khi cần thiết, nó có vai trò như sau:
Khả năng bồi thường được thiệt hại cho người bị hại khi tham gia bảo hiểm:
Khi có hậu quả nghiêm trọng xảy ra và có thể vượt qua khả năng chi trả của các Luật sư, bảo hiểm trách nhiệm nghề Luật sư được xem là một giải pháp hỗ trợ phòng ngừa các rủi ro và kịp thời bồi thường đủ các mức tài chính của bên bị thiệt hại.
Trách nhiệm bảo vệ cho Luật sư, các tổ chức hành nghề Luật sư trong quá trình hành nghề thông qua việc bù đắp tài chính.
Trong quá trình hành nghề, đôi lúc các Luật sư sẽ gặp phải những hậu quả nghiêm trọng ngoài mức kiểm soát, thậm chí phải mang tất cả tài sản ra cũng không đủ để bồi thường thiệt hại. Lúc này, người được hưởng bảo hiểm trách nhiệm Luật sư sẽ được bảo hiểm giảm thiểu gánh nặng, giúp ổn định về mặt tài chính cho các Luật sư. Hơn nữa, bảo hiểm trách nhiệm nghề Luật sư hỗ trợ cho các Luật sự về mặt tài chính để phần nào bù đắp được các vấn đề tài chính trong cuộc sống có thể xảy ra khi phải chi trả một khoản bồi thường lớn nếu không có phí bảo hiểm hỗ trợ.
6. Chi phí thuê Luật sư
Việc tìm và thuê Luật sư đã trở nên phổ biến với rất nhiều cá nhân, tổ chức. Tùy thuộc vào các dịch vụ pháp lý khác nhau, do đặc thù công việc mà chi phí thuê Luật sư ở các công ty hay văn phòng Luật sẽ có giá khác nhau. Do đó chi phí thuê Luật sư không chỉ là điều quan tâm từ phía người cung cấp dịch vụ Luật sư mà còn là điều khách hàng quan tâm hàng đầu trong việc đưa ra lựa chọn thuê Luật sư.
Chi phí thuê Luật sư nói chung và thù lao của Luật sư nói riêng được tính trên các căn cứ sau đây:
Mức độ phức tạp của công việc;
Thời gian của Luật sư (hoặc một số Luật sư) bỏ ra để thực hiện công việc;
Kinh nghiệm và uy tín của Luật sư chính, của Văn phòng Luật sư;
Yêu cầu đặc biệt của khách hàng về trách nhiệm, hiệu quả công việc.
Trên thực tế, các hợp đồng thuê Luật sư tùy thuộc vào yêu cầu của khách hàng, đặc thù của công việc, Luật sư và khách hàng có thể áp dụng hợp đồng tính thù lao sau đây:
Tính theo giờ làm việc (tùy thuộc vào uy tín và kinh nghiệm của từng Luật sư);
Thù lao trọn gói theo vụ việc.
Hiện nay chi phí thuê Luật sư có giá dao động từ 10.000.000-20.000.000 đồng/vụ việc, tuy nhiên đây chưa phải là con số cụ thể vì tùy theo tình tiết vụ việc các mức giá có thể sẽ cao hơn hoặc thấp hơn so với giá trên.
Phạm Hoàng Châu
Bài viết của tác giả dành riêng cho iLAW
Lĩnh vực Dân Sự
Không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm?
Gửi một câu hỏi miễn phí trên diễn đàn công cộng của chúng tôi. Đặt một câu hỏi
Đặt câu hỏi- hoặc -
Tìm kiếm luật sư bằng cách đánh giá và xếp hạng..
Tìm kiếm luật sư