Vợ tự ý bồng con đi
4 Luật sư trả lời
Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến luật sư tư vấn pháp luật. Nội dung câu hỏi của bạn đã được Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật dân sự năm 2015;
- Luật hôn nhân và gia đình 2014
2. Luật sư tư vấn:
Bạn chưa nói rõ vợ bạn bồng con đi từ khi nào? Được bao lâu? Trong trường hợp vợ bạn bỏ đi chưa được 02 năm thì bạn không thể nộp đơn ly hôn đơn phương tại thời điểm này:
Căn cứ Khoản 2 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên:
\"Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.\"
Để tuyên bố một người mất tích cần dựa theo quy định tại Khoản 1 Điều 68 Bộ Luật dân sự 2015, cụ thể là:
\"Khi một người biệt tích hai năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án có thể tuyên bố người đó mất tích. Thời hạn hai năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.\"
Như vậy, nếu trường hợp vợ bạn mới bỏ đi chưa được 02 năm mà bạn chưa áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm vợ bạn theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự thì bạn chưa có đủ căn cứ để yêu cầu Tòa án tuyên bố vợ bạn mất tích. Nói cách khác, bạn chưa thể nộp đơn để ly hôn đơn phương tại thời điểm này.
Tuy nhiên, nếu sau khi đã áp dụng đầy đủ những biện pháp thông báo, tìm kiếm vợ bạn mà sau 02 năm liền trở lên vẫn không có tin tức xác thực về việc vợ bạn còn sống hay đã chết, thì bạn - người có quyền và lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố vợ bạn mất tích. Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về vợ bạn. Sau khi Tòa án tuyên bố vợ bạn mất tích, bạn xin ly hôn thì Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn.
Để ly hôn với người vợ đã bỏ đi biệt tích, bạn phải làm đơn gửi đến Toà án cấp huyện nơi bạn đang cư trú để yêu cầu toà án tuyên bố người đó mất tích. Gửi kèm theo đơn yêu cầu là chứng cứ để chứng minh vợ bạn đã biệt tích hai năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hoặc đã chết và chứng minh cho việc bạn đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm. Bạn có thể làm đơn yêu cầu công an phường xác nhận việc này và nếu đã xóa hộ khẩu thì phải xác nhận đã xóa từ thời điểm nào để Tòa án làm căn cứ tuyên bố mất tích.
Sau khi thụ lý, Tòa án sẽ ra quyết định thông báo tìm kiếm người mất tích trên báo của trung ương trong 3 số liên tiếp và đài phát thanh hoặc đài truyền hình trung ương 3 lần trong 3 ngày liên tiếp. Sau 4 tháng kể từ ngày đăng, phát thông báo đầu tiên mà vợ anh không trở về hoặc có tin tức báo về thì Tòa án sẽ họp xét đơn yêu cầu tuyên bố công dân mất tích của bạn.
Sau khi có quyết định của Tòa án tuyên bố vợ bạn mất tích, bạn mới có thể làm đơn xin ly hôn với vợ.
Về thủ tục ly hôn đơn phương:
Ly hôn đơn phương là chỉ có một bên vợ hoặc chồng đồng ý ly hôn, tự nguyện ký vào Đơn xin ly hôn. Đơn xin ly hôn phải có xác nhận của UBND cấp xã về nguyên nhân ly hôn, mâu thuẫn vợ chồng. Trước khi xác nhận, tổ hòa giải ở cấp xã sẽ tiến hành hòa giải 3 lần. Theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, Tòa án khi tiếp nhận đơn xin ly hôn đơn phương sẽ tiến hành hòa giải tại tòa. Nếu hòa giải không thành, tòa án sẽ tiến hành thủ tục ly hôn theo quy định của pháp luật. Căn cứ chính để tòa giải quyết cho ly hôn đơn phương là: tình trạng hôn nhân trầm trọng, không thể kéo dài.
+ Hồ sơ ly hôn bao gồm:
- Đơn xin ly hôn đơn phương (Theo mẫu)
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
- Chứng minh nhân dân của vợ và chồng (bản sao có chứng thực);
- Giấy khai sinh của các con (bản sao có chứng thực);
- Sổ hộ khẩu gia đình (bản sao có chứng thực);
- Tài sản (nều có).
+ Nơi nộp hồ sơ :
Tòa án nhân dân cấp huyện nơi thường trú của người ký đơn xin ly hôn.
+ Thời gian giải quyết: Tối đa là 04 tháng.
+ Vấn đề phân chia tài sản khi ly hôn:
Theo Khoản 1 Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn:
\"Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2,3,4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2,3,4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.\"
Lưu ý: Sẽ rất khó khăn cho bạn trong trường hợp bạn muốn ly hôn đơn phương, trường hợp này bạn cần thực hiện thủ tục ly hôn với người mất tích (Nếu không thể hoặc không biết cô ấy ở đâu).
Bạn hỏi: vợ tôi bồng con đi tôi không biết, vợ tôi có vi phạm gì không?
Căn cứ vào quy định tại Điều 53 Nghị định số 167/2014/NĐ-CP có quy định như sau:
\"Điều 53. Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền và nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau\".
Như vậy, hành vi đưa con bỏ trốn của vợ bạn đã vi phạm quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con cái của cha mẹ. Bạn có thể khiếu nại hành vi này lên cơ quan có thẩm quyền nơi bạn đang cư trú. Hành vi của vợ bạn có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 53 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP như trên.
Trân trọng./.
Luật sư Nguyễn Mạnh Cường
Luật sư Nguyễn Mạnh Cường.
Chào bạn!
Câu hỏi của bạn có phần \"ngoài vùng phủ sóng\" của Luật sư!
Tôi chỉ khuyên anh một là anh nên đi tìm vợ con về và làm hòa giải quyết gia đình êm đẹp. Nếu anh giải quyết không được thì anh có quyền thực hiện quyền của mình theo quy định pháp luật Hôn nhân và Gia đình.
Chị ấy không vi phạm luật Hôn nhân và Gia đình.
Trân trọng
Luật sư Dương Hoài Vân
Luật sư Dương Hoài Vân.
Chào bạn!
Trước tiên xin trân trọng cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi, chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn và giải đáp thắc mắc của bạn như sau:
Cơ sở pháp lý:
Luật hôn nhân gia đình năm 2014
“Điều 71. Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng
1. Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
2. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.”
Như vậy, giữa hai bên chưa chấm dứt quan hệ hôn nhân, chưa tiến hành ly hôn cũng như có quyết định của Tòa án đưa ra về quyền nuôi con thì quyền và nghĩa vụ về việc chăm sóc và nuôi dưỡng là ngang nhau. Vợ bạn không vi phạm pháp luật về luật hôn nhân và gia đình.
Cách giải quyết: Bạn có thể tiến hành thủ tục ly hôn và yêu cầu giành quyền nuôi con, lúc này Tòa án sẽ triệu tập vợ bạn về để giải quyết vụ việc.
Xin chân thành cảm ơn sự đồng hành của quý khách!
Trân trọng.
Luật sư Nguyễn Hòa Thuận.
Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:
Theo quy định luật hôn nhân và gia đình hiện hành cả cha và mẹ đều có quyền và nghĩa vụ chăm sóc và nuôi dưỡng con cái ngang nhau. Điều 69, 71 và 72 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định cha mẹ có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con.
Do đó việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con không những là nghĩa vụ mà còn là quyền của bạn. Bạn được thực hiện các quyền này mà không ai được ngăn cản, chối bỏ.
Hành vi của vợ bạn khi tự ý bồng con đi mà không nói một lời nào với bạn nghĩa là ngăn cản bạn thực hiện quyền, nghĩa vụ của cha mẹ đối với con là hành vi vi phạm hành chính theo Điều 53 “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.” Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.
Theo đó, vợ bạn có thể bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000 - 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền chăm sóc giữa cha và con.
Nếu vợ bạn bồng con ra đi nghĩa là đang ngăn cản bạn thực hiện các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ đối với con thì bạn có quyền trình báo với cơ quan công an, chính quyền địa phương để có biện pháp giải quyết và xử phạt vi phạm hành chính.
Luật sư Nguyễn Đức Biên
Luật sư Nguyễn Đức Biên.
Lĩnh vực Hôn nhân gia đình
Không thể tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm?
Gửi một câu hỏi miễn phí trên diễn đàn công cộng của chúng tôi. Đặt một câu hỏi
Đặt câu hỏi- hoặc -
Tìm kiếm luật sư bằng cách đánh giá và xếp hạng..
Tìm kiếm luật sư