Về luật lao động
Kính gửi Luật sư, tôi là lái xe tại một công ty cho thuê xe. Tôi có 2 câu hỏi rất mong nhận được sự tư vấn từ Luật sư như sau:
1. Khi tôi vào làm việc, công ty tôi có kí 1 hợp đồng lao động 8h/ngày nhưng công ty cũng bắt nhân viên kí thêm 1 thoả thuận lao động với thời gian làm việc là 12h/ngày (có sự kí kết giữa 2 bên). Hiện nay, mọi nhân viên lái xe đều phải làm việc theo thoả thuận lao động là 12h/ngày này và kéo dài trong thời gian dài. Như vậy thoả thuận lao động đó có đúng với Luật lao động không? Và nếu tôi không muốn tiếp tục thực hiện theo thoả thuận lao động này thì cần phải làm như thế nào vì công ty tôi vẫn ép tôi thực hiện mặc dù tôi đã từ chối.
2. Tôi đóng công đoàn phí hàng tháng tại công ty kể từ khi bắt đầu vào làm việc. Tuy nhiên, BCH công đoàn tại công ty không tổ chức hoạt động công đoàn và không công khai tài chính, cũng như từ chối trả lời các thắc mắc liên quan đến quyền lợi của công đoàn viên. Như vậy, tôi phải làm gì trong trường hợp này?
Trân trọng!
2 Luật sư trả lời
Chào bạn,
Một số vấn đề trao đổi đối với vướng mắc của bạn như sau:
1. Thời giờ làm việc: Bộ Luật lao động quy định như sau:
Điều 104. Thời giờ làm việc bình thường
1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần.
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.
3. Thời giờ làm việc không quá 06 giờ trong 01 ngày đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.
Trường hợp của bạn, Công ty có bắt nhân viên ký thêm thỏa thuận với thời gian làm việc 12 giờ/ngày. Tuy nhiên thỏa thuận này là vi phạm quy định của Bộ luật lao động. Bạn có thể khiếu nại đến người sử dụng lao động. Trường hợp người sử dụng lao động không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng, bạn có thể thực hiện khiếu nại lần hai đến Sở Lao động - Thương binh và xã hội nơi Công ty đặt trụ sở để có sự can thiệp và bảo vệ quyền lợi của người lao động. Ngoài ra, với hành vi này của người sử dụng lao động, bạn có thể đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng lao động trước thời hạn theo quy định tại Điều 37 Bộ luật lao động.
2. Về đoàn phí Công đoàn: Luật công đoàn quy định như sau:
Điều 27. Quản lý, sử dụng tài chính công đoàn
1. Công đoàn thực hiện quản lý, sử dụng tài chính công đoàn theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
2. Tài chính công đoàn được sử dụng cho hoạt động thực hiện quyền, trách nhiệm của Công đoàn và duy trì hoạt động của hệ thống công đoàn, bao gồm các nhiệm vụ sau đây:
a) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động;
b) Tổ chức hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động;
c) Phát triển đoàn viên công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng công đoàn vững mạnh;
d) Tổ chức phong trào thi đua do Công đoàn phát động;
đ) Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn; đào tạo, bồi dưỡng người lao động ưu tú tạo nguồn cán bộ cho Đảng, Nhà nước và tổ chức công đoàn;
e) Tổ chức hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch cho người lao động;
g) Tổ chức hoạt động về giới và bình đẳng giới;
h) Thăm hỏi, trợ cấp cho đoàn viên công đoàn và người lao động khi ốm đau, thai sản, hoạn nạn, khó khăn; tổ chức hoạt động chăm lo khác cho người lao động;
i) Động viên, khen thưởng người lao động, con của người lao động có thành tích trong học tập, công tác;
k) Trả lương cho cán bộ công đoàn chuyên trách, phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ công đoàn không chuyên trách;
l) Chi cho hoạt động của bộ máy công đoàn các cấp;
m) Các nhiệm vụ chi khác.
Ngoài ra, Công đoàn có trách nhiệm công khai tài chính công đoàn (mức thu, mức chi, đối tượng chi) tại Hội nghị người lao động hàng năm tại Công ty.
Trường hợp Công ty bạn có thu đoàn phí công đoàn nhưng công đoàn không tổ chức hoạt động theo các nội dung quy định trên, bạn có thể khiếu nại lần đầu đến Người sử dụng lao động, Ban chấp hành công đoàn Công ty để giải quyết. Trường hợp khiếu nại không được giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng, bạn có thể khiếu nại lần 2 đến Công đoàn cấp trên trực tiếp (Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương/Liên đoàn lao động quận, huyện/Liên đoàn lao động khu công nghiệp, khu chế xuất).
Thân mến.
Luật sư Lê Thị Hoàng Niệm.
Luật sư Lê Thị Hoàng Niệm.
Chào anh,
Giải đáp cho hai vấn đề của anh như sau:
1. Về thời giờ làm việc
Pháp luật lao động quy định, thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần.
Vì vậy, thời giờ làm việc như trên của anh tại công ty là vi phạm pháp luật và hợp đồng trong trường hợp này bị xem xét tuyên bố vô hiệu. Anh có quyền không tiếp tục thực hiện.
2. Về công đoàn phí
Pháp luật Công đoàn quy định, Tài chính công đoàn được sử dụng cho hoạt động thực hiện quyền, trách nhiệm của Công đoàn và duy trì hoạt động của hệ thống công đoàn, bao gồm các nhiệm vụ sau đây:
a) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động;
b) Tổ chức hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động;
c) Phát triển đoàn viên công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng công đoàn vững mạnh;
d) Tổ chức phong trào thi đua do Công đoàn phát động;
đ) Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn; đào tạo, bồi dưỡng người lao động ưu tú tạo nguồn cán bộ cho Đảng, Nhà nước và tổ chức công đoàn;
e) Tổ chức hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch cho người lao động;
g) Tổ chức hoạt động về giới và bình đẳng giới;
h) Thăm hỏi, trợ cấp cho đoàn viên công đoàn và người lao động khi ốm đau, thai sản, hoạn nạn, khó khăn; tổ chức hoạt động chăm lo khác cho người lao động;
i) Động viên, khen thưởng người lao động, con của người lao động có thành tích trong học tập, công tác;
k) Trả lương cho cán bộ công đoàn chuyên trách, phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ công đoàn không chuyên trách;
l) Chi cho hoạt động của bộ máy công đoàn các cấp;
m) Các nhiệm vụ chi khác.
Trường hợp này. anh có thể liên hệ với Sở lao động, thương binh và xã hội tại nơi mình làm việc để báo cáo về tình trạng này và đề nghị được hổ trợ giải quyết.
Trân trọng!
Luật sư Nguyễn Ngọc Diệp.
Luật sư Nguyễn Ngọc Diệp.
Lĩnh vực Lao động
Không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm?
Gửi một câu hỏi miễn phí trên diễn đàn công cộng của chúng tôi. Đặt một câu hỏi
Đặt câu hỏi- hoặc -
Tìm kiếm luật sư bằng cách đánh giá và xếp hạng..
Tìm kiếm luật sư