Điều kiện ly hôn đơn phương
Thưa luật sư tôi là Trần Thị Loan. Gia đình tôi đang gặp vấn đề ly hôn. Bố tôi bị đi tù 7 năm nay và được về, thì trong qúa trình bố cải tạo mẹ tôi có quan hệ với người khác và có con riêng. Sau khi bố về, mẹ tôi làm đơn ly hôn. Bố tôi không chịu. Mẹ tôi làm đơn ly hôn đơn phương được không? Và bố tôi có quyền tố cáo mẹ phạm luật hôn nhân gia đình không?
TIN LIÊN QUAN:
Dịch vụ pháp lý trọn gói: LY HÔN THUẬN TÌNH
5 Luật sư trả lời
Chào bạn!
Tòa án giải quyết ly hôn căn cứ vào tình trạng hôn nhân chứ không phụ thuộc vào một bên có đồng ý hay không. Vì vậy tòa hoàn toàn có thể giải quyết ly hôn đơn phương.
Bố bạn có thể tố cáo mẹ bạn vi phạm chế độ một vợ một chồng. Nếu việc vi phạm chế độ một vợ một chồng của mẹ bạn gây hậu quả nghiêm trọng (Làm cho dẫn đến một hoặc hai bên ly hôn) hoặc đã bị xử lý hành chính thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thân!
Luật sư Đặng Hồng Phương
Luật sư Đặng Hồng Phương.
Chào bạn, câu hỏi của bạn có 02 vấn đề.
1. Về việc đơn phương ly hôn của mẹ bạn, thì theo quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình, Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì mẹ của bạn có quyền nộp đơn ly hôn đơn phương tại Toà án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của cha bạn. Toà án sẽ thụ lý giải quyết theo quy định pháp luật.
2. Về việc tố cáo mẹ bạn vi phạm Luật hôn nhân và gia đình thì cha bạn hoàn toàn có quyền làm đơn yêu cầu xử lý đối với những người vi phạm đến chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác; hoặc người chưa có gia đình mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ. Người vi phạm quy định nói trên, tùy theo mức độ vi phạm đối với từng trường hợp cụ thể, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
* Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính:
Chồng làm ảnh hưởng đến quan hệ hôn nhân của cha mẹ bạn theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Trường hợp nghiêm trọng thì có thể
Theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng được áp dụng đối với người có hành vi \"đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc “chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngoài hình thức phạt tiền trên, người vi phạm còn bị buộc chấm dứt quan hệ hôn nhân trái pháp luật.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình là một năm kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện.
Trong thời hạn trên nếu người vi phạm thực hiện vi phạm hành chính mới trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt không được áp dụng. Thời hiệu xử phạt được tính lại kể từ thời điểm thực hiện vi phạm hành chính mới hoặc thời điểm người vi phạm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
* Trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự
Khoản 1 Điều 147 Bộ luật hình sự quy định về tội “vi phạm chế độ một vợ, một chồng” như sau: “Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm”.
Theo quy định trên, người có hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 147 Bộ luật hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm;
- Chưa bị xử phạt hành chính nhưng gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo quy định tại mục 1 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC thì người bị coi là “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” nếu trước đó người nào đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật hình sự nói trên nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà lại thực hiện hành vi đó hoặc thực hiện một hành vi khác được quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật hình sự.
Thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2008) là một năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo quy định tại mục 3 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC, hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng “gây hậu quả nghiêm trọng” là có thể làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát...
Ngoài ra, khoản 2 Điều 147 Bộ luật hình sự cũng quy định: “Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của tòa án tiêu hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
Theo hướng dẫn tại mục 3 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/9/2001 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng các quy định của chương XV “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của Bộ luật hình sự năm 1999 thì: Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...
Trong trường hợp này, cha bạn có thể làm đơn yêu cầu chính quyền địa phương nơi mẹ bạn và người đàn ông đó đang chung sống như vợ chồng can thiệp, xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng và chấm dứt việc sống đó.
Nếu việc mẹ bạn và người đàn ông kia chung sống với nhau đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc thuộc vào trường hợp đã “gây hậu quả nghiêm trọng” (như đã nêu trên trường hợp dẫn đến ly hôn cũng được xem là trường hợp nghiêm trọng) thì cha bạn có quyền đề nghị cơ quan công an nơi mẹ bạn và người đàn ông kia chung sống xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Đoàn Văn Nên
Luật sư Đoàn Văn Nên.
Đối với câu hỏi của bạn luật sư tư vấn như sau:
Căn cứ vào Điều 51 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định như sau:
Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, thì mẹ bạn hoàn toàn có quyền đơn phương yêu cầu tòa giải quyết ly hôn, trong trường hợp bố bạn không đồng ý thì mẹ của bạn phải chứng minh tình trạng hôn nhân của bố mẹ bạn đang trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được. Nếu tòa thấy có căn cứ thì tòa án sẽ chấp nhận yêu cầu ly hôn của mẹ bạn, mặc dù bố bạn không đồng ý.
Còn về vấn đề mẹ bạn chung sống với một người khác có con riêng, trong thời gian bố bạn thi hành án tù, thì mình tư vấn như sau: theo quy định của pháp luật thì hành vi trên của mẹ bạn đã vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, và tùy vào mức độ vi phạm thì sẽ bị áp dụng các hình thức xử lý khác nhau như trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự nếu như hành vi đó thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm theo điều 147 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng cụ thể như sau:
“1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”
Còn trong trường hợp hành vi của mẹ bạn chưa đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo điều 147 BLHS thì mẹ bạn có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã như sau:
\"1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
d) Kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
đ) Kết hôn giữa cha mẹ nuôi với con nuôi;
e) Kết hôn giữa người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
Như vậy, trong trường hợp này bố của bạn hoàn toàn có quyền làm đơn tố cáo ra cơ quan công an về hành vi của mẹ bạn, tuy nhiên để chứng minh cho việc tố cáo là có căn cứ, bố của bạn cần phải cung cấp những chứng cứ chứng minh cho hành vi vi phạm đó.
Trên đây là toàn bộ ý kiến tư vấn của luật sư! Trân trọng.
Luật sư Nguyễn Đức Biên
Luật sư Nguyễn Đức Biên.
Chào bạn,
Đã đến nước này rồi thì mọi việc đã xong. Mẹ bạn không còn muốn sống chung với cha của bạn nên có quyền đơn phương ly hôn nhé cho dù cha bạn có đồng ý hay không.
Chào bạn!
Luật sư Nguyễn Hòa
Luật sư Nguyễn Hòa.
Chào bạn!
Trước tiên xin trân trọng cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đề nghị tư vấn, chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn và giải đáp thắc mắc của bạn như sau:
Cơ sở pháp lý:
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
Căn cứ Khoản 1, Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình thì “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết việc ly hôn”. Do đó, nếu đối phương ( vợ hoặc chồng) không đồng ý kí vào đơn thì bên còn lại có thể làm đơn ly hôn theo yêu cầu của một bên.
Vì vậy trường hợp mẹ bạn đơn phương ly hôn là được.
Trường hợp bố bạn có quyền tố cáo mẹ bạn vi phạm luật hôn nhân gia đình hay không?
Với những gì bạn cung cấp thì mẹ bạn đã vi phạm nghiêm trọng những quy định của pháp luật.
–Thứ nhất, mẹ bạn có dấu hiệu tội phạm hình sự khi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, quy định tại Hiến pháp năm 2013, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 và Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009.
Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“2. Cấm các hành vi sau đây:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;
e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
h) Bạo lực gia đình;
i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.”
Việc mẹ bạn ngoại tình công khai đã vi phạm vào điều cấm của pháp luật tại điểm c khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
Điều 147 Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về tội vi phạm chế độ một vợ một chồng:
“Điều 147. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
1.Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2.Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”
Ly hôn là hậu quả nghiêm trọng từ việc ngoại tình dẫn đến, do đó nếu khởi kiện, mẹ bạn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc từ 3 tháng đến 1 năm.
Luật Thuận Nguyễn mong rằng những gì chúng tôi cung cấp nêu trên giúp quý khách phần nào hiểu được quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Xin chân thành cảm ơn sự đồng hành của quý khách!
Trân trọng ./.
Luật sư Nguyễn Hòa Thuận.
Lĩnh vực Hôn nhân gia đình
Không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm?
Gửi một câu hỏi miễn phí trên diễn đàn công cộng của chúng tôi. Đặt một câu hỏi
Đặt câu hỏi- hoặc -
Tìm kiếm luật sư bằng cách đánh giá và xếp hạng..
Tìm kiếm luật sư