KHAI NHẬN DI SẢN VÀ ĐĂNG KÝ BIẾN ĐỘNG

Ba mẹ tôi có hai người con là tôi và em trai. Mẹ tôi mất năm ngoái và để lại một nhà đất mà mẹ được thừa kế từ ngoại. Ông bà ngoại tôi cũng đã mất từ lâu. Nay các anh em tôi muốn để cho ba tôi đứng ra nhận hết toàn bộ tài sản mà mẹ tôi để lại. Như vậy để thực hiện được thì gia đình tôi cần thực hiện trình tự thủ tục này như thế nào?
Cảm ơn bạn vì đã tin tưởng đặt câu hỏi cho chúng tôi. Đối với trường hợp của gia đình bạn, vì mẹ bạn mất không để lại di chúc nên di sản để lại sẽ được phân chia theo pháp luật. Trường hợp hai anh em bạn không muốn nhận phần thừa kế của mình mà muốn để ba bạn đứng ra nhận hết toàn bộ tài sản do mẹ bạn để lại, thì gia đình bạn cần thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế do mẹ bạn để lại và sau đó đăng ký biến động đất đai về thừa kế quyền sử dụng đất. Gia đình cần thực hiện những thủ tục sau:
1. Thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế:
− Người thực hiện: gồm tất cả những người thừa kế theo pháp luật của mẹ bạn.
− Nơi để khai nhận di sản: tổ chức công chứng trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi có bất động sản
− Bộ hồ sơ yêu cầu công chứng gồm:
+ Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó;
+ Giấy chứng tử của mẹ bạn;
+ Giấy tờ tùy thân của các thừa kế như CMND, CCCD,...;
+ Những giấy tờ khác chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản (như: giấy khai sinh của anh/chị/em bạn; giấy chứng tử của ông bà nội; giấy đăng ký kết hôn của bố mẹ bạn …).
− Nội dung văn bản khai nhận: những người thừa kế khác có thể tặng cho toàn bộ quyền hưởng di sản cho ba bạn để ba bạn trở thành chủ sử dụng toàn bộ thửa đất do mẹ bạn để lại.
− Trình tự, thủ tục:
+ Sau khi kiểm tra hồ sơ thấy đầy đủ, phù hợp quy định của pháp luật, tổ chức hành nghề công chứng tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú trước đây của người để lại di sản; trong trường hợp không có nơi thường trú, thì niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó.
+ Trường hợp di sản có bất động sản thì còn phải niêm yết tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi có bất động sản của người để lại di sản.
+ Sau 15 ngày niêm yết, không có khiếu nại, tố cáo gì thì tổ chức công chứng chứng nhận văn bản khai nhận thừa kế.
− Cơ sở pháp lý: Điều 58, 57 Luật Công chứng; Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng
2. Thủ tục đăng ký biến động đất đai
Sau khi khai nhận thừa kế, người được hưởng di sản thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai theo quy định. Thời hạn không quá 30 ngày, tính từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế.
− Người thực hiện: người nhận thừa kế (ba bạn)
− Cơ quan thực hiện đăng ký: Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất.
− Hồ sơ bao gồm:
+ Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK theo Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT;
+ Đơn đề nghị được đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của người thừa kế (trong trường hợp người thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là người duy nhất);
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản gốc);
+ Văn bản khai nhận di sản thừa kế;
+ Văn bản của người sử dụng đất đề nghị được miễn, giảm các Khoản nghĩa vụ tài chính về đất đai (bản chính) và bản sao các giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được miễn, giảm theo quy định của pháp luật (nếu có).
+ Những giấy tờ khác như giấy tờ tùy thân của người đăng ký; Giấy ủy quyền thực hiện hồ sơ;…
− Trình tự, thủ tục:
+ Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
+ Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu đủ điều kiện thực hiện các quyền theo quy định thì thực hiện các công việc sau đây: Gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định; Xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Trường hợp phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất; Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
Sau khi bên nhận thừa kế thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà cho chủ sở hữu.
− Cơ sở pháp lý: Điều 95 Luật Đất đai 2013; Điều 79 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai; Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT; khoản 1 Điều 2 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT.
Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho bạn. Nếu còn bất kì thắc mắc khác thì hãy liên hệ cho chúng tôi thông qua hotline để được giải đáp. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.
Thông tin liên hệ:
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ THỤC VÀ CÔNG SỰ
Địa chỉ: Số 4, Đường số 6, Phường Linh Chiểu, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại/Zalo/Telegram: 091.855.89.68 (Luật sư Nguyễn Hữu Thục)
Email: luatsuthuc@tlaw.com.vn
Lĩnh vực Thừa kế - Di chúc
Không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm?
Gửi một câu hỏi miễn phí trên diễn đàn công cộng của chúng tôi. Đặt một câu hỏi
Đặt câu hỏi- hoặc -
Tìm kiếm luật sư bằng cách đánh giá và xếp hạng..
Tìm kiếm luật sư