Về việc Cty Cổ phần không thực hiện những Điều khoản trong Luật Doanh nghiệp.
Tôi là Cổ đông nắm giữ số lượng cổ phiếu phổ thông trên 10% vốn Điều lệ trong thời gian liên tục lớn hơn 6 tháng và là Ủy viên HĐQT của Công ty Cổ phần. Nhưng Ban điều hành và Ban Kiểm soát không cung cấp các Hồ sơ tài liệu theo yêu cầu của tôi theo các quyền của Cổ đông nắm giữ số lượng cổ phiếu phổ thông trên 10% vốn Điều lệ trong thời gian liên tục lớn hơn 6 tháng và quyền được cung cấp thông tin của Ủy viên HĐQT theo Luật Doanh nghiệp và Điều lệ hoạt động của Công ty. Điều lệ Công ty chỉ cho phép Cổ đông nắm giữ 1% Vốn Điều lệ trở lên mới được tham dự họp Đại hội đồng cổ đông. Năm 2015 Công ty không tổ chức họp Đại hội đồng Cổ đông thường niên, Hội đồng quản trị cũng không họp theo quy định là 3 tháng 1 lần. Năm 2014, Cty đã thoái hết vốn nhà nước tại Doanh nghiệp, nhưng đến năm 2015 Cơ quan Công an đã phát hiện cty có sử dụng hóa đơn khống của những cty mà chuyện buôn bán hóa đơn và đã đưa vào hạch toán từ những năm 2012 đến 2015. Với những vi phạm như trên, tôi phải gửi đơn đến các cơ quan quản lý nhà nước hay Tòa án cấp nào để xử lý các vi phạm đó. Kính mong Luật sư tư vấn giúp. Xin chân thành cảm ơn.
TIN LIÊN QUAN:
Dịch vụ pháp lý trọn gói: TƯ VẤN PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP
3 Luật sư trả lời
Chào ông Nguyễn Hoàng Bách! Luật sư Dương Văn Mai, Công ty Luật Bách Dương, Đoàn luật sư Hà Nội tư vấn cho ông như sau:
Sự việc này liên quan tới hai quan hệ thứ nhất là quan hệ trong nội bộ doanh nghiệp giữa các cổ đông, thành viên công ty về quyền của cổ đông theo đó ông có thể gửi đơn thư đến cơ quan quản lý doanh nghiệp là Sở kế hoạch và đầu tư, thanh tra của Sở kế hoạch và đầu tư để có biện pháp can thiệp giúp đỡ ông. Trường hợp nghiêm trọng hơn ông có thể gửi đơn khởi kiện tại tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự;
Thứ hai liên quan tới việc sử dụng hóa đơn chứng từ kế toán thì ông có quyền gửi đơn thư đến cơ quan quản lý thuế, thanh tra thuế để họ giải quyết theo quy định chung của pháp luật.
Đó là một số thông tin cơ bản luật sư có thể tư vấn giúp ông, nếu có thêm các thông tin khác làm thay đổi tính chất sự việc ông có thể cung cấp tiếp cho chúng tôi để được tư vấn giúp đỡ tiếp./.
Chúc ông mạnh khỏe!
Luật sư Dương Văn Mai.
Đối với câu hỏi của bạn, luật sư tư vấn như sau:
Trong trường hợp này, đây là những hành vi vi phạm việc quản lý điều hành công ty. Do vậy, nếu bạn muốn xử lý những hành vi vi phạm này, bạn phải làm đơn đến thanh tra Sở kế hoạch đầu tư nơi công ty có trụ sở, để cơ quan thanh tra tiến hành điều tra xác minh và xử lý nếu có hành vi vi phạm, và tùy vào hành vi vi phạm công ty sẽ phải chịu những hình thức xử phạt khác nhau, như hành vi không mở cuộc họp đại hội đồng cổ đông thì có thể bị xử phạt từ 5.000.000- 10.000.000 đồng theo khoản 1 Điều 34 Nghị định 50/2016/NĐ-CP.
Trên đây là toàn bộ ý kiến tư vấn của luật sư! Trân trọng.
Luật sư Nguyễn Đức Biên
Luật sư Nguyễn Đức Biên.
Về quy định tại Điều lệ Công ty chỉ cho phép Cổ đông nắm giữ 1% Vốn Điều lệ trở lên mới được tham dự họp Đại hội đồng cổ đông:
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2014, cổ đông có quyền tham dự và phát biểu trong các ĐHCĐ và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện theo ủy quyền hoặc theo hình thức khác do pháp luật, Điều lệ công ty quy định. Mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014 - Giải thích từ ngữ: “Cổ đông là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần”.
Như vậy, mỗi cổ đông, dù chỉ sở hữu 1 cổ phần cũng có quyền tham dự và biểu quyết tại ĐHCĐ, Luật doanh nghiệp 2014 không quy định về giới hạn phần trăm số vốn điều lệ trở lên mới được tham dự họp Đại hội đồng cổ đông. Quy định này của công ty bạn là không phù hợp theo quy định của pháp luật.
Về vấn đề không họp đại hội đồng cổ đông thường niên:
Tại Khoản 2 Điều 136 Luật Doanh nghiệp 2014 có quy định như sau:
“2. Đại hội đồng cổ đông phải họp thường niên trong thời hạn 04 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Theo đề nghị của Hội đồng quản trị, Cơ quan đăng ký kinh doanh có thể gia hạn, nhưng không quá 06 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính”.
Theo quy định nêu trên thì công ty cổ phần mỗi năm phải họp thường niên trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Trong một số trường hợp, công ty bạn có thể gia hạn thời hạn họp Đại hội đồng cổ đông nhưng không được quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Nếu công ty không họp thường niên theo quy định thì có thể bị phạt theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 34 Nghị định 50/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2016 như sau:
“Điều 34. Vi phạm khác liên quan đến tổ chức, quản lý doanh nghiệp
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông thường niên trong thời hạn quy định”.
Về hành vi sử dụng hóa đơn khống:
Theo như bạn cho biết thì công ty bạn đã sử dụng hóa đơn khống của những cty mà chuyện buôn bán hóa đơn và đã đưa vào hạch toán từ những năm 2012 đến 2015 nên theo quy định tại điều 23 Thông tư số: 39/2014/TT-BTC như sau:
“ Điều 23. Sử dụng bất hợp pháp hóa đơn
1. Sử dụng bất hợp pháp hóa đơn là việc lập khống hóa đơn; cho hoặc bán hóa đơn chưa lập để tổ chức, cá nhân khác lập khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (trừ các trường hợp được sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế bán hoặc cấp và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn theo hướng dẫn tại Thông tư này); cho hoặc bán hóa đơn đã lập để tổ chức, cá nhân khác hạch toán, khai thuế hoặc thanh toán vốn ngân sách; lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc; lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên; dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác.
2. Một số trường hợp cụ thể được xác định là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn:
– Hóa đơn có nội dung được ghi không có thực một phần hoặc toàn bộ.
– Sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để bán ra, để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra để gian lận thuế, để bán hàng hóa nhưng không kê khai nộp thuế.
– Sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để bán hàng hóa, dịch vụ, nhưng không kê khai nộp thuế, gian lận thuế; để hợp thức hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ.
– Hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn.
– Sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ mà cơ quan thuế, cơ quan công an và các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.”
Do bạn không cung cấp đầy đủ thông tin nên chúng tôi sẽ chia làm hai trường hợp:
Về hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự:
Việc doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, tùy từng trường hợp có thể bị xử lý hình sự về 1 trong các tội sau: tội trốn thuế theo quy định tại Điều 161 Bộ luật hình sự với số tiền từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này.
Hoặc Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 164a Bộ luật hình sự với số lượng lớn hóa đơn.
Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC, số lượng lớn hóa đơn đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số được coi là lớn; từ 30 số trở lên được coi là rất lớn, đặc biệt lớn.
Nếu với số lượng hóa đơn mà công ty bạn sử dụng và số tiền trên hóa đơn, chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan công an đã chuyển hồ sơ sang chi cục thuế để điều tra vi phạm và xử phạt hành chính.
Xử lý vi phạm hành chính:
Nếu chi cục thuế điều tra và xác minh được công ty bạn sử dụng trái phép hóa đơn với mục đích trốn thuế thì công ty bạn sẽ bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế với mức xử phạt từ 1 đến 3 lần số tiền trốn thuế theo quy định tại Nghị định 129/2013/NĐ - CP và Thông tư 166/2013/TT - BTC quy định xử lý vi phạm về thuế.
Trường hợp điều tra kết luận rằng công ty bạn sử dụng trái phép hóa đơn nhưng không dẫn đến hành vi trốn thuế, vi phạm về thuế thì sẽ bị xử lý vi phạm đối với hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp theo quy định tại Nghị định 109/2013/NĐ- CP và Thông tư 10/2013/TT - BTC xử lý vi phạm hành chính về hóa đơn. Trường hợp này công ty bạn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Bạn cần tố cáo hành vi này lên cơ quan công an để được xử lý.
Trên đây là phần tư vấn của tôi cho câu hỏi của bạn, nếu còn thắc mắc thì bạn hãy liên lạc trực tiếp để được tư vấn cụ thể hơn nhé.
Luật sư Vũ Văn Toàn
Luật sư Vũ Văn Toàn.
Không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm?
Gửi một câu hỏi miễn phí trên diễn đàn công cộng của chúng tôi. Đặt một câu hỏi
Đặt câu hỏi- hoặc -
Tìm kiếm luật sư bằng cách đánh giá và xếp hạng..
Tìm kiếm luật sư